ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

"Bức tử" những danh xưng đã được Việt hóa! Thiếu hiểu biết về di sản chữ nghĩa tiền nhân để lại.

 "BỨC TỬ" những danh xưng đã được Việt hóa!

THIẾU HIỂU BIẾT VỀ DI SẢN CHỮ NGHĨA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI

* Có không ít người ở Miền Nam lớn lên sau năm 1975 (và người ở Miền Bắc lớn lên từ sau năm 1954) nhăn mặt khi đọc "Ba Tây" (thay cho Brazil), "Á Căn Đình" (thay vì Argentina), thắc mắc sao không "tôn trọng" giữ nguyên tên gọi quốc gia của người ta? Ồ, có sự ngộ nhận, hiểu trật chìa ở đây rồi đa!

Mời đọc, chẳng hạn, tên nước "Ba Lan". Sao không giữ tên "Poland" để gọi là ... tôn trọng? Nè, tên đúng gốc theo ngôn ngữ của người bổn xứ bên họ là "Polska" chớ làm gì Poland ở đây?

"Poland" là gọi theo cách của người Anh, tức Anh hóa; còn người Pháp thì gọi "Pologne", tức Pháp hóa. Người Anh, người Pháp họ đâu mắc giống gì phải giữ đúng chữ "Polska", mà họ cũng không thèm phiên âm quê kệch (kiểu như "Pôn-xơ-ka") làm chi cho má nó khi (khinh)!

* Trong khi đó, cũng những người "nhăn mặt" nhưng chính họ vẫn bình thản khi hàng ngày đang đọc các tên nước như "Na Uy", "Thụy Điển". Ủa, sao không thắc mắc là phải ghi "Norway", "Sweden" để gọi là "tôn trọng" nguyên ngữ ? Tưởng vậy là tưởng bở, trật lất. Bởi vì nguyên ngữ theo tiếng bổn xứ (lần lượt) sẽ phải ghi là "Norge", "Sverige".

Và khi quí bạn nhìn thấy "Norway", "Sweden" tức là đã Anh hóa (gọi theo cách của người Anh) rồi đa. Hoặc bạn thấy ghi "Norvège", "Suède" tức là đã Pháp hóa (gọi theo cách của người Pháp).

* Thấy gì? Người Anh họ có ý thức Anh hóa, người Pháp họ có ý thức Pháp hóa. Đó là, xin quí bạn chú ý, LÒNG TỰ TRỌNG & NIỀM HÃNH DIỆN TRONG CHUYỂN NGỮ của người Anh, người Pháp.

Cũng vậy, người Việt chúng ta hoàn toàn có quyền Việt hóa. Những cách gọi mà chúng ta vẫn đang nghe, đang dùng - như "Na Uy", "Thụy Điển", "Ba Lan", "Ấn Độ", "Bồ Đào Nha", "Tây Ban Nha", "Nga", "Bỉ", "Ý" ... - thảy là Việt hóa. Chúng ta đâu kém cỏi tới mức không biết cách Việt hóa mà phải ngửa tay "ăn xin" từng chữ nước ngoài (về cách gọi tên các quốc gia) hay sao?

"Ba Tây", "Á Căn Đình" cũng rứa, cũng Việt hóa; chỉ vì gặp xui rủi mà bỗng dưng không dùng, riết rồi không biết tới, và giờ đây thấy lạ hoắc. Thử tưởng tượng đi, nếu chỉ ghi "India", "Portugal", "Spain", "Russia", "Belgium", "Italy"... thì ắt hẳn sẽ thấy cách gọi "Ấn Độ", "Bồ Đào Nha", "Tây Ban Nha", "Nga", "Bỉ", "Ý"... cũng lạ hoắc luôn rồi.

* Lại có ý kiến biện bạch cho rằng gọi "Brazil", "Argentina" theo tiếng Anh là để "hội nhập" với ngôn ngữ thông dụng nhứt hiện nay trên toàn cầu (tiếng Anh). Mắc gì phải làm vậy? Người Pháp họ đâu mắc gì phải viết tên các nước bằng tiếng Anh, mà họ viết bằng tiếng Pháp - không lẽ làm vậy là người Pháp họ không biết "hội nhập" (?).

Nữa, nếu ưng biện bạch viết theo tiếng Anh, vậy ắt phải gọi "India", "Portugal", "Spain", "Russia", "Belgium"... một lèo luôn cho nhứt quán, đồng bộ cho rồi! Tức là tuyên bố "bức tử tập thể" đối với toàn bộ danh xưng quốc gia đã được Việt hóa!

* Các bực trí thức tiền nhân của chúng ta đã dày công Việt hóa hết thảy tên gọi các quốc gia, và để lại di sản chữ nghĩa này!

Đừng vì thiếu hiểu biết mà vô tình phủ nhận thì chớ, còn hỗn xược trước các thế hệ đi trước!

-------------------------------------------------------------------

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét