ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

Sự tích Cha Gioan Baotixita Quang (J. B Clair)

 SỰ TÍCH CHA GIOANG BAOTIXITA QUANG (J. B. CLAIR)

---------------------

Nguyên khi cha Gioan Baotixita Quang mới qua đời được ít ngày, thì tôi đã ra tay lược biên sự tích người, song mắc công kia việc nọ, muốn lắm mà chưa dịch cùng in ra được, nên phải để trễ ra đển ngày nay.

Cha Gioang Baotixita Quang sanh ra tại Rohaincourt, tĩnh Vosges, trong nước Phangsa, năm 1851. Bề trên sai người qua giảng đạo bên nước An Nam, người sang qua Nam Kỳ là năm 1877.

Khi qua đến nơi, lệ thì cho người đi ở họ như các cha, song ý bề trên lại định khác, giao cho người dạy một lớp học trò trong trường Latinh. Trong tám năm người dạy cách vật cùng sách đoán trong trường, thì người chuyên việc ấy một cách nong nả sốt sắng, lo cho học trò thông hiểu, các trò khi ấy bây giờ đã làm thầy cả rồi còn nhắc cách cha dạy sách hoạch rõ ràng. Vốn trong cách vật cùng sách đoán thì có nhiều lẽ cao xa cùng lý và khô khan lắm, mà khá khen người tài ngỏ khéo liệu cách cắt nghĩa, đã dễ hiểu mà lại thêm vui, làm cho mau hiểu và ham nghe. Về sách đoán cho cha là đại tài, trước lo cho học trò hiểu mấy đều chơn giả đại cái, rồi cứ đó tủa ra mà phân mấy chuyện thường xảy ra. Tuy cha ở Nam Kỳ khi ấy chưa được mấy năm, mà thói phép cổ lệ người An Nam thì cha đã hiểu được nhiều, nên khéo giỏi nhiều việc léo lắc xuôi xả, học trò lấy làm thiết ý lắm.

Nội tám năm ấy mắc làm những việc về phần trí luôn, lại thêm phong thổ đất nầy độc địa, cho nên dầu cha thiệt là mạnh mà cũng không cự nổi, phải đau, ghe phen phải đi Hồng Kông nghỉ, hầu lấy sức, mà cũng chẳng lần nào người được mạnh lại cho thật. Sau hết cực chẳng đã người phải xin thôi ở nhà trường. Song trước khi lãnh coi họ thì người có xuống ở với cha bề trên Quí ít lâu.

Đến sau Đức cha sai người đi ở Thủ Dầu Một, rồi đổi xuống Chợ Đũi, ở một chỗ không bao lâu, trong mình không thấy khi nào mạnh thiệt, song người cũng cứ làm việc như thường, ham lo cho mấy người trễ nải rối rắm, mà nhất là lo an ủi kẻ ngoại trở lại. Người quên mình, một lo cho kẻ khác, không nệ lao công tốn của cho những linh hồn khốn nạn vô phước ấy. Mà nhứt là tại Tha La cha tỏ ra lòng sốt sắng nong nả hơn, năm 1890 Đức cha sai người lên trấn họ ấy, bổn đạo đông mà cũng cũ thiệt, nên cha lo lắng an ủi giúp đỡ hết tình; mà cũng một trực ấy người tất dạ chuyên lo cho mấy họ nhánh, nhứt là lo lập họ Rạch Gốc cha Frison mới khởi công để lại đó. Lận đận lao đao khó nhọc trăm đàng, song người chẳng thối chí, lo qui dân lập họ, một đàng thì lo cho mấy người đạo cũ chốn kia xứ nọ qui về, đàng khác lo an ủi mấy người ngoại xứ ấy trở lại, bao nhiêu tiền bạc cũng chụm hết, lên xuống mệt nhọc, vì người yếu bịnh mà cũng chẳng quản chi, mấy năm đầu chẳng biết là mấy lần lên xuống họ ấy. Hết tiền riêng thì chạy xin anh em giúp, nhiều lần bị gạt, người biết mà cũng giúp vì thương con dân An Nam tất dạ, nhứt là vì một lý lo cho ai nấy được nhờ phần rỗi. Người cũng thử lập một họ khác gần Vàm Tây Ninh theo mé sông Vàm Cỏ; đã liệu đất đai, mua trâu, cất nhà, qui chầu nhưng đâu cũng gần 300, chẳng may phải thất một cái kiện, họ mới nầy phải tan đi.

Mà người cũng không ngã lòng, cứ lo cho mấy họ còn lại. Về việc hài đồng cha cũng hết lòng sốt sắng lo, lần kia người dạo chơi bên Nhựt Bổn cũng là tại bịnh hoạn nên phải đi đổi khí, nghe tin bà câu già nọ ở Tha La mới chết, người bên khóc ròng, vì vốn bà câu ấy sốt sắng hay lo rửa tội cho con nít kẻ ngoại, nên cha thương tiếc hết sức. Dẫu người biết tính con nhà An Nam nhiều, tuy có nhiều đều tốt, mà cũng không thiếu chi nết xấu, song bỡi thương nên khoả lấp hết, bỡi nhơn đức tin cùng lòng mến thương linh hồn người ta, nên người hằng giữ lòng nhịn nhục vui vẻ dịu dàng cùng mọi người, khéo nghề lấy lòng thiên hạ hầu đam phô kẻ ấy trở lại cùng Đ C T.

Qua năm 1891 Đức cha Đễ đổi người xuống họ Giồng Rùm, thật là cực lòng lắm, vì phải bỏ các việc người dấu yêu, song cha cũng vui lòng vưng cứ. Vừa đến nơi, thì lo việc giảng đạo, nội trong sở chỗ nọ chốn kia đã có dấu rục rịch trở lại, kế cha mang bịnh phải về tây tháng Avril năm 1898 mà rả việc.

Cha phải nghỉ ở bên tây ba năm, bỡi đã ở với An Nam đã lâu, mà phải cách lìa cho đến ba năm thì lòng người đau đớn lắm, người nhớ thương chí thiết, lần kia gởi thơ cho một người anh em bạn ở Sài Gòn người khen rằng: “Trong bầu trời nhắm lại cho con nhà An Nam là thứ nhứt”. .

Khi trở về Nam Kỳ, Đức cha dạy người ở họ Thủ Đức, cha liền tra tay khởi lại việc người tríu mến bấy lâu, tính lo lập một họ ngang Mĩ Hội, khi ấy là việc mới toan, mà nay đã được một họ gần thành khoảnh. Kế có lịnh Đức cha đổi người về xem sóc nhà các cha bổn quốc hưu trí tại Chí Hòa. Đây là chỗ người nhậm trấn sau hết. Khi về đó người được rảnh rang nhiều hơn, thì trước cho toan dọn tờ nhựt báo nói việc địa phận, tính mỗi tuần in ra một lần; song mắc nhiều đều cản trở, nay mới thành việc được hơn một năm nay kêu là tờ “Nam Kỳ Địa Phận” rất hữu ích cho con dân. Sau hết năm ngoái đây Đức cha ban cho người lên chức giám trường địa phận. Lãnh việc ấy rồi, xem ra cha được mạnh lại như hồi tuổi trẻ, cách chưa đặng mấy tháng mà cha đi viếng gần hết các trường lớn nhỏ trong địa phận; xe ngựa, xe lửa, ghe, tàu, xe hơi, xe bò gì cha đi đủ thứ, có khi đi xe máy, đi bộ nữa. Người quên mình đã lớn tuổi cùng bịnh hoạn. Chuyến sau hết đó cha đi thăm sở Phan Thiết, rồi về bộ ngả La Gi, Cù Mi, về thẳng Bà Rịa, người mệt đuối. Về tới Chí Hòa thì thọ bịnh nặng. Đức cha dạy người đi điều bịnh tại nhà thương Angier; thấy không khá, nên cha xin trở qua ở nhà thương nhà trường Latinh; xem ra bịnh chưa thúc ngặt bao nhiêu, song người xin chịu phép xức dầu, các cha khác cản, song người rằng: “Mình là thầy cả phải lo vậy để làm gương cho bổn đạo”. Khi ấy là đầu tháng Janvier. Rồi đó cha còn sống thêm đặng vài tháng nữa. Hằng tỉnh táo nằm đó mà chờ giờ chết, thấy một ngày một gần. Vậy hễ sống sao thác vậy, cứ một bề bằng lòng nhịn nhục, phú dưng mọi sự trong tay Chúa. Chiều bữa thứ hai, 11 Mars, các cha nhà trường đến viếng người, một phen sau hết. Cha Humbert đọc kinh đưa chẩm rãi; kẻ liệt còn biết hết cùng thẩm thĩ nguyện theo, xong việc người lấy tay khoát bảo đem cái đèn ra. Khi ấy người yếu lắm, nên cha kia vô ý đụng cái giường người nằm một chút, mà cha chịu không thấu, cách vài phút sau người trút linh hồn. Được 59 tuổi, ở đất Nam Kỳ 33 năm. Qua bữa sau chôn: bổn đạo họ Chí Hòa và các cha xung quanh Sài Gòn tựu đủ mặt tại lăng cha cả, ai ai đều thương tiếc. Khi ấy Đức cha mắc đi khỏi, nên cha bề trên Delignon thay mặt đọc mấy kinh tiền tống đưa xác Người xuống huyệt. Bằng về phần tôi, thì tôi tin chắc ắt là linh hồn Người sẽ được kíp nghe lời dịu dàng Chúa kêu mời Người rằng: “ Ớ tôi tớ tốt lành cùng trung trực, hãy vào mà hưởng sự vui vẻ quan thầy người. Euge, serve bone et fidelis, intra in gaudium Domini tui.”

-----------------------

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1910

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét