ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2022

Họ Chợ Quán

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

HỌ CHỢ QUÁN (tiếp theo)

-----------------

XIII. - Các cha coi Họ

Từ khi binh Langsa đến lấy Saigon cho tới bây giờ.

Trong năm 1859-1860, cha Đoan ở Chợ Quán, lo cất một cái nhà lá gần chỗ nhà thờ nhà phước bây giờ, nhà cất day xông ra đường đi, rồi người ngăng đầu chái phía trong mà ở, còn phía ngoài thì để làm lễ, đến sau người cất thêm một cái nhà ngang ở phía trong mà ở, nhà nầy giáp mái với chái nhà ngoài, rồi dọn trống nhà ngoài để làm nhà thờ tạm cho bổn đạo đến xem lễ.

Tích cái chuông annam.

Khi cha Đoan cất nhà thờ nầy rồi được ít lâu thì người lo đem cái chuông annam về, để khi có làm lễ trong họ thì dộng chuông cho bổn đạo biết đặng tựu đến mà xem lễ. Nguyên gốc cái chuông nầy buổi trước là của chùa ông Phúc, lúc chạy giặc đem bỏ dưới bàu ở phía ngoài chùa, đến sau có một người xí được đem bán lại cho ông trùm Lưu 100 quan tiền annam, ông trùm đành mua y giá, và biểu khiêng chuông ấy về giấu dưới giếng loạn gần bên nhà bà năm Bình cho tới khi yên giặc; chừng cha Đoan cất nhà thờ lá rồi (năm 1860) thì người lo đem chuông ấy về để dùng trong nhà thờ. Đến sau khi cha Ngãi (P. Derval) về coi họ (1875 - 1879), người tính bán chuông ấy cho thợ đúc đập đồng, thì ông trùm Lưu không chịu bán, và xin mua lại để cho nhà thờ, mà như trong họ không dùng nữa, thì người sẽ cho nhà thờ khác; lúc ấy cha sở và quí chức họ định giá bán 30$, ông trùm phải mua lại một bận nữa và để dùng trong nhà thờ, cho tới khi cha Bề trên Cao (P. Delignon) làm cha sở trong họ (1898-1913) thì cũng còn dùng chuông ấy được một ít năm, rồi sau bị dộng nứt đường, nên không dùng tới nữa, song trong họ cũng còn giữ dấu tích ấy cho đến bây giờ.

Đến giữa năm 1861, khi binh Langsa đã lấy đồn Cây Mai, Chí Hòa và Thuận Kiều rồi, thì miệt xung quanh Saigon đã yên, nên bổn đạo Chợ Quán lần lần trở về quê quán mình. Qua năm 1862, cha Đoan biểu ông trùm Lưu lo sửa soạn dọn dẹp nhà cữa sạch sẽ tử tế, rồi người nước Đức cha Đôminicô đến xức trán cho đồng nhi và bổn đạo trong họ tại nhà ông trùm, vì nhà thờ lá cha đã cất năm trước thì chật hẹp lắm, không có chỗ đủ mà chứa đồng nhi và bổn đạo chịu phép xức trán kỳ đó ngoài số 100 người.

Cái nhà ông trùm Lưu đã chứa Đức cha Đôminicô và các cha trong buổi cấm kín, và năm ấy Đức cha có trở lại đó một bận nữa mà ban phép xức trán; đến sau ông trùm dưng nhà ấy cho Nhà Chung để nhớ dấu tích xưa; thì Đức cha dạy đem cất lại làm nhà mát tại lăng Đức Thầy Vêrô (quen gọi là lăng Cha cả) đặng giữ dấu tích ấy. Cách mấy năm nay đã dời nhà ấy về gần nhà thờ Chí Hòa. Còn cái bàn thờ Đức cha và các cha đã làm lễ tại nhà ông trùm Lưu trong lúc cấm kín, thì bây giờ con cháu ông trùm cũng còn giữ dấu tích ấy.

Cha Đoan cất nhà thờ ngói

Đến năm 1862, khi binh tây đã lấy mấy đốn phía trên nầy rồi, thì cha Đoan đến xin nhà nước Langsa cho cha bốn năm cái đình bỏ hoang từ Chợ Quán sấp ra tới Chợ Đủi, thì nhà nước bằng lòng cho cha hết thảy mấy chỗ đó, nên cha Đoan lo cho các chức và bổn đạo trong họ đi dở mấy cái xác đình ấy đem về, rồi cha mướn thợ lọc những cây cột cao lớn và dọn sửa lại mà cất một nhà thờ ngói theo kiểu annam, tại miếng đất ngay trước nhà bà huyện Sáu ở bây giờ; nhà thờ nầy bề dài cất 7 căn ( trên cung thánh 2 căn, dưới 5 căn ), xung quanh xây vách gạch, phía mặt tiền có cất một cái võ ca tiếp luôn với nhà thờ, còn phía sau nhà thờ thì cất một cái nhà ngói giăng ngang qua, bằng bề rộng nhà thờ, và cách khoảng ra chừng năm sáu thước tây, để cho cha sở ở; hai bên hông nhà thờ thì xây vách gạch chạy dài ra phía hậu, bắt vần giáp với hai đầu cái nhà cha sở; dựa trong vách có làm hai cái nhà cầu dài nối hai đầu xông cái nhà cha sở, đi thẳng vô hai bên cung thánh nhà thờ; tại khoảng giữa có chứa một cái sân khấu, kế tắm vách ngăng phía sau bàn thờ chánh.

Cha Đoan cũng có cất thêm một cái nhà vuông bằng cây ván, lợp. ngói, phía bên tả nhà thờ, cách khoảng ra chừng bốn năm thước tây, để cho quí chức họ nhóm hiệp mỗi khi hữu sự.

Cha Ba (P. Barou).

Khi cha Đoan cất nhà thờ nầy và nhà ở xong rồi chưa được bao lâu, kế xảy ra việc trắc trở, cho nên qua lúc đầu năm 1863 Đức cha đổi cha Ba về làm cha sở họ Chợ Quán (1863-1866). Cha Ba về ở yên rồi thì người lo xin quan tây cho một cái vòng thành đã bỏ hư sập, thiên hạ kêu là thành Bà Tiết, ở gần làng Tân Kiển phía sau nhà thương Chợ Quán; rồi các chức và bổn đạo dở vòng thành ấy mà lấy đá lấy gạch đem về; đoạn cha Ba mướn thợ lo dở cái võ ca cha Đoan đã cất tại mặt tiền nhà thờ mà xây hai bên hai cái lầu chuông, bề vuông vức độ chừng hơn ba thước tây, bề cao chừng 20 thước. Năm ấy có cha Nhu còn làm thầy (khi ấy kêu là thầy Công, đến sau mới cãi lại tên Nhu), ở coi giúp công việc với cha Ba, và dạy đồng nhi dọn mình rước lễ vỡ lòng lại cũng có tập một ít đồng nhi nam hát lễ chút đỉnh. .

Nhà thương Chợ Quán.

Trong lúc cha Ba ở coi họ, thì nhà nước có xin các bà Nhà Trắng đến ở nuôi bịnh tại nhà thương Chợ Quán. Gốc nhà thương nầy là của nhà nước đã lập hồi mới lấy thành Saigon vừa yên, song lúc trước chưa có các bà giúp.

Nghe nói khi ấy mỗi Chúa nhựt cha sở phải làm hai lễ, một lễ sớm làm tại nhà thương Chợ Quán, rồi về nhà thờ họ làm một lễ nữa, qua đến đời cha Long (P. Bouillevaux) cũng còn làm như vậy.

Kiệu ảnh trọng thể.

Đến năm 1865, lúc cha Ba còn ở tại họ, có lịnh Đức cha truyền cho các họ xung quanh Saigon phải lo sửa soạn đặng đến ngày lễ Mình Thánh Chúa (15 Juin 1865) tựu tới nhà thờ nhà nước, khi đó ở tại Chợ Vải (chỗ tòa Tạp tụng bây giờ) mà đi kiệu Mình Thánh Chúa trọng thể trong các nẻo đường giữa thành Saigon. Lúc ấy mỗi họ đều đua nhau lo tập luyện sắp đặt mọi việc sẵn sàng, đến ngày đi kiệu thì mỗi cha sở dắc bổn đạo mình đến, họ nào đi theo họ nấy, mỗi họ có cờ hiệu riêng; đồng nhi nữ thì đội lúp bố dài và mão hoa, đồng thi nam thì áo đen quần trắng, đội mão hoa, lớp thì đi hát kinh hát lễ, lớp thì cầm cờ cầm nhành hoa, bổn đạo cũng ăn mặc sạch sẽ, hàng ngũ thứ tự và cầm cờ ngũ sắc. Hai bên đường có lính dàn hầu, đi kiệu trọng thể oai nghi và đông thiên hạ lắm, rồi sau mỗi năm cũng cứ làm như vậy cho tới năm 1880-1881, từ đó tới bây giờ không có đi kiệu trọng thể như vậy nữa.

Cha Xuân và cha Long,

Cha Ba ở Chợ Quan tới tháng Septembre 1866 thì người thọ bịnh phải đi về tây, nên có cha Xuân (P. Bouiller) đến ở thế coi họ cho tới tháng Avril 1867, rồi Đức cha đổi cha Long (P. Bouillevaux) về làm cha sở Chợ Quán (1867-1874), thì người cũng còn ở cái nhà cha Đoan cất buổi trước, và người lo cất lại nhà cha sở ra phía trước mé hữu nhà thờ, nhà cất bằng gạch ngói theo kiểu nhà tây, rộng rãi khoảng khoát; nghe những người tuổi tác cố cựu trong họ nói nhà nầy nguyên gốc là của quan Nguyên soái đời ấy là ông Amiral de Lagrandière cất cho cha Long, không rõ ông có bà con thân quyến gì với cha, hay là bỡi lòng nhơn đức đại độ mà giúp cha như vậy, vì trong họ không có dự tới việc cất nhà nầy; những gạch đá cây ván và công dân công thợ, cả thảy là của quan Nguyên soái ấy cho, lại trong lúc làm nhà ấy thì có một người tây đến coi các việc cho tới khi hoàn thành. Lại nghe nói khi ấy mỗi Chúa nhựt có bà vợ quan Nguyên soái hay đến xem lễ tại nhà thờ Chợ Quán, và lễ rồi thì thường khi bà hay phát ảnh vảy hay là xu cho đồng nhi nam nữ.

Lúc sau cha Long có mướn ông thợ Nghiêm chạm một cái bàn kiệu theo kiểu annam khéo léo lắm, bề dài độ chừng hai thước năm tây, bề ngang chừng hơn một thước năm, bề cao ước được một thước năm, sơn son thếp vàng xem đẹp lắm, lại có sắm y phục riêng cho những người khiêng bàn kiệu ấy nữa. Khi làm bàn kiệu nầy xong rồi, thì mỗi năm đến ngày lễ Đ C Bà chẳng hề mắc tội tổ tông, là bổn mạng họ, bổn đạo chưng bàn ấy ra đi kiệu ảnh Đ C Bà coi oai nghi trọng thể lắm; qua mấy đời cha sở kế sau mỗi năm cũng giữ lệ kiệu như vậy. Đến năm cha Y (P. Errard) về coi họ (1887-1891) thì người chê bàn kiệu ấy nặng nề, hay là tại làm sao không rõ, nên không dùng tới nữa, rồi qua lúc sau nầy nghe nói cha Bề trên Cao (P. Delignon) gởi về tây cho ai không rõ.

Cha Long cũng có sắm cho nhà thờ họ một bộ chơn đèn tây (đèn ống) ba cặp, bề cao một thước tây, với một ảnh chuộc tội lớn bề cao một thước năm cũng theo một kiểu với ba cặp chơn đèn ấy, để dùng trong nhà thờ họ cho tới bây giờ.

Khi cha Long coi họ Chợ Quán thì nhơn số bổn đạo được 1.300, Nhà phước Chợ Quán được chừng vài mươi người; tại nhà thương Chợ Quán có 10 bà phước Nhà Trắng ở nuôi chừng 250 bịnh.

Nghe nói đời ấy ngày Chúa nhựt lễ cả quí chức họ đi xem lễ thì mặc áo vuông (là áo vạt xuống tới ngang đầu gối, tay rộng mà dài bằng vạt áo, cũng như áo trường lỡ vậy, còn đờn bà thì bận áo rộng hết thảy, người có của thì mặc áo hàng lụa, còn người tầm thường thì áo vải, mà cũng là áo rộng, trừ ra những người nghèo quá không sức may được áo rộng thì mới mặc áo chẹt mà thôi.

Lúc ấy có thầy Hoằng (rể ông tổng Tấn) dạy học cho nhà nước, nên nhà nước có phát mực giấy bản đá, vv, cho học trò dùng, dạy tại nhà riêng ở gần chỗ nhà mồ ông Đốc Ký bây giờ, con trai con gái học chung một chỗ được chừng ba bốn mươi. – Thầy Hoằng cũng có giúp cha Long mà tập đồng nhi nam hát lễ trong nhà thờ họ nữa.

Cha Liêu và cha Trung

Cha Long ở Chợ Quán cho tới tháng Février 1874, thì người thọ bịnh phải về tây, nên lúc đó có cha Liêu (P. Dumoulin) đến coi họ thế cho tới tháng Octobre năm ấy; rồi kế cha Trung (P. Marie) đến tiếp cho tới tháng Avril 1875. Hai cha nầy thuộc về địa phận ngoài, chạy giặc vô Nam Kỳ, quyền đỡ coi giúp việc họ một ít lâu mà thôi.

Cha Ngãi (P. Derval).

Đến tháng tư tây 1875, Đức cha đổi cha Ngãi về làm chánh bổn sở họ Chợ Quán (1875-1879), thì cha lo cho bổn đạo đào kinh dựa ranh đất nhà thờ bây giờ, đặng lấy đất mà bồi đắp cho bình địa miếng vườn nhà thờ, vì buổi trước phía bên hữu nhà thờ họ bây giờ là một cái bàu rau muống lớn minh mông.

Cha Ngãi có cất nhà trường trong ranh đất nhà phước, dạy đồng nhi nữ học chữ quốc ngữ, kinh phần, v. v... Lại cha cũng cất một nhà trường bằng lá, gần chỗ mấy căn phố ngói ở trước nhà thờ bây giờ mà dạy đồng nhi nam; hồi ban sơ thì thầy Hoằng dạy một ít lâu, khi người thôi thì thầy Sáu Tấn dạy tiếp (thầy Sáu Tấn đến sau thăng chức huyện hàm, người ta thường kêu là ông Trịnh khánh Tấn, hay là ông huyện Sáu). Đến sau cha Ngãi dời trường nầy về phía sau nhà thờ cũ của cha Đoan đã cất khi trước, thì thầy Sáu Tấn cũng còn dạy một ít lâu nữa, rồi khi thầy Sáu thôi dạy thì nhà phước dạy tiếp.

Năm Toàn xá.

Đến năm 1876 - 1877 Tòa Thánh ban phép. Toàn xá Jubilêô cho các bổn đạo, nên lúc ấy cha Ngãi rước cha Bề trên Quí (P. Gernot) ở Cái Mơng lên giảng cấm phòng chung cho hết thảy bổn đạo và đồng nhi trong họ, nhiều người nguội lạnh trễ nải đã bỏ xưng tội rước lễ lâu năm, nhờ dịp nầy mà ăn năn trở lại. Nhơn lúc cấm phòng Toàn xá nầy, thì cha Ngãi có dựng một cây thánh giá cao lớn bằng cây sao tại giữa nền nhà thờ đã bị quân giặc đốt phá khi xưa, là chỗ cất nhà thờ họ bây giờ, dưới chơn thánh giá nầy có xây một cái mô cao, xung quanh lót gạch tàu một khoảnh vuông vức độ chừng 6 thước tây, bốn phía có xây lan can giáp vòng.

Từ khi dựng cây thánh giá nầy lên nơi ấy, thì thường mỗi bữa chiều bổn đạo lớn nhỏ đua nhau đến viếng thánh giá, lại từ đó đến sau, mỗi khi kiệu ảnh trọng thể, thì đi kiệu từ nhà thờ cũ lên đi vòng xung quanh gốc thánh giá ấy rồi mới kiệu trở về. Đến năm 1885, khi cha Tài (P. Hamm) lo dọn xây nền nhà thờ bây giờ, thì đã dời cây thánh giá ấy ra phía trước gần chỗ nhà trường nam, sau đến năm 1890 cha Y (P. Errard) dọn chỗ cất nhà trường, thì lại dời vô phía sau, mé bên hữu nhà thờ bây giờ. Qua năm 1917, cha Bính (P. Laurent) thấy cây thánh giá ấy đã mục, nên cha biểu hạ xuống.

Khi cha Ngãi là cha sở họ Chợ Quán thì có cha Hiệu (P. Humbert) ở học tiếng annam, từ tháng Avril 1875 cho tới tháng Août 1876, đến lúc sau có cha Anrê Bửu đến giúp, từ tháng Octobre 1876 cho tới tháng Février 1877. Cha Ngãi cũng đã mua cho nhà thờ một cái đèn vọng trước Mình Thánh Chúa, một thánh giá thau xuy bạc để đi kiệu ảnh, một tượng Đ C Bà bề cao 1 thước năm, một tượng R. T. T. T. Đ C G và một tượng ông thánh Giude bề cao 1 thước hai, bằng thạch cao kiểu tây, và một cái đờn (harmonium). Đến năm 1891-1892, cha Mão (Mgr. Mossard) làm cha sở, thì có người dưng cho nhà thờ một cái đờn khác, nên đã bán cái đờn cũ; còn tượng R. T. T. T. Đ C G đến sau cha Bề trên Cao có mua một tượng khác lớn hơn, nên đã cho nhà phước tượng cũ; còn mấy món khác của cha Ngãi đã sắm cho nhà thờ khi đó, thì bây giờ cũng còn.

Cha Hòa (P. Greset).

Đến tháng Février 1879, Đức cha đổi cha Ngãi đi nơi khác và cha Hoà về coi họ (1879-1882), thì người lo tập mười lăm đứa đồng thi nam và nhà phước hát lễ, và người lo cho nhà phước dạy đồng nhi nữ học thêm việc may vá thêu thùa chút đỉnh.

Năm cha Ngãi còn ở trong họ thì người có tập mấy học trò lớn hát lễ và có ông Đốc Ký đánh đờn trong nhà thờ họ một hai khi, rồi đến sau thì con ông Đốc, là Phủ Thế, hồi còn trai tráng, đã tiếp đánh đờn cho đồng nhi hát.

Cha Tài (P. Hamm).

Qua tháng Février 1882, cha Hòa đổi đi họ khác và cha Tài về họ Chợ Quán (1882-1886), thì người không tập đồng nhi nam hát lễ nữa, song người lo tập nhà phước và đồng nhi nữ hát mà thôi, lại lúc ấy người có cho hai người nhà phước đi xuống Cái Mơng mà học đờn, rồi sau trở về đánh đờn mỗi khi có hát lễ trong nhà thờ họ.

Lúc ấy có một bà đầm tây ở Chợ Lớn đến giúp dạy đồng nhi nữ học mạn vớ và đương vớ bằng chỉ laine, và dạy thêu được chừng bảy tám tháng; lại nhà phước cũng có dạy đồng nhi học dệt chiếu nữa.

Cha Thiết (P. Boutier).

Đến tháng Juillet 1885 có cha Thiết đến giúp cha Tài mà coi xây nền nhà thờ mới là nhà thờ họ bây giờ, thì cha Tài lo mướn công dân dọn sạch cây cối trong vườn nhà thờ, và người có sắm xe sắm bò, mướn người đi lấy đất ngoài bàu chùa đem về đổ nền nhà thờ. (Bàu chùa là cái bàu sen ở phía ngoài ngã tư đường trên, ngay trước nhà Sáu Núi ở bây giờ). Qua tháng Juin 1886, cha Tài thọ bịnh mà qua đời thì trong họ đã lo mai táng người tại nền nhà thờ, khi đó mới làm được hai phần công việc mà thôi.

Năm cha Thiết ở coi xây nền nhà thờ, thì người cũng giúp cha Tài mà tập nhà phước và đồng nhi nữ hát lễ nữa.

Bổn đạo Bình Định Khánh Hòa chạy giặc.

Trong năm 1885, khi cha Tài còn sanh tiền, địa phận Bình Định, Khánh Hòa bị Văn Thân nổi dậy đốt phá nhà thờ nhà thánh và sát hại chém giết cha thầy và bổn đạo lung quá, nên phần nhiều đã chạy vô Nam Kỳ mà lánh thân, thì lúc ấy Đức cha truyền lịnh cho bổn đạo các họ gần Saigon phải làm phước nuôi những kẻ ấy tùy gia thế mỗi nhà, nên năm đó ở Chợ Quán có nhiều nhà phải lãnh nuôi những bổn đạo ấy đông lắm.

Cha Ngoan (P. Prodhomme).

Khi cha Tài qua đời rồi thì cha Thiết ở quyền coi họ và lo xây tiếp nền nhà thờ cho rồi; đến tháng Septembre 1886 thì cha Thiết thôi ở Chợ Quán, kế của Ngoan đổi về làm chánh bổn sở, song bỡi người bịnh hoạn yếu đuối quá, nên qua tháng Avril 1887 người phải đi về Tây.

Cha Y (P. Errard).

Khi đó Đức cha đổi cha Y ở Bà Rịa lên coi họ Chợ Quán (1887-1891, thì người ở tại nhà thờ cũ và lo cất một cái nhà ngói tại trước nền nhà thờ mới, phía ngoài lộ đi vô, để khi người lên coi làm công việc tại nền nhà thờ mới cho có chỗ nghỉ mát. Khi cất nhà ấy xong rồi, thì người coi sửa một hai chổ trong nền cha Thiết đã xây năm trước, rồi người coi xây dựng nhà thờ lên cho tới khi lợp ngói, nội tâm cũng đã xây vách ngăng phía trong cung thánh rồi, mấy bàn thờ và mấy khuông cữa đặt đã yên hết, còn cữa sổ thì người đóng khung tạm bằng rui mè cho kín mà thôi, lại đã đóng trần nóc và phong tô lót gạch xong rồi từ trên cung thánh xuống ba căn dưới, tới ngang cữa hông hai bên. Khi đó người lo dọn về làm lễ tại nhà thờ mới (1889) và ở tạm trong nhà ngói người đã cất lúc trước phía gần ngoài lộ. Nhà ngói ấy bây giờ để làm nhà trường dạy đồng nhi nữ, còn nhà thờ cũ thì người tính với quí chức họ mà cho cha Đoan dở đem về cất nhà thờ họ Lương Hòa, rồi lúc sau thì người xây lan can xung quanh hàng ba nhà thờ và xây lầu chuông lên đã khỏi từng thứ nhứt, rủi người phát bệnh nặng, thầy thuốc biểu cha phải về Tây, cho nên qua tới tháng Mars 1891 người phải ngưng hết công việc làm nhà thờ lại mà lo sắm sửa xuống tàu, và đến sau người đã qua đời tại quê quán người.

Trong lúc cha Y đang coi họ, thì cha Tadêu Đức có tới ở giúp một ít lâu (1887-1888).

Khi cha Y mới về trong họ, thì người lo cất một nhà trường bằng lá ở phía bên hữu nhà thờ mới, rồi dời hết đồng nhi nam nữ về học tại đó, có hai dì nhà phước dạy, (đồng nhi nữ học buổi sớm mai, đồng nhi nam học buổi chiều).

Cha Y ở Chợ Quán được chừng một năm, thì có sáu bảy thầy ở trong họ đã hội hiệp nhau mà tập hát lễ tại nhà thờ họ, lúc ban sơ là ông Đốc Ký và thầy Tư Viết, đánh đờn hát lễ một ít lâu (thầy Tư Viết bây giờ làm Tri phủ), rồi kế sau là thầy Kiểu (thầy Kiểu khi đó ở Nhà trường Latinh mới ra, đến sau được thăng chức Huyện hàm), và thầy Tươi (thầy Tươi cũng là người Nhà trường lúc đó mới ra làm việc được ít năm, bây giờ làm Đốc phủ sứ), đến năm 1888-1889 thì thầy Năm (thầy Năm khi đó đang dạy học trò trường Taberd, đến sau đã thăng chức Tri phủ, bây giờ làm Câu nhứt trong họ), lo tập một lớp đồng nhi nam, chừng 12, 13 đứa, đặng hát lễ tiếp mấy thầy, vì cách qua một đôi năm sau, thì mấy thầy ấy mắc đổi đi làm việc nơi khác, không còn ở trong họ nữa, nên từ đó đến sau thì thầy Năm đánh đờn và lo tập hát luôn trong nhà thờ họ. Còn đồng nhi nữ thì nhà phước tập hát kinh annam và hát lễ, rồi hai bên thay phiên với nhau mà hát lễ trong nhà thờ.

Cha Lương (P. Lambert).

Khi cha Y về Tây rồi, thì có cha Lương đến ở thế. Năm đó cha Lương ở bên tây mới qua ít tháng, nên chưa biết được bao nhiêu tiếng annam, người cũng ở tại nhà ngôi cha Y đã ở lúc trước cho tới cuối tháng Septembre 1891.

Cha Mão (Mgr. Mossard).

Qua đầu tháng Octobre 1891, Đức cha đổi cha Mão là Đức cha chánh trong địa phận bây giờ ở Chợ Lớn về làm chánh bổn sở họ Chợ Quán (1891-1898), thì người ở tạm đàng sau cung thánh nhà thờ mới, và lo cất tiếp thêm hai căn gie ra ngoài, ngay cữa giữa phía sau cung thánh, để làm phòng khách; còn chỗ nhà ngói cha Y và cha Lương đã ở tạm lúc trước, thì để làm nhà trường dạy đồng nhi nữ cho tới bây giờ. Khi cha Mão ở yên rồi, thì người lo làm tiếp công việc trong nhà thờ và xây lầu chuông cho tới khi huờn tất, đoạn người mướn thợ sơn vẽ cả thảy từ trên tới dưới; cũng trong lúc ấy người sắm thêm cho nhà thờ họ một tượng ông thánh Antôn bề cao 1,6 mét, một tượng ông thánh Gioang làm phép rửa tội cho Đ. C. G. và một tượng hạ xác Đ. C. G. trong tay Đức Mẹ, bề cao 0,95 mét,  đến sau người sắm thêm 1 chặng đàng thánh giá và mấy tượng ba vua, mục đồng chưng trong máng cỏ, và chơn đèn bông, nhà tạm để Mình Thánh Chúa, v.v ... Khi lo mọi việc an bài rồi, thì người rước Đức cha Để (Mgr. Dépierre) đến làm phép lành nhà thờ mới trong ngày mồng bốn tết năm Bính Thân (16 Février 1896).

Trong năm 1896 cha Mão lo cất nhà cha sở gần bên nhà thờ họ (nhà đó là nhà cha sở ở bây giờ). Khi làm nhà nầy yên rồi, người dọn về ở chưa được giáp năm, rủi người thọ bịnh, nên tới cuối năm 1897 người phải đi qua Hong Kong mà dưỡng bịnh.

Cha Nguơn (P. Desseaume)

Lúc ấy có cha Nguơn quyền đỡ coi họ từ tháng Août 1897 cho tới khi cha Mão ở Hồng Kông trở về trong tháng Janvier 1898, thì Đức cha đã định đổi cha Mão đi làm chánh bổn sở họ Saigon. Cách ít lâu sau người lên quờn Giám mục và đã làm lễ phong chức cho người trong ngày 1er Mai 1899.

Hội con cái Đ C Bà

Khi cha Mão đang còn coi họ Chợ Quán, thì người có khỉ sự lập (Hội con cái Đ C Bà), nên người đã cho một ít chị đồng Nhi lớn vào hội ấy, song chưa kịp thành việc, kế người phát bịnh phải đi Hồng Kông, nên đến sau cha Cao (P. Deligion) mới sắp đặt cho có thể lệ và lập sổ hội con cái Đ C Bà cho tới bây giờ..

Cha Cao (P. Delignon).

Đến tháng Janvier 1898, Đức cha đổi cha Cao về coi họ Chợ Quán (1898-1913), thì người khỉ sự lo sắm cho nhà thờ họ năm cái chuông tây, nguyên của bổn đạo trong họ dưng và có khắc tên trên năm cái chuông ấy

Cách ít năm sau cha Cao lo cất nhà trường ngói cho đồng nhi nam, lúc ban sơ thì nhà phước dạy được ít năm, rồi sau người mướn thầy giáo dạy chữ Langsa và cất nhà cho thầy giáo ở dạy đồng nhi trong họ. Lúc ấy sẵn có cây ván cũ của một người kia cho mà cất nhà thầy giáo rồi hãy còn dư nhiều, nên ngrời lấy đồ cũ ấy mà cất ba căn phố ngói ở phía trước nhà thờ họ. Đến sau người cất một cái nhà dài bằng ngói xây trụ gạch và giăng ra một chặng để làm nhà bếp, một chặng cho từ ở và một chặng dài để cất những đồ dùng của nhà thờ.

Đến năm ông Huyện Lê phát Đạt qua đời thì trong thân tộc xin tạm một chỗ phía sau nền nhà thờ họ Chợ Quán mà táng để người nơi đó một ít lâu, nhơn dịp ấy thì bà Huyện đã sắm những màn nhung đen treo bàn thờ chánh và cờ vải đen treo bốn phía nhà thờ trong ngày làm lễ táng xác ông Huyện, và khi xong việc rồi thì bà Huyện dưng hết những đồ ấy cho nhà thờ họ; lại đến sau bà Huyện cũng đã giúp tiền mua cây ván mà đóng ghế bàn quì trong nhà thờ họ.

Hội Môi Khôi.

Tuy trong họ đã có hội Môi Khôi lâu năm trước rồi, song chưa phải lập theo thể lệ mới sau nầy, nên đến năm 1904 cha Cao lập lại hội Môi Khôi tại nhà thờ họ Chợ Quán, y theo luật lệ mới, cho hội hữu được hưởng nhờ trọn những ân tứ Hội thánh đã ban cho những kẻ vào hội ấy.

Hội Các Đẳng.

Hội nầy là của ông Phủ Minh khỉ sự ra lúc đầu năm 1905. Nguyên trong lúc ông nầy hưu trí mà thấy nhiều người bổn đạo trong họ đi vào hội Các đẳng tại họ khác, thì người nghĩ rằng: họ Chợ Quán là họ cố cựu, mà nếu không lo lập hội nầy trong họ, thì chắc đến sau bổn đạo Chợ Quán sẽ đi vào hội nơi khác, cho nên ông Phủ Minh lo đặt phỏng một bổn điều luật hội, rồi nhóm những viên chức và những người thông hiểu công việc ở trong họ, mà bàn luận chung cùng với nhau về việc ấy đã đôi ba phen, đoạn trình lại cho cha sở rõ và cũng có nhóm tại nhà cha sở mà bàn tính lại một đôi lần nữa; đến ngày 19 Mars 1905, cha sở dạy nhóm một bận nữa tại nhà cha mà trạch cử chức việc hội, và khỉ sự lập hội Các đẳng trong ngày ấy. Cách qua bốn tháng sau, chức việc hội lo sắp đặt đặt điều luật hội lại cho chắc chắn, rồi ba ông viên chức lớn, là chánh hội, phó hội và thương biện thủ bổn hội, đem nạp bổn luật Hội cho quan trên mà xin phép lập hội theo luật nhà nước, cho khỏi việc trắc trở ngày sau, mà khi ấy quan trên không phê cho phép y như lời ba ông chức việc hội xin, vì người nói không cần phải có quan trên phê làm chi, cứ việc làm phải lẽ thì thôi, nghĩa là phép nước không cấm.

Đến năm 1915 nhằm lúc cha Bính (P. Laurent) coi họ, và ông Phủ Năm làm chánh chủ hội Các đẳng Chợ Quán, thì ông nầy xét vì hội Các đẳng một ngày một đông nhơn số, mà nếu không có văn bằng cho chắc phép nước, thì e ngày sau rủi có xảy ra việc gì ngăn trở, rồi quan trên bắt phải triệt bãi hội đi thì sẽ sanh sự khó lòng và thiệt hại cho hội lắm. Bỡi đó cho nên ông Phủ Năm lo soạn kiếm mấy điều luật nhà nước về việc lập hội, rồi bàn tính với cha sở mà làm đơn xin quan trên phê chuẩn văn bằng y theo mấy điều luật đã soạn được mà cặp theo đơn.

Khi ấy quan Chủ tĩnh buộc ông Phủ Năm phải làm tờ khai nguyên gốc hội lập ra tại nơi nào, bàn viên chức lo việc hành chánh có mấy người, tên gì, làm nghề gì, ở đâu - hội nhóm họp nơi nào; - phải dịch bổn điều luật hội ra chữ Langsa mà nạp hai bổn, và nhơn số hội hữu được bao nhiêu thì phải nạp hai bổn sổ cho rõ ràng, những tên gì, làm nghề gì, ở đâu, và buộc ông chánh chủ hội phải đứng ký tên nhận thật mấy tờ ấy. - Đoạn quan Chủ tĩnh gởi hết những khai báo sổ bộ đơn từ của ông chánh chủ hội đã nạp cho quan Nguyên soái nghiệm xét, thì quan Nguyên soái trả lời cho quan Chủ tĩnh rằng: xét vì ý tứ và công việc hội nầy làm y theo trong điều luật hội, thì chẳng có sự gì nghịch phép nhà nước, và cũng chẳng sanh sự chi lộn xộn trong nhơn dân, nên quan Nguyên soái bằng lòng phê chuẩn cho phép ông Phủ Năm lập hội Các đẳng tại họ Chợ Quán. - Đến ngày mồng 3 Decembre 1915, quan Chủ tĩnh gởi tờ phê cho phép ông Phủ Năm lập hội như lời quan Nguyên soái nghị định.  - (Trong đơn ông Phủ Năm xin để tên “Cha sở Chợ Quán” đứng lập hội, mà quan trên không chịu, lại để tên ông Phủ, nên Hội Các đẳng nầy trước mặt nhà nước là “ông Phủ Năm Vincent” đứng tên ).

Chant Grégorien.

Đến năm 1908-1909, cha Cao khỉ sự tập hát là theo cung cách đời Đức Giáo tông Ghêrêgôriô xưa, gọi là “Chant Grégorien” và sửa cách đọc chữ Latinh theo gốc bên Rôma. Từ đó đến sau bên nam và nhà phước cứ hát theo cung cách ấy cho tới bây giờ.

Cha Cao lên bực Bề trên.

Đến tháng năm tây 1909, khi cha Bề trên Liễu (P. Lallement) qua đời rồi, thì Đức cha chọn cha Cao lên bực “Bề trên thay mặt Giám mục trong địa phận”. Nhơn dịp ấy bổn đạo trong họ đã chung cùng với nhau mà bày cuộc mừng cha sở mới được thăng chức Bề trên, và chiều tối bữa ấy có Đức cha Mão (Mgr. Mossard) đến trong họ dự chút tiệc mà chúc mừng cho cha sở, và người ban khen họ Chợ Quán có phước, đã được một cha sở cựu làm Giám mục (là chính mình Đức cha) và nay lại được một cha sở lên bực Bề trên thay mặt Giám mục nữa.

Lễ Tam nhựt.

Đến năm 1910 trong họ lo làm lễ Tam nhựt kính các thánh Tử đạo địa phận Nam Kỳ đã được Tòa thánh tặng phong lên bực Có lộc, mà trong các Đấng thánh ấy, thì có Á thánh Phaolồ Hạnh, nguyên buổi còn sanh tiền là người bổn đạo Chợ Quán, cho nên trong họ làm lễ ấy cũng có ý kính riêng Á thánh Hạnh. Bỡi đó cho nên nhơn dịp nầy thì mỗi người trong bổn đạo đều sẵn lòng chung cùng với nhau, kẻ ít người nhiều, mà làm cho ra cuộc trọng thể, có ý cho sáng danh Chúa và rạng danh Á thánh Hạnh, là người trong họ. Những nhà có của thì dưng bạc tiền riêng đặng sắm món nầy món khác chưng trong nhà thờ họ, nên lúc ấy đã sắm thêm được một bộ chơn đèn ống (3 cặp) và một ảnh chuộc tội xuy vàng, hai cặp chơn đèn 7 ngọn với một bộ canons cũng xuy vàng, một bộ ve rượu nước bằng thủy tinh, dĩa xuy vàng, một cặp chơn đèn lớn 25 ngọn chưng hai bên cung thánh và hai thiên thần cầm chơn đèn 12 ngọn chưng hai bên bàn thờ chánh, một cái đèn vọng trước Mình Thánh Chúa, và đèn nhánh 7 ngọn và 5 ngọn, đóng đủ hết mỗi cây cột trong nhà thờ, lại sắm bông mới, cờ mới, và mướn sở đèn khí đặt đèn trần thiết trong nhà thờ và trước mặt tiền cách trọng thể lắm.

Cũng nhơn dịp lễ nầy thì có năm bảy viên chức ở trong họ, và ít người bổn đạo đã hội hiệp bàn tính với nhau mà sắp đặt bổn tích Á thánh Phaolồ Hạnh tử đạo, rồi khuyến dụ anh em trong họ hiệp nhau được hơn 30 người, và lo chọn lựa sắp đặt các vai tuồng cùng luyện tập sửa soạn cho đặng dẫn tích ấy trong ngày lễ Tam nhựt.

Đến ngày 29 và 30 tháng tư và ngày mồng 1 tháng năm tây 1910, là ba ngày bề trên đã định làm lễ Tam nhựt tại nhà thờ Chợ Quán, lại cũng có Đức cha Lý (Mgr. Allys) làm Giám mục địa phận Huế và cha Trang, là cháu nội Á thánh Hạnh, ở ngoài Huế đi theo Đức cha Lý, vô tại Chợ Quán mà làm lễ Tam nhựt nầy. Khi đó cha Trang có đem vô một tượng hình Á thánh Hạnh của thợ Huế làm bằng đất mà chưng tại nhà thờ họ Chợ Quán trong lúc làm lễ Tam nhựt, rồi sau đó chưng luôn cho tới bây giờ. - Đêm 29 và 30 Avril thì thấp đèn khí tại mặt tiền nhà thờ cho tới tám chín giờ tối mà thôi.

Qua ngày mồng 1 tháng năm tây là ngày chót, và là chánh ngày làm lễ trọng thể hơn hai bữa trước, cho nên nội ngày ấy lễ nhạc làm trong nhà thờ buổi sớm mai và buổi chiều đều trọng thể hơn hai buổi trước, lại chiều tối bữa ấy trong họ có dọn một tiệc tại nhà cha sở mà trọng đãi tạ ơn hai Đức cha (là Đức cha Mão và Đức cha Lý ) và các cha cả thảy hơn năm mươi; còn đèn khí đêm đó thấp cùng bốn phía nhà thờ cho tới quá nửa đêm.

Dẫn tích Á thánh Hạnh.

Khi mãn tiệc rồi, thì mấy viên chức sắc đứng chủ sự đến mời hai Đức cha và các cha ra tại rạp hát mà coi dẫn tích Á thánh Phaolồ Hạnh tử đạo, - Nhơn dịp ấy trong họ có cất một cái rạp hát dài bằng lá, phía bên nhà trường nam, rộng rãi lắm, mà bữa đó thiên hạ đến coi đông vô số, trong ngoài đều chật cứng, không còn chỗ nào chen chơn vô được nữa.

Bỡi bấy lâu chưa có ai hiểu rõ nguyên tích Á thánh Hạnh đã bị bắt và chịu tử đạo làm sao, nay họ Chợ Quán mới khi sự dẫn tích ấy đầu hết, nên thiên hạ náo nức đón coi cho biết. Lại bỡi nhờ mấy người đứng chủ sự trong cuộc nầy khéo sắp đặt bổn tích ấy, lại khéo chọn lựa vai tuồng, và ra công tập luyện cách nói năng và bộ tịch đi đứng, mỗi vai tuồng làm chuyện gì xem ra tự nhiên lắm, cho nên mỗi khúc vui thì thiên hạ reo cười rùm cả rạp hát, mà đến lúc ông Hạnh bị quân lính kềm khảo nhiều cách độc ác dữ dằn quá, và nghe tiếng người rên siếc cùng kêu Chúa, và khi quan dạy đem ảnh chuộc tội mà ép người khóa quá bỏ đạo, thì người sấp mình xuống đất mà thờ lạy cùng ôm lấy ảnh chuộc tội mà than thở kêu xin Chúa ban ơn giúp sức cho mình đặng toàn công thắng trận, thì ai nấy đều động lòng sa nước mắt; trong hàng các cha cũng có nhiều cha cầm lòng không đậu, nhứt là cha Trang, khi thấy nhắc tích ông nội người đã chịu nhiều nỗi gian nan khổ hình chừng ấy, lại nghe tiếng vai tuồng ông Hạnh rên siếc than van kêu xin Chúa Bà cứu giúp mình, chẳng khác nào tiếng của ông nội người khi xưa đã than thở kêu van như vậy, thì lúc ấy người khóc lu bù. Đến khi quân lính dẫn ông Hạnh đến chỗ pháp trường, rồi tả đao đem người ra giữa pháp trường mà chém, thì thiên hạ có ý chăm chỉ coi giả bộ tịch làm sao đặng cười chơi, không dè tả đao khéo giả cách gọn gàng lẹ tay lắm, chẳng khác chi sự thật, nên khi vừa chém qua một gươm, thì tả đao đá ông Hạnh nằm sấp xuống đất, rồi xách đầu đưa lên cho thiên hạ xem máu chảy ròng ròng đỏ tươi, nên khi đó ai nấy thấy như đã chém thiệt trước mặt, thì ghê mình chẳng ai reo cười được, song nhiều người úp mặt xuống không dám ngó.

Đến thứ sau hết, thì dở màn lên, thấy thiên đàng sáng láng rực rỡ, hai bên có thiên thần cùng các thánh quì chầu, còn Á thánh Hạnh thì quì giữa mà chầu chực Chúa oai nghi tốt lành, cùng nghe tiếng đờn ca xướng bát thanh bai êm ái dịu dàng, thì ai nấy đều vỗ tay ban khen khéo léo lắm và khi sập màn xuống thì thiên hạ còn tiếc không nghe, nên kêu la om sòm, xin dở màn lên cho coi một chút nữa.

Qua chiều tối bữa sau (2 Mai) còn dẫn tích Á thánh Hạnh lại một bận nữa cho bổn đạo nội họ coi, vì đêm trước thiên hạ coi đóng quá lẽ, nên có nhiều người trong bổn đạo không vô tới rạp hát được mà coi.

Khi mãn cuộc là Tam nhựt rồi, nghe thiên hạ tặng khen họ Chợ Quán làm lễ Tam nhựt trọng thể lắm, và dẫn tích hay lắm; hai Đức cha và các cha cũng đều ban khen, nhứt là Đức cha Lý thì người lấy làm hay và ban khen khéo tập luyện và khéo chọn lựa mấy vai tuồng chánh lối, người lại nói ngoài Huế có dẫn tích các thánh thường lắm, mà không bao giờ làm được như vậy. Còn các cha ở đây thì nhiều cha nói rằng: Họ Chợ Quán không mấy khi làm chuyện gì, mà họ có bày ra làm thì chẳng bao giờ thua sút ai; chính mình cha Bề trên Cao, là cha sở trong họ, hồi ông chủ sự cuộc nầy mới tới bàn tính với người về việc dẫn tích Á thánh Hạnh, thì người không chịu, vì sợ làm không xong thiên hạ chê cười, bỡi đã có thấy nhiều nơi như vậy, chừng ông chủ sự nói riết tới thì người mới chịu cho làm, mà cũng hồ nghi sợ làm không nên việc, song khi yên cuộc lễ rồi, người nghe hai Đức cha và các cha cùng thiên hạ ban khen như vậy, thì chính mình người xưng ngay ra rằng: “Cha không dè anh em tập luyện mà làm nên việc khéo léo và hay chừng ấy, vì bấy lâu cha có đi coi dẫn tích thánh nhiều nơi trong các họ, mà không bao giờ thấy ở đâu làm được như vậy”.

(…)

ngọn đèn, đến sau cha Thao đặt thêm một ít, rồi sau nầy cha Cậy thêm một mớ nữa, nên bây giờ đèn khí trong nhà thờ họ hết thảy được gần 300 ngọn.

Lễ Bạc cha Bề trên Cao.

Khi đặt đèn khí về nhà thờ họ mới vừa yên, thì cha Bề trên Cao tính việc ăn mừng lễ bạc, vì người đã chịu chức thầy cả được 25 năm, và định ngày 18 tháng năm tây 1913 sẽ làm lễ ấy, nên mấy viên quan quí chức trong họ đã hiệp nhau mà bàn tính sắp đặt việc trần thiết chỗ rước khách, và việc thết đãi bổn đạo nội họ và mấy họ gần Saigon theo ý cha Bề trên ước ao; lại chiều tối bữa ấy cũng có dọn riêng một tiệc trọng thể tại nhà cha sở mà tiếp đãi Đức cha và các cha ở gần Saigon, cả thảy được chừng 40 cha. Nhơn dịp lễ nầy thì ông chánh chủ sở đèn khí (M. Pelletier) có cho dân đem hơn năm trăm ngọn đèn mà thắp phía mặt tiền nhà thờ và trong nhà đãi khách nội buổi chiều tối ngày lễ bạc cha Bề trên. Lại tới bữa ấy cũng có bày ra một hai cuộc vui chơi xung quanh vườn nhà thờ nữa.

Từ năm 1898 cho tới 1913 cha Bề trên Cao ở coi họ Chợ Quán, thì có mấy cha sau nầy đến ở giúp bổn đạo trong họ:

Cha Đượm (P. Dumortier) ở từ tháng Décembre 1898 cho tới tháng Mars 1899.

Cha Vân ở từ tháng Mars cho tới tháng Août 1899.

Cha Lộ (P. Bellocq) ở từ tháng Novembre 1901 cho tháng Avril 1902.

Năm cha Bề trên đau phải đi dưỡng bịnh bên Hồng Kông, thì có cha Du (P. Guillou) đến ở thế coi họ từ tháng Juillet 1903 cho tới cuối tháng Janvier 1904.

Cha Ninh (P. Nicolas) cũng có ở Chợ Quán từ tháng Octobre 1904 cho tới tháng Février 1905.

Đến tháng Mars 1905 Đức cha định cho cha Hướng đến ở làm phó sở Chợ Quán mà giúp bổn đạo, và từ đó đến nay thì trong họ có cha phó luôn.- Khi cha Hướng ở Chợ Quán, thì người đã hết lòng lo mọi việc trong họ giúp đỡ cha Bề trên, lại người cũng lo giúp Hội Các đẳng trong lúc ban sơ mà chỉ vẽ cách kiểu cho đặng làm hai bộ rạp âm công và điểm màn cờ xí nội cuộc ấy. Cha Hướng ở Chợ Quán cho tới tháng Octobre 1907, thì Đức cha đổi người về Tân Định lo việc Nhựt trình “Nam Kỳ Địa Phận” cho tới bây giờ,

Đến đầu tháng Novembre 1907, Đức cha đổi cho Thao về làm phó sở Chợ Quán thế cha Hướng thì người lo lắng giúp đỡ mọi việc trong họ, nhứt là về việc trần thiết nhà thờ mấy ngày lễ trọng vì người có chủ ý riêng mà bày biện nhiều cách kiểu hay trong cuộc ấy, cho nên mỗi năm khi tới lễ Sinh Nhựt, thì người bày vẽ nhiều cách kiểu thắp đèn xem đẹp lắm, lại lúc dọn lễ Tam nhựt kính các thánh Tử đạo Annam và lễ bạc của Bề trên, thì nhờ người biến hóa mà trần thiết nhiều cách khéo léo lắm.

Cha Bính (P. Laurent).

Đến năm 1913, khi cha Đủ (P. Dumas) là Bề trên Nhà trường Latinh Saigon thọ bịnh, không lo việc cai trị nhà trường được nữa, nên người xin nghỉ, thì Đức cha định đổi cha Bề trên Cao đi làm Bề trên nhà trường Latinh, và cha Bính ở Cái Bè về làm chánh bổn sở họ Chợ Quán (tháng 8 tây năm 1913).

Khi cha Bính mới về Chợ Quán thì người lo sửa một hai chỗ trong nhà ở và đóng rầm cùng lợp thêm mái hàng ba phía sau cho bớt hanh nắng; qua năm sau 1914 người thấy ba căn phố cha bề trên cất phía trước nhà thờ họ đã hư nhiều, nên biểu dỡ cất lại 2 căn mà thôi; người cũng mướn công dân lo đốn phá hết những cây cối vô dụng ở xung quanh vườn nhà thờ cho trống trải khoảng khoát.

Cha Nhiệm làm lễ Vinh Qui.

Ngày mồng 6 tháng sáu tây năm 1914, cha Nhiệm, là người quê quán trong họ, chịu chức Thầy cả, nên người đã về làm lễ Vinh Qui ngày mồng 9 tại nhà thờ họ Chợ Quán, thì lúc ấy quí chức và bổn đạo nội họ đã lo sửa soạn trần thiết nhà thờ mà tiếp rước người cách trọng thể.

Cha Cậy.

Đến đầu tháng tám tây năm 1914, Đức cha định đổi cha Thao đi coi họ Mỹ Chánh và cha Cậy về làm phó sở họ Chợ Quán, thì người hàng lo lắng mọi việc giúp cho cha sở, cùng lo giảng dạy bổn đạo, mà nhứt là việc dạy dỗ con trẻ thì người siêng năng cần mãn lắm; lại cũng nhờ công khó người trong mấy lúc rảnh rang, người lo trồng bông hoa xung quanh vườn nhà thờ cho ra xinh tốt sạch sẽ như ta thấy bây giờ.

Từ năm 1890 cho tới năm 1918, nhơn số bổn đạo họ Chợ Quán kể được chừng lối 1200 cho tới 1250 mà thôi.

(sẽ tiếp)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét