Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Ghi địa danh tùy hứng, không theo qui chuẩn gì ráo

 GHI ĐỊA DANH TÙY HỨNG, KHÔNG THEO QUI CHUẨN GÌ RÁO

Kỳ 2: "BẮC KẠN", cách viết... đầu cua tai nheo!

* Chọn qui chuẩn ra sao, trong cách ghi địa danh tại Việt Nam?

Mời quí bạn đọc kỳ 1, nói về cách ghi "Đắk Lắk", "Đắk Nông" (https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1083460625421250).

A/ Có 2 lối giải thích, một dựa vào danh từ Việt-Hán / một dựa vào chữ Nôm, trong đó có liên quan đến biến âm từ tiếng Tày - Nùng.

A1) Dựa vào danh từ Việt-Hán:

* Được dựa vào bản văn bia "Tam hải hồ sơn chí" tại Hồ Ba Bể, vào năm 1925, rằng địa danh tỉnh này được ghi là : BẮC CẢN (nghĩa là: nơi phòng ngự/chở che phía Bắc, được hiểu là phía Bắc so với kinh đô Thăng Long). Và được cho rằng biến thanh: thanh "hỏi" thành thanh "nặng": Bắc Cản => Bắc Cạn.

Tức, chữ "cạn" ở đây KHÔNG mang nghĩa, mà thuần túy là biến âm mà thôi.

* Lại có luồng ý kiến giải thích "Bắc Cạn" xuất hiện từ rất lâu (chớ không phải đợi đến đầu thế kỷ 20). BẮC CẠN được viết là: 𣵲.

Địa danh BẮC CẠN được ghi trong "Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX" của Viện nghiên cứu Hán Nôm (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981), chẳng hạn ở trang 158 / Địa danh BẮC CẠN 𣵲 còn được nhắc đến nhiều lần trong "Đại Nam nhất thống chí" của Quốc sử quán Triều Nguyễn / Rồi theo "Sổ tay địa danh Việt Nam" của Đinh Xuân Vịnh (Nxb Lao động, Hà Nội, 1996) thì địa danh BẮC CẠN đã có từ đời Lê!

Ở đây, có một điều... khá tréo ngoe thì phải? "BẮC" là âm Việt-Hán (quen gọi là Hán-Việt, ở đây tôi đảo vị trí chẳng qua là muốn nhấn mạnh đọc theo âm Việt đối với chữ Hán, không đọc theo âm tiếng Tàu). NHƯNG, xin chú ý, trong chữ Hán thì KHÔNG có chữ nào phát âm là "cạn" hết (chỉ có chữ đọc là "CAN" - và "can" này mang nghĩa là "cạn").

"CẠN" là tiếng Nôm, và được viết bằng chữ Nôm như ri: 𣵲 (gồm bộ "thủy" ghép với chữ "kiện" ). Vì sao lại có kiểu ghép giữa một chữ Hán ("Bắc") với một chữ Nôm ("Cạn")?

Nếu "cạn" (trong "Bắc Cạn") mang nghĩa là... "cạn / khô cạn", sao không viết bằng hai chữ Hán là "BẮC CAN" ("Can", ở đây, mang nghĩa là "cạn / khô cạn" đó đa) cho đồng bộ?

A2) Biến âm từ tiếng Tày - Nùng:

Một giả thuyết được đưa ra: "BẮC CẠN", kỳ thực, là ghi âm / biến âm từ ngôn ngữ bản địa Tày - Nùng (chớ "bắc cạn" không mang nghĩa, "bắc" không phải là phương bắc, "cạn" không phải là khô cạn).

Có nhiều ý kiến cho rằng nguyên ngữ Tày-Nùng là "Pác Cạm", "Pác Káp", "Pác Can", "Pá Kạn" .v.v... Ở đây không đi sâu tìm hiểu nghĩa của từng chữ này làm chi (dành cho giới nghiên cứu chuyên sâu), mà quí bạn cần chú ý: hết thảy những "chữ Tày-Nùng" đều viết bằng ký tự "P" (không phải "B").

B/ "ĐẦU CUA TAI NHEO"!

B1) Có khá nhiều địa danh tại VN là biến âm từ tiếng của sắc tộc bản địa, như "Cà Mau", "Trà Vinh", "Sóc Trăng", "Mỹ Tho" từ tiếng Khmer, "Đà Nẵng", "Nha Trang", "Phan Rang", "Phan Rí" từ tiếng Chăm.

Thấy gì?

Không ai lại đi giải thích "Mau", trong "Cà Mau", là... mau lẹ, mau chóng (tương phản với "chậm") / "Trà", trong "Trà Vinh", là... lá trà, cây trà. Vì giải thích như vậy là ngớ ngẩn, trớt hướt! Nên nhớ: đây thuần túy là phiên âm, đọc trại âm, biến âm.

Cũng vậy, "cạn", trong "BẮC CẠN", là được biến âm từ tiếng Tày-Nùng ("Kạn", "Káp"...).

B2) Phần lớn trong chúng ta không phải dân nghiên cứu ngôn ngữ nên, nói nào ngay, cũng không bận tâm tìm hiểu "Cà Mau", "Sóc Trăng" ... trong nguyên gốc nghĩa là gì hết ráo, mà hãy viết / hãy đọc THEO ĐÚNG CHÍNH TẢ CỦA TIẾNG VIỆT.

Cũng vậy, đối với hai chữ "Bắc Cạn".

Trong chính tả tiếng Việt, không hề có "kạn (dòng sông)" mà phải viết là "cạn (dòng sông)", viết "c" chớ không "k"!

Ngay chữ "bắc" (trong "Bắc Cạn"), trong từ nguyên bên tiếng Tày-Nùng ghi là "Pac", "Pá" - ghi bằng phụ âm "p", nhưng khi chuyển qua TIẾNG VIỆT thì phải chuyển sang phụ âm "b" cho đúng chính tả đó đa!

Hoặc ghi nguyên ngữ của tiếng sắc tộc bản địa, tỉ như "Pá Kạn" gì đó. Hoặc, khi đã chuyển sang tiếng Việt, là "Bắc" thì phải Việt cho trót là "Cạn" - chớ không thể đầu cua tai nheo được!

Mà, như một số tài liệu dẫn trên, từ thuở xa xưa các thế hệ tiền nhân chúng ta đều đã đọc là BẮC CẠN 𣵲, mắc giống gì phải bẻ thành "bắc kạn" rứa hè?

C/ QUI CHUẨN TRONG CÁCH GHI ĐỊA DANH

Có hai cách:

C1/ Chúng ta đang sống trên lãnh thổ ... dùng TIẾNG VIỆT, thành thử các địa danh - dù cho xuất phát từ tiếng của các sắc tộc bản địa - thì ĐA PHẦN cũng PHIÊN ÂM & áp dụng theo đúng CHÍNH TẢ trong TIẾNG VIỆT!

Như "Sa" (trong Sa Đéc) là từ "Phrsa" (trong Phrsa Dek) của tiếng Khmer, mình đâu cần phiên âm /phr/ làm gì cho mắc mệt - bởi lẽ trong tiếng Việt đâu có phát âm /phr/. Vậy đó.

C2) Cũng có một số địa danh không ghi phiên âm, mà dùng y xì nguyên ngữ của sắc tộc bản địa. Tỉ dụ: "Pleiku", "Kontum" (*).

Nếu phiên âm và viết đúng chính tả tiếng Việt sẽ là "Lây-cu", "Công-tum" (vì tiếng Việt không có phụ âm "pl", cũng không qui định viết ký tự "k" trước nguyên âm "u" / "o" mà phải viết "c"! - như "củ (khoai)" (chớ không "kủ (khoai)"), "con công" (chớ không "Kon Kông").

Thôi thì... "Pleiku" coi bộ dễ nhìn hơn là "Lây-cu".

Trở lại ví dụ địa danh mở đầu bài viết này: hoặc viết BẮC CẠN (phiên âm theo đúng chính tả tiếng Việt), hoặc viết PÁ KẠN chẳng hạn (theo nguyên ngữ của người Tày - Nùng).

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

-------------------------------------------------------------

(*) Pleiku hay Plei Ku? Kontum hay Kon Tum? - tôi không rõ ngôn ngữ sắc tộc trên cao nguyên này là đa âm tiết hay đơn âm tiết, quí bạn nào biết, xin chỉ giúp cách viết cho thiệt đúng.



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét