ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Nước “cam lồ” là nước gì?

 ĐỘC GIẢ: Nước “cam lồ” là nước gì?

AN CHI: Cam lồ là âm xưa của cam lộ (so sánh lõa lồ ~ lõa lộ, lăng loan ~ lăng loạn, mồ (mả) ~ mộ, vv.). Theo nghĩa đen thì camngọt còn lộsương. Người ta thường cứ theo nghĩa đen mà giảng rằng cam lộ là một thứ “sương ngọt làm mát dịu lòng người”. Nhưng lộ không chỉ có nghĩa là sương mà còn có nghĩa là thứ rượu thơm ngon (Từ hải: tửu vị phương hương giả chi xưng) như trong mai quế lộ, tường chi lộ, vv.. Vậy cam lộ ở đây là một thứ rượu ngon ngọt. Hai tiếng cam lộ đã được người Trung Hoa dùng để dịch tiếng Sanskrit amrta mà nghĩa gốc là bất tử (a = phi, bất + mrta = chết). Amrta là hình thức tỉnh lược của amrta-rasa có nghĩa là trường sinh tửu, bất tử lộ (amrta = bất tử + rasa = thức uống). Trong huyền thoại Ấn Độ, amrta là một thứ rượu có quyền năng kỳ bí được tạo ra khi các vị thần hoặc các con quỉ đánh cho biển sữa dậy lên. Tiếng Anh và tiếng Pháp phiên âm thành amrita. Vậy cam lộ, dịch từ tiếng Sanskrit amrta, có nghĩa là rượu trường sinh. Người Trung Hoa cũng còn phiên âm từ Sanskrit này thành a mật lý đa. Đoàn Trung Còn đã viết về cam lộ như sau: “Cũng dịch là Bất-tử-tửu (Thuốc rượu uống chẳng chết), Trường-sanh-tửu (Thuốc rượu uống vào sống mãi), Thiên tửu (Thuốc rượu của chư Thiên). Ấy là thứ thuốc nước ngon ngọt, thơm tho, linh diệu, để làm đồ uống của chư Thiên, chư Thần: cam-lộ là chất thuốc Tiên, thuốc Phật, ngon ngọt và linh diệu hơn các thuốc phàm, hễ rưới lên mình ai thì người ấy dứt hết bệnh tật, dầu sắp chết cũng được sống lại.”(1) Amrta thường được so sánh với chất ambrosia (tiếng Pháp: ambroisie) là thức ăn của các vị thần trong huyền thoại Hy Lạp. Ai ăn được nó thì sẽ được trẻ, đẹp vĩnh viễn; các nữ thần còn dùng nó làm mỹ phẩm. Thần Zeus cũng dung nó để xức những lọn tóc quăn của mình nữa. Chú ý: ambrosia là một danh từ phái sinh từ ambrotos có cấu tạo giống hệt như amrta, nghĩa là = a (phi, bất) + mbrotos (nay là brotos = chết).

 


1.     Phật học từ điển, quyển nhất, 1992, tr.312 – 313.

Kiến thức ngày nay, số 113, 7-1993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét