ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2022

Họ Mặc Bắc

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

---------------------------

ĐỊA SỞ HỌ MẶC BẮC (Tiếp theo)

----------------------------

II. – Các cha coi họ.

12.Cha Trí (1862). - Cha Công đổi đi thì cha Trí tới coi họ Mặc Bắc, đâu đó đều đặng bằng an, không lo sợ gì nữa; nên cha đã cất một cái nhà thờ mới xứng đáng hơn, chỗ nền nhà thờ của cha Giacôbê cất đầu hết, trước nhà bà câu Đều. Tuy trên lợp lá, chớ phía ngoài và phía trong xem vào thì liền biết là một nhà thờ, không phải như nhà ở thường (nhà thờ trước kêu là nhà thầy ba, là ông già của hương Chơn), những đồ nghề dệt tơ lụa và giàn để tằm không để trong nhà thờ mới nữa; và cho ai nấy đặng biết rõ là nhà thờ thì trên mặt tiền có dính một thánh giá bằng cây; sau kế nhà thờ thì cha Trí cất một nhà đặng ở. Khi cha Colombert (Đức cha Mỹ) tới đó đặng học tiếng annam, thì cha Trí cũng cất một nhà khác nửa cho người ở, và khi người biết tiếng annam vừa đủ thì qua ở họ Cái Nhum, và đang khi cha Colombert coi sóc họ Cái Nhum thì Đức cha Gioang (Mgr. Miche) đã đòi người về Saigon mà phong làm Giám mục phó.

Khi ấy họ Mặc Bắc nhơn số bổn đạo đã ra đông lắm, cách không đầy 100 năm, số 30 người tới Mặc Bắc đầu hết trong năm 1776, mà khi cha Montmayeur (cha Minh) làm cha sở kế tiếp cha Trí, thì số bổn đạo đã tới 3000 người.

13.Cha Montmayeur (1865-1874). - Dầu mà nhơn số giáo hữu họ Mặc Bác tấn thêm nhiều luôn, song các cha tây và các cha annam coi họ trong mấy đời bắt đạo Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, không có làm nhà cha sở đặng, vì phải trốn tránh ẩn mình trong những nhà bổn đạo; cho tới chừng nhà nước Langsa qua cai trị, thì hai cha sau hết là cha Công và cha Trí, mới cất nhà ở một bên nhà thờ mà ở luôn tại đó, cùng đi làm phước cho các họ xung quanh.

Cha Montmayeur tiếp kế cha Trí, là một cha tây đầu hết có chỗ ở luôn tại Mặc Bắc. Cha Montmayeur này là cố cựu thâm niên cao tuổi hơn các cha tây trong Địa phận; nhờ ơn Chúa cha đã ăn mừng lễ vàng 50 năm lãnh quờn chánh tế hồi năm 1910 rồi đây.

Khi cha Minh (Montmayeur) đến Mặc Bắc, thì cha Trí còn ở lại với người gần hai năm, rồi sau mới đổi qua họ Ba Xuyên. Lại cha Minh ở đó cách chừng hai ba năm thì đã dời nhà thờ lại chỗ bây giờ (đất của bổn đạo dưng), cha cũng cất nhà cha ở kế đó, nhà nầy bị bão năm 1873 hay là 1874 nên đã sập; vậy phải lo cất nhà khác là nhà cha sở ở bây giờ, cha Noisborne đã khởi công làm nhà nầy, và qua đời cha Fougerouse thì mới xây dựng hoàn thành.

Xin nhường đất. - Nhờ cha Montmayeur lo, nên Trùm Nhiên và Thủ Quyển đã xin cùng quan trên giao lại cho bổn đạo làm chủ, những đất tại Rạch Vồn kêu là Đồng điền trước là của bổn đạo, mà đời cựu trào quan Phan thanh Giảng đã lấy. Vậy đã xin lại đặng những đất ấy và Trùm Nhiên phân chia ra cho bổn đạo ở ăn lập nghiệp.

Khai phá, lập vườn  - Cha Montmayeur lo các việc tại họ Mặc Bắc và mấy họ xung quanh; lại cha cũng lo lắng cho bổn đạo khai phá đất mà lập vườn ruộng. Cả làng miệt Cần Chông bây giờ thì đâu đó là những vườn ruộng, chớ trước là rừng bụi cọp hùm và những vật dữ ở đây. Cha cũng là tay săn bắn giỏi lắm nữa; cha bắn giết tại đó hơn 20 con cọp; hễ cọp lai vãng xung quanh nhà thờ thì không thoát khỏi đặng, có một ngày mà cha bắn giết đặng 4 con cọp di kiếm ăn xung quanh đó.

Lập làng và họ Tân Thành.

Làng Tân Thành đã lập hồi cựu trào trong năm 1866, cả đất phía mé tả sông Cần Chông khi ấy thuộc về của quản Ninh, là đất công điền. Hồi đó có chừng bốn năm nhà có đạo ở theo mé sông, còn bao nhiêu thì là rừng bụi. Ông trùm Nhiên đã xin phép mà lập một làng riêng tại đó, kề một phần đất của làng cũ Ninh Thới chạy dài theo rạch cho đến làng An Cư. Trùm Nhiên phân cả đất ấy ra cho mấy người có đạo muốn tới ở lập nghiệp. Hễ chủ nào ở thì lần lần khai phá lập vườn, làm ruộng; còn xem lễ, đọc kinh, đi xưng tội, thì cứ tới nhà thờ họ Mặc Bắc.

Như vậy cho đến lâu sau, là lối năm 1877 hay là 1878, khi cha Delpech làm cha sở Mặc Bắc, thấy số bổn đạo về làng Tân Thành đã khá đông, nên đã cất một nhà thờ lá, và cha ở tại Mặc Bắc qua đó làm lễ, làm phước. Sau cha sở coi họ Tân Thành và ở tại đó đầu hết là cha Grelot; người ở đó có vài tháng kế cha Thơ đi lại, rồi kế cha Le Mée. Chừng cha Le Mée đổi đi thì cha Demarcq tới coi họ, cha cất một nhà cha sở còn lại bây giờ, và lợp nhà thờ lại bằng ngói, cha cũng lo mua ruộng cho bổn đạo làm nữa.

Tới năm 1889 hay là 1890 thì cha Nhân tiếp kế cho cha Demarcq; nhà thờ đã hư nên năm 1906 phải lo làm lại; nhờ các hương chức, nhứt là ông trùm Chiêu, mỗi năm làm 20 cùng là 30 mẫu ruộng đặng bán lúa lấy bạc mà cất nhà thờ, công cuộc xây dựng hoàn thành là năm 1911, giá nhà thờ mới nầy chừng một muôn rưởi tới một muôn tám ngàn bạc. Cả làng Tân Thành thì gần là toàn con nhà có đạo hết, theo sổ năm 1911 thì nhơn số bổn đạo đặng 600 người. Bỡi đất đai hẹp hòi nên bổn đạo chỗ khác không tới ở thêm nửa được, nên số bổn đạo tại họ cầm mực tại đó.

------------------------

III. – Những Họ về Địa sở Mặc Bắc

Họ Bông Bót.

Họ nầy đã lập lối năm 1868 hay là 1869; những bổn đạo đến ở đầu hết tại vàm rạch Bông Bót, và có cất một nhà thờ là chỗ dinh phủ Lạc Hóa, nơi kêu là Bến Cát; song bỡi ở đó không có ruộng mà làm, nên mấy người ấy đã bỏ mà đi nơi khác. Kế sau lối năm 1870, có huyện Siêu là người Cao-mên có đạo, qui bổn đạo về ở tại giồng Bà Mi, nơi ấy có ruộng cho bổn đạo làm, nên đã cất nhà thờ; mà đất đai không có bao nhiêu, cho nên tới ngày nay số bổn đạo tại họ chừng 200 mà thôi, vì nhiều kẻ bỏ nơi ấy mà đi kiếm xứ khác cho rộng bề làm ăn; phải mà không có ai bỏ họ như vậy, thì số bổn đạo rày cũng tới 500. Ban đầu thì các cha ở tại Mặc Bắc qua lại coi họ nầy, cho tới năm 1887, thì cha Desseaume ở Mặc Bắc qua ở luôn lại Bông Bót, cùng làm nhà thờ lại bằng cây, ván; vì nhà thờ cũ là nhà lá mà thôi. Cách hai cùng là ba năm thì cha Thích tới thế cho cha Desseaume. Qua năm 1902, cha Boismery đổi lại thế cho cha Thích; nhà thờ bị mối ăn hư hết, nên cha Boismery phải làm lại, cột cây trên lợp ngói. Chừng cha Boismery đổi đi thì cha Decoopman tiếp thế coi họ, cho tới khi cha đổi qua Rạch Lọp, và bây giờ thì cha Vêrô Cần đang coi họ ấy.

Họ Xoài Rùm (Trà Cú).

Gốc lập họ nầy là trong năm 1866 hay là 1867. Theo trong sổ rửa tội, thì những chầu nhưng tại họ chịu phép rửa tội trước hết là ngày 27 Novembre 1867, bỡi tay cha Montmayeur (Minh), và ngày 9 Janvier năm 1869, một lớp chầu nhưng 26 người đã chịu phép rửa tội; lại ngày 12 Juillet cũng trong năm ấy, một lớp chầu nhưng nữa, cùng 26 người đã chịu phép rửa tội. Lối năm 1870, cha Montmayeur có cất một nhà thờ nhỏ bằng lá tại họ nơi đất xã Mai. Mà đến sau không rõ những bổn đạo mới ấy đi đâu, thế nào, và làm cho họ ấy không còn mấy người. Qua năm 1898, cha Soullard (Sáng) lo lập họ nầy lại, và cất một nhà nhỏ bằng lá nơi mé vạch gần chợ Ngả Ba.

Khi cha Frison (Hoàng) tới Mặc Bắc trong năm 1900, thì cha có cho thầy giảng tới, và qua năm 1905 có sai cha Trình đến họ ấy mà lo lập lại; song các việc đều bất kham, không lập họ lại được như trước, và rày còn có ba bốn nhà có đạo mà thôi.

Họ Gò Xoài.

Họ nầy cũng như họ Xoài Rùm, nay không còn bao nhiêu bổn đạo, mấy người ấy rày đi xem lễ, xưng tội, thì qua nhà thờ họ Trà Ôn.

Họ Ba Phố.

Lối năm 1868 cùng 1869 thì đã có họ nầy, cha Nhu rửa tội cho những chầu nhưng đầu hết, là ngày 13 Avril 1869, số được 15 người; nay số bổn đạo tại họ chừng bảy tám mươi người mà thôi, vì không có vườn ruộng cho nhiều, nên không có ai tới ở thêm nữa; những bổn đạo ở đó đều ở trong đất của nhà thờ.

Họ Kinh (Long-hội).

Họ nầy đã có lối năm 1879, khi nhà nước đào cái kinh Venturini thông thương Cần Chông với rạch Long Thé, thì nhiều bổn đạo tại Mặc Bắc qua đó mà xin khẩn đất khai phá ruộng nương, cùng là mua mà ở. Khi cha Montmayeur thấy số bổn đạo tới ở đó đông thì đã cho cha Đậu đến ở tại đó là năm 1878, cha Đậu đã cất nhà thờ ngói cột gạch, cho tới mấy năm trước đây thì nhà thờ ấy hãy còn; mà sau đã hư, vì nền không vững chắc, nên phải làm lại nay cũng đã rồi. Bổn đạo tại họ khi ấy số chừng 300 hay là 400 người, mà sau có nhiều kẻ đi, cùng là bán ruộng đất lại cho kẻ khác, nên số bây giờ còn chừng 200 cùng là 250 bổn đạo. Cha Sâm tiếp kế cha Hậu mà coi họ, bây giờ thì cha Vêrô Cần ở tại Bông Bót qua lại coi họ ấy.

Khi cha Montmayeur (Minh) ở Mặc Bắc lối năm 1860 thì Tòa Thánh đã lập Địa phận Nam Vang, nên Đức cha Miche (Đức thầy Gioang) đã tách ra một phần sở thuộc về của Địa phận Nam Kỳ mà để lại cho địa phận mới ấy, kể cái sông Bassac là giái hạn hai địa phận, nên mấy họ về địa sở Sóc Trăng, Cái Quanh không còn thuộc về phần sở của họ Mặc Bắc nữa.

Họ Rạch Lọp.

Khi cha Montmayeur còn ở tại họ Mặc Bắc, thì có nhiều bổn đạo ở trong họ không có ruộng mà làm ăn, cho nên phải qua Rạch Lọp mướn ruộng của kẻ ngoại đặng làm. Đến sau cha Delpech muốn lập họ tại đó, nên đã mua của Tổng Dâu một đám đất chưa khai phá tới năm sáu trăm mẫu dài theo Rạch Lọp; cha cho bổn đạo Mặc Bắc qua đó ở mà khai phá làm ruộng nương, có trùm Nho làm đầu, ông nầy sống tới 100 tuổi, và mới chết cách năm bảy năm đây; hễ bổn đạo ai khai phá làm ruộng miếng nào thì đứng tên làm chủ miếng nấy. Ban đầu hễ cha tới đó thì làm lễ tại nhà trùm Nho, khi số bổn đạo khá đông thì có cha Điều đến ở tại họ, cùng cất một nhà thờ bằng cây, lấy ngói gạch của nhà thờ cũ Mặc Bắc mà làm.

Bây giờ số bổn đạo tại họ hơn 300 người. Kế tiếp cha Điều mà coi họ, thì có cha Duông, cha Decoopman và cha Bongain; bây giờ thì cha Vêrô Viện làm cha sở họ nầy. Cách mấy năm trước đây thì đã cất lại nhà cha sở, nhà trường bằng ngói gạch, nền xây dựng chắc chắn  nhà thờ cha Điều cất khi trước đã hư, nên cũng đã phải lo làm lại, công cuộc xây dựng tốt lành vững bền, nhà thờ mới nầy đã hoàn thành được vài năm đây.

IV. - Kể tiếp các cha coi họ tới bây giờ.

14. và 15 Cha Noisberme và cha Fotugerouse (1874-1975). - Trong năm 1873 hay là 1874 bị cơn bão nên cái nhà lá của cha Montmayeur (Minh) làm mà ở đã phải sập; vậy cha Noisberne và cha Fougerouse mới tính phải làm nhà cha sở cho vững bền chắc chắn, xây gạch lợp ngói, vách tường thì xây gạch dày lắm, có ý cho khỏi sợ bão hại nữa. Công việc mới khởi làm, kế cha Simon đổi lại.

16. Cha Simon (1875-1878).- Cha Simon (Sĩ) lo làm nhà cha sở tiếp theo, cha bớt gạch đã xây vách dày quá, theo mực thường, vách bốn bên xong rồi thì cha lợp lá mà ở. Khi cha Simon ở tại họ, trong năm 1876, thì có bịnh thiên thời nổi lên dữ dằn làm cho nhiều người phải chết. Khi ấy cha Simon và cha giúp người là cha Génibrel (Thượng) ngày đêm hằng lăng xăng đi làm phước, xức dầu cho kẻ liệt, nhiều ngày không có giờ mà làm lễ, đọc kinh, vì bịnh dịch tràn ra nhiều quá. Vậy cha Simon ở Mặc Bắc mấy năm rồi đổi lên Tha La và Tây Ninh.

17.Cha Delpech (1878-1884).- Việc thứ nhứt cha Delpeeh (Định) đã lo, là khởi cuộc làm nhà thờ mới, theo họa đồ của cha Boutier (Thiết) bày; vậy đã lo đào hầm xay nền, đá gạch xây chôn dưới nền sâu trót trăm thước vuông, chắc chắn vững bền lắm.

Nhà Mồ côi tại Tiểu Cần, - Bỡi nhờ của Delpech giỏi lo lắng, nên đã mua đặng một miếng đất tại Tiểu Cần của phó tổng Chu (cao mên), cùng lập một nhà Mồ côi (Ste Enfance) tại đó, một ít bổn đạo cũng đến đó cất nhà ở; nên cha phải cất một nhà thờ nhỏ. Mỗi năm các bà rửa tội tại đó hơn trăm con nít kẻ ngoại gần chết. Mà không có đất đặng chôn những xác hài nhi nầy, nên năm 1903, phó tổng Chu đã đành bán thêm cho Nhà Chung một miếng đất khác nữa rộng lớn, chừng bảy tám trăm thước. Vậy nhà Mồ côi, nhà thờ, và đất thánh đã lập tại chỗ đất ấy.

Cha Fougerouse ở Mặc Bắc lần thứ hai (1885-1899). - Việc lớn lao của cha Fougerouse (Phụng) đã lo, khi về ở Mặc Bắc lần sau và làm cha sở, là tiếp làm nhà thờ lớn Mặc Bắc cho đến hoàn thành, thợ đứng coi xây dựng là cha Errard, các việc đều lo làm vững bền mà ít hao tốn, cha Errard ở đó gần hai năm mà lo việc làm nhà thờ. Thật cha là thợ khéo giỏi và tài nghề, nhờ có cha nên nhà thờ làm mới xong, vì tiền bạc của họ và của bổn đạo dưng thì không bao nhiêu; bổn đạo phần nhiều là đủ ăn mà thôi; nhưng vậy cha Fougerouse đã rán lo hết sức hầu cho xong các việc, vậy cha phải mượn của Nhà Chung tiền bạc mà làm, và trong mười năm sau thì cha đã tiện tặn chắt lót và trả lại đủ hết cho Nhà Chung. Bổn đạo nghèo không tiền bạc mà bỏ vô, thì mỗi người lo phụ giúp công; hầm gạch, hầm vôi tại đó, hai lò vôi có hoài trong khi xây dựng nhà thờ. Nam nữ, già, trẻ, đều phải thi công mà phụ giúp, cha Fougerouse thì giục bảo, khuyên lơn, chạy đầu nầy, sang đầu kia mà xem các việc, bổn đạo ai nấy đều hớn hở mà làm, chẳng ai phàn nàn gì hết, bỡi thấy trước mặt cha sở làm gương chịu cực khổ, và nghe lời lành cho khuyên dỗ ủi an, cho nên thảy đều phấn chấn mà làm các việc. Thật thì công cán cha Foggerouse lo lắng về nhà thờ Mặc Bắc thậm dài lắm, âu là nay Chúa đã thưởng công cha trên trời. Trong việc lớn lao ấy thì cha nhờ các chức việc trong họ làm, mà nhứt là ông trùm Nhiên, là con Á thánh Giude Lựu; Ông trùm ấy từ sớm mai tới chiều thì hằng phụ với cha mà xem sóc mọi việc, thật là như tay hữu cha vậy.

Trong năm 1887, nhà thờ lớn nầy mới hoàn thành, và Đức cha Colombert (Mỹ) đã làm lễ khánh tán trọng thể, có nhiều cha các nơi tựu đến, và bổn đạo họ Mặc Bắc vui mừng khôn xiết.

Cha Fougerouse sức lực mạnh mẽ, đã lo kham việc lập thánh đàng, mà còn lo việc họ nữa, nhơn số bổn đạo hơn 3000 người, nên sức phải hao kém, cho nên năm 1895 Đức cha Dépierre (Để) cho cha Soullard (Sáng) giúp coi địa sở và họ; cha Soullard ở đó thì qua năm 1899 cha Fougerouse phải đi nghỉ dưỡng bịnh bên Hồng Kông, thì cha Soullard coi họ cho tới tháng Février năm 1900, kế có cha Frison (Hoàng) đổi lại làm cha sở họ Mặc Bắc cho tới ngày nay:

Còn cha Fougerouse thì đã qua đời bằng an tại bên Hồng Kông trong tháng Décembre năm 1899.

Những đấng Tử đạo và Xưng đạo

Họ Mặc Bắc đặng kể số những đấng Tử đạo và Xưng đạo sau nầy hộ vực bàu chủ giúp trên trời.

Tử đạo

1. Á thánh Marchand, đã đặng phong lên bực Á thánh ngày 27 Mai 1900.

2. Á thánh Philipphê Minh, đặng phong lên bực Á thánh ngày 2 Mai 1909.

3. Á thánh Giude Lựu, trùm họ Mặc Bắc, đặng phong lên bực Á thánh ngày 2 Mai 1909.

4. Á thánh Vêrô Lựu, cha ở Mặc Bác trước cha Minh, đặng phong lên bực Á thánh ngày 2 Mai 1909.

Xưng đạo.

1.Vêrô Nguyễn Văn Trị kêu là phó tổng Trị, bị bắt một lượt với cha Minh, dẫn qua Vĩnh Long bỏ vào ngục với cha Minh và Ông trùm Lựu cùng mấy người khác, bị xử án đày ra Bắc Ninh (Tonkin), đã qua đời tại họ Huống Tĩnh (Thái Nguyên) xác người chôn trong đất thánh họ ấy (Địa phận Hiphanho).

2.Đội Lý, là cựu bổn đạo họ Cái Bông, phải bếp Nhẫn bắt cùng ít người khác, Đội Lý ở trong khám Vĩnh Long và qua đời tại đó, bỡi phải thiếu thốn mọi bề và phải quân lính hành hạ mà phải chết vì đạo Chúa.

(Chung)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét