ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

Có người nói tên thật của vua cuối cùng đời Thương ở Trung Quốc không phải là Trụ. Vậy Trụ là gì và tên thật của Trụ là gì?

 ĐỘC GIẢ: Có người nói tên thật của vua cuối cùng đời Thương ở Trung Quốc không phải là Trụ. Vậy Trụ là gì và tên thật của Trụ là gì?

AN CHI: Trụ là tên do người đời đặt để gọi ông vua cuối cùng của đời nhà Thương (cũng gọi là nhà Ân). Về tiếng Trụ, Từ nguyên đã giảng như sau: “Theo phép đặt tên thụy, phàm kẻ tàn nhẫn phụ nghĩa thì gọi là trụ. Vua nhà Ân là Tân, nướng đốt người trung nghĩa tài giỏi, mổ bụng phụ nữ có thai cho nên thiên hạ gọi là Trụ” (Thụy pháp tàn nhẫn tổn nghĩa viết trụ. Ân đế Tân phần chá trung lương, khô khích dựng phụ, cố vi thiên hạ vị chi Trụ). Tên thật của Trụ là Tân. Sử ký, Ân bản kỷ chép: “Vua Ất băng, con là Tân lên ngôi, thiện hạ gọi Trụ”. Tân là tên đặt theo thập can. Đây là thể chế đời Ân quy định việc lấy ngày đặt tên. Nguyên thập can (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý) là hệ thống tên ngày của đời Ân (đó là tên của mười ngày trong tuần vì một tuần ngày xưa có mười ngày, còn thập nhị chi là tên của mười hai giờ trong một ngày-đêm). Nhìn vào phả hệ nhà Ân thì sẽ thấy đúng như thế. Con của Tân là Canh, cha của Tân là Ất, cha của Ất (ông nội của Tân) là Đinh, vv..Đó đều là tên lấy trong thập can.

Sau đây là lời giải đáp về cách đặt tên trên: “Tại sao kẻ sáng lập ra thời đại có sử trước hết lại phải lấy tên ngày đặt tên? Sự thăm dò khí hậu nhất định rất quan trọng đối với sinh hoạt của người chăn nuôi (ở thời nhà Ân – AC), nhất là những ngày mưa gió đối với bầy súc vật; trong bốc từ còn giữ lại những lời bói toán về tai nạn gió mưa, để đoán lành dữ, họa phúc. Đồng thời, khí hậu tự nhiên có tính chất thời tiết cũng rất quan trọng đối với việc trồng trọt sản xuất, đối với việc vua chinh chiến, đối với việc bản tộc sinh sôi nảy nở ra nhiều. Cho nên việc tiền nhân nhà Ân lấy ngày đặt tên phản ánh sự nắm vững hoàn cảnh tự nhiên biến hóa, đặc biệt là nắm vững quan niệm thời gian”. (X.Hầu Ngoại lư, Triệu Kỳ Bân, Đỗ Quốc Tường, Bàn về tư tưởng cổ đại Trung Quốc, Chu Thiên và Lê Vũ Lang dịch, Hà Nọi, 1959, tr.103.)

Kiến thức ngày nay, số 123, ngày 15-11-1993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét