ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

Mối quan hệ của cộng đồng người Hoa với phong trào Tây Sơn trong cuộc nội chiến 1771 - 1802

 MỐI QUAN HỆ CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI HOA

VỚI PHONG TRÀO TÂY SƠN TRONG CUỘC NỘI CHIẾN 1771-1802

Trong phong trào Tây Sơn, những người đề xướng không chủ trương một cuộc nổi dậy đơn độc. Họ cần có sự hỗ trợ của các thế lực bên ngoài để tăng cường sức mạnh và họ đã kết nạp đủ mọi hạng người, đủ mọi sắc tộc trên đất nước Việt Nam, trong đó người Hoa giữ một vai trò quan trọng trong chính sách và chiến lược quân sự của nhà Tây Sơn.

Theo giáo sư George Dutton, hiện giảng dạy bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa châu Á tại trường Đại học UCLA (University of California at Los Angeles), Mỹ, tác giả quyển The Tây Sơn Uprising (Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn), vào những thập niên cuối thế kỷ XVIII, nhân số người Hoa tại Đàng Trong ước khoảng 30 ngàn người. Họ được phân biệt hai thành phần chính:

- người Minh hương đến Đại Việt vào nửa sau thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, gồm hầu hết những người trung thành với nhà Minh đã bị người Mãn Thanh truất ngôi

- thành phần Thanh nhân là thần dân của nhà Thanh, đến Đại Việt từ nửa sau thế kỷ XVIII trở đi.

Người Minh hương đến Đại Việt năm 1679, được chúa Nguyễn cho vào Đông Phố (tên đất Gia Định xưa), định cư tại hai khu vực: Biên Hòa (nhóm Trần Thượng Xuyên) và Mỹ Tho ngày nay (nhóm Dương Ngạn Địch). Nhóm Thanh nhân đến sau vì nhiều lý do khác nhau, phần lớn để buôn bán, góp phần vào việc phát triển thương mại trong vùng. Một số người trong nhóm này xuất thân từ các gia đình ở trung tâm thương mại Hội An, tìm vào Nam khi khu vực từng buôn bán sầm uất này trở nên thưa thớt dần, nhất là từ giữa thập niên 1630, sau khi chính quyền Nhật Bản cấm mọi tàu thuyền đi ra nước ngoài.

Trong tác phẩm của mình, tác giả Dutton đã viết: “Người Hoa tị nạn trên lãnh thổ Đại Việt đến chủ yếu từ vùng duyên hải Trung Hoa, song ở bên trong khu vực này có nhiều tỉnh, người dân nói nhiều ngôn ngữ khác nhau và mang theo các nền tảng xã hội và lịch sử đặc biệt của họ. Bên trong Đại Việt, những người này có khuynh hướng quần tụ với nhau theo nguồn gốc xuất phát có liên hệ trực tiếp với một ngôn ngữ mà họ chia sẻ cùng nhau. Vì thế, người Hoa sống ở Đại Việt được nhận biết sự khác biệt rõ rệt bên trong các cộng đồng và giữa các cộng đồng với nhau, những khác biệt phản ánh các nguồn gốc xuất phát khác nhau và những trải nghiệm về di trú trong lịch sử”.

1. (sđd - bản dịch của Lê Nguyễn – NXB Tổng hợp in lần thứ hai – 2019, trang 360-361)

Khi phong trào Tây Sơn nổi lên thì người Hoa thuộc hai thành phần Minh hương và Thanh nhân đã định cư tại vùng đất Gia Định gần một thế kỷ. Tại Trấn Biên (Biên Hòa), họ quần tụ nhiều ở Cù Lao Phố. Có những chứng cứ cho thấy họ từng ủng hộ cả nhân lẫn vật lực cho phong trào. Tại miền Trung, hai trong những thương nhân người Hoa đầu tiên tham gia trực tiếp vào phong trào Tây Sơn là Tập Đình và Lý Tài. Tuy nhiên, sự hợp tác của lực lượng những người Hoa này chỉ kéo dài khoảng vài năm và sự rạn nứt bắt đầu từ năm 1775. Theo thư của một giáo sĩ tên Pierre-Jacques Halbout, nhiều thành viên trong các đạo quân này đã có những hành vi trái khoáy, quấy rối người dân, gạ gẫm phụ nữ. Sự mâu thuẫn lên đến mức chúa Tây Sơn là Nguyễn Nhạc dự mưu trừ khử Tập Đình, họ Tập biết được, bỏ trốn về Quảng Đông (Trung Quốc) và bị nhà Thanh sát hại tại đây.

Lý Tài cũng không yên tâm về số phận của mình trong tay nhà Tây Sơn nên ngay trong năm 1775, đã đầu phục chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần, cầm đầu đạo Hòa nghĩa quân lập được nhiều công trạng. Song số phận của Lý Tài cũng không hơn Tập Đình. Tại Gia Định, ông ta có sự bất đồng nghiêm trọng với một trong những dũng tướng của chúa Nguyễn là Đỗ Thanh Nhơn, và cuối cùng đã bị sát hại vào năm 1777 bởi bàn tay của đạo quân Đông Sơn dưới quyền họ Đỗ.

Sau khi Tập Đình và Lý Tài không còn nữa, lực lượng Hòa nghĩa quân vẫn tiếp tục được các chúa Nguyễn sử dụng. Cuối năm 1775, một thương nhân người Hoa họ Tất đã tài trợ cho một cuộc nổi dậy do hai thành viên trong dòng họ các chúa Nguyễn là Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân lãnh đạo để chống lại anh em nhà Tây Sơn. Hai người này đã xây dựng lực lượng ở Quảng Nam và nhanh chóng chiếm lấy hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn, buộc Nguyễn Nhạc phải dành hai tháng chiến đấu với những đạo quân này và cuối cùng chỉ thắng thế khi quân của Quyền và Xuân cạn hết đồ tiếp tế.

Tuy nhiên, những diễn biến đó không có nghĩa là mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và cộng đồng người Hoa sống ở Đàng Trong đã kết thúc. Dutton đã viết:

“Ngay khi mối quan hệ của các lãnh tụ Tây Sơn với các thương nhân người Hoa như Tập Đình và Lý Tài suy sụp, những căng thẳng khác với cộng đồng người Hoa cũng bắt đầu phát triển. Có vẻ như những căng thẳng đó phần nào là sự căng thẳng giữa nông thôn và thành thị biểu lộ trong thời kỳ đầu của phong trào Tây Sơn. Quân nổi dậy tấn công các đô thị, nơi phần lớn người Hoa sinh sống, bởi vì họ cho rằng đó là những trung tâm của quyền lực chính trị và kinh tế góp phần tạo nên các vấn đề xảy ra ở nông thôn”

( Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn – sđd , trang 366).

Cuối mùa Xuân năm 1782, mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và cộng đồng người Hoa sống ở Đàng Trong rơi xuống điểm thấp nhất khi quân nổi dậy tàn sát một khối lượng lớn người Hoa ở Sài Gòn. Theo nhiều tài liệu khác nhau, số người Hoa bị tàn sát vào khoảng từ 4 ngàn đến 20 ngàn người. Sự biến này cũng được chính Thượng thư triều Gia Long và Minh Mạng là Trịnh Hoài Đức bổ sung trong tác phẩm Gia Định Thành Thông Chí: “Tất cả hàng hóa buôn bán như vải muslin, lụa, trà, thuốc, dầu thơm, và giấy bị tịch thu từ nhà của người Hoa, bị vứt hết ra ngoài đường và không ai dám nhặt lên” (sđd - Đỗ Mộng Khương - Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 38).

Nguyên nhân gần của cuộc thảm sát này là sự trả thù việc đạo quân Hòa Nghĩa gồm phần lớn người Hoa đã sát hại một tướng lãnh tâm phúc của Nguyễn Nhạc là Phạm Ngạn tại cầu Tham Lương. Song nguyên nhân sâu xa, theo Dutton và một số nhà nghiên cứu, lại là động cơ thương mại: nỗ lực tiêu hủy sự độc quyền thương mại của người Hoa tại thành phố Sài Gòn (Chợ Lớn ngày nay), giảm thiểu khả năng ủng hộ quân chúa Nguyễn của thành phần xã hội này.

Tuy nhiên, mối quan hệ đầy ân oán đó vẫn không triệt tiêu hoàn toàn khả năng hợp tác giữa cộng đồng người Hoa với nhà Tây Sơn. Một năm sau vụ thảm sát tại Sài Gòn, tức năm 1783, các tàu buôn của người Hoa lại cập cảng ở đây để buôn bán. Điều này cho thấy nhà Tây Sơn không tiếp tục theo đuổi một chính sách kiên định nào đối với người Hoa, mà chính sách này biến đổi tùy theo tình hình, đặc biệt tùy theo mức độ hợp tác, ủng hộ, của thành phần này đối với chúa Nguyễn Ánh.

Sự ủng hộ của người Hoa đối với chúa Nguyễn Ánh, đặc biệt tại vùng đất Gia Định, có thể được thúc đẩy bởi nhiều động cơ khác nhau, trước hết là chính sách cứng rắn của nhà Tây Sơn đối với họ. Mặt khác, chính tổ tiên nhiều đời của họ đã chịu ơn các chúa Nguyễn khi rời bỏ đất nước dưới sự cai trị của nhà Mãn Thanh, được tạo điều kiện xây dựng một cuộc sống mới ổn định và an bình. Điều này góp phần không nhỏ vào chiến thắng của chúa Nguyễn tại Gia Định vào năm 1788, sau khi từ Xiêm (Thái Lan) trở về chỉ với mấy trăm tướng sĩ tòng vong.

Có thể nói trên đất liền, ngay từ thập niên 1780, cộng đồng người Hoa đã quay lưng lại với nhà Tây Sơn. Họ buộc lòng tìm kiếm sự hợp tác của một thế lực người Hoa khác hùng mạnh hơn, sống trên biển Đông, đó là các lực lượng hải tặc.

Vào những thập niên cuối thế kỷ XVIII, nhiều nhóm hải tặc hoạt động mạnh trong vùng biển trải dài từ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, đến duyên hải miền Bắc và miền Trung ngày nay. Trong vùng biển rộng lớn này, tàu buôn đi lại tấp nập, tạo điều kiện thuận lợi cho sự cướp bóc của chúng. Mặt khác, nhiều khu vực biển nông, địa thể hiểm trở, chúng dễ dàng tránh thoát sự tróc nã của triều đình nhà Thanh. Trên nhiều bản đồ vào thế kỷ XVIII, XIX mô tả vùng biển Đông của Đại Việt, người châu Âu mệnh danh một số hòn đảo là “đảo hải tặc” (îles des pirates). Điều đó nói lên tính phổ biến của hoạt động đánh cướp trên biển vào thời kỳ này.

Mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và hải tặc người Hoa bắt đầu từ giữa thập niên 1780, song mạnh mẽ nhất vào nửa sau thập niên 1790 và chỉ kết thúc sau khi nhà Tây Sơn đã sụp đổ. Một trong những chỉ huy hải tặc người Hoa đầu tiên được nhà Tây Sơn thu nạp năm 1783 là Trần Thiên Bảo. Ông ta được phong chức Tổng binh, tước Bảo Đức hầu; một người bạn của ông ta là Lương Khuê Hiệp cũng được phong tước Hiệp Đức hầu. Họ Trần được nhà Tây Sơn cho quyền tuyển mộ hải tặc và phong cấp cho binh lính tân tuyển.

Từ thập niên 1790, lực lượng hải tặc tham gia trực tiếp vào các chiến dịch quân sự của nhà Tây Sơn, nhiều người được phong các chức tước quan trọng của triều đình. Một tay cầm đầu hải tặc tên Mạc Quan Phù được phong tước Đông Hải vương; năm 1797, một người khác tên Ô Thạch Nhị được phong Bình Ba vương. Đạo quân hải tặc người Hoa trong lực lượng của nhà Tây Sơn khá hùng hậu. Mạc Quan Phù chỉ huy hơn 1.000 người, một người cầm đầu khác là Trịnh Thất chỉ huy hơn 200 tàu thuyền. Chúng được sử dụng cho việc thường xuyên tuần phòng ven biển, ngăn chặn những tàu thuyền tư nhân có thể di chuyển từ Bắc vào để tiếp tế cho quân Nguyễn ở phía Nam. (tài liệu tham khảo chính: George Dutton và Dian Murray – Pirates of the South China Coast, 1790-1810 – California 1987)

Năm 1801, sự thất bại nặng nề trong trận Thị Nại khiến thủy quân Tây Sơn gần tan rã, hoạt động của các hải tặc Trung Hoa cũng giảm dần và mất hẳn.

GHI CHÚ THÊM – Phong trào Tây Sơn là một đề tài đến nay vẫn ẩn chứa nhiều ý kiến, quan điểm rất khác biệt nhau, bài viết hôm nay chỉ giới hạn trong một khía cạnh nhất định, về mối quan hệ giữa phong trào này với cộng đồng người Hoa, từ lúc khởi phát (1771) đến khi bị tiêu diệt hoàn toàn (1802). Vì thế xin mọi ý kiến trao đổi trên diễn đàn này chỉ tập trung vào chủ đề bài viết, dựa vào các nguồn tư liệu khả tín. Xin không hoan nghênh các ý kiến ngoài chủ đề, nhất là nhằm đánh giá, phẩm bình về phong trào Tây Sơn, vì như thế sẽ dễ dẫn đến những cuộc tranh cãi không có hồi kết và tạo cơ hội cho những kẻ thích làm rối các diễn đàn. Chủ trương này không chỉ dành riêng cho bài viết hôm nay, mà cho tất cả các bài viết lịch sử khác.

Bạn yêu sử nào thấy cần share bài này về trang nhà, xin cứ tự nhiên, không phải hỏi tác già. Mặt khác, từ lâu nay, tác giả chỉ tag bài cho những bạn có yêu cầu chính thức, bạn nào nay không còn yêu cầu này nữa, xin hoặc thông báo (riêng hay công khai trên diễn đàn Facebook), hoặc không tiếp tục cho hiện bài lên trang nhà, để tác giả biết mà ngưng tag bài. Các bài viết về lịch sử luôn để ở chế độ public (công khai), những bạn có yêu cầu tag bài nhưng tác giả chưa thể đáp ứng, xin vui lòng sử dụng chế độ share (chia sẻ).

Trân trọng

Lê Nguyễn

30.11.2020

 

Tranh vẽ một người lính ở Đàng Trong (1793), có tài liệu ghi chú là lính Tây Sơn. Nguồn: A Voyage to Cochinchina của John Barrow - London 1806

Một qua lại của nhà Tây Sơn. Nguồn: The Tay Son uprising - George Dulton-2006

Tượng đài hoàng đế Quang Trung tại bảo tàng Quang Trung - Bình Định


 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét