ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Xin cho biết “mặc cảm Ê-đíp” là gì?. Có phải Ê-đíp là nhân vật huyền thoại đã giết cha để lấy mẹ hay không?

 ĐỘC GIẢ: Xin cho biết “mặc cảm Ê-đíp” là gì?. Có phải Ê-đíp là nhân vật huyền thoại đã giết cha để lấy mẹ hay không?

AN CHI: Œdipe (Ê-đíp) là một nhân vật huyền thoại Hy Lạp, đã giết cha là Laios, vua thành Thèbes (Xin phân biệt với Thèbes ở Ai Cập) – mà không biết đó là cha mình – rồi lấy mẹ là Jocaste – mà không biết đó là mẹ mình – và đã có với mẹ hai con trai là Etéocle và Polynice, hai con gái là Antigone và Ismène. Khi biết ra sự việc, Jocaste đã treo cổ tự tử còn Œdipe thì móc mắt đẻ tự trừng phạt về tội giết cha và tội loạn luân với mẹ. Do tích này mà tiếng Pháp có danh từ œdipisme có nghĩa là sự tự móc mắt. Mượn tên và tích của Œdipe từ huyền thoại trên, ông tổ của phân tâm học là Sigmund Freud đã tạo ra thuật ngữ mặc cảm Œdipe (tiếng Pháp: complexe d’Œdipe) mà ông đã giải thích như sau: “Trong khi mà nó hãy còn hoàn toàn trẻ thơ, đứa con trai bắt đầu cảm thấy một sự trìu mến đặc biệt đối với người mẹ: nó xem mẹ như là vật sở hữu riêng của nó, thấy nơi người cha một đối thủ tranh giành với nó quyền làm chủ vật sở hữu đó; giống như đứa con gái thấy nơi người mẹ một kẻ quấy rối những quan hệ quyến luyến của nó với người cha và chiếm mọt vị trí mà nó, đứa con gái, muốn có được quyền độc chiếm (…) Thái độ đó (…) chúng tôi đặt cho cái tên là mặc cảm Œdipe”(1). Khi phân tích về chứng sợ (phobie) của một đưa bé trai 5 tuổi mà mọi biểu hiện đã được cha nó tường thuật một cách chu đáo cho ông. Freud cũng đã viết như sau: “Khi người ta làm dịu đi sự sợ hãi mà thằng bé cảm thấy trước người cha (…) nó đã bày tỏ cho biết nó thấy nơi người cha một đối thủ tranh giành với nó những sự ưu đãi của người mẹ mà những sự thôi thúc tính dục đầu tiên của nó được hướng tới một cách mơ hồ. Thế là nó đang lâm vào tình cảnh điển hình của đứa bé trai, tình cảnh mà chúng tôi gọi tên là mặc cảm Œdipe (…)(2).

Tóm lại, mặc cảm Œdipe là hiện tượng mà Petit Larousse illustré 1992 đã định nghĩa như sau: “Toàn bộ những tình cảm yêu thương và thù nghịch mà mỗi đứa bé cảm thấy đối với cặp cha mẹ (sự quyến luyến tính dục với người sinh thành khác giới tính và sự ganh ghét với người sinh thành cũng giới tính bị xem như là một địch thủ).

 


1. Introduction à la psychanalyse, trad, fr., Payot, Paris, 1966, pp.190 – 191

2. Totem et tabou trad, fr., Payot, Paris, 1965, p.149.

Kiến thức ngày nay, số 114, ngày 15-7-1993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét