ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

Họ Cái Nhum

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

DỊA PHẬN NAM KỲ

-------------------------------

ĐỊA SỞ HỌ CÁI NHUM (tiếp theo)

--------------------------------

III. - Trong cơn bắt đạo đời Tự Đức.

Khi vua Tự Đức lên ngôi (1847 - 1858) thì ban đầu ngưng việc bắt đạo; chẳng hay qua năm 1848 thì lại có lịnh dạy bắt đạo như trước. Khi ấy họ Cái Nhum cũng còn là chánh địa sở, cha bề trên Borelle (cố chính Hòa) ẩn mình tại đó, mà lo lắng việc Địa phận, cùng đi họ nầy họ kia, có mấy cha annam đi làm phước cho các nơi, trong số các cha nầy thì có cha Lượng, lại cha Minh (á thánh) cũng có qua lại họ Cái Nhum, và cha Thiền, cha nầy đã mệt yếu, Chúa nhựt mới làm lễ mà thôi. Khi ấy nhà thờ, nhà trường và nhà phước đã tan hoang; xem lễ đọc kinh thì bổn đạo tựu tại nhà hai ông trùm, là ông trùm Thịnh và ông trùm Điển; mà như vậy chẳng có bao lâu, vì khi ngưng việc bắt bớ thì bổn đạo liền lo cất nhà thờ lại.

Trong năm 1851 á thánh Philípphe Minh phải bắt tại họ Mặc Bắc và chịu tử vì đạo tại Vĩnh Long. Ông trùm Lựu (á thánh) đã lo lắng cứu cha mà không đặng, ông nầy gốc ở tại họ Cái Nhum, khi nên 10 tuổi đã theo ông già người mà lên Bò ót, rồi sau về ở Mặc Bắc. Còn tên bếp Nhẫn là kẻ cáo cha Minh, gốc cũng ở Cái Nhum, mà bỡi cờ bạc sinh nợ nần, cho nên mới trốn mà đi như vậy. Đến sau tên nầy đã đáo về họ Cái Nhum, cùng trở lại ăn năn nên gương lành cho tới chết là năm 1875.

Lúc cha Minh tử đạo thì tại Cái Nhum đã hay biết, khi ấy có nhiều người bổn đạo tựu tại nhà Thợ Cơ lối 3 giờ rưởi chiều, thấy một đám mây sáng có hình riêng giữa trời, thì định quyết là cha đã chịu xử trong khi ấy, cho nên sửa soạn đặng đi rước xác cha, chẳng hay có ghe đi chở về tới. Vậy ba cha annam ở tại Cái Nhum, là cha Phaolồ Lượng (Lợi) cho Laurentiô Lân, cha Gioang Thiền rước xác cha Minh lên đem để tại nhà Hương hào Kim, lo may đầu lại với xác, đoạn mặc áo lễ vào, rồi đem để trong nhà thờ cùng làm lễ; bổn đạo không muốn cầu lễ, vì ai cũng nói rằng: Cha tử đạo, đã làm thánh rồi.

Những người già cả nói cha Minh đã ở tại họ Cái Nhum 2 năm, bổn đạo ai nấy đều thì trọng mến lắm, nhứt là nhà phước; nên khi cha tử đạo thì thảy đều thương tiếc cha, bỡi thương nhớ cha cùng tỏ lòng trông cậy vì công nghiệp cha và lời cha nguyện giúp mà đặng ơn lành. (Hãy coi lại trong hạnh cha Minh: truyện Lucia Niệm, tên Qui, Thoại, Lucia Giảo với Sưu Lễ.).

Khi ấy họ Cái Nhum muốn giữ xác thánh tử đạo, song Cố chính Hòa (P. Borelle) đã định phải trả lại cho họ Cái Mơng; lại cũng sợ vì xóm trên Giồng có tên Cử Giảng ngoại, ghét đạo mà đâm đơn cáo, sao bổn đạo dám vi lịnh vua mà chuộc đầu cha Minh lại.

Trong năm 1855, cố chính Hòa đã dạy chôn tại Cái Nhum xác ông Anrê Thượng, Ông già nầy và nhiều bổn đạo khác ở Huế, bị đày vô Châu Đốc vì đạo Chúa, phải đi bộ từ Huế mà vô, tới Mỹtho ông Anrê Thượng mệt yếu quá, hết sức nên phải chết. Cố chính Hòa ở Cái Nhum có sai thầy thuốc qua Mỹtho chữa ông già ấy mà không đặng. Sau con cháu ông Anrê Thượng đã chờ xác người về Gò Thị.

Trong hồi đó có cha Philípphê Phiên ở tại Cái Nhum, đến sau đã qua đời tại Mỹ Tho (trong năm 1876).

Qua năm 1859 có cha Pernot (Định) ở trên Đầu Nước ( Cù lao Giêng) gần phải bị bắt, nên đã xuống ở tại Cái Nhum, mà không có coi họ.

Trong năm 1863, cha Tùng gốc ở Cái Nhum, đã qua đời, và chôn tại nhà thờ họ; cha nầy còn một cháu trai ở tại họ bây giờ.

Vậy xem qua mấy khoảng thì rõ trong những cơn bắt đạo, thì họ Cái Nhum đã phải chịu bắt bớ dữ dằn, nhiều kẻ đã chịu hình khổ kềm khảo, roi vọt, ngục hình, cùng nhiều đấng đã phải đổ máu mình ra mà xưng đạo Chúa cùng lãnh chức Tử vì đạo.

IV. - Từ Nhà nước Langsa cai trị tới bây giờ.

Đức cha Gioang (Mgr.Miche) 1864 - 1873.

Trong năm 1865 và 1866 thì cha Colombert (Mỹ) làm cha sở họ Cái Nhum, cũng đã dời nhà thờ và nhà phước là chỗ bây giờ đó, lập nhà phước liên với đất nhà thờ như khi còn ở tại Rạch Chanh. Chỗ dời lại đó khi ấy là rừng bụi mới khai phá, nên cọp hùm còn lai vãng, và một phen cọp đã vô nhà cha sở bắt chó mà ăn nữa.

Qua năm 1867 thì cha Tournier (Thu) làm cha sở Cái Nhum, vì cha Colombert lên làm Đức cha phó, mà khi ấy cha Colson phải thế coi họ gần ba năm, trong lúc cha Tournier mắc coi giữ việc (Procureur) tại Saigon. Vậy một phen cha Tournier đổi xuống họ Cái Nhum, thì ở đó cho tới khi sinh thì là năm 1906 (2 Juillet.).

Từ năm 1868 tới năm 1870 thì họ chánh Cái Nhum và mấy họ nhỏ thuộc về họ ấy, là Cái Bè và Cái Thia, có kẻ ngoại trở lại đạo nhiều, mà sau thì bớt lần; vì cha Tournier mắc lo nhiều công việc, làm nhà cữa nhà phước cho vững chắc, lập nhà thương, xong rồi lại lo làm nhà thờ, chính mình cha đứng làm thợ mà xây dựng lần lần, với vài người bổn đạo cha tập làm với cha mà thôi.

Nhà thờ làm lần lần như vậy trong đời Đức cha Colombert (Mỹ) cai trị địa phận.

Thật cha Tournier đã làm gương siêng năng việc vàn, và khiêm nhượng tịch mạc, hằng làm thinh chăm chỉ mà làm các việc cho tới hoàn thành, chẳng nài lao khổ mệt nhọc; lại người là kẻ hay lo giữ gìn những dấu tích gì xưa còn lại, cho nên nói đặng họ Cái Nhum còn giữ nhiều đồ đã lậu đời trước (cổ tích) hơn mấy họ khác.

Cái nhà cha sở ở bây giờ là nhà Đức cha Colombert (Mỹ) đã cất hồi còn làm cha sở tại đó, nhà ấy làm theo kiểu annam, thấp, mà sau cha Tournier đã xây gạch kê lên cho cao và làm như là nhà lầu vậy.

Nhà thờ họ Cái Nhum bây giờ thì đã cất trên nền nhà thờ cũ, cha Tournier thủng thẳng mà làm lần lần, trong 12 năm mới rồi, công cuộc lớn lao xây dựng thảy đều chắc chắn, nhà thờ nầy lấy theo kiểu mấy nhà thờ đời trung cổ bên tây, cái lầu chuông cao lớn giống như mấy tháp lầu đài xưa; phía trong da trời gần đụng nóc, nên coi cao; mấy cữa sổ nguyệt cung thì theo kiểu Rôma, dài hai bên vách thì có xây nhiều bàn thờ kính các thánh.

Trong năm 1897 Đức cha Dépierre (Để) đã làm phép trọng thể nhà thờ ấy.

Từ khi cha Tournier (Thu) xem sóc họ Cái Nhum cho tới khi người sinh thì việc đạo thánh tại họ đặng bằng an luôn, chẳng có đều gì gàng trở, cho tới bây giờ thì cũng vậy, các hương chức làng sở tại thì phân nửa là người có đạo, và phần nhiều là những hương chức lớn, cho nên việc đạo đặng dễ dàng, kẻ ngoại đều kính nhường cha thầy ở tại họ; khi kiệu Mình Chúa trọng thể, cùng khi đem tỏ tường Mình Chúa cho kẻ liệt, thì kẻ ngoại đều tỏ dấu tôn kính.

Tại Cái Nhum thiên hạ ít hay đau, bịnh thiên thời cũng ít có, phong thế không có độc địa như nhiều nơi, cho nên có nhiều người già cả lớn tuổi; mấy nơi đất giồng đất cát, thì cao ráo mát mẻ.

Trong cơn bão lụt năm Bính Thìn (Mai 1904) thì tại Cái Nhum ít phải hư hao hơn mấy chỗ khác. Thiên hạ ở tại đó thì lập vườn, bán cây trái mà ăn, cao, dừa, chuối, trầu; một hai nơi có làm rẫy, trồng khoai trồng mía; nhiều chủ làm ruộng thêm nữa. Trong năm thì gần hết thảy đều có đi ghe nhiều chuyến, chở những cây trái trong vườn mà bán cùng là đổi chác chỗ nầy nơi kia, có người đi tới Ba Xuyên, Cần Thơ, Trà Lồng, có kẻ đi tới trên Nam Vang.

Sau năm bão lụt 1904 thì cha Tournier đã ghi lại: có nhiều người có đạo nghèo khó ở chỗ khác tới ngụ tại họ Cái Nhum, mà phần nhiều không đặng sốt sắng bao nhiêu. Đã lâu trước bổn đạo tại họ chia ra hai phần, một phần là mấy nhà gốc gác ở tại họ, bây giờ còn có ít lắm; một phần nữa là mấy chủ ở các nơi tới ngụ tại đó, phần nầy thì nhiều. Bỡi đó thì rõ đặng sau những cơn bắt đạo, mấy người giáo hữu bị đi đày khi trở về đã có dắc theo nhiều người có đạo ở mấy nơi ấy về nữa. Cho nên đã hơn 50 năm nay, có những người Mọi có đạo tới ở lập nghiệp trong đất của nhà thờ bây giờ. Lại bây giờ cũng có vài người bổn đạo Huế nói trọ trẹ ở tại họ nữa.

Khi cha Tournier (Thu) qua đời rồi (2 Juillet 1906), thì Đức cha Mossard đổi cha Henri Hay (Tài) qua ở họ Cái Nhum, người làm cha sở coi họ cho tới năm 1915, thì lại đổi đi Trà Vinh.

Từ đây thì cha Đôminicô Cơ làm cha sở, với cha Vêrô Luật giúp coi họ.

Giải hạn địa sở Cái Nhum

Họ Cái Nhum ném về một phần trong cù lao Mỏ Cày, có một phía đất liền đàng bộ (trừ ra vài cái rạch) đi qua họ Cái Mơng và mấy họ nhỏ mà thôi. Nội cù lao ấy kể đặng 21 làng, phân ra ba tổng.

Cái Mơng, Cái Bè và Vĩnh Long thì bao xung quanh Cái Nhum, cũng như ba sông, là sông Hàm Luông, sông Mỹ Tho và sông Vĩnh Long phân biệt Cái Nhum ra, cho nên Địa sở Cái Nhum thì ở nội trong vòng cù lao Mỏ Cày mà thôi, lập thêm ra xa nữa không được.

Buổi tân trào mới lập, thì mấy họ là Cái Bè, Cái Thia, và Bình Lợi (tĩnh Bến Tre) thảy đều thuộc về địa sở Cái Nhum kẻ ngoại trở lại đạo nhiều, nhứt là từ năm 1867 tới năm 1870, tại Cái Nhum và trong mấy họ ấy. Mà sau thì đã tách mấy họ ấy ra, nên địa sở Cái Nhum còn lại nội ba tổng trong cù lao Mỏ Cày mà thôi.

Nhà Trường nhỏ Latinh

Tại họ Cái Nhum, Nhà Chung đã có lập một Nhà trường nhỏ Latinh, cùng dạy học trò được trong mấy năm mà thôi; nhà cữa Nhà trường đã cất thì hãy còn y nguyên, và bây giờ thì để cho Nhà Dòng ở.

Lối năm 1877 Đức cha Colombert (Mỹ) đã định lập Nhà trường nầy, cùng giao cho cha Duquesnay (Nhơn) làm bề trên, khi ấy cha Duquesnay ở bên tây mới qua Nam Kỳ chẳng đặng bao lâu, và đang dạy tại trường Latinh Saigon, Đức cha thấy người thông minh giỏi lo, cùng đã từng trải nhiều việc, vì khi còn ở bên tây cha đã có xem sóc họ; nên mới phú cho người việc lập Nhà trường nhỏ ấy.

Khi cha Duquesnay vưng lịnh Đức cha mà xuống Cái Nhum, là trong năm 1878; thì các việc đều phải khởi công mà làm hết; chỗ miếng đất định lập Nhà trường thì đầy những mồ mả, cho nên phải cuốc phá ban xuống cho bằng. Bỡi vậy kẻ ngoại thấy chuyện như thế thì đàm tiểu nhiều đều, làm cho việc lo có ý lành phải mang tiếng dữ; chúng nó lại đồn rằng: Hễ tối thì có ma ở trong mấy mồ mả ấy dậy mà kêu rêu trách móc !... Cho nên các việc ban sơ thật cũng là cam go rất đỗi !

Khi nhà lớn giữa làm rồi thì cho học trò các nơi tựu học. Chẳng dè Nhà trường mới làm vừa xong thì cha Duquesnay phải mang bịnh, cũng bỡi cha noi gương bắt chước theo như cha Tournier (Thu), chẳng kể khó nhọc nắng mưa, ra tay đứng đào nền. làm thợ hồ xây dựng, mảng lo tạo lập Nhà trường cho thành mà quên lo bảo dưỡng cho thân mình, nên cha phải đau cùng qua Vĩnh Long mà dưỡng bịnh, chẳng hay qua đó đặng ít ngày thì cha đã sinh thì.

Vậy Đức cha đã dạy cha Georges Ritter (Giáo) tiếp thế làm bề trên Nhà trường, cùng lo các cuộc đâu đó cho hoàn thành; lại cũng nhờ có một cha annam khi ấy mới chịu chức; ra công phụ giúp các việc, cha ấy là cha Anrê Bửu, (bây giờ là cha sở coi họ Thủ Ngữ), nên việc học hành mấy lớp đều đặng phấn chấn.

Khi ấy tiến bạc Nhà Chung chẳng dư giã bao nhiêu, nên các cha tây trong Địa phận, phải bằng lòng chịu cho một phần lương của mình mỗi năm đặng bỏ vô giúp Nhà trường ấy. Việc ăn uống tại trường cũng phải đơn sơ một chút, trong nhà trường thì có hồ nuôi cá nuôi sấu, lại thường khi học trò có đi săn hươu nai cùng là đi lưới dưới sông, đặng kiếm thêm thịt cá mà ăn.

Lúc ban đầu học trò ở tại đó không đặng mạnh giỏi gì lắm, kế trong tháng Mai thì lại có bịnh thiên thời phát ra mấy nơi xung quanh, trong trường cũng có người bị, làm cho hết thảy học trò đều sợ quá cũng xin phép về nhà; phần đông học trò thì thuộc về họ Cái Mơng, mà tại Cái Mơng lúc ấy bịnh dịch cũng không kém gì Cái Nhum. Vậy nhờ cha Anrê Bửu khuyên dỗ học trò đừng sợ hãi sự gì, cứ lo việc bổn phận mà thôi, cho nên học trò đặng ở an, nhà trường khỏi bãi.

Cha Anrê Bửu lo dạy học, cùng lo thêm nhiều việc trong Nhà trường nữa, lại cha đã làm một cái hang đá núi Đ. C. Bà Lourdes, bây giờ cũng còn tại đó.

Vậy trong mấy năm, là từ năm 1878 tới năm 1881, thì việc học hành tại Nhà trường đâu đó đều thứ lớp an bày. Bước qua đầu năm 1882 thì Nhà nước bãi tiền cấp dưỡng cho các cha tây, cho nên không còn tiền bạc mà phụ giúp Nhà trường nầy nữa; bỡi vậy Đức cha Colombert dạy dời mấy lớp học trò về Nhà trường Latinh Saigon. Khi ấy cha Ritter (Giáo) xin ở lại Cái Nhum, đặng lo kiếm học trò mà dạy làm thầy giảng, vì trong địa phận chưa có thầy giảng để dạy chầu nhưng đạo mới. Vậy cha Ritter ở tại đó mà lo lắng việc nầy cho tới năm 1898, thì người phải đau cùng xin về tây dưỡng bịnh. Tưởng là cha sẽ đặng thuyên bịnh mà trở qua nữa, nên Đức cha dạy một cha annam ở coi đỡ đó; chẳng hay cha Ritter về tới Marseille thì đã qua đời (trong tháng Juillet năm 1891).

Bỡi đó việc cha Ritter đã lo lắng chưa đặng mở mang thành tựu, cha chết rồi thì việc lập thầy giảng phải ngưng, nhưng vậy cũng không tàn mất, vì Đức cha dạy để nhà ấy nuôi trẻ mồ côi tập nghiệp ruộng rẫy, và đặt một cha annam ở cai quản đó; thì những người chí quyết tu thân học làm thầy giảng cũng còn ở tại nhà nầy; và khi cha Ernest Hay (Hay) lập Nhà dòng tại An Đức, thì những người ấy đều xin nhập vào.

Vậy từ năm 1891 tới 1906, Nhà trường cũ Cái Nhum đã nên nhà để nuôi trẻ mồ côi tập nghề ruộng nương rẫy bái; tới năm 1906 thì Đức cha Mossard (Mão) dạy dời Nhà dòng đã lập tại An Đức về Cái Nhum, cùng ở tại Nhà trường cũ, cho nên từ ấy tới nay thì gọi là Nhà dòng Cái Nhum.

(Chung)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét