ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

Có phải mấy tiếng “đôi tôi”, “tôi tôi” là do “thôi nôi” mà ra hay không?


ĐỘC GIẢ: Có phải mấy tiếng “đôi tôi”, “tôi tôi” là do “thôi nôi” mà ra hay không?

AN CHI: Đây là một tục lệ gốc ở Trung Hoa xưa, liên quan đến chữ  , đọc theo âm Han Việt là tối, có nghĩa là tròn năm (vị từ) hoặc đứa trẻ đầy một tuổi (danh từ). Khi đứa trẻ đúng một tuổi, người ta “trắc nghiệm” để dự đoán sở thích và sở trường của nó trong tương lai. Tiếng Hán gọi việc này là “thí nhi” nghĩa là thử con. Người ta bày lên mâm một số đồ vật vừa đồ chơi, vừa đồ nghề, vừa học cụ, vv. để xem đứa trẻ chọn lấy thứ nào rồi căn cứ vào món đồ này mà dự đoán tương lai của nó. Cái mâm đó gọi là tối bàn (mâm đầy năm). Nó được bày biện để thử con đngs vào dịp chu tối, nghĩa là dịp tròn trặn một năm tuổi của đứa trẻ (chu là giáp vòng).
Đôi tôitôi tôi bắt nguồn từ hai tiếng chu tối. Trong tiếng Việt, hai tiếng này dần dần được phát âm thành chu tôi. Tối được phát âm thành tôi y hệt như tín (tức) thành tin (tức), (cân) đái thành (cân) đai, tứ (= bốn) thành , vv.. Nhưng phần đông người bình dân Việt nam thời xưa chỉ biết nội dung và hình thức của lễ thí nhi mà lại chẳng biết hia tiếng chu tôi có nghĩa là gì. Dần dần họ phát âm trại đi thành tôi tôi, Ở đây đã diễn ra một sự  đồng hóa ngữ âm (chu bị tôi đồng hóa) để làm thành một từ láy giả tạo. Nhưng có những người không rõ nguồn gốc của hai tiếng tôi tôi mà lại muốn giả thích nó theo ý của mình. Họ đã dị hóa tiếng tôi thứ nhất bằng hữu thanh hóa phụ âm đầu (t) của nó thành (đ) mà nói đôi tôi nhưng cũng chẳng hề - vì không thể - nói rõ được đôi có nghĩa là gì. Đây chẳng qua chỉ là một sự tái giả tạo một hình thức giả tạo mà thôi.
Đến như thôi nôi, thì đây là một kiểu  refonte (sự soạn lại) hoàn toàn, nhằm giải thích tôi tôi đôi tôi về cả ngữ âm lẫn ngữ nghĩa. Với hình thức soạn lại này, người ta có ý muốn nói rằng tôi tôi đôi tôi chẳng qua cũng chỉ là những lối nói trại âm của thôi nôi và rằng đôi tôi = tôi tôi chẳng qua cũng chỉ là lễ đưa trẻ thôi năm nôi. Người ta đã quên rằng lễ thôi nôi ngày xưa dù có được gọi bằng cái tên mới này, thực chất vẫn cứ luôn luôn là lễ thí nhi, rằng lễ này vẫn cứ phải được tiến hành đúng vào dịp chu tối, rằng phương tiện trắc nghiệm  vẫn cứ là những vật dụng bày biên trên cái tối bàn, nghĩa là cái mâm đầy năm.
Từ những điều trên đây, có thể suy ra rằng thôi nôi chỉ là một hình thức sinh sau đẻ muộn so với đôi tôi, tôi tôi, chu tôi, chu tối mà thôi.

Kiến thức ngày nay, số 105, ngày 1-4-1993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét