ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2022

Họ Chợ Quán

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

HỌ CHỢ QUÁN (tiếp theo)

-----------------

Gốc tích Nhà phước Chợ Quán

-----------------

Năm 1841 Đức cha Thể (Mgr. Cuénot ) hội các cha trong Địa phận mà công luận tại Gò Thị, và khi mãn kỳ hội rồi, thì người phong chức cho Đức cha Ngãi Đôminicô (Mgr. Lefèbvre) tại đó, và phú cho Đức cha Ngãi lo việc cai trị phía trong Đồng Nai, nghĩa là Lục tĩnh Nam Kỳ và Cao Mên, cách ít lâu sau, Đức cha Ngãi xin Đức cha Thể cho ít người nhà phước Bình Định vô Đồng Nai mà lập nhà phước annam trong mấy họ lớn. Hồi ban sơ, Đức cha Thể cho vô năm người, là: bà Tìm, bà Tạ, bà Nghĩa, bà Búp và bà Hề.

Lúc mới vô thì mấy bà nầy ở tại Chợ Quán, nơi nhà bà Điểm, khi đó ở nửa phần miếng đất thầy Minh Jacques ở bây giờ, phía giáp ranh đất nhà thờ nhằm lúc cha Lợi già đang coi họ (năm 1842-1843). Cách ít ngày, việc làng tới tra gạn chủ nhà, thì bà Điểm làm khai mà nhận năm người ấy là con cháu mình ở phương xa tới thăm, nên làng không tra hạch nữa, song mấy người ấy sợ ở Chợ Quán không yên, nên xin Đức cha cho phép đi ở nơi khác, thì Đức cha dạy đi lên miệt Tân Triều mà lập nhà phước tại đó. Đức cha Đôminicô hết lòng lo lắng và nhờ ơn Chúa giúp, thì chẳng khỏi bao lâu, nữ nhi ở các nơi xin vào nhà phước được ba bốn mươi người.

Đến năm 1848, vua Tự Đức giáng chỉ bắt bổn đạo và dạy triệt phá nhiều nơi thánh đường cùng nhà trường, nhà phước, nên các chị nhà phước ở Tân Triều phải chạy tán lạc hết, kẻ thì trở về quê quán mình mà tị nạn, người thì chạy tới họ nầy họ khác mà ẩn ánh. Nhơn lúc ấy có năm ba người đến trú tại Chợ Quán, và cất nhà ở trong đất bà Điểm. Nhà cất sụt vô phía trong vườn trầu cau, và mấy người ở đó lo để tằm, làm nghề canh cửi vá may, lại nhờ một hai người bổn đạo nhơn đức rộng rãi dưng cúng giúp đỡ tiền bạc lúa gạo, thì cũng vừa đủ dùng. Cách ăn ở bề ngoài của mấy người ấy, cũng như người thế gian thường, chẳng có dấu chi lạ, nên làng xóm để ở yên, lần lần đến sau tăng số được chừng vài mươi người.

Lúc ban sơ thì bà Quyền coi các chị nhà phước, đến sau bà Quyền đổi đi Cái Mơng giao lại cho bà Bạch coi, chừng bà Bạch đi Bà Rịa thì bà Đồng lên coi các chị được ít lâu, kế tới lúc binh tây lại lấy Saigon (năm 1859) thì ở Chợ Quán không yên, nên các chị nhà phước chạy tán lạc, còn lại đuợc năm bảy người dắc nhau chạy qua trú tại Xóm Chiếu, ở gần bên Đức cha Đôminicô. Cách ít lâu sau, dời về ở tại Khánh Hội hồi xưa kêu là Cầu Chông, và đã lập nhà phước tại đó, lại cũng có lập nhà trường Latinh nhỏ gần một bên đó nữa. Cách qua một đôi năm sau, Đức cha bàn tính cùng các cha về sự nhà trường Latinh và nhà phước ở gần nhau thì bất tiện nhiều bề, lại vì chỗ Cầu Chông có nhiều người ngoại đạo hoang đàng lắm, nên Đức cha nhứt định phải dời đi nơi khác.

Khi đó Đức cha Ngãi có hỏi cha Tôma Đoan coi phải lập nhà phước nơi nào cho tiện và ở giữa bổn đạo, thì cha Đoan nói họ Chơ Quán có lẽ tiện hơn, vì bổn đạo ở xung quanh là người đạo dòng, đạo cũ, lại bỡi việc giặc trong lục tĩnh Nam Kỳ chưa yên, nên lập nhà phước tại Chợ Quán thì tiện nhiều bề, vì gần quan tây và gần trại lính tây ở tại Miễu hội đồng (Camp des Mares); lại quan cai trại lính ấy là người có đạo đức và yêu mến cha Đoan lắm, năng tới lui thăm viếng cha Đoan và hứa hẹn mình còn ở tại đó bao lâu khi sẽ binh vực gìn giữ họ Chợ Quán luôn.

Cha Đoan thừa dịp quan ấy đang yêu vì mà xin mấy cái đình và nhà người ta chạy giặc bỏ hoang lối gần Miễu hội đồng, đặng dỡ đem về lọc lấy cây cột tốt mà cất nhà thờ và nhà phước, nên trong năm 1861-1862, khi người cất nhà thờ họ và nhà ở mới vừa xong, thì người lo dời nhà phước về Chợ Quán ở đỡ hai cái nhà lá người đã cất năm trước tại chỗ đất nhà phước bây giờ, có ý thủng thẳng sẽ cất ngói, song chưa kịp làm thì người đã phải đổi đi nơi khác.

Năm nhà phước mới trở về Chợ Quán, thì bà Loan coi các chị được ít tháng, rồi kế sau là bà Thắm (bà Thắm là người gốc tại Chợ Quán).

Cũng có một phần nhà phước Chợ Quán nguyên gốc buổi trước ở nhà phước Tân Triều, đến năm binh tây vô lấy Saigon thì ở Tân Triều bị quan annam tầm soát bắt bớ đốt phá nhà cữa tan hoang, cho nên các chị nhà phước đã chạy tán lạc hết, còn lại chừng mười lăm người đem nhau chạy xuống trú miệt Bến Thành (Saigon) và cất nhà ở tại Chợ Vải, là chỗ đường Charner bây giờ (từ lối Tòa tạp tụng sấp xuống tới sông cái).

Đến sau Đức cha và các cha xét về sự nhà phước annam ở nơi ấy bất tiện nhiều thế lắm, nên Đức cha dạy phải dời đi nơi khác, thì khi đó nhà phước chia nhau ra làm hai phần, một phần đi qua Thủ Thiêm, còn một phần thì nhập vào nhà phước Chợ Quán, nhằm lúc bà Thắm đang làm bà nhứt và cha Ba (P. Barou) coi họ (1863-1866), khi đó nhà phước trong nầy được chừng vài mươi người.

Cách ích lâu sau, bà Thắm đi nhà Kín, thì bà Hớn với bà Gương quyền coi nhà phước cho đến khi bà Lành, là người nhà phước Cái Mơng lên làm bà nhứt tại Chợ Quán.

Bấy lâu trước thì mấy chị nhà phước còn bới tóc và ăn bận như người thường thế gian đời ấy, chẳng có dấu gì riêng, mặc áo thùng rộng tay, vạt vắn xuống tới ngang đầu gối, hoặc áo trắng hay là áo đen tùy lớp; đến khi bà Lành lên làm bà nhứt, nhằm năm cha Long coi họ (P. Bouillevaux) 1867-1874, thì cha Bề trên Quí (P. Gernot) mới ra luật lệ cắt tóc, đội lúp và mặc áo dài cho tới bây giờ.

Tuy bà Lành làm bà nhứt, song bỡi người mắc đi dạy chầu nhưng miệt Hóc Môn, Bà Điểm, v. v., nên người giao việc nhà phước cho bà Hòa là bà nhì coi sóc, lâu lâu người trở về thăm một đôi ngày rồi cũng đi nữa.

Nguyên hồi xưa đất nhà phước ở hẹp hòi lắm, phía trong thì có một khoảnh bề ngang từ vách tường phía sau nhà từng ra tới nửa phần cái nền nhà thờ nhà phước bây giờ, bề dài thì có nội cái nền nhà từng bây giờ mà thôi; còn phía ngoài thì có một miếng đất giáp luôn theo đó, bằng bề ngang cái nền nhà thờ bây giờ chạy dài ra tới cữa ngõ, xung quanh là đất rừng có chủ; còn từ chỗ nhà cơm nhà bếp bây giờ sấp ra tới hàng rào phía bên đường mới, thì buổi trước có một cái bàu rau muống lớn, đến sau nhà phước lo bồi lấp lần lần mới ra bình địa, và mua thêm mấy chỗ đất kế cận mà mở lần ra, nên bây giờ mới được rộng rãi như vậy.

Trong năm 1863-1864 cha Ba có cất cho nhà phước một nhà thờ bằng ngói, cây cột tầm thường, phía ngoài nhà các chị áo đen bây giờ, là chỗ gần bàu rau muống hồi đó chưa lấp; còn dựa mé bàu, là lối thân trong nhà trử lúa bây giờ, thì có cất một cái nhà ngói để dùng làm nhà may. Lúc ấy cha Ba cũng đã cất lại cho nhà phước một cái nhà ở bằng ngói, tại chỗ nhà từng bây giờ, nhà nầy nguyên gốc là nhà lẫm của ông thầy Xuân, ở Thủ Đức, đã cho nhà phước.

Đến sau bà nhứt Lành mắc đi dạy và lo lập họ nhiều chỗ xa không lo việc coi sóc nhà phước được, nên Bề trên chọn bà Hòa, là bà nhì, lên làm bà nhứt.

Bấy lâu trước thì nhà phước lo việc may và thêu dệt mà thôi, đến năm 1874, cha Liêu (P. Dumoulin) quyền coi họ một ít tháng, thì người khỉ sự dạy các chị nhà phước học chữ và tập viết mỗi ngày hai buổi.

Khi cha Ngãi (P. Derval) đổi về coi họ Chợ Quán (1875-1879), nhằm lúc bà Hòa làm bà nhứt, thì người lo cắt lại cho nhà phước một nhà thờ khác, cũng bằng ngói theo kiểu annam, rộng rãi hơn và cây cột cao lớn chắc chắn hơn nhà thờ cũ, bốn phía xây vách gạch; nhà thờ nầy cất gần chỗ nhà thờ nhà phước bây giờ mà day mặt tiền qua phía nhà thờ họ; còn nhà thờ cũ thì để dùng làm nhà thương cho nhà phước và nuôi con nít người ta gởi ở học trong nhà phước. Lúc nầy số các chị được 60 người.

Cha Ngãi cũng có cất một cái nhà từng cho nhà phước ở. Cây ván làm nhà nầy thì mua của Lái Triều, ở Tây Ninh, lớp bán lớp cho.

Khi cất nhà nầy xong rồi, thì Đức cha Đôminicô có đòi bà nhứt Hòa mà cho một cái xác nhà ươm bằng gạch ngói, của cha Từ (P. Roy) đã cất buổi trước tại Xóm Chiếu, mà bị hư sập, nên bà nhứt về biểu các dì các chị trong nhà lo ghe bạn đi qua Xóm Chiếu mà dỡ là ươm đó, lấy đá lấy gạch ngói đem về làm công việc trong nhà phước,

Trong hai ba năm nhà phước lo cất nhà ở, thì nhờ của bá gia dưng cúng giúp đỡ, còn lúa gạo thì ông trùm Lưu cho và cũng giúp tiền bạc nữa; lại trong lúc làm nhà nầy và lúc nhà phước đi dỡ lò ươm bên Xóm Chiếu mà đem về, thì ông Trùm Lưu đã cho ghe bạn đi giúp cho nhà phước và người cũng đã ra công coi sóc giùm mọi việc cho đến khi hoàn thành; lại cũng có nhiều người trong bổn đạo theo giúp công việc cho nhà phước trong lúc ấy nữa.

Cha Ngãi có cất thêm một cái nhà ngói thân trong cữa ngõ nhà phước, rồi ngăng ra một phía để làm nhà khách, còn một phía làm nhà trường cho nhà phước dạy đồng nhi nữ học chữ quốc ngữ và học kinh, học sách phần. Đến sau cha Tài (P. Hamm) đổi về coi họ Chợ Quán (1882-1886) thì có dạy học may, học thêu, học mạn vớ, đương vớ bằng chỉ laine và dạy dệt chiếu; năm cha Tài ở coi họ, thì có một bà đầm tây ở Chợ Lớn đến dạy giúp được bảy tám tháng.

Năm cha Ngãi còn ở coi họ, thì người có mua một số đất ở trong họ, để làm đất thánh riêng cho nhà phước cho tới bây giờ.

Khi cha Ngãi đổi đi nơi khác và cha Hòa về coi họ Chợ Quán (1879 -1882), thì bà nhứt Hòa phát bịnh xin nghỉ, nên bà Vì lên làm bà nhứt (1881-1888).

Cha Hòa ân cần dạy dỗ các chị, chẳng những là về phần hồn mà thôi, song người cũng lo lắng dạy dỗ về việc phần xác nữa, nên người ép phải học phép toán, tập viết và tập hát lễ. Đến sau cha Tài cho hai chị đi xuống Cái Mơng học đờn, và người sửa tập nhà phước hát giọng nhỏ tiếng, lại có tập thêm một lớp nhi nữ trong họ hát giúp với nhà phước nữa. Qua năm 1885 có cha Thiết (P. Boutier) đến tập giúp nữa, và từ đó đến sau thì nhà phước cứ giữ nề nếp ấy mà tập nối nhau cho tới bây giờ.

Đến tháng tám tây năm 1888, nhằm lúc cha Y đang coi họ, bà Vì phát bịnh liệt không làm việc được nữa, nên người xin nghỉ, thì khi đó nhà phước chọn bà Mai lên làm bề trên cho tới bây giờ.

Khi cha Y (P. Errard) đổi về làm cha sở họ Chợ Quán (1887-1891). thì người dời nhà trường đồng nhi nữ ra ngoài họ, không để lộn xộn trong nhà phước nữa, lại người cũng lo xây vách tường dựa đường phía mặt tiền nhà phước, và người đã dở nhà thờ cũ của nhà phước mà xây nền nhà thờ mới. Lúc nầy số các chị nhà phước được chừng 80 người..

Đến năm 1891, khi cha Y đi về tây rồi, thì cha Mão (P. Mossard). là Đức cha chánh bây giờ, đổi về làm cha sở họ Chợ Quán (1894-1898). Qua năm 1892 người mới Io cất cho nhà phước một nhà thờ mới cao lớn rộng rãi, nội tâm làm cữa kiến ngũ sắc, tô trần nóc và sơn vẽ bông hoa xem đẹp lắm, lại từ trên tới dưới đều lót gạch bông hết thảy, ấy là nhà thờ của nhà phước bây giờ. Khi cất nhà thờ xong rồi, thì cha Mão lo cất nhà thương cho nhà phước; nhà nầy xây nền đá cao ráo, vách gạch và cữa nẻo theo kiểu nhà tây, lại người cũng đã mua sắm cho nhà phước những đồ cần dùng trong nhà thương ấy.

Khi cha Bề trên Cao (P. Delignon) về coi họ Chợ Quán (1898-1913), thì nhà phước tăng số gần 100 người.

Đến năm 1903 cha Bề trên Cao cất lại cái nhà cơm và nhà bếp cho nhà phước bằng gạch ngói, rồi cách ít năm sau thì nhà phước lo xây vách tường ngăng phía bên nhà thờ họ. Đển năm 1908-1909, cha Bề trên lo tập nhà phước hát lễ theo giọng hát đời ông thánh Ghêrêgoriô (Chant Grégorien) và sửa cách đọc chữ latinh theo gốc bên Rôma.

Đến tháng Août 1913, Đức cha đổi của Bính (P. Laurent) ở Cái Bè về làm cha sở Chợ Quán, thì qua năm 1916 cha Bính lo sửa lại nhiều chỗ trong nhà ở của nhà phước và mở nới thêm hai đầu nhà từng cho ra rộng rãi hơn.

Đến năm 1917 thì nhà phước đã cất lại cái nhà khách ngoài bằng gạch ngói theo kiểu nhà tây, rộng rãi cao ráo hơn mấy nhà khách trước, và chia hai ra, một phía làm nhà khách, còn một phía thì để nuôi con nít người ta gởi ở học.

Bấy lâu trước thì các cha sở lo dạy nhà phước học cho biết đủ những chuyện cần mà đi dạy đồng nhi các họ mà thôi; đến năm 1911-1912, nhà nước ra luật buộc những thầy dạy học trò các nơi trong lục tĩnh Nam Kỳ, bất luận đờn ông hay là đờn bà, phải đi thi cho có bằng cấp nhà nước, thì mới được phép dạy, nên nhà phước phải mướn thầy giáo dạy học đặng mỗi năm đi thi theo luật nhà nước,

Đến năm 1918, số các dì các chị hết thảy là 130 người. Thi đậu có bằng cấp được 75 người và đi dạy con trẻ các họ được 27 chỗ .

Chung về gốc tích Nhà phước Chợ Quán.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét