ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Chẳng lẽ tiếng Việt không có từ nào để thay thế cho từ “lô-gích”? Ta có 4000 năm văn hiến mà vẫn bị “hổng” khi đụng lô-gích nên đành “bỏ trống” hay sao? Vậy tiếng của ta để làm gì?

ĐỘC GIẢ: Chẳng lẽ tiếng Việt không có từ nào để thay thế cho từ “lô-gích”? Ta có 4000 năm văn hiến mà vẫn bị “hổng” khi đụng lô-gích nên đành “bỏ trống” hay sao? Vậy tiếng của ta để làm gì?

AN CHI: Ông cho biết mình ở Sài Gòn 40 năm nhưng trước năm 1975 chưa từng nghe người Việt Nam nào nói tiếng Việt mà lại xen vào hai tiếng lô-gích.

 Có lẽ ông đã nói không quá đáng. Lô-gích – mà nay nhiều người, kể cả các tác giả của Từ điển tiếng Việt 1992, đã viết thành logic, y hệt tiếng Anh – trước đây gọi là luận lý (học). Hai tiếng lô-gích bắt đầu được dùng càng ngày càng nhiều ở miền Nam mặc dù đối với nó một số người vẫn còn “dị ứng”. Xét cho cùng, nếu lô-gích là Tây thì luận lý lại là Tàu (đây là một từ Việt gốc Hán, vẫn quen gọi là Hán Việt). Chẳng có cái nào là ta cả. Và chẳng cứ gì ta có “4000 năm” mà vẫn phải mượn của Tây, mà cả Tàu cũng chẳng hơn gì ta. Nếu tính từ đời Phục Hy thì họ đã ngót nghét 5.000 năm. Nhưng họ vẫn phải mượn của Tây ngay cả trong trường hợp của mấy tiếng lô-gích. Để diễn đạt khái niệm này, trước kia họ đã có các từ ngữ danh học, biện học, luận lý học, nhưng họ vẫn phiên âm tiếng Anh logic thành luó jí (âm Bắc Kinh) và ghi bằng hai chữ Hán đọc theo âm Hán Việt thành la tập. Ngày nay, khắp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không ai dùng danh học, biện học hoặc luận lý học mà chỉ nói la tập (học) (Ở miền Bắc hồi nữa sau thập kỷ 50, tác giả Trần Văn Giàu cũng đã dùng la tập học để chỉ môn logique). Nhưng xin nói rõ rằng đây cũng chẳng phải là “đặc sản” của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vì nó thành lập từ 1949 mà mấy chữ la tập thì đã có mặt trong Từ nguyên là một bộ từ điển ra đời từ năm 1915. Ngay đến tiếng Anh logic, mà hình thái trung đại là logike cũng mượn từ tiếng Pháp logique. Tiếng Pháp logique lại là mượn từ tiếng La Tinh logice. Tiếng La Tinh lại là mượn từ tiếng Hy Lạp logikê trong từ tổ logikê tekhnê, có nghĩa là nghệ thuật biện luận. Phiên âm thành logice chưa đủ, dân La Mã ngày xưa còn cứ theo đặc điểm của tiếng La Tinh mà đặt thêm danh từ logica, cùng nghĩa. Tóm lại, cả ta, Tàu, Pháp, Anh và La Mã đều gián tiếp hoặc trực tiếp mượn của Hy Lạp; chẳng có ai dùng thứ của mình. Dân Nhật cũng mượn mấy tiếng luân lý (học) của Tàu mà đọc theo âm Hán Hòa thành ronri (gaku).

Vậy phải thay lô-gích bằng “từ Việt” nào thì chúng tôi thấy rất khó. Chỉ xin nhấn mạnh rằng không nên dùng nó một cách “đại trà” khi nó chỉ có nghĩa là “hợp lý”. Cá nhân chúng tôi thì rất thích dùng mấy tiếng luận lý học để chỉ môn logique formelle (luận lý học hình thức) cổ điển.

Kiến thức ngày nay, số 129, ngày 15-1-1994.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét