ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

Họ Gò Công

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-------------------

ĐỊA SỞ HỌ GÒ CÔNG

-------------------

Gốc lập Họ

Tĩnh Gò Công thuở đời cựu trào kêu là Huyện Tân Hòa hay là Huyện Gò Công, thiên hạ ở tại đây không có một ai có đạo, cho nên không có dấu tích gì nhắc việc đạo thánh tại đây, vì không có chòm xóm gì của bổn đạo đã ký ngụ trong huyện nầy. Cho tới khi nhà nước Langsa qua trị Nam Kỳ, lúc ban đầu thì cũng không có cha nào tới lo lập họ tại Gò Công, bỡi các cha khi ấy làm việc vàn, mắc lo sửa sang tạo lập lại các họ đã phải cựu trào bắt bớ cùng đốt phá tan hoang.

Nhưng vậy lúc ấy có nhiều thông ngôn có đạo và mấy kẻ giúp việc cho các quan tây ở tại Gò Công, cho nên mấy cha ở các họ xung quanh hay tới lui mà làm phước cùng là làm lễ cho những kẻ ấy, như cha Dư, cha Nhu, cha Triệu ở Nha Ràm, hay qua lại Gò Công, cha Nhu có an ủi đặng một người tên là Nguyễn văn Triều trở lại đạo, và cha đã cho đi nhà trường Latinh Saigon mà sau đã ra; người nầy đem một phần bà con trở lại đạo nữa, bây giờ còn tại Sơn Qui. Còn dưới Thủ Ngữ thì có cha Hiền (P. Favier) và nhứt là cha Đức (P. Moreau) hay qua lại Gò Công. Khi ấy Đức cha dạy cho Đức phải coi luôn họ nầy lâu năm, và hễ khi cha tới thì ở cùng làm lễ tại nhà thầy Vọng cùng là thầy Minh hay là nhà của Phan văn Chư. Trừ ra việc các cha tới viếng đây; thì đã có bốn phen khác, có những cha tới giảng đạo lo lập họ, là từ năm 1868 tới 1891, trước khi có cha tây tới ở luôn coi họ..

Phen thứ nhứt là cha Trí, đã qua đời tại Mỹ Tho trong năm 1876, cha qua lại cùng ở Gò Công khi lâu khi mau mà lo việc mở mang đạo thánh, có khi là lối năm 1869 cho tới năm 1871, và cha đã rửa tội đặng chừng 30 người, mà lần lần sau những kẻ nầy đã bỏ đạo, và tưởng khi ấy cha Trí dùng nhà một thầy thông cùng là nhà của một thầy giáo có đạo, khi ấy ở tại nhà dây thép bây giờ mà làm phước cùng làm lễ.

Phen thứ hai là cha Thành, Đức cha Mỹ (Mgr. Colombert) sai tới Gò Công trong năm 1886, cha ở đó đặng vài tuần, thấy không có việc chi mà làm, nên cha đã trở về.

Phen thứ ba là cha Thi (P. Hamm) ở Chợ Quán; ông Đốc phủ Ký quen biết ông huyện Nguơn là một tay giàu có ở Gò Công, nên đã xin cha xuống đó. Vậy cha Thi đã đi với ông Đốc xuống Gò Công nhiều lần. Khi ấy quan tham biện chủ tĩnh là M. Albaret, ước muốn cho có một cha tây ở tại Gò Công; ông huyện Nguơn là người  rất giàu có lại thân thế lắm cũng trông ước như vậy; lại khi ấy cùng tính lo lập một nhà thương cho người bổn quốc, giao cho các bà dòng ông thánh Phaolồ coi; phải mà khi ấy cha Thi làm xong đặng các việc thì chắc đặng thành, nhưng tính đó mà thôi, chứ chưa khởi lập việc gì.

Phen thứ tư, là khi cha Thi ở Chợ Quán qua đời rồi, thì cha Linh (P. Moulins) ở Mỹ Tho, phải lo việc mở mang tại Gò Công, cha xuống đó đâu được một lần, rồi thì giao cho cha Lịch khi ấy ở Tân An. Vậy cha Lịch đã qua ở tại Gò Công lối đầu năm 1889; cha đã an ủi đặng thầy Sang là thầy năm ở ngoài Bắc Kỳ vô đó đặng trở lại; lại cha lo cho một phần gia thất tên Triều đặng vào đạo. Khi ấy nhờ có năm sáu thầy thông ngôn có đạo phụ giúp, nên cha đã cất một nhà lá tốt, sau nhà ông huyện Nguơn, đặng làm nhà thờ, nơi đất ông huyện dưng, và một nhà nữa làm trường học, giao cho hai dì nhà phước Chợ Quán lo dạy, vừa mở trường có con trẻ tới học đông.

Trong lúc ấy có ít số chầu nhưng đang học đạo, và cha Lịch đã rửa tội đặng chừng 15 cùng là 20 người.

Đến lối giữa năm 1890, cha Lịch đau rét nên xin đổi, cha đi rồi thì không có cha nào tới thế tại Gò Công, có hai dì dạy học còn ở đó dạy con trẻ mà thôi, và cha Y (P. Errard) ở Chợ Quán cùng là cha Mão (Đức cha chánh bây giờ Mgr. Mossard) ở Chợ Lớn lên xuống Gò Công mà làm phước làm lễ cho bổn đạo.

Khi cha Bổn (P. Abonnel) đang dạy tại trường Latinh Saigon, trong tháng Octobre năm 1890, đã đi với cha Hương (P. Joubert) và cha Mão xuống viếng họ Gò Công, và tới lễ Sinh Nhựt, bổn đạo xin Đức cha Mỹ cho cha tới làm lễ, thì Đức cha đã dạy cha Bổn xuống làm lễ Sinh Nhựt tại họ năm ấy.

Đó là kể qua những việc các cha đã lo lắng lập họ tại Gò Công trước khi cha Bổn (P. Abonnel) tới nhậm sở và ở luôn đó.

Trước tại đây có quan lớn danh tiếng lắm tên là Lãnh binh Tân, quan nầy tin hết các đạo mà không theo đạo nào, lại người cũng làm lầu nhỏ để tượng ánh Đ C G trong chỗ người chưng các đồ thờ phượng. Việc quan nầy có lòng kính như vậy mà thôi, chớ không phải là mở mang sự gì về đạo, cho nên sự cần là phải mà có một cha tây ở tại Gò Công khi ấy, có thân thế với quan nầy, thì việc đạo đặng thạnh lắm chẳng sai, vì thiên hạ đã lâu xem quan Lãnh binh Tân như ông vua xứ Gò Công vậy.

Bỡi vậy cho nên cuối năm 1890, không rõ bỡi ý muốn riêng hay là bỡi lời vài bổn đạo cùng mấy thầy giúp việc nhà nước tại Gò Công xin, nên Đức cha Mỹ đã tính đặt cha Tôn (Đức cha phó bây giờ Mgr. Quinton) xuống nhậm sở Gò Công, mà bỡi cha Mão khi ấy là cha sở Chợ Lớn, phân lại cho Đức cha rõ, vì cha Tôn bên tây mới qua vừa được một năm, biết tiếng và thói phép annam chưa đủ, cho nên Đức cha đã định lại là đặt cha Bổn (P. Abonnel) làm cha sở Gò Công. Vậy ngày 14 Janvier năm sau cha Bổn đặng lịnh Đức cha dạy và qua ngày 21 tháng ấy thì người xuống lãnh sở Gò Công, có cha Mão đi nữa. Ngày ấy nhằm Chúa nhựt là Kính Tên Rất Thánh Đ C G,.

Vậy khi cha Bổn tới nhậm sở Gò Công, trước hết cha đã dò xét coi mở mang đạo thánh tại đó dễ khó thế nào. Sự khó trước hết là dân sự tại Gò Công trước đã muốn giữ luôn hiệp với cựu trào, vì tại đây có những mồ mả to lớn kêu là những lăng vua; lại bà hoàng thứ của Thiệu Trị là hoàng đế nước Annam, quê ở tại Gò Công: nhà cữa bà nầy ở khi trước là nơi chợ bây giờ, cũng có vườn đất ở tại giồng Sơn Qui. Vua Thiệu Trị yêu mến bà nầy lắm, cho nên đã chọn con thứ (con bà nầy) là ông hoàng Nhâm kế vị cho mình, phế con bà hoàng hậu chánh là hoàng Bảo. Vậy khi ông hoàng Nhâm tức vị hoàng đế thì lấy hiệu là Tự Đức, và tôn mẹ lên làm thái hậu, bỡi đó cho nên gia quyến bà nầy đã đặng quyền phép và nổi danh.

Những thân tộc và bà nầy qua đời thì chôn tại Sơn Qui, và thiên hạ kêu là những lăng của tông thất vua. Khi vua Tự Đức còn sanh tiền và cho tới sau, mỗi năm thì có sứ tại triều Huế đến Gò Công viếng mồ mả nầy cùng cúng quẩy theo lệ, và phát bạc tiền cho mấy kẻ coi giữ tại đó. Bây giờ cũng còn một phần hương hỏa chừng 30 cùng là 40 mẫu ruộng, để cho trong con cháu tông thất nầy ăn mà gìn giữ sửa sang mấy mồ ấy.

Các sự nầy thật thì không có chi ngăn trở cho việc mở mang đạo thánh, song nhơn dân hằng ghi tích và thấy trước mắt những lăng vua (tombeaux royaux) mà thôi, thì cũng đủ mà nhớ cựu trào và lảng xao về sự trở lại đạo.

Một cớ nữa, khó mà mở mang việc đạo thánh tại đây, là có nhiều chủ giàu có, mà ai cũng mảng lo thâu trử, cho nên có lo chi tới sự đạo; không phải là có ai tỏ dấu chi nghịch, song là dửng dưng (in-différents) mà thôi. Cách lâu năm sau cũng không thể an ủi đặng những nhà giàu có tại đây theo đạo, bỡi mỗi nhà thì có lập hương hỏa, để phượng tự ông bà, con cháu những nhà ấy sợ có vô đạo thì không còn đặng phép hưởng phần hương hỏa ấy, vì hễ đứng tên mà ăn, thì phải lo việc cùng quải giỗ chạp ông bà tổ tiên theo luật. Bỡi vậy cho nên những kẻ giàu mắc lo về của cải gia tài hơn là việc giữ đạo, việc phần rỗi. Tưởng nhờ gương ông huyện Nguơn là kẻ giàu có thân thế, người biết rõ các sự thật trong đạo cùng có lòng muốn trở lại lắm, chẳng dè vợ ông nầy là ngoại thấm cốt, lúc ông huyện đau gần chết xin cha tới rửa tội cho, mà vợ người cản không cho cha đến.

Vậy việc trông cậy gieo giống đạo, là lập một nhà thương, cho nên cha Bổn khởi đoan việc nầy trước hết khi vừa tới Gò Công; cha thân chinh đi phổ khuyến trong các làng tại tĩnh, cho có bạc mà làm nhà thương nầy, và giao cho các bà phước dòng ông thánh Phaolồ coi đã hơn 20 năm nay, và những bịnh hoạn vào nhà thương, phần nhiều

Vậy cha Bổn đã lo cất một nhà lớn đặng rước các bà dòng ông thánh Phaolồ tới lo việc nhà thương; nhà làm vừa rồi, kế cha bị đau rét cho nên phải lên Saigon uống thuốc; cho tới cuối thánh Juillet cha mới trở về Gò Công, và dắc xuống 4 bà, có bà Ignace làm bề trên, cùng khởi đoan lo về nhà thương, khi ấy cha Bổn tuy bịnh rét chưa hết, song nhờ có bà Ignace và các bà lo lắng thuốc men, cho nên lần lần đã đặng dứt bệnh.

Lối cuối năm ấy (1891) thì ông huyện Nguơn qua đời, người có tính ngay lành cùng sẵn lòng vô đạo, nên đã lo lắng cho đặng gặp cha trước khi chết, chẳng dè bà vợ người ngăn cấm không cho ai đi rước cha tới, cho nên ông huyện không đặng phước chịu phép rửa tội như ý ước ao, trông cậy lòng muốn của người mà xin Chúa nhậm như phép rửa tội vậy.

Mấy năm đầu thì cha Bổn lo lắng mở mang nhiều họ nhỏ; trước hết về làng Kiểng Phước, tại đây có hai người có tên là có đạo; là biện Sanh, đạo mới ở Mĩ Hội về ngụ đó, lại có vợ ngoại; một người nữa kêu là thầy Thanh, là thầy thuốc, tánh nóng nảy hay gây tụng, sau nghe nói tên nầy đã chịu phép rửa tội ba lần rồi, cha tưởng là lo cho hai người nầy trở lại mà lập họ song không xong; vì tên Thanh phá phách xóm làng, gạt cha nhiều chuyện, chớ không có lòng ngay chút nào hết. Vậy cha đã bỏ chỗ ấy, dời họ và nhà thờ qua Vàm Láng, tưởng là lập đặng ở đây một hai sự, chẳng dè bữa nọ có tên chầu nhưng sanh sự đốt nhà thờ cháy rụi, nhà thầy ở dạy và mấy nhà chầu nhưng cũng đều cháy hết. Bây giờ tại đó còn chín mười tên bỏ đạo. Tại Vĩnh Hựu cha cũng có lo lập họ, và đặng chừng 30 chầu nhưng chịu phép rửa tội: Chẳng may thiên hạ ở đây bị dịch khí hai phen, nhiều người có đạo chầu nhưng phải chết, còn lại không mấy người. Tại đây có nhà ông câu Sang, sau nhờ ông nầy phụ giúp nhiều nên cha đã lập đặng họ Rạch Cầu, vì người có ruộng đất lớn tại đó, còn nhà cữa thì cứ ở luôn tại Vĩnh Hựu.

Tại Bình Xuân gần xóm Chà Là, cha Bổn cũng có cho thầy tới dạy đạo, có ít số chầu nhưng chịu đi nghe dạy, nhứt là có thợ Nhu đứng đầu, và kể chắc sẽ giữ đạo tử tế; chẳng do tên nầy phải chết thình lình không kịp chịu phép rửa tội. Sau khi thợ Nhu chết rồi, thì mấy chầu nhưng khác đều thối chí trở lui hết, không còn ai đi nghe dạy nữa.

Ba chỗ khác nữa, cha cũng cho thầy tới dạy, là Bình Thạnh Đông, Hòa Nghi và làng Tân Thành; mấy nơi nầy ban đầu thì cũng có nhiều số chầu nhưng học đạo, mà sau rồi phần nhiều thối lui, có một ít người đã chịu phép rửa tội, và giữ đạo tử tế; như gia thất thợ Cang ở Bình Thạnh Đông, sau về ở họ Tân Phước và làm biện trong họ.

Đó là kể sơ qua các họ nhỏ cha Bổn đã lo lập, từ năm 1891 tới năm 1897. Thật thì việc không đặng thạnh sự bao nhiêu, mà phải mệt nhọc cùng hao tốn nhiều, vì những nơi ấy xa xuôi cách trở. Cho nên cha xưng ra, phải chi đã đề tiền bạc công cán mà lo một nơi có thể được việc và vững bền, thì là tốt hơn nhiều nơi mà không đắt việc.

Những Họ còn bây giờ (1911).

Bây giờ thì còn bốn họ chánh nhỏ sau nầy:

1.     Họ Gò Công. (Làng Thành phố).

Kể về các bà phước cùng những con trẻ mồ côi và mấy người ở giúp. Còn nhà thương, thì giao cho nhà nước, ngoài nhà mồ côi, thì có ba bốn nhà ở gần nhà thờ, vài nhà mấy thầy giúp việc nhà nước, rồi tới mấy kẻ ở giúp người tây, và những người nguội lạnh trễ nải, v. v. Trông cậy Chúa sẽ đoái lại, mở lòng cho nhiều người ngoại ở tại đây đặng mở con mắt đức tin, mà vào ràn chiên Chúa cho đặng nhờ phần rỗi mình.

2.     Bình Luông Đông.

Nguyên lối năm 1893, có một người làm nghề thầy bói, đến xin cha vô đạo, cha bèn đi tới nhà người ấy ở tại Long Thanh mà do cho ắt chất, rồi cha sai thầy tới dạy qua năm sau rửa tội được hai mươi ba người. Tới năm 1897 cha mua một miếng đất gần đó, tại làng Bình Luông Đông, cùng sai thầy tới tiếp dạy nữa, số bổn đạo ban đầu thì nhiều, sau bớt lần chừng 100 sấp lại, vì tại đó không có ai thân thế làm đầu, nên có ít kẻ nao lòng mà nghỉ đạo, song thường những kẻ nầy là bỡi lòng dạ không tốt, hay gây tụng, tranh đua, oán hận mà ra. Họ nầy là ở giữa đàng đi qua Rạch Cầu.

3.     Họ Tân Phước.

Gốc lập họ nầy là như vầy: Lối nửa năm 1891, có một đàn bà tới viếng cha Bổn, cổ có đeo dây chuyền vàng và cây thánh giá. Cha thấy vậy bèn hỏi có đạo không. Người ấy thưa rằng có, và nói mình có chồng ở tại làng Tân Phước. Cha nghe lấy làm lạ cùng hỏi phăng tới các việc, mới rõ đàn bà ấy không phải là có đạo, song là chầu nhưng, khi trước có học ít kinh tại họ Kinh Điều, rồi đó trôi nổi đi nhiều nơi, sau hết mới tới ngụ tại Tân Phước, cùng có chồng lại đó. Cha bèn hỏi dọ thử, chồng người ấy chịu vô đạo không, và tại Tân Phước có ai nữa muốn học đạo chăng. Đàn bà ấy chẳng nghi ngại sự gì hết, một trả lời tức thì: Có. Vậy cách ít ngày cha Bổn bèn đi qua Tân Phước mà tìm nhà nầy, gặp hai vợ chồng ở chung một nhà với người bà con. Cha mở nói về sự đạo, có nhiều người lớn nhỏ tựu tới đông mà nghe; hết thảy đều chịu học đạo cùng xin cha tới ở. Cho nên cha biểu cất một nhà cho thầy tới ở dạy. Cách sau đó, thì có thầy Chánh (sau là cha Chánh) tới lo dạy dỗ chầu nhưng, trong ngày 4 Mai 1892, đã rửa tội cho bà tư Tình tại giồng kế đó, bà nầy có con cháu nhiều lắm, và hết thảy đều trở lại đạo, nên như đã nền vững chắc cho họ nầy. Ban đầu thật thì nhờ thầy Chánh hết lòng lo lắng dạy dỗ, kế đó thầy Khánh (sau là cha khánh), cho nên trong 3 năm đầu đã rửa tội tại Tân Phước số tới 50 người. Qua năm 1896 có 2 dì phước Chợ Quán tới ở dạy học, và từ đây thì số bổn đạo tăng thêm, nhờ số con trẻ sinh ra, cũng nhờ lòng sốt sắng của dì Truyện lo mở mang dạy đạo, dì dạy tại họ nầy lâu lắm.

Tới năm 1910 ông cả Quyền là một trong những con của bà tư Tình, còn ở ngoại cho tới khi ấy mới trở lại, và tỏ dấu vững vàng lắm. Ông cả nầy có con tên là hương Hài, trước rồi sau cũng trở lại, người giàu có lại thân thế làm tại làng Tân Phước, cho nên trông cậy chắc họ nầy sẽ đặng sum bổn đạo, trong năm 1911 thì số đã đặng 200 người. Cha Bổn đã lo lắng cho họ nầy hơn hết.

4.     Họ Rạch Cầu.

Gốc lập họ nầy cũng lạ một chút : Nguyên có một người bổn đạo ở họ Bình Đại, trốn nợ nần, nên tới ở tại Rạch Cầu (làng Tân Thới) là một xóm nhỏ, xung quanh thì là những bụi bờ sậy đế, vì chưa có ai khai phá mà làm ruộng nương. Vậy người nầy tên là biện Châu tới đó ban đầu làm thầy dạy học đặng một ít lâu, rồi muốn việc cả thể hơn nữa là lập họ tại đó; nên đã tính với thầy thông Vọng tại Gò Công lo mua giùm một miếng đất đặng mà lập. Mà công việc tính lôi thôi không xong gì hết, cho nên mới đến thưa với cha Bổn (P. Abonnel) các việc, là lối đầu năm 1895. Vậy sự cần trước hết là cha phải đi tới nơi ấy mà xem địa thế thế nào, cho nên cha đã đi ghe với thầy Vọng, biện Châu nầy và vài người bổn đạo nữa qua Rạch Cầu; tới nơi thấy tư bề bờ bụi, không có một đàng sá gì hết; còn nhà biện Châu ở là như là một cái trại nghèo nàn ở gần rạch, nội xóm thảy nhà nào cũng đều nghèo khổ, còn xung quanh thì là rừng rậm khó nỗi thông thương, không có miếng đất nào đã khai phá trồng trặt cùng là làm ruộng nương, lại là nơi những heo rừng, khỉ, cùng cọp hay vãng lai kiếm ăn, không thấy có nơi nào trống trải cho dễ qua lại hết.

Đó là địa thế tại Rạch Cầu khi ấy; còn miếng đất chỗ biện Châu khi mua thì tính chưa xong, nên người chỉ một nơi khác phía trên. người ta muốn bán. Vậy cách sau đó, cha Bổn cho thầy Đoài (sau là cha Đoài) qua dạy tại Rạch Cầu, cùng mua đặng miếng đất trước và miếng đất biện Châu chỉ sau nữa; lại cách ít lâu thầy cũng khẩn được một miếng đất ở giữa hai miếng đã mua trước, khi ấy thầy ở tại nhà hương quản Chu mà lo dạy chầu nhưng.

Chẳng dè tới tháng Mai năm 1895, có dịch khí tại Rạch Cầu, biện Châu và em người phải chết, rước cha tới không kịp. Vậy cha Bổn bèn biểu thầy Đoài về Gò Công, cho nên Rạch Cầu không có ai ở dạy nữa.

Qua năm 1896, cha Bổn khuyên Hương giáo Bản, sau làm ông câu tai họ Rạch Cầu, với một người nữa là sáu Thiệp, qua đó mà ở cùng lo khai phá mà làm ruộng nương, việc khởi sự ban đầu thiệt cũng là cam go lắm. Tới năm 1896 cha Chánh, ở họ Tân Phước tám tháng, rồi qua ở luôn tại Rạch Cầu; cho nên nói đặng việc lập họ nầy là từ đây. Vậy cha Chánh đem vài người bổn đạo tới đó ở lập nhà cữa, cùng lo vỡ đất rừng làm ruộng, cha chẳng sợ khó nhọc, một ra tay làm gương cho ai nấy; cho nên lần lần rừng bụi đã trở nên ruộng, dầu mà đã hai phen bị bão lụt, phá hại nhiều; bây giờ đâu đó đã thành ruộng tốt. Thật thì cha Chánh bỡi nhờ có bổn đạo ở Vĩnh Hựu giúp trong công cuộc nầy lắm, nhứt là ông câu Sang, và sau đó ông câu nầy đã đem nhà cữa vợ con về ở Rạch Cầu; lại từ đây người đã nên giàu có, mua đặng nhiều ruộng đất tại đó; việc đạo hạnh người chín chắn hẳn hòi; thiệt cũng nhờ ông câu nầy đã lo lắng việc mở mang lại họ, và đứng đầu mà giúp các việc họ từ năm 1910 về sau.

Đó là kể sơ qua về họ Rạch Cầu; mà trong năm 1910 phía Vĩnh Hựu có hai nhà đã đặng chịu phép rửa tội, và một ít người nữa tỏ dấu quyết vô đạo, cho nên trông cậy sẽ tăng số thêm. Mà nhứt là tại Tân Phước, lại càng có lẽ trông cậy hơn nữa, vì trong năm ấy ông cả Quyền và gia thất đã chịu phép rửa tội, và số người ngoại xin theo đạo khá đông. Lại tại làng Tân Niên Trung gần họ Tân Phước, lúc ấy cũng đã có nhiều chầu nhưng học đạo.

Vậy trông cậy Địa sở họ Gò Công sẽ đặng mở mang, càng ngày càng sum kẻ thờ phượng Chúa. Cha Bổn lo lắng gieo trồng đạo thánh trong các nơi đã hơn hai mươi mấy năm rồi, mà mùa gặt còn hi thiểu chưa đặng bao nhiêu. Nguyện xin Chúa thương xem đoái lại mà thưởng công khó cha, là soi lòng cho muôn vàn kẻ trong hạt nầy còn ngồi nơi bóng chết, đặng thấy sự sáng thật, hầu vào ràn chiên Chúa mà nhờ phần rỗi mình.

Bây giờ cha Bổn cũng còn ở tại Gò Công; còn cha Duông ở tại họ Rạch Cầu.

Chung về Địa sở Họ Gò Công

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét