ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Hạnh tích Cha Bề trên Delignon

 

HẠNH TÍCH CHA BỀ TRÊN DELIGNON

----------------------

Cha Urbain-Marie-Anselme Delignon

Cha Anselmô Delignon sinh ra ngày 21 tháng Avril năm 1865, tại Saint-Urbain, tĩnh Haute-Marne, địa phận Langres, bên nước Phalangsa. Khi lớn khôn cha mẹ cho vào ăn học tại trường Latinh thành Langres. Cách ít lâu sau, người vô trường lớn, lúc đó cha cai trường là thầy cả Perriot, là một vị linh mục thông thái, đã lập tờ báo L’Ami du Clergé, là một tờ báo có tiếng, đã giúp ích cho hàng linh mục, trong cả hoàn cầu đều biết.

Anselmô có trí sáng lại ham học hành, nên bề chữ nghĩa thì rất tấn phát. Còn bề đạo đức, thì những chuyên lo giồi mài tánh nết, lại nhờ cha Perriot, là cha linh hồn coi sóc dìu dắc, nên Anselmô đặng chóng mau tấn tới trong đàng lành. Nhờ đó mà sau đây, Anselmô đặng nên một linh mục đích đáng, đủ tài đủ đức, nên gương chói rạng trong hàng đạc đức.

Khi Anselmô đặng 23 tuổi, thì bề trên kêu người chịu chức linh mục, là ngày mồng sáu tháng Mars năm 1888. Chịu chức rồi, người làm phó họ Notre-Dame de la Noue tại Saint-Dizier.

Học trò cựu một lớp học với cha Anselmô, bây giờ còn Đức cha Moissonnier, bề trên địa phận Langres. Địa phận nầy có tiếng, vì sinh đặng nhiều linh mục thông thái đạo đức, làm nhiều ích cho Hội Thánh.

Cha Anselmô làm cha phó đặng một năm, song lòng không thích, vì quyết định dưng mình cho Chúa, để đi giảng đạo xứ xa. Người cầu nguyện cho biết thánh ý Chúa; và bàn tính cùng cha linh hồn, là thầy cả Perriot, đoạn qua năm sau là năm 1889, cha Anselmô xin nhập trường Hội giảng đạo ngoại quốc, tại kinh Thành Paris. Lúc đó tại trường Hội giảng đạo, có cha Mutel, là đấng lãnh việc coi sóc các thầy trong trường. Cha Mutel thấy Anselmô có lòng sốt sắng và đặng trí khôn sắc sảo, thì yêu dùng lắm. Đến sau cha Mutel đặng thăng quyền Giám mục địa phận Séoul, bên nước Corée. Cách ít năm trước đây, lúc Đức cha Mutel đi thành Rôma, chầu lễ phong bực Á thánh cho các đứng tử vì đạo bên nước Corée, ghé Saigon. Lúc đó cha Bề trên Delignon ở tại nhà Đức cha. Khi Đức cha Mutel gặp lại con yêu dấu người, thì Đức cha rất đỗi vui mừng, nói nhiều lời khen ngợi, nhắc lại tánh nết, lòng sốt gắng đạo đức của cha, lúc còn ở học tập tại trường Paris. Trong tháng Décembre rồi đây, Đức cha Mutel có việc gởi thơ cho Đức cha Isidôrô, thì cũng còn nhắc nhở và nói nhiều lời rất thiết yếu về cha Bề trên Delignon. Thấy đó thì biết, lúc khi cha ở tại trường thành Paris, thì đã ăn ở thế nào, nên mới đặng kẻ bề trên yêu chuộng như vậy.

Cha Anselmô ở tại trường Hội giảng đạo đặng một năm, qua năm sau, bề trên sai người qua giảng đạo bên xứ Nam-kỳ. Vậy người giã từ cha mẹ bà con, xuống tàu ngày 15 Octobre năm 1890, cách một tháng sau, cha tới Saigon, thì Đức cha Colombert sai người xuống Cái-mơng, ở với cha Bề trên Quí (P. Gernot) mà học tiếng annam. Ở đó một năm, cha học tiếng annam, cùng dòm xem phong tục tánh tình người bổn quốc, thì cha liền đem hết dạ mến yêu. Và cha đã giữ lòng đó luôn cho đến chết! Cha Anselmô nói tiếng annam rành rẽ lắm, cung giọng y người annam. Cha ham học cùng coi sách vở chữ annam, Đến sau, dầu đã lớn tuổi rồi, lúc cha rảnh, thì cha coi nhựt trình, truyện tuồng chữ annam. Trên bàn viết cha thì thấy để nhiều sách chữ annam luôn.

Cha ở Cái-mơng đặng một năm, qua năm sau là năm 1892, Đức cha đổi về làm giáo sư, dạy tại trường Latinh Saigon cho đến năm 1894, thì cha đổi về nhà thờ chánh Saigon, làm cha phó, ở với cha già Le Mée và cha Phanxicô Assou.

Cha ở đó đặng 4 năm, qua đầu năm 1897, lối tháng Mars, thì Đức cha Dépierre đổi cha về coi nhà phước và họ Chợ-quán. Lúc đó cha đặng 32 tuổi, sức lực mạnh mẽ, trí khôn sắc sảo, tướng mạo đầm thấm nghiêm trang. Ngó thì biết là một người mực thước, tánh tình nghiêm thẳng.

Khi cha vừa lãnh họ, thì ngày Chúa nhựt, cha lên tòa giảng, ra mắt cùng bổn đạo, cha nói ít lời như vầy: ớ anh em, Đức cha sai cha về đây mà cai trị anh em, nên anh em phải giữ lời cha... Lễ rồi quới chức, bổn đạo tựu lại chúc mừng cha, khi xong xuôi các cuộc, ai nấy lui về. Lúc đó ông huyện sáu, Trịnh khánh Tấn, là một nhà nho sĩ, náng ở lại thăm cha, ông huyện bèn thưa với cha như vầy: Thưa cha, sớm mai cha giảng tiếng annam, cha nói nghe rõ ràng, Song rủi lời cha nói có ý cứng một chút, khó nghe, cha nói Đức cha sai cha đến đây mà cai trị anh em... Phải chi cha nói như vầy: Đức cha sai cha về đây coi sóc lo lắng cho anh em, như vậy thì nghe có ý vị thâm trầm hơn. Cha nghe ông huyện nói, thì không hờn, lại hết lòng cảm ơn nữa. Đến sau chính mình cha thuật truyện ấy lại và thêm rằng: còn nhỏ ai cũng lấy sự khẳng khái làm phải, song đến sau khi có tuổi rồi, mới rõ, sự hiền lành, lời dịu dàng thì là quí hơn. Một muỗng mật ngọt thì quí hơn một thùng giấm chua. Mà thật sự, từ đó cha đã giữ như lời cha nói.

Cha coi họ Chợ-quán đặng 16 năm, tận tình lo lắng, nhứt là kẻ nghèo người bịnh tật, thì cha rộng tay trợ giúp. Khi cha đi kẻ liệt, trúng người bịnh nghèo khó, thì cha giúp tiền bạc cho uống thuốc. Khi thấy người liệt không có mền chiếu, thì lúc cha về nhà, cha dạy trẻ ở mau mau lấy chiếu mền của cha, đem cho người liệt. Kẻ nghèo khó thiếu quần áo đến thăm cha, thì cha mau mau dạy xuống nhà phước 1ấy vải đem lên phát cho.

Cách cha ở với bổn đạo thật rất tận tình, cha tiếp trước, truyện vãn vui vẻ với hết mọi người, kẻ giàu cũng như người khó. Cha hay đi viếng thăm bổn đạo, cùng khuyên lơn an ủi. Bổn đạo họ Chợ-quán thấy cha ở như vậy, thì ai nấy đều đem lòng mến yêu kính chuộng.

Cha có lòng thương kẻ nghèo, nên đến sau cha ở chỗ nào, thi cũng thấy nhiều người khó chạy đến cùng cha.

Cha cũng tận tâm lo cho nhà phước Chợ-quán, tuy cách cha ở nghiêm thẳng cùng nhặt phép, song cha biết chế độ, tùy thì tùy thế, làm cho quyền hành cha không nên gánh nặng cho kẻ bề dưới. Cho đến bây giờ nhà phước Chợ-quán cũng còn nhớ công khó cha, hay nhắc nhở cùng năng đến viếng thăm cha. Đến sau khi cha qua đời rồi, thì trót hai ngày, các dì thay phiên canh xác cha và lo tẩn liệm cho cha.

Khi ở Chợ-quán, thì cha đem cha Louvet về ở với cha. Cha Louvet khi đó đã già yếu, hai chơn bị tê bại đi đứng không đặng nữa. Cha Anselmô tận tình lo nuôi dưỡng. Mỗi chiều tối thứ 7, thì chính mình cha lo tắm rửa cho cha Louvet.

Đến sau cha cũng xin Đức cha cho cha Vàng, là em cha Phan vô ở với cha mà dưỡng bịnh.

Cha cũng có lòng thương kẻ bịnh hoạn, hễ vừa nghe có cha nào đau ở nhà thương, thì cha mau mau đến viếng thăm. Cha ưa sự đi viếng kẻ liệt. Đó cũng bỡi lòng mến Chúa yêu người mà ra!

Qua năm 1909, chiều ngày áp lễ Bổn mạng cha, là ông thánh Anselmô, thì Đức cha Mão vô thăm cha như mọi năm. Song lần nầy Đức cha tỏ dấu vui vẻ hơn thường, và trước khi ra về, thì Đức cha nói cùng cha Delignon rằng: Cha Bề trên Lallement qua đời, vậy Ta muốn chọn một cha lên thế cho cha Lallement, vậy cha tưởng cha nào lãnh việc ấy đặng. Cha Delignon bèn chỉ cha nầy cha khác, song Đức cha lắc đầu có dấu không phục ý. Sau hết Đức cha mới nói rằng: người mà Ta muốn chọn làm Bề trên thế cho cha Lallement, là cha sở họ Chợ-quán. Đức cha nói vừa dứt lời liền ôm hôn cha Delignon cách rất thiết yếu. Bổn đạo họ Chợ-quán bày lễ rất long trọng mà mừng cha sở đặng thăng quờn Bề trên địa phận.

Lúc đó cha cùng tính với quới chức lập hội Các Đẳng, để giúp nhau trong giờ sau hết. Hội nầy giúp nhiều ích cho con nhà có đạo, hiện nay nhiều người đã vô hội nầy và có vẻ tấn phát lắm.

Đang lúc cha tận tâm lo lắng công việc trong họ, cha tưởng còn ở lâu dài với con chiên bổn đạo, ai hay Chúa định cách khác, là qua năm 1913, cha Dumas già yếu, nên xin từ chức bề trên. Vậy Đức cha Mão bèn chọn cha Bề trên Delignon, về thế cho cha Dumas, mà coi sóc cùng dạy các thầy trường lớn? Nên ngày 15 Août năm 1913, cha giao gánh lại cho cha Laurent, rồi ra khỏi họ Chợ quán mà về trường Latinh.

Cha đổi về làm Bề trên trường Latinh, tuy cha sẵn lòng vưng lời bề trên, song bỡi cha coi họ đã lâu năm, lại tuổi cũng lớn, phần sự dạy dỗ trong nhà trường có hơi nặng cho cha. Song cha không thở than, một ép mình làm cho trọn ý đấng Bề trên. Tuy cha đổi về nhà trường, chớ thật sự thì lòng cha còn ở lại Chợ-quán, đổi chỗ chớ không đổi lòng, nên hễ tới ngày nghỉ, thì cha lụm cụm xách dù trở về thăm viếng nhà phước cùng bổn đạo.

Cha ở trường đặng ba năm, kế cha lâm bịnh, lương y dạy phải trở về tây điều dưỡng. Vậy đầu tháng Mai năm 1916 cha xuống tàu trở về Đại-Pháp, cha ở nghỉ tại quê nhà đặng hai năm, qua đầu tháng Mars năm 1918, cha trở lại xứ Nam-kỳ. Tới Saigon, Đức cha Mão sai cha vô coi họ Tân-định. Cha lo cất nhà trường, rước các Thầy dòng đến dạy trẻ con trong họ. Cha cũng là cất nhà cha lại cho vững chắc, Cha coi họ Tân-định cho đến năm 1924, lúc Đức cha Quinton lâm bịnh về tây, thì cha làm Bề trên coi sóc địa phận cho đến ngày 26 tháng Mars năm 1926.

Lúc cha coi địa phận thế cho Đức cha, thì người khéo ở, nên bề giao thiệp cùng quan trên có vẻ rất thâm tình. Ai nấy đều khen ngợi cha là một đấng khôn ngoan thông thái, hiền từ đức hạnh. Nhiều người pháp quen biết cha, thì đem lòng thương mến tin cậy, đến sau trong lúc bịnh hoạn, thì xin mời cha đến làm phước giải tội cho mình. Tại nhà thương Angier, cha lo cho nhiều người bệnh đặng ơn trở lại trong giờ sau hết. Các bà và quan thầy thuốc biết ơn cha, nên trong khi cha lâm bịnh lần nầy, thì quan thầy tận tình lo lắng, mỗi ngày đến viếng thăm tuần mạch cho thuốc.

Khi Đức cha Isiđôrô thăng quyền Giám mục, là ngày 26 tháng Mars năm 1926, thì xin cha Bề trên Delignon xuống coi nhà phước và họ Cái-mơng thế cho Đức cha. Song cha ở Cái-mơng không đặng bao lâu, vì qua năm sau, cha Bề trên Hay qua đời, thì Đức cha chọn cha Bề trên Delignon về làm bề trên nhà trường Latinh, cùng dạy sách đoán cho các thầy trường lớn. Qua tháng Avril năm 1930, cha đau nên xin từ chức bề trên nhà trường, song còn ở lại đó mà dạy sách đoán, cùng lo dạy các chị ở nhà tập mình bên nhà phước trắng. Cha cũng lãnh ngồi tòa cho các bà phước trắng, làm lễ bên nhà kín, và mỗi bốn mùa thì cha đi ngồi tòa cho các bà phước trong nhiều chỗ. Cha Bề trên Delignon làm các việc ấy một cách sốt sắng và vui lòng, nên ai nấy đều đem lòng cảm mến công đức cha.

Qua lối tháng Septembre năm rồi, cha coi trong mình một ngày một yếu, ăn uống không tiêu, sắc diện một ngày một xanh xao, tuồng như có bịnh chi nơi ruột gan. Tuy vậy, bề ngoài cha cũng vui cười và làm các việc như thường, cho đến cuối tháng Octobre, cha thấy không thể làm đặng nữa, thì cha xin Đức cha đi nghỉ một ít lâu lấy sức lại. Cha đi Phan-thiết ở ít ngày, rồi đầu tháng Décembre cha lên Dalat, ở không đặng một tuần lễ, phải trở về Saigon, vào nằm nhà thương nhà trường Latinh cho đến chết! Từ ngày cha đi Dalat về, thì bịnh một ngày một thúc tới, cha không ăn uống đặng nữa. Cha biết bịnh bất trị, giờ lâm chung gần tới, nên cha hết lòng dọn mình. Qua ngày thứ sáu trước lễ Sinh nhựt, lối bốn giờ chiều, cha chịu phép xức dầu thánh một cách sốt sắng, trí tỉnh tuồng như người mạnh vậy. Lúc cha Soullard xức dầu thánh cho cha, thì có Đức cha, các cha nhà trường, và một ít cha khác. Xức dầu rồi, cha nói ít lời rất cảm động từ giả và cám ơn cùng xin ai nấy cầu nguyện cho cha đặng ơn chết lành.

Một ít ngày trước khi cha qua đời, thì cha không còn muốn ai thăm viếng nữa. Cha sẵn lòng phú trót mạng sống trong tay Chúa. Cha nói với bà giúp việc, cha bây giờ đặng bình an trong lòng trong trí, cha nằm đó mà đợi giờ Chúa kêu! Chúa định thế nào, cha sẵn lòng theo ý Chúa.

Vậy sáng ngày mồng sáu tháng Janvier, lễ Ba Vua, cũng là ngày thứ sáu đầu tháng, lối chín giờ sớm mai, có dây thép nói cho hay, cha ngặt mình, nên tức thì Đức cha và một ít cha liền đến đọc kinh dổi, cầu cho cha trong giờ sau hết. Lúc đó cha không còn nói đặng nữa, song trí còn tỉnh. Khi đó coi trong mình cha cực lực lắm. Thấy cha lấy tay chùi nước mắt nhiều phen. Khi Đức cha an ủi và giải tội cho cha lần sau hết, thì Đức cha xin cha sẵn lòng dâng mạng sống cha mà cầu nguyện cho địa phận Saigon. Lúc đó thấy cha gật đầu, tỏ dấu ưng chịu như lời Đức cha nói. Cha ngặt mình như vậy cho đến năm giờ chiều, thì mới qua đời, linh hồn lìa xác cách êm ái, không có trở trăn chút nào hết. Lúc cha qua đời, thì có cha Frison, cha Delagnes và cha Phaolồ Vàng, đứng một bên giường cầu nguyện cho cha.

Khi sửa soạn mặc áo lễ cho người xong xuôi rồi, thì đem xác cha lên phòng khách tại trường Latinh. Qua sáng ngày sau và trót ngày Chúa nhựt, thì nhà phước Chợ-quán, Thủ-thiêm, bà phước trắng, bổn đạo họ Chợ-quán và bổn đạo các họ gần Saigon, thay phiên đến viếng xác và cầu hồn cho cha.

Qua 4 giờ chiều thứ 7, có mặt Đức cha và các cha, có quan thầy thuốc tây, ông cò thành phố sai đến thị chứng, thì liệm xác cha vào quan tài. Các dì phước Chợ-quán xin phép Đức cha, đoạn đỡ xác cha mà để vào hòm, rồi có thợ sẵn đó hàn chì và đậy nắp lại.

Cả đời cha Bề trên Delignon gồm tóm trong một câu nầy: là nhơn từ, hiền lành, đó là nhơn đức cha đã giữ trót đời. Đó cũng là một cớ làm cho hết thảy kẻ quen biết cha, đều đem lòng mến yêu Cha. Lúc khi cha còn làm bề trên trường Latinh, mỗi tuần lễ cha xuống dạy các thầy ba phen. Vậy trong vòng sáu tháng, cha nói có một câu nầy, mà chưa cùng nghĩa: “Soyez doux”. Chúng con phải ở hiền lành!

Vừa đặng tin cha Bề trên Delignon qua đời, thì ai nấy ngậm ngùi thương tiếc! Thương tiếc vì là một đứng nhơn từ hiền hậu. cả đời trải dạ mến Chúa yêu người, tận tâm giúp lo linh hồn kẻ khác.

Các báo vừa đăng tin cha qua đời, thì nhiều quan trên gởi thơ cho Đức cha mà chia phần tang chế cùng địa phận Saigon.

Tờ báo Le Courrier de Saigon có để ít lời sau nầy mà tặng tài đức cha Bề trên Delignon: “Le Père Delignon était un érudit, un homme d'une haute intelligence, un grand coeur”.

Ta thương nhớ kẻ đã quá vảng, song chớ quên nguyện cầu cho linh hồn người đặng kíp mau hưởng phước cùng Chúa trên thiên đàng.

Chúng tôi cậy vì danh Chúa nhơn từ cho linh hồn thầy Anselmô đặng lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phước vui vẻ vô cùng. Amen.

Hiếu Tử.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1933

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét