ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

Cha Phêrô Trần Cung Viện

 CHA VÊRÔ TRẦN CUNG VIỆN

(1865-1918)

-------------------

Vêrô Trần cung Viện sinh ra tại họ Mặc Bắc năm 1865. Đến tuổi khôn cha mẹ cho vào Nhà trường Latinh Saigon.

Vêrô từ thuở bé tánh nết chơn chất thật thà, nhứt là có tiếng hiền lành nhịn nhục, ai ai đều thương mến, người giữ một lòng nhơn đức hiền lành như vậy cho đến chết chẳng hề đổi. Việc học hành chẳng thua sút ai. Ở nhà trường mấy năm hằng giồi mài kinh sử cùng đặng tấn tới trong đàng nhơn đức càng ngày càng hơn.

Qua năm 1894 người đã thọ quờn chánh tế và ra làm phó sở họ Tân An. Khi đó Cha sở Tân An là Cha Lựu (P. Benoit). Bỡi người có tánh hiền lành nhơn đức nên Cha sở thương yêu người lắm. Ai cũng biết hai người thiệt tình thương yêu nhau như hai anh em ruột. - Năm 1896 Bề trên dạy người ra coi họ Ba Giồng cũng là thuộc về địa sở Tân An. Đến sau Cha Lựu đổi xuống coi họ Chà Và về hạt Trà Vinh, thì kế đó Cha Viện cũng đổi xuống Giồng Rùm cũng là trong sờ Cha Lựu. - Năm 1915 thì Cha đổi đi Rạch Lọp, khi đó Cha Lựu đã khoản rồi. Cha Viện ở Rạch Lọp cho đến khi mang bịnh nặng thì lên dưỡng bịnh tại Chí Hòa cho đến chết cùng táng xác tại đó.

Tánh hiền lành nhịn nhục là nhơn đức riêng của Cha Vêrô Viện. Lúc người còn sức khỏe mà coi họ thì biết đã gặp bao nhiêu sự nhàm lờn cực khổ. Biết mấy lần đã gặp những kẻ kiêu ngạo cứng cỏi làm cực lòng người. Song Cha Vêrô cứ một lòng nhịn nhục ngậm cay ăn đắng, chẳng hề nghe người phàn nàn than thở một lời. Nhứt là lúc bịnh hoạn người càng làm gương nhơn đức nhịn nhục hơn nửa, Hơn hai năm trường người bị một cái ung độc trong miệng đau đớn nhức nhối lắm. Ăn ngủ chẳng đặng. Người có vóc vạc chắc chắn mạnh mẽ lắm; song khi mang bịnh nầy thì ốm o gầy mòn, đến đỗi dầu là các Cha quen biết, khi đến viếng thăm thì nhìn mặt chẳng đặng nữa. Khi lên dưỡng bịnh tại Chí Hòa thì bịnh đã ra nặng lắm. Người quyết lên đó cho đặng thấy mặt các Cha cho có chút sự an ủi.

Đêm ngày nằm thim thíp trên giường, lâu ngày đau đớn liệt nhược không hề trở trăn đặng. Dầu lúc cực lực đau đớn lắm, song khi có Cha nào đến thăm thì người chấp tay kính chào mà tỏ lòng cám ơn lắm. Một sự làm cho động lòng; là thấy Cha dầu đau đớn mệt nhọc hết sức, song cũng vui cười truyện vãn như thể trong mình không đau đớn bịnh hoạn chút nào hết. Ung độc trong miệng làm cho ăn uống không đặng, tay chơn gầy guộc, mặt thì sưng lên, nhức nhói đau đớn, con mắt bên hữu phải hư, hình dạng đổi khác thường; không ai thấy mà cầm lòng đặng. Dầu vậy thấy Cha vui cười, chẳng nghe than thở rên siết chút nào. – Bịnh cứ dủ nhựt dủ tăng, qua ngày 13 Novembre thì người đi lìa thế!

Ớ Cha rất đáng yêu dấu! Ớ thầy cả rất đáng kính! Thấy Cha nằm đau đớn liệt nhược trên giường thì bắt nhớ Đ. C. G. xưa đang hồi chịu nạn trên thánh giá. Bấy lâu cha coi sóc họ nọ họ kia biết bao nhiêu công lao khó nhọc, biết bao nhiêu ơn lành Cha đã làm cho thiên hạ. Mà nay khi Cha nằm một mình đây, ai viếng thăm giúp đỡ Cha? Thấy có một đệ tử tên Son theo giúp đỡ tới cùng, thật đáng khen cho đệ tử rất có công với thầy mình, xin Chúa trả công. - Ớ thầy cả rất đáng thương mến. Hồi Cha nằm đây vắng vẻ hìu quạnh một mình và phải bịnh hoạn hành hà thân xác cực khổ dường ấy, thì sức nào mà Cha chịu đặng? Âu là có ơn riêng Chúa ban cho Cha, chắc dầu phải lìa mặt cách xa con cái, song lòng Cha chẳng hề quên đâu; ắt Cha chịu đau đớn khốn cực như vậy, cho đặng nên như của lễ thượng tiến dưng cho Chúa, cùng cầu xin cho các con cái các họ Cha xem sóc xưa nay.

Ớ người giáo hữu hãy biết thương những đấng coi sóc linh hồn mình Khi sống bỏ hết mọi sự, đêm ngày hằng lo lắng cho ta đặng ấm no bề phước đức, chẳng quản công lao, chẳng sợ khó nhọc. Lại ghe phen còn phải ngậm cay ăn đắng vì con cái. Sống thì lo cho hết mọi người, chết thì một mình như không còn ai tưởng tới. Chớ chi còn có ai thí cho một đôi lễ Misa thì lớn phước là dường nào!

Ớ Cha Vêrô ôi! Tôi thấy Cha nằm trong một quan tài đơn sơ, có tám người khiêng, hòm trần không rạp, cũng như đám xác một người khó khăn vậy, thì lòng tôi đau đớn lắm! Song thương Cha kính Cha và mừng cho Cha hơn, vì đã sống khó khăn và chết khó khăn. Của cải Cha đã gởi trước về nước thiên đàng. Nay Đức Cha phó và anh em thầy cả chúng tôi đưa cho tới huyệt nầy mà từ giả Cha lần sau hết. Xin Cha tạm nghỉ nơi đây đợi trông ngày sau sống lại vang hiển. Chúng tôi sẽ hết lòng cầu nguyện cho Cha, ngày nào Cha tới nước thiên đàng xin nhớ đến anh em chúng tôi và cầu nguyện cho các con chiên Cha - Công nghiệp Cha bao nhiêu một mình Chúa biết, tôi thật chẳng đáng, song xin dưng đôi lời quê vụng mà trọng kính đưa Cha.

Lôsensô

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1918

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét