Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

"Tiếng Viêt" đây sao? (Kỳ 2)

 Kỳ 2: "TIẾNG VIỆT" ĐÂY SAO?

Như đã viết trong kỳ 1 (https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1167227210377924), ngôn ngữ chính thức của quốc gia Việt Nam là tiếng Việt. Mà đã dùng tiếng Việt, nên nhớ, thì phải viết cho ĐÚNG VỚI CHÍNH TẢ trong tiếng Việt! "Cạn" chớ không "Kạn", "Đắc" chớ không "Đắk", "Lắc" chớ không "Lắk".

Nhưng, địa danh như "Pleiku" thì đây lại là lối viết hợp lý! Ủa, theo đúng phép chính tả của TIẾNG VIỆT thì "c" đi liền với "u" như "(chim) cu (gáy)") chớ "k" không đi liền "u", vậy sao "ku" (trong Pleiku) lại chấp nhận được?

1/ Xin được nhắc lại, những địa danh xuất phát từ ngôn ngữ của tộc người bản địa nếu PHIÊN ÂM sang tiếng Việt thì phải áp dụng chính tả của tiếng Việt! Tỉ dụ, "Phsar DEK" (tiếng Khmer ផ្សារដែក) khi phiên âm qua tiếng Việt "Sa ĐÉC" - ở đây, quí bạn chú ý, ghi là "Đ" chớ không "D", "éc" chớ không "ek" vì như vậy mới đúng chính tả của tiếng Việt (trong tiếng Việt không viết phụ âm cuối "k" đi liền sau "e", không viết "-ek").

Tỉ dụ nữa, "SROK Khleang" (tiếng Khmer ស្រុកឃ្លាំង), phiên âm qua tiếng Việt là "SÓC Trăng", ở đây ghi "óc" là đúng chính tả tiếng Việt (trong tiếng Việt không kết bằng phụ âm cuối "k" đi liền sau "o", không viết "-ok").

2/ Bên cạnh qui chuẩn nói trên, nếu không phiên âm mà ghi theo nguyên ngữ của tộc người bản địa thì phải ghi ĐÚNG nguyên ngữ, chớ không "nửa nạc nửa mỡ".

"Pleiku" là cách ghi hợp lý (đây là lối viết của người Pháp, còn người J'rai họ ghi "Plơiku" - cả "Pleiku" và "Plơiku" đều không phải tiếng Việt), nếu phiên âm sang tiếng Việt - chẳng hạn - ghi "Plây-ku" hay "Plây-cu" thì sai trật vì không đúng với chính tả tiếng Việt (tiếng Việt không ghi "-ku" trong "Plâyku"; cũng không có phụ âm kép "pl" như trong "Plây-cu"; ghi theo chính tả tiếng Việt sẽ phải là "Pờ-lây-cu").

Lối phụ âm kép "pl", "xc", "xt"... là điều mà GS ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo than phiền không theo qui chuẩn tiếng Việt (như trong phiên âm "Mát-xcơ-va", tiếng Việt không có "xc", đúng chính tả sẽ là: hoặc bỏ âm gió /x/ ghi là "Mát-cơ-va" hoặc giữ âm gió /x/ ghi thành "Mát-xơ-cơ-va").

* Tắt một lời, ghi địa danh: a) Nếu phiên âm sang tiếng Việt thì phải theo đúng phép chính tả! b) Nếu không phiên âm, giữ nguyên ngữ thì phải ghi đúng nguyên ngữ, không "nửa nạc nửa mỡ"!

Như ri là "nửa nạc nửa mỡ": một tỉnh ở Tây nguyên theo nguyên ngữ của tộc người M'nông là "DAK LĂK", nhưng khi ghi... "Đắk Lắk" thì bị tréo cẳng ngỗng. 1) Ghi đúng nguyên ngữ là "D" chớ không phải ký tự "Đ"; là "ă" chớ không phải "ắ" (ă có dấu sắc); 2) Nếu phiên âm thì "Đ" là đúng với tiếng Việt, nhưng trong chính tả tiếng Việt không có kết bằng phụ âm cuối "k" trong "ắk", mà sẽ phải là "ắc".

* Còn... "Đa Kao" ở Sài Gòn, đúng hay không đúng? Địa danh này đang bị rất nhiều trang mạng, trong đó có "từ điển mở" (wikipedia) diễn giải không chính xác. Câu chuyện về "Đa Kao" lắt léo, thú vị lắm, xin dành cho một stt khác.

Nhưng, "bật mí" chút đỉnh: thời Pháp thuộc rồi thời Việt Nam cộng hòa ghi CHÍNH THỨC trên bản đồ hoặc là "Dakao" hoặc "Đa Cao" (không ghi "Đa Kao" như trên mặt báo chí hoặc trong tiểu thuyết thơ văn ... nổi hứng lý qua cầu) đó đa!

--------------------------------------------------------

Nhà thờ Mặc Bắc tại Trà Vinh ("Trà Vinh" phiên âm trại ra từ tiếng Khmer "trapeang": ត្រពាំង ).


Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét