ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

"Ngôi Lời", "Lời", "God"

 Ghi chú để nhớ:

"NGÔI LỜI", "LỜI", "GOD"

* Hội thánh Công giáo và rất nhiều Hội thánh Tin Lành đều tin nhận Chúa Ba Ngôi (Trinity); nhưng có hệ phái (chẳng hạn "Nhân chứng Giê-hô-va") thi không tin như vậy, thành thử mới nảy ra lối dịch "lạ" lắm đa!

1/ Phúc âm theo John 1:1 "In the beginning was the Word, and the Word was with GOD and the Word was GOD". Bản dịch bên Tin Lành thường gặp là "Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời". Bản dịch bên Công giáo, "Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa".

Hai bản dịch đều giống nhau.

2/ Nhưng, có một bản dịch "lạ" như sau: ""Từ ban đầu đã có Lời, Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Lời cũng là Thần." Rất đáng lưu ý, vừa để giải nghĩa lai rai về ... ngôn ngữ Việt (vì đây là dịch sang tiếng Việt mà!), vừa để gợi ý mà suy niệm.

2a) Chuyển ngữ GOD là "Thiên Chúa / Chúa Trời", từ đâu lại có "Thần" vô đây? Trong bản văn Kinh Thánh (dẫn trên) ghi là "GOD": "with God" / "...was God", hoàn toàn không dùng chữ nào khác, sao bỗng dưng dịch thành "Lời là Thần"?

Ở đây, "the Word" là "GOD"! Chắc nịch như vậy, theo Phúc âm của John (Gioan / Giăng).

"The Word" là "God", đều cũng là Thiên Chúa / Chúa Trời, chỉ khác về ngôi vị thôi! Cách dịch "Lời là ... Thần", chẳng qua nhằm hợp lý hóa cho việc suy diễn rằng không hiện hữu "một Chúa mà có những ngôi vị khác nhau", tức không tin nhận vào Chúa Ba Ngôi (Trinity).

2b) Bây giờ, nói qua... tiếng Việt cho tỏ tường. "Lời" là tiếng thuần Việt (không có trong âm Việt-Hán), thành thử - lúc chúng ta chưa có chữ Quốc ngữ - được viết bằng chữ Nôm 𠳒 . Quí bạn chú ý, chữ 𠳒 rất thú vị, thủng thẳng giải thích dưới đây:

LỜI 𠳒 : kết hợp bởi "khẩu" + "thiên" + "thượng". Mà "thiên" kết hợp với "thượng", lại tạo ra một chữ Nôm như ri: 𡗶 (không có trong Hán tự), nghĩa là "Trời" đó đa! LỜI, như vậy, hàm nghĩa là Trời phán ra, phán bảo.

Mà LỜI, ngoài cách viết 𠳒 như trên, còn có một cách viết nữa trong chữ Nôm của tiếng Việt: LỜI được viết: 𡗶, tức "Lời" cũng hàm lấy ý nghĩa là "Trời" đó đa!

2c) "In the beginning was the Word...". Như diễn giải ở 2b, "đã có Lời", cũng tức là "đã có Trời".

"Trời", khi xét trong tín niệm của Christianity (Ki-tô giáo / Cơ Đốc giáo), là "Chúa Trời / Thiên Chúa".

"LỜI" 𡗶 <=> "TRỜI" <=> GOD.

2d) Vì sao không dịch "the Word" là "Lời", mà dịch thành "Ngôi Lời"?

Danh từ "Word", theo cách hiểu thông thường là "Lời nói", là "Chữ". "Thuở nguyên thủy đã có Lời", ồ, "Lời" bay chấp chới giữa không trung minh mông? Hay là có thứ văn tự (chữ) nào xuất hiện thuở ban đầu? Phải có chủ thể phát ra "lời", "chữ" chớ?

Thành thử để làm cho rõ sắc thái về nghĩa, trong tiếng Việt, mới sử dụng chữ "ngôi" để chỉ ngôi vị, vị thế của chủ thể. Cả hai chữ "Ngôi Lời" đều là tiếng thuần Việt (𠑖 𠳒 trong chữ Nôm, không có trong Hán tự).

GOD là Chúa Trời / Thiên Chúa, về mặt ngôn ngữ, ở đây xác định chủ thể. Mà LỜI <=> TRỜI <=> GOD nên LỜI cũng là chủ thể, thành thử cần sử dụng cách gọi là "NGÔI LỜI", vậy mới rõ về mặt câu cú trong-tiếng-Việt đó đa!

3/ Suy niệm:

Trong sách Sáng thế (Genesis), mỗi khi Chúa phán "....", liền có sự này sự kia.

Tức "LỜI" (phán ra, phán bảo) là một hành động. Hành động của sự sáng tạo.

Trong đời sống nhân gian hiện nay, nếu ngôn từ được dùng để làm sự dối trá, để hủy diệt (không phải sáng tạo) thì đó không còn là LỜI (𡗶 ) xứng đáng cho những ai tin nhận Chúa (hãy luôn tự xét tội lỗi của chính mình) ./.

--------------------------------------------------------------


Matthew NChuong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét