ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

Nói “mút chỉ cà tha” thì ai cũng hiểu. Nhưng “cà tha” là gì và hai tiếng này bắt nguồn từ đâu? Có phải là nói trại âm của hai tiếng “cà sa”?

 ĐỘC GIẢ: Nói “mút chỉ cà tha” thì ai cũng hiểu. Nhưng “cà tha” là gì và hai tiếng này bắt nguồn từ đâu? Có phải là nói trại âm của hai tiếng “cà sa”?

AN CHI: Hai tiếng cà-tha đã được Lê Ngọc Trụ giảng là “xâu chuỗi hột to, dài, mang ở cổ, có tác dụng là bùa trừ ếm tà ma quỉ-quái”. Tác giả cho thí dụ: “Thầy pháp đeo dây cà-tha”(1). Tuy nhiên dân gian vẫn còn có lối hiểu bình thường là cái bùa (chứ không nhất thiết là xâu chuỗi). Chẳng hạn, khi nghe nói “vô cà tha rồi đó” thì có thể hiểu là “đã có yểm bùa rồi đó”. Dân Nam Bộ đã mượn từ cà-tha ở tiếng Khmer kathaDictionnaire cambodgien- français của J. B. Bernard (Hong Kong, 1902) giảng là “amullete” (bùa). Vậy cà tha là bùa.

Còn cà sa, mà dạng đầy đủ là cà sa duệ, là âm Hán-Việt của những chữ Hán mà người Trung Hoa đã dùng để phiên âm tiếng Sanskrit kãsãya, nghĩa gốc là vải hoặc y phục nhuộm màu đỏ sẫm. Trong tiếng Pali thì kãsãya lại có nghĩa là nhuộm màu da cam, là áo màu vàng. Danh từ cà sa đã được Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn giảng như sau: “Ấy là bộ áo nhà sư đạo Phật, hiệp lại là ba cái: Tăng-già-lê, cái áo tràng; uất-đa-la-tăng, cái giữa; an-đà-hội, cái áo trong, áo lót”. Nghĩa thông dụng của cà sa hiện nay là “áo mặc ngoài của nhà sư (rất dài và rộng)” (Từ điển tiếng Việt 1992).

--------------------------------------

1.      Tầm nguyên từ điển Việt Nam, Tp.HCM, 1993, TR. 497.

Kiến thức ngày nay, số 140, ngày 1-6-1994

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét