ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Tại đám cưới người ta hay trang trí hai con vật Long và Phụng và bảo là tượng trưng cho sự hòa hợp vợ chồng (?). Tại sao thế được, khi mà hai con vật hoàn toàn khác giống với nhau. Ở đâu đó, có người nói: con trống là Loan, con mái là Phụng. Vậy Loan – Phụng đúng hay Long – Phụng đúng?


ĐỘC GIẢ: Tại đám cưới người ta hay trang trí hai con vật Long và Phụng và bảo là tượng trưng cho sự hòa hợp vợ chồng (?). Tại sao thế được, khi mà hai con vật hoàn toàn khác giống với nhau. Ở đâu đó, có người nói: con trống là Loan, con mái là Phụng. Vậy Loan – Phụng đúng hay Long – Phụng đúng?

AN CHI: Phụng hoàng là một giống chim huyền thoại mà theo mô tả thì thuộc loại gà (gallinacé), được Đổng Tác Tân đồng nhất với con công. Phụng là con trống, hoàng là con mái. Còn loan chỉ là một giống chim được mô tả là giống như phụng hoàng mà thôi. Vậy loan không là con trống và phụng không là con mái (vì nó là trống) trong cặp loan – phụng.
Trong Hán ngữ, hai tiếng loan phụng được dùng để chỉ các nghĩa mà Từ hải đã cho như sau:
1. để chỉ những người trung nghĩa (dĩ dụ thiện loại),
2. để chỉ người tài giỏi xuất sắc (dĩ dụ anh tuấn chi nhân)
3. để chỉ vợ chồng (dĩ dụ kháng lệ)
Do nghĩa 3 mà có các thành ngữ như:
- loan phụng hòa minh (loan phụng cùng hót) để chỉ vợ chồng hòa hợp,
- loan tiên phụng giản (tờ loan thẻ phụng) để chỉ giấy tờ hôn sự của cô dâu chú rể.
Tuy nhiên, nghĩa 3 chỉ là nghĩa ẩn dụ mà thôi vì loan không phải là con mái của con phụng. Vì con loan không phải là con phụng mái nên trong đám cưới người ta không thể trang trí con loan con phụng cho thành cặp thành đôi được.
Ngược lại, trong đám cưới người ta trang trí con long (rồng) và con phụng vì đây là hai con vật trong hàng tứ linh tượng trưng cho sự cao sang và điềm cát tường. Tên và hình của chúng thường đi chung với nhau. Vì thế mà có các thành ngữ như:
- long bàn phụng dật (rồng nằm phụng núp) để chỉ người có tài mà chưa gặp thời,
- long dược phụng minh (rồng nhảy phụng hót) để chỉ tài ba phát tiết ra ngoài,
- long chương phụng tư (vẻ rồng dáng phụng) để chỉ sự cao nhã, hào phóng,
- long phụng trình tường (rồng phụng mang điều lành đến) để chỉ vận số cực hảo, hoặc,
- long đầu phụng vĩ (đầu rồng đuôi phụng) để chỉ sự tốt đẹp tự thủy chí chung.
Vậy hình con long con phụng trang trí trong đám cưới là tượng trưng cho sự cao sang vốn là ước muốn chính đáng của mọi người, nhất là tượng trưng cho ý long đầu phụng vĩ vốn là một lời chúc bằng hoa lá tươi đẹp (dùng để kết thành hình long phụng) cho đôi tân lang và tân giai nhân được mãi mãi hạnh phúc từ phút tân hôn cho đến đầu bạc răng long.

Kiến thức ngày nay, số 102, ngày 15-2-1993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét