"ĐẠI LỘ", "CẢNG HÀNG KHÔNG" LÀ
CÁCH DÙNG CHỮ ĐÚNG;
"HÀNG KHÔNG MẪU HẠM", CŨNG RẤT ĐÚNG, SAO CHƯA
DÙNG?
* Thói cố chấp trong cách dùng chữ, mất đứt mấy chục
năm thì mới chịu nhìn ra; tuy nhiên, di chứng thì vẫn còn!
&1&
"ĐẠI LỘ" là cách đọc bằng tiếng Việt trước mặt
chữ 大 路
(tiếng Tàu Bắc Kinh đọc /đa lù/). Diễn nôm "đại" là to, lớn; "lộ"
là con đường; nhưng không ai ngớ ngẩn ghi bảng "Đường to Trần Hưng Đạo",
mà phải là "Đại lộ Trần Hưng Đạo"! Sao vậy?
1a) Trước hết, về mặt ngôn ngữ.
Bất giác mà nhớ lại, nực cười hết sức khi từng có ý kiến
cho rằng "đường to" mới là ... làm trong sáng tiếng Việt. Ủa, vậy mắc
gì không tiếp tục cái luận điệu "trong sáng" mà ghi "Đường to Trần
Hưng Đạo", để gọi là giữ vững lập trường? Thử ghi đi, người ta cười cho
thúi đầu.
Phong trào "hồng vệ binh" đi công kích những
chữ nghĩa "Việt-Hán" (Hán-Việt) có tác dụng đẩy nhiều người rơi vào sự
u mê vô tình trước di sản ngôn ngữ Việt nói chung. Tôi đã có nhiều bài viết về
chủ đề này rồi, nên khỏi nhắc nữa, phí thời gian.
Dẫn thêm ví dụ đọc chơi thôi, đó, "phu nhân"
là âm Việt-Hán, "vợ" thì hết sức Việt luôn, nếu đâm đầu tin vào cái
bình phong của luận điệu "làm trong sáng tiếng Việt" thì ... lẽ ra
các báo phải ghi "Thủ tướng và vợ" chớ? Ồ, hết thảy đều ghi "Thủ
tướng và phu nhân".
"Đại lộ", "phu nhân", "đường
to", "vợ"... cũng đều nằm trong di sản ngôn ngữ Việt, không bên
trọng bên khinh.
1b) Về mặt kỹ thuật:
"Đại lộ" là một thuật ngữ kỹ thuật trong
giao thông công chánh, phải hội đủ một số tiêu chuẩn theo qui định thì mới được
gọi là "đại lộ". Còn gọi "đường to" thì ... vô chừng lắm, ở
tuốt trong vùng sâu đi đường hẹp té cỡ 1m, ra gặp con đường rộng cỡ hơn 2m thôi
thì đã hô toáng lên là "đường to" chớ còn gì nữa!
&2&
2a) Cũng rứa, đối với "hạm" - đây là cách đọc
bằng tiếng Việt đối với chữ 艦 (tiếng Tàu đọc khác, là
/jiàn/). "Hạm" là một thuật ngữ kỹ thuật trong hàng hải, phải hội đủ
một số tính năng kỹ thuật nào đó theo qui định bên hải quân thì được gọi là
"hạm".
Và để nhấn mạnh chiếc "hạm" chính trong một
hạm đội, gọi là "mẫu hạm" - đây là cách đọc bằng tiếng Việt trước hai
chữ 母 艦
(tiếng Tàu Bắc Kinh đọc khác, là /mǔ jiàn/).
2b) Coi "ngộ" lắm đa. Đọc báo VN trong nước,
khi đưa tin về lực lượng hải quân VN ghi rõ rành những chữ như "hạm đội",
"chiến hạm"... chớ đâu phải chỉ biết trên đời này có mỗi cách gọi là
"tàu"!
Vậy, vì sao vẫn cứ gọi là "tàu" - trong cụm
chữ "tàu sân bay" (Aircraft carrier) - mà không chịu đổi sang cách gọi
là "hạm"?
2c) Nhắc lại cái chữ "Airport", có một thời
gian dài cứ chăm bẳm gọi là "sân bay", nhưng hiện nay đã chính thức đổi
sang cách ghi là: "cảng hàng không" - "Air" là "hàng
không", "port" là "cảng" đó đa!
Vậy, "Air" (trong "Aircarft
carrier") mắc gì không chuyển sang gọi là "Hàng không" cho thức
thời, đồng bộ?
Chuyển ngữ "Aircraft carrier" là: "Hàng
không hạm". Và bởi vì "Aircraft carrier" là chiếc hạm chính, to
đùng, bự chảng, thành thử gọi thành "Hàng không mẫu hạm" thì càng hợp
lý hơn nữa.
&3&
Ở Miền Nam trước 1975, dùng những chữ như "đại lộ",
"trực thăng", "hàng không mẫu hạm", "tiểu học",
"trung học"... là đều được suy nghĩ thấu đáo.
Sau tháng 4 năm 1975, nông nổi cách (cái) mạng chữ
nghĩa, những chữ vừa dẫn bị ném đá, đề cao cách gọi như "đường to",
"máy bay lên thẳng", "tàu sân bay", "cấp 1",
"cấp 2"...
Rồi, rốt cuộc, bây giờ "giác ngộ" được cách
dùng chữ của người miền Nam trước 1975 là hợp lý hơn - nên đã gọi là "(máy
bay) trực thăng", "tiểu học", "trung học"..., cũng
không còn cái sự hóng hớt đề cao "đường to" mà dùng chữ "đại lộ"
coi đàng hoàng hơn hẳn.
Riêng cách gọi "Hàng không mẫu hạm" chưa được
may mắn, vẫn còn bị "xui", chưa được dùng lại. Nhưng, cũng chỉ là kéo
dài thời gian nhúc nhích mà thôi (giống như đã từng hăm hở ném đá mấy chữ như
"trực thăng", "tiểu học"...).
Muộn màng cách mấy đi nữa, cũng sẽ đến lúc "giác
ngộ" trong cách dùng ngôn ngữ. Cố ý làm chậm sự thay đổi, để chi? Mắc mệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét