ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

Do tích gì mà người Anh lại gọi chú rể (bridegroom) là người giữ ngựa (groom) của cô dâu (bride)?. Có chuyện gì na ná chuyện anh hoàng tế (rể của vua) được gọi là phò mã chăng?

 ĐỘC GIẢ: Do tích gì mà người Anh lại gọi chú rể (bridegroom) là người giữ ngựa (groom) của cô dâu (bride)?. Có chuyện gì na ná chuyện anh hoàng tế (rể của vua) được gọi là phò mã chăng?

AN CHI: Ở đây không có chuyện gì na ná chuyện đó vì bridegroom xét theo từ nguyên vốn không phải là chú giữ ngựa của cô dâu. Hình thái cổ đại của nó là brydguma. Bryd là cô dâu còn guma là người đàn ông, người anh hùng. Vậy brydguma là bậc tu mi của nàng dâu, là đấng anh hùng của nàng. Hình thái cổ đại này đã diễn tiến một cách tự nhiên sang hình thái trung đại tảo kỳ là brudgume, rồi mạt kỳ là bridegrome. Đến đây thì bắt đầu xảy ra sự cố: gome dần dần không còn được người Anh sử dụng như một hình vị độc lập nữa. Cuối cùng, ngoại trừ ở bridegrome, nó đã không còn được phân bố trong cấu trúc từ pháp hoặc cú pháp nào khác. Vì không còn biết đến nó nữa nên ngay cả trong bridegrome người Anh cũng không cảm nhận được rằng nó là một thành tố có nghĩa. Trong ý thức của họ, đó chỉ là bridegrome bị nói sai đi vì grome (= người giữ ngựa) mới có nghĩa còn gome thì không. Và họ đã “phục hồi” dạng bridegrome theo kiểu từ nguyên dân gian (folk etymology) đó mà không thể ngờ rằng đây chỉ là một hình thái tiếm lập (intrusive). Do grome trở thành groom – y như lome (khung cửi) thành loom, blome (hoa) thành bloom, brome (cây chổi) thành broom, vv.. nên bridegrome đã trở thành bridegroom như đang biết hiện nay.
Vậy cứ theo hình thái hiện đại mà phân tích thì bridegroom quả là anh chàng giữ ngựa của cô dâu nhưng xét theo từ nguyên thì đó chỉ có thể là người anh hùng của nàng mà thôi.
Kiến thức ngày nay, số 113, 7-1993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét