Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

Đồng bào tôi, miền Nam Việt Nam: Nỗi đau bị vùi lấp

 ĐỒNG BÀO TÔI, MIỀN NAM VIỆT NAM: NỖI ĐAU BỊ VÙI LẤP

(Stt này không nói đến những người cầm súng ở cả hai miền Nam, Bắc đã ngã xuống trong lúc đánh nhau. Mà nhấn mạnh đến số phận NGƯỜI DÂN VÔ TỘI)
*&*
Nạn nhân chiến tranh ngoài Bắc, suốt mấy chục năm qua, báo đài trong nước CHXHCN VN không ngừng nói tới. Nhưng, tại sao không nói lời thương tiếc đối với người dân vô tội ở miền Nam Việt Nam chết tức tưởi trong cuộc chiến?

Theo số liệu do VNDCCH đưa ra: vào năm 1972, trong 12 ngày đêm Mỹ thả bom, có khoảng 1.400 người chết. Trong khi đó, tại Huế trong tết Mậu thân 1968, có nhiều số liệu cho rằng có từ 4.000 cho tới 7.000 người dân gục ngã. Tôi lấy số liệu ít nhứt, cỡ 4.000 người.
Lẽ nào 1.400 người chết tại Hà Nội được tưởng niệm, được gọi là nạn nhân chiến tranh, còn 4.000 người dân chết tại Huế thì không được gọi là "nạn nhân chiến tranh", không có lấy lời thương tiếc và kỷ niệm sau ngày hai miền Nam Bắc hợp làm một?

Người dân cày sâu cuốc bẫm, người dân buôn thúng bán bưng, họ không có một tấc sắt trong tay, không võ khí, hết thảy đều là đồng bào. Sao không biết thương xót?

*&*
Đó là chưa kể có một sự tréo ngoe. Cách đây mấy năm, có một bộ phim ở trong nước giải thích rằng hàng ngàn người chết tại Huế vào tết Mậu Thân, là chết dưới bàn tay dàn dựng từ phía Việt Nam Cộng Hòa . Ồ, cứ dựa theo lập luận "dàn dựng" này, lại càng cần phải tưởng niệm 4000 người dân chết tức tưởi tại Huế mới phải!
Tréo ngoe ở chỗ: chỉ thương tiếc 1400 người chết ngoài Bắc dưới mưa bom năm 1972, nhưng không thương tiếc 4000 người dân Huế chết trong tết Mậu Thân 1968.

*&*
Ở miền Bắc sống trong tình trạng chiến tranh (bị thả bom) theo từng đợt mà thôi (cả thảy gần mười đợt "chiến dịch" thả bom).
Trong khi đó, người dân ở miền Nam hứng chịu chiến tranh ra sao? Trong suốt ròng rã 21 năm, không dưới 7.000 ngày, mà ngày nào cũng nơm nớp bị mìn nổ trên quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ; hoặc bị trúng lựu đạn trên đường phố, trong rạp hát, trong quán xá; hoặc bom rơi đạn lạc, pháo kích rầm trời (trong những trận chiến lớn từng khu vực).
Kinh khủng lắm, đã có ai thống kê số liệu người dân miền Nam bị thương vong, bị chết để thấy cho bằng hết nỗi đau của đồng bào miền Nam Việt Nam?

Bao nhiêu - hàng chục ngàn, trăm ngàn, hay cả triệu oan hồn vất vưởng?

*&*
Cứ đành gọi là do đạn pháo vô tình thôi.
Đồng bào miền Nam của tôi - những người không cầm súng, họ chỉ là nông dân cày sâu cuốc bẫm, họ chỉ là những người buôn thúng bán bưng, họ buộc phải gánh tội về chính cái chết của họ hay sao?

Khói lửa chiến tranh đã nguội, đến nay, là 45 năm rồi.
Điều làm cho tôi, và cho rất nhiều người nữa, quan tâm vào lúc này và sắp tới là: Bao giờ mới thôi đi sự vô tình vô tâm trước nỗi đau của đồng bào nơi này nơi kia?

"Người trong một nước phải thương nhau cùng".
Một khi đầu óc hỏng bét, một khi trái tim khô cạn tình người thì đất nước Việt Nam này sẽ đi về đâu?

*&*
Thật khó để vỗ tay reo hò trên xác chết của biết bao người dân vô tội, họ đã tức tưởi gục ngã trong chiến tranh, và trở thành vong hồn vất vưởng suốt 45 năm trên quê Mẹ đau thương.

Vì lẽ đó, xin hãy cúi đầu trước những nỗi đau còn bị vùi lấp của đồng bào miền Nam. Cùng nhau, chúng ta đặt niềm tin vào lòng trắc ẩn và sự công bằng trước lịch sử.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt





 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét