ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

Họ Gò Vắp

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ,

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

HỌ GÒ VẮP

------------------

Họ nầy có lối năm 1879 sau Chúa ra đời. Số là thuở ấy có vợ chồng có đạo tên là Điều, gốc ở đâu không biết, vào ở họ Gò Vắp trước hết mà sinh sản tử tôn gầy dựng ở đây, rồi sau lại có vợ chồng ông Nhàn về ký ngụ tại họ nầy mà hạ sanh chúng tử năm bảy đứa, mà vĩnh vi xứ nầy; nội hết thảy chừng bốn năm chục người có đạo. Xứ nầy là dân ngoại đạo không, có ít người có đạo Thiên Chúa mới kể trước, xúm nhau làm nhà lá nhỏ nhỏ định đặt làm nhà thờ đặng tựu nhau mà đọc kinh xem lễ. Khi ấy có đấng linh mục tên là già Bác đứng chăn giữ đoàn chiên. Đổi dời qua đời cha Thọ coi họ nầy, có thầy Dư là thầy tư, Đức cha đã sai mà giúp giảng đạo tại đây, thì nghe nói rửa tội chầu nhưng được 25 người, ở đây làm ăn giữ đạo, hết thảy chừng 150 nhơn số người có đạo.

Bây giờ hiện tại đây, thì dòng dõi ông Điều đã tan hết không còn một ai; còn đây tử tôn con cháu ông Nhàn bà Nhàn mà thôi, gốc là bỡi Chợ Quán mà ra. Cũng có 3 nhà khác dòng hai ông bà, có mặt lúc nầy thì hết thảy chừng 120 mà thôi. Có chút đỉnh ruộng đất thuê lợi chừng 12$00 mỗi năm.

Đời cha Tôma Dưỡng coi họ An Nhơn và họ nầy, thì tụi con cháu của ông Nhàn bà Nhàn đã dưng nhà ngói của hai ông bà ấy mà làm nhà thờ.

Lối năm 1891, cha Hay (P.Ernest Hay) khi ấy đang dạy tại Nhà trường Latinh Saigon, đã lập nhà mồ côi tại Gò Vắp, thì cha cũng giúp cha Dưỡng mà coi họ nầy, cho tới chừng cha Lương (P. Lamber) đổi lại Gia Định. Vậy sau cha Hay thì cha Lương ở Gia Định cùng coi họ Gò Vắp. Chừng cha Lương đổi đi thì cha Nguơn (P. Desseaume) về Gia Định, và trong lúc ở đó cũng lo coi họ Gò Vắp. Sau thì cha Dư ở An Nhơn lãnh coi họ nầy một ít lâu.

Tới năm 1909 cha Sâm đổi lại Gò Vắp và ở tại đó cho tới năm 1912. Chừng cha Nguơn đổi lên An Nhơn, và phải coi luôn họ Gò Vắp là sau khi cha Sâm đổi đi rồi.

Bổn đạo đây thì có phần nhiều hơn trong người nữ vào họ áo Đ C Bà về núi Carmelô; ngày Chúa nhựt lễ cả họ xem lễ cũng khá, có bên nam thì bê trễ, vì mắc đi làm mướn chỗ kia chỗ nọ. Mỗi ngày thứ hai trong tuần thì cầu lễ cho các đẳng trong lửa luyện tội. Còn ngày thứ bảy thì làm việc bảy sự thương khó Đ C Bà mà không được đông, vì người ta mắc làm ăn buôn bán theo chợ một bên.

Đồng nhi nữ cũng biết hát kinh ngày lễ, và giúp hát tiếng latinh, hoặc làm phép lành Mình Chúa, hoặc hát Requiem, lễ mồ cũng được chút đỉnh. Sự rước lễ thứ sáu đầu tháng cũng khá, thầy linh mục ở đây cũng lo thôi thúc việc linh hồn nầy. Còn về đều xin lễ cho các đẳng tháng mười cũng vừa phải theo sức họ nghèo. Còn đầu năm thì người ta xin hai thứ lễ, là lễ bình yên và lễ cho ông bà cha mẹ.

Sau hết rút lại một đều trong họ nhỏ mọn đây rất đáng vui mừng hỉ hoan hoan hỉ, và danh vọng khoe khoan phước lộc cho họ Gò Vắp trổi xa hơn thường. Là tích xưa đáo đầu, tân niên giáp Tuất, năm 1910, bỡi công trọng các đấng Giám mục địa phận nầy lo lắng đêm ngày mà chứng sự tử đạo ở lục tỉnh nầy, nên Tòa Thánh đã nhận lãnh mà rao truyền và cho thiên hạ tin kính mấy đáng tử đạo trong Nam Kỳ, đặng lên bực á thành có lộc tại chốn thiên đình, mà trong mấy á thánh nầy, thì có cha Vêrô Lựu, thầy cả tử đạo cũng đặng phước lên bực á thánh có lộc.

Cha Vêrô Lựu vốn thiệt sanh ra tại Gò Vắp, làng Hạnh Thông xã, hạt Gia Định. Bỡi đó cho nên họ Gò Vắp tuy là nhỏ mọn trong những thành lớn lục tĩnh, mà thật thì chẳng phải là nhỏ mọn đâu, vì bỡi Gò Vắp mà ra một đấng thầy cả thánh, Đức Chúa Trời rất cao trọng trên hết mọi loài; mà đều phước hơn nữa là Vêrô Lựu, thầy cả thánh nầy lại đặng chức tử vì đạo, mà Hội thánh chẳng sai lầm bao giờ, đã rao truyền đấng thầy cả tử đạo nầy là á thánh có Lộc, hiển vinh, thanh nhàn vui vẻ vô cùng trên chốn trời xanh.

Ớ Gò Vắp, mầy chẳng phải là nhỏ mọn hơn các thành lũy lớn trong lục tĩnh Nam Kỳ đâu, vì bỡi mầy đã sanh ra con trẻ, mà đã làm thầy chánh tế tử đạo, đặng Tòa Thánh cầm quờn Đ C G phép tắc vô cùng, mà tôn trọng cao rao nhắc để trên bàn thờ, cho khắp bầu trời thế giái tôn kính chúc tụng ngợi khen đời đời.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét