Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2022

Địa sở Họ Chà Và

 

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

ĐỊA SỞ HỌ CHÀ VÀ (tiếp theo)

-----------------

Họ Cầu Ngang

Họ Cầu Ngang là kêu theo tên chợ gần nơi cất nhà thờ bây giờ, chớ khi trước họ nầy có tên là Thâu Râu, theo tên cái sông từ Cầu Ngang ra cho tới biển.

Trong lối năm 1840, tại đây có một nhà có đạo mà thôi, là nhà ông Mầu, không rõ gốc người ở đâu tới đó; rể người tên là Thảo phải làng bắt điền lính, nên làng cấn cho người một phần đất gần nhà thờ, đất nầy bây giờ thuộc về của Nhà chung. – Đến sau có một bổn đạo khác tên là ông Lê ở Cái Bông, qua ở tại Thâu Râu đã xin khẩn một phần đất mà làm ăn lập nghiệp, đất nầy cũng gần nhà thờ. Nhiều bổn đạo ở Cái Mơng, Cái Nhum và Bãi Xan, thấy địa thế nơi ấy tốt, nên đã tới ở, thành là một xóm có đạo. Ban đầu số còn ít, nhưng cũng đã hiệp nhau tại một nhà riêng đặng Chúa nhựt cùng Lễ cả tựu lại mà đọc kinh, cùng là khi có cha tới viếng mà xưng tội rước lễ; sau số bổn đạo thêm đông, thì đã cất một nhà thờ lá lớn hơn, nơi đất Giồng, mướn của người Cao Mên.

Khi ấy số bổn đạo được chừng 50 người, có cha Lân và cha Thang tới lui thăm viếng. Hồi ấy là lúc cuối đời Đức Cha Taberd cùng là đầu đời Đức Cha Lefèbvre cai trị địa phận.

Lối năm 1846 thì có ngụy Cao Mên nổi dậy, đốt nhà thờ cùng đuổi phá bổn đạo phải trốn qua nơi khác. Chừng tan ngụy, vì tướng nó là La Som phải tử trận tại Càn Long, thì bình yên lại, lần lần bổn đạo trước ở đó đã trở về lập gia cư lại, cùng cất nhà thờ lại nơi miếng đất của ông Lê dưng.

Ông nầy không có con trai kế nghiệp có gái không mà thôi, nên đã lấy làm tốt hơn thì dưng đất của mình khẩn cho nhà thờ, kẻo mà sau phải vào tay ngoại giáo. Người đã làm tờ dưng giao cho cố Từ (chắc là Đức cha Taberd) và cố Phan, khi hai cha tới viếng họ Rạch Rập (Chà Và).

Còn đất của gia thất ông Mầu thì con cháu người đã hưởng dùng trong hai đời, đến đời ông Huynh là cháu ông Mầu qua đời mà không có con kế nghiệp, thì để đất ấy lại cho ông câu Hột, thì ông câu nầy đã tính với các chức làm tờ giao đất đó cho nhà thờ.

Trong cơn bắt đạo đời Tự Đức, thì có á thánh Lựu với cha Hiển tới viếng họ Cầu Ngang nhiều phen, Đức cha Lefèbvre cũng có lén tới một lần mà ban phép Xức trán. Cho tới chừng Nhà nước Langsa lập an thì cha Khiêm tới ở tại họ Cầu Ngang, là trong đời Đức Cha Gioang (Mgr. Miche). Có cha ở nên có nhiều bổn đạo đến lập nghiệp, cha Khiêm đã cất nhà thờ lại cùng khởi đoan mở việc giảng đạo mấy nơi gần đó, là Mương Giục, Bãi Bàn và Trương Bàn. Vậy số bổn đạo khi ấy được 150 người, có hơn 20 người là biện họ, hoặc của cha Khiêm đặt lên, hoặc là chức việc của mấy họ khác tới.

Cha Khiêm ở họ Cầu Ngang trong ba bốn năm, và trong lúc Nguyễn Tri Phong kéo cờ ngụy chống cùng Nhà nước Langsa. thì cha và một phần bổn đạo phải tị nạn qua họ Giồng Rùm cùng là họ Bãi Xan, vì quân ngụy đã đốt nhà thờ cùng nhà bổn đạo hết. Lúc ấy có hai đờn bà phải ngụy bắt được là bà Diêu và bà Bếp; hai bà ẩn trong nhà một người Cao Mên, quân ngụy tầm soát bắt được cùng dạy phải chối đạo, song hai bà trả lời cách mạnh mẽ can đảm rằng: “Đạo chúng tôi giữ đã thấu vào xương, không khi nào chúng tôi chối bỏ được đâu, các người có thương chúng tôi thì tốt, bằng không thương muốn chém giết gì mặc ý”. Quân ngụy thấy hai bà trả lời phấn chấn gan dạ vậy thì giận dữ lắm, dẫn hai bà tới đầu cầu bắt qua chợ Cầu Ngang mà chém cùng ném xác xuống sông. Hai bà đã đặng phước tử đạo.

Giết hai bà ấy rồi, quân ngụy còn tầm bắt ông câu Sửu là kẻ làm đầu trong họ, với bà câu đồng nhi tên là bà Hết, hai người cũng cam lòng chịu chết chứ chẳng chịu bỏ đạo, ông câu Sửu thì phải chém một nơi với hai bà trước, và xác quăng xuống sông, còn bà Hết thì bị chúng nó dẫn đi cùng chém tại làng Vân Chấp cùng bỏ xác bà đó, thì có một người ngoại tên là bếp Mới thấy vậy đem lòng thương mà chôn xác bà.

Một bổn đạo nữa tên là Vêrô Phao cũng đã bị bắt cùng ép chối đạo bước qua thập tự, người không vưng nên phải gia hình, đoạn quân ngụy kéo người bước qua thập tự, thì người co hai chơn lên chúng nó phải khiêng qua mới được, song đấng xưng đạo nầy kêu lên rằng: Lạy Chúa tôi, Chúa biết lòng tôi không chịu, mà chúng nó khiêng đùa tôi qua mà thôi! Ba phen quân dữ làm như vậy, thì ba phen người cũng tri hô thể ấy. Mà Vêrô Phao nầy không bị chém, vì lúc ấy quân ngụy nghe binh Langsa kéo tới đã gần nên bỏ mà chạy trốn, ông Vêrô Phao nầy sau còn sống nhiều năm.

Khi dẹp ngụy yên rồi, thì cha Khiêm trở về Cầu Ngang, cất nhà thờ lại bằng lá, nơi nền nhà thờ bây giờ, đất nầy của một người Cao Mên tên là xã Vầy đã dưng. Nhà thờ nầy sau đã bị bão sập, thì cha Đức (P. Moreau) là cha sở Chà Và, Cầu Ngang và Cái Đôi, đã có cất lại cái khác, cho tới năm 1888 thì cha Hiền (P. Favier) và cha Gia đã lo cất lại chắc chắn vững bền, dưới xây nền bằng đá, vách gạch trên lợp ngói, là nhà thờ còn bây giờ đó.

Khi cha Đức đổi đi, thì có nhiều cha tây và annam liên tiếp nhau mà coi luôn ba họ, là Cầu Ngang, Chà Và cùng Cái Đôi, khi ở họ đây, khi qua họ kia, chớ không có ở luôn tại Cầu Ngang như trước. Mấy cha annam là cha Phong, cha Lý, cha Gia, cha Lịch, cha Thạch, cha Miều và cha Nhơn; trong năm 1889-1890 cha Thông (P. Gerbert) ở Chà Và cũng coi luôn họ Cầu Ngang, còn cha Hiền (P. Favier) thì coi họ Giồng Rùm và Trà Vinh.

Tới năm 1896, cha Thạch qua đời rồi, thì cha Miều coi họ Cầu Ngang và Cái Đôi, khi ấy cha Quang (P. Clair) là cha chánh Địa sở Chà Và đau nên đi nghi, thì cha Nhơn thế coi họ cho tới chừng cha Sắc (P. Cransac) đổi lại; cha Sắc đã giao cho mấy dì phước Cái Mơng lo việc Hài đồng và dạy học tại Cầu Ngang, mỗi năm các dì rửa tội cho con kẻ ngoại chừng 20 đứa; sau đó thì cha Chiểu cũng có coi họ nầy.

Khi cha Sắc coi họ ấy là trong năm 1899 thì số bổn đạo được 329 người. Tới năm 1910 cha Chiểu tính lại thì số bổn đạo bớt bộn vì còn có 179 mà thôi.

Họ Cầu Ngang có nhà thờ, tiện xứng và chắc chắn, có trường học, và có nhà cha sở mới cất sau đây.

Kể từ mười mấy năm nay thì bổn đạo họ Cầu Ngang bớt lần lần, bỡi nhiều kẻ bỏ mà đi nơi khác, còn dân ngoại đạo xung quanh thì không mấy kẻ trở lại đạo.

--------------

Phụ thêm về Địa sở Chà Và

Trong lối đầu năm 1912 thì cha Lựu (P. Benoit) phải bịnh cùng qua đời tại Saigon ngày 29 Février, thì cha Lộc (P. Gueguend) coi họ và Địa sở Chà Và; cha lo lập lại việc giảng đạo tại cù lao Cổ Chiên, số bổn đạo và chầu nhưng tại đó quá trăm người, cha mua ruộng đất nhiều, có ý cho con nhà có đạo cùng là chầu nhưng đạo mới ở mà làm ăn, cùng giao cho cha Thông coi họ nầy (bây giờ cha Thông ở tại Cầu Ngang cùng coi họ nầy luôn).

Cha Lộc cũng có lập một họ khác nữa tại Sa Rài hay là Mỹ Quí giữa Ô Lấc và Cái Đôi, theo sổ năm 1917 thì tính được 68 người giáo hữu; cha ở Cầu Ngang coi luôn họ nầy.

-------------

Họ Ô Lắc

Ô Lắc là một quận Nhà nước mới lập đây và quan Đốc phủ Tố làm chủ cai quận nầy trước hết, nên nội gia quyến người là kẻ có đạo ở tại đây đầu hết. Sau có vài nhà nữa ở Bãi xan tới làm ruộng nương lập nghiệp, tính luôn hết thảy tại đó chừng vài ba mươi bổn đạo. Họ nầy không có nhà thờ, xem lễ xưng tội thì qua họ Cầu Ngang, đàng xa cách 9 ngàn thước. Việc mở mang đạo thánh tại đây thì chưa quyết đặng sau sẽ tấn phát cùng chăng, vì người ngoại ở xung quanh thì không mấy ai trở lại đạo. (Theo sổ năm 1911 của cha Lựu (P. Benoit) ghi lại.)

Họ Cổ Chiên

Trong năm 1898 cha Đậu coi họ Khâu Bằng, là một họ nhỏ về sở Cái Mơng ngang cù lao Cổ Chiên, thì cha đã lo qui lập họ ấy, ông cả Bằng là anh cha Đậu ở họ Kinh Mới về sở Mặc Bắc, đã bán đất ruộng mình ở đó cùng qua mua đất tại cù lao Cổ Chiên, cùng qui một ít bổn đạo nghèo ở Khâu Bằng qua ở lập nghiệp tại cù lao ấy. Cha Đậu có xin cha Lựu (P. Benoit ) là cha chánh Địa sở Chà Và lãnh họ nầy, nhưng cha Lựu đau lo đi về Tây nghĩ nên chưa nhận họ ấy được. Chừng cha trở qua thì trong mấy năm là 1902, 1903 và 1904 thì có cho cha Decoopman qua lại lo cho họ nầy, thiệt là cam go nguy hiểm, vì phải đi ghe sang qua cái sông lớn nhiều khi gặp sóng gió to. Lúc ấy cả Bằng cũng còn ở đó, mà sau rồi người qua ở tại Cầu Ngang, đất ruộng đã mua thì người có tính bán lại cho Nhà Chung xin cha Lựu mua mà lập họ, song cha thấy địa thế sợ không đặng vững bền, vì cả Bằng đi thì có khi mấy kẻ khác cũng thối chí. Cù lao nầy có chừng hai ba ngàn dân cư; người ta nói hồi cựu trào, lúc cầm kín, thì các cha Tây đã có tới ở lập họ, cho dễ bề cho các cha Tây mới qua thì tới lén ngả nầy, vua quan không biết. Người ta cũng nói rằng có khi có một cha Tây đã qua đời cùng chôn tại cù lao ấy, song không có gì làm chứng về sự nầy, nên không rõ được có cùng chăng. Theo sổ năm 1911 thì tại Cổ Chiên có 15 người bổn đạo.

Cho tới chừng cha Lộc (P. Gueguend) về coi Địa sở Chà Và thì cha mới lo việc giảng dạy tại Cổ Chiên lại, và theo sổ năm 1916-1917 thì số bổn đạo được 55 người, số chầu nhưng được 75 người, lại cha có mua ruộng đất đó nhiều, cùng giao cho cha Thông coi họ nầy (bây giờ cha Thông ở tại Cầu Ngang) cũng coi họ Cổ Chiên luôn.

------------

Họ Mương Giục

Mương Giục là tên một cái chợ cách Cầu Ngang hai ba ngàn thước. Tại chợ nầy thì những người Khách ở đông lo buôn lúa gạo mua của người Cao Mên xung quanh đó, tại đây thì có ghe thuyền Cao Mên nhiều. Trước hồi cha Khiêm ở tại họ Cầu Ngang, thì tại chợ Mương Giục đã có ít người có đạo rồi. Nhà cố cựu hơn là nhà biện Sự với bốn năm nhà khác nữa, trong ấy có vài chủ gốc là ở họ Cái Mơng qua ở đó. Khi trước số bổn đạo tại đây tới 60, mà bây giờ còn chừng vài mươi người mà thôi. Hồi trước thì tùng họ Giồng Rùm, song từ hơn mười mấy năm nay nhà nước có làm cái đàng từ Cầu Ngang thẳng qua Mương Giục, nên những bổn đạo nầy đi qua Cầu Ngang mà xem lễ cùng là lo việc linh hồn gần hơn là qua Giồng Rùm.

Số bổn đạo không có thêm, vì tại chợ tinh những người Khách và Cao Mên không, dân nầy không hề có ai muốn theo đạo. Gia thất ông biện Sự ở đó lo cách riêng về sự rửa tội cho con kẻ ngoại gần chết, và mỗi năm gởi về trời tính được hơn mươi đứa.

Chớ chi các trẻ nầy cầu nguyện cho xứ sở mình đặng mở mang tấn phát việc đạo Chúa.

--------------

Họ Trà Vinh

Họ Trà Vinh có từ khi lập tĩnh thành tại đó tới giờ. Khi trước Trà Vinh là một huyện thuộc về phủ Sóc Trăng trong tĩnh cựu Vĩnh Long; sau khi nhà nước Langsa lập an rồi mới lập Vĩnh Long làm tĩnh. Tại đây khi trước thì người Cao Mên ở mà thôi, sau chừng có người Tây thì Annam mới tới, cho nên bây giờ mấy làng xung quanh tại Trà Vinh thì còn Cao Mên nhiều.

Vậy ban đầu những bổn đạo có tại đây là mấy quan và mấy thầy giúp việc nhà nước, và cha ở Giồng Rùm qua lại coi họ nầy. Khi có lễ lớn thì bổn đạo cũng hay qua Giồng Rùm mà xem lễ, còn khi cha tới Trà Vinh thì làm lễ tại nhà thầy Trần, vì hồi đó chưa có nhà thờ; kế đó thì có lập trường cho hai dì phước Cái Mơng ở dạy đồng nhi học cùng lo việc rửa tội cho con kẻ ngoại gần chết.

Đến năm 1877, cha Hiền (P. Favier) ban đầu cất một nhà đặng cho có chỗ khi các cha đến viếng họ ở, nhà nầy thấp nhỏ xây bằng gạch, sau cũng cất một nhà thờ ngói nhỏ mà vừa cho số bổn đạo tại họ.

Nhà thờ nầy vững bền cho tới năm 1902, trong lúc cha Lân (P. Bourgois) thế coi họ Chà Và thì cha đã khởi lo cất một nhà thờ khác tốt hơn, và cha Lộc (P. Gueguend) đã coi làm cho hoàn thành. Nhà cũ cha sở ở khi trước phải bỏ đi, cùng cất lại một nhà lầu phải thế, là trong năm 1909, khi cha Bộ (P. Bosvieux) coi họ ấy..

Nhà thờ, nhà cha sở và trường học đều cất trên một miếng đất giồng cao ráo, Nhà Chung đã mua trong lúc cha Hiền coi họ là năm 1882-1885.

Kể từ năm 1892 tới giờ thì tại họ Trà Vinh có cha ở luôn. Các cha ấy là : Cha Trí (P. Demarq) từ năm 1892 tới 1895. Cha Nguơn (P. Dessaume) năm 1895 tới 1896. Cha Tài (P. Henri Hay) năm 1896 tới 1897. Cha Giude Đồng năm 1897 tới 1900. Cha Lủy (P. Lioger) từ năm 1900 tới 1901. Cha Bộ (P. Bosvieux) năm 1901. Cha Lộc (P. Gueguend) năm 1901 tới 1903. Kế cha Bộ coi họ lại từ năm 1903 tới 1909. Cha Phước (P. Poitier) 1909 tới 1913. Cha Tài coi họ nầy lại từ năm 1913 tới 1916.

Bỡi các cha đổi hoài nên không thể lo mở mang thêm các việc trong họ, phần bổn đạo thì cũng hay dời đổi, vì mấy thầy giúp việc nhà nước một lần đổi đi thì đem vợ con và mấy người ở với đi hết, cho nên số bổn đạo trồi sụt luôn. Theo sổ năm 1911 cha Lựu (P. Benoit) kể lại, số bổn đạo được chừng 200 người, thì có một nhà là gốc ở tại đó mà thôi, còn bao nhiêu thì là ở nơi khác tới, lại phần ít lắm ở ăn lập nghiệp quyết ở đó, còn bao nhiêu thì sợ hay dời đổi không chừng.

Dẫu mà Trà Vinh là như một họ chánh, song bỡi huê lợi hi thiểu, không thể lo mở mang việc đạo ra xung quanh cho nhiều được, nhưng cũng lập được 2 nơi là Cam Sơn và Tân Hạnh, có một ít người ngoại rải rác trở lại đạo.

Mà tại họ được một việc thạnh, là có nhà thương và nhà Mồ côi các bà dòng ông thánh Phaolồ đã lập trong năm 1894. Tại nhà thương có luôn chừng 80 bịnh, tại nhà Mồ côi chừng 50 con trẻ. Mỗi năm rửa tội cho người lớn tại nhà thương được chừng 40 người, và tại nhà Mồ côi rửa tội mỗi năm cho con nít ngoại gần chết, tới 100. Các bà ấy cũng lo việc dạy học con của bổn đạo tại họ giao cho. Bây giờ có nhiều mồ côi các bà nuôi đã thành nhơn có đôi bạn và ở tại họ.

Khi cha Tài trở lại coi họ Trà Vinh cho tới năm 1916 thì đổi lên Lái Thiêu, và cha Binh coi họ ấy từ năm 1916 tới 1921, rồi Đức Cha đổi cha Để (P. Decoopman) về coi họ Trà Vinh còn cha Binh thì đổi qua Mỹ Chánh.

-------------

Họ Cam Sơn

Họ này là họ nghánh Trà Vinh, cách 5 ngăn thước ở phía tây bắc tĩnh ấy, trong làng Vĩnh Yên và Long Đại, nơi đang đi qua Bãi Xan. Gốc có họ nầy là lối năm 1865 sau khi nhà nước Langsa lập rồi; một ít người annam ở tại đây vì trước cũng có tùng theo ngụy, nên sợ mà xin theo đạo cho dễ bề đầu phục tân trào. Vậy tính được 11 nhà đã qua Bãi Xan xin cùng cố Phước (P. Péguet) mà học đạo. Còn tại Long Đại thì có năm sáu nhà đạo dòng ở đó. hiệp lại với những nhà mới ấy nên một họ. Song những đạo mới đó không đặng vững bền, vì cách chừng năm sáu năm cố Phước đổi đi, thì thảy đều lơ việc đạo. Cho tới năm 1890, cha Hiền (P. Favier) lo lập họ nầy lại, có an ủi được vài người trở lại, cũng có rửa tội cho ít người chầu nhung, cha cất một nhà thờ lá cùng mua vài mẫu ruộng cho bổn đạo làm ăn. Lại trong năm 1892, cha Trí (P. Demarcq) ở tại Trà Vinh, cũng mua thêm vài mẫu ruộng nữa tại làng Hòa Bình gần đó.

Bây giờ tại Cam Sơn còn chừng 80 bổn đạo, là những người ở mấy họ là Giồng Rùm, Bãi Xan và Trà Vinh qua, cùng một ít đạo mới tại đó.

---------------

Họ Tân Hạnh

Họ nghánh thứ hai Trà Vinh là Tân Hạnh, cha Trí đã lập trong năm 1893-1894 tại làng tên ấy. Số bổn đạo tại đây chừng 100, sau đó có cất nhà thờ lá và có hai dì phước Cái Mơng ở dạy, mà người ngoại không mấy ai chịu vô đạo thêm, nên sau cha Bộ (P. Bosvieux) đã dỡ nhà thờ dời qua Cam Sơn. .

Tại làng Long Hậu và Phú Thụ hồi tân trào mới qua cha Khiêm có lập một họ mà bây giờ không còn, vì bị quân ngụy đã đốt phá hết giữa năm 1865 tới 1870. Một đờn bà đã bị quân ngụy chém đứt hết nửa cái cổ, qua đời tại Chà Và cách chín mười năm nay.

Bà nầy bị ngụy bắt vì đạo với 1 con trai chừng ba bốn tuổi, quân dữ xách chơn trẻ nầy mà đập đầu xuống đất cùng quăng vào lửa. Cách ít ngày những bổn đạo đã trốn trở về thấy các trẻ nầy chết mà còn nguyên giữa đống tro tàn, thì đã lo giấu và cách ba tháng yên rồi mới đem chôn, mà xác ấy không hư thúi. Mồ trẻ nầy rày lạc mất, anh em trẻ nầy bây giờ còn sống.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1921

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét