ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

Tiếng (nói) Việt lang thang gần ngàn năm độc lập!

 Bà mẹ ngôn ngữ VN có hai người con: một người ở trong ngôi nhà Hán tự, mang tên "âm Việt-Hán" (đọc chữ Hán theo âm Việt chớ không phải đọc theo âm Tàu), còn một người mang tên "âm Việt" thì...

TIẾNG (NÓI) VIỆT LANG THANG GẦN NGÀN NĂM ĐỘC LẬP!

"Tiếng nói" (phát âm) cùng với văn tự (chữ viết) hợp thành ngôn ngữ. "Tiếng nói Việt" được các bậc tiền nhân như Nguyễn Trường Tộ gọi rất hay là QUỐC ÂM. Nhưng, quốc âm ấy đã phải lang thang bên ngoài văn tự chính thức (Hán tự), lang thang suốt gần ngàn năm dưới các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn (tính từ năm 938 khởi lập nhà Ngô cho tới năm 1919 chấm dứt cái học chữ Hán)!

Để kể vài tỉ dụ cho nghe. Người Việt nói với nhau bằng quốc âm trong đời sống hàng ngày: "vợ chồng" nhưng khi giở Hán tự thì chỉ có và đọc là "phu thê" (theo âm Việt-Hán). Chúng ta nói "trăm năm", nhưng chớ hề tìm thấy chữ nào trong Hán tự mà khi phát âm bật thành tiếng "trăm năm", chỉ có và phải đọc là "bách niên" (âm Việt-Hán).

Cũng vậy, trong đời sống thường nhựt, ta gọi "hôm nay" nhưng khi nhìn vô văn tự thông dụng của triều đình nước Việt (là Hán tự), có tìm đỏ con mắt cũng không ra con chữ nào đọc thành "hôm nay", mà chỉ là 今天 "kim nhật" đọc theo âm Việt-Hán mà thôi.

Gọi "Mẹ ơi", tiếng kêu "Mẹ" đáng yêu hết sức, vậy mà... nhìn vô hệ thống Hán tự đố tìm đâu ra cái chữ nào bật ra tiếng gọi "Mẹ", chỉ có đọc theo âm Việt-Hán là "Mẫu" thôi. Rồi, muốn kêu "ăn cơm", nhưng nhìn vô chữ Hán chỉ thấy đọc theo âm Việt-Hán là "thực phạn" thôi.

Vua quan Việt Nam trong triều, xướng chiếu chỉ, nói chung là văn bản hành chánh đủ thứ, toàn nói âm Việt-Hán nghe rổn rảng. Tới lúc bãi triều, đói bụng, chạy về nhà, bực đại quan gặp mẹ già nói ngay: "Mẹ ơi, con đói bụng, cho con ăn cơm", chẳng ai đi nói "mẫu", đi nói "thực phạn" hết!
Bực đại quan, thầy đồ nếu quen miệng nói "thực phạn", thì sau đó họ phải dịch ra... quốc âm Việt là "ăn cơm" cho đồng bào người Việt hiểu. Thiệt oái ăm!

*&*
Danh nhân Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) trong bản điều trần về QUỐC ÂM gửi cho vua, ông thẳng thắn: "Nếu một người nói ra một câu, sau đó lại phải dịch ra, tức là một người nước khác mất rồi! Một nước Nam ta mà có hai thứ âm thoại, chẳng hóa ra một nước mà ngăn ra hai thứ người hay sao?
Những người thông minh ở nước ta, đua nhau học chữ Tàu (Hán tự), hao công đèn sách, cặm cụi suốt năm. Nhưng đem tiếng ấy (đọc theo âm Việt-Hán) nói với người Tàu, họ không thể hiểu, mà nói với dân mình thì dân cũng chẳng hiểu".

Oái ăm càng thêm oái ăm!
Dẫn tiếp lời của Nguyễn Trường Tộ: "Hai chữ
sao không đọc là ‘’ăn cơm", mà cứ phải giữ cách đọc "thực phạn", không lẽ ‘’thực phạn’’ thì quý hơn ‘’ăn cơm’’? Nếu ta mượn chữ Hán mà đọc ra tiếng ta (quốc âm Việt) thì khi một người đọc ra, mọi người đều có thể hiểu được".

Ông muốn nói đến nhu cầu khẩn thiết đưa tiếng nói Việt (quốc âm) vô trong văn tự, đừng để tiếng nói Việt phải vất vưởng bên lề! Bởi vì TIẾNG NÓI (quốc âm) là cái hồn thổi vào bên trong cái vỏ chữ viết để làm cho ngôn ngữ trở nên sống động.

*&*
Hán tự áp dụng trên nước Việt qua các triều đại của ... chính người Việt nhưng không tài nào chứa được cho bằng hết quốc âm (tiếng nói Việt), nên lắm lúc giống như cái xác không hồn!

Thành thử bằng mọi giá phải có được một hệ thống chữ viết chứa được tiếng nói Việt (quốc âm)! Do đó, có chữ Nôm - mượn từ chữ Hán để cấu trúc lại (người Tàu nhìn vô mặt chữ Nôm khỏi hiểu luôn), mặc dù khá rắc rối và phức tạp, nhưng nên nhìn thấy đây là một nỗ lực để tiếng (nói) Việt không bị ruồng rẫy ngay trên quê hương.

Nếu trong chữ Hán chỉ có "Mẫu" , thì trong chữ Nôm khi viết chúng ta đọc là "Mẹ", đúng vậy, tiếng gọi "Mẹ" của người Việt chúng ta đã được ghi lại hẳn hoi bằng văn tự.
Thay vì "thực phạn"
(chữ Hán), chúng ta viết bằng chữ Nôm 𩛖 𩚵 đọc là "ăn cơm", nghe rõ rành bằng quốc âm Việt!

Khi bạn nhìn thấy dòng chữ này trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: 𤾓 𢆥 𥪝 𡎝 𠊛 , người không học thì nhìn vô mặt chữ bù trất NHƯNG hãy nghe đọc lên câu thơ này: "Trăm năm trong cõi người ta", là hiểu ngay cái rụp! Bởi vì đó là chữ Nôm chứa âm Việt (chớ không phải âm "Việt-Hán"), chứa tiếng (nói) Việt của chúng ta.

Các bậc ưu thời mẫn thế đều canh cánh bên lòng trách nhiệm tôn vinh chữ Nôm gắn liền với quốc âm Việt. Tỉ dụ như Nguyễn Trãi viết "Quốc âm thi tập" toàn những bài thơ viết bằng chữ Nôm, tức là đọc lên nghe ra tiếng (nói) Việt - không phải âm "Việt-Hán" - để một người đọc lên thì mọi người đều hiểu.

*&*
NHƯNG, chữ Nôm chỉ được viết trong các sắc lệnh, chiếu chỉ này kia của triều đình ngót nghét 10 năm - hệt như cái chớp mắt thoáng qua giữa chiều dài những 1,000 năm của thời kỳ độc lập tự chủ (kể từ thời Ngô Quyền 938)!
Quá ngắn ngủi, hệt như một cái chớp mắt, giữa cơn ngủ dài về mặt chữ viết suốt biết bao nhiêu triều đại nối nhau dài đăng đẳng!

Chữ Nôm KHÔNG được thừa nhận trong hệ thống chánh trị của nước Việt. Cũng có nghĩa là quốc âm Việt bị ruồng rẫy trong sinh hoạt quyền bính chánh trị & học thuật.

Tiếng (nói) Việt - tức quốc âm - chỉ được phép có mặt bên lũy tre làng, bên bờ ao cái giếng, có mặt ngoài ruộng đồng, nằm trong thơ văn, chớ không được bén mảng vô trong triều đình, nơi đó khi đọc chiếu chỉ sắc lệnh toàn ... "âm Việt-Hán" ráo trọi.

Nỗi lòng yêu mến quốc âm (tiếng nói Việt) của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Trường Tộ ... rốt cuộc hệt như tiếng vọng đến khản giọng giữa đồng trống minh mông.

*&*
Thành thử "tiếng nói Việt" (quốc âm) của chúng ta đã phải lang thang trong gần một ngàn năm - xin nhấn mạnh - trong khoảng hơn chín thế kỷ của một nước Việt đã độc lập rồi, vậy mới oái ăm!

Tiếng (nói) Việt - quốc âm - tìm đâu ra một hệ thống chữ viết để trú ngụ, mà hệ thống chữ viết đó cần được sử dụng trên mọi lãnh vực từ quyền bính chánh trị, quản trị hành chánh cho tới văn chương?

Thời may, chúng ta có chữ Quốc ngữ được viết theo hệ thống văn tự biểu âm Latin (hệ thống này đã và đang phổ biến nhứt trên toàn cầu, mỗi nước có cách ghi âm khác nhau dựa theo bảng chữ cái Latin, tùy theo tiếng của dân tộc mình).

Ta nói, người Việt ngày trước viết chữ Hán, người Tàu nhìn vào mặt chữ là họ hiểu ngay. Chữ Hán bên Tàu họ xài, xưa lẫn nay, dĩ nhiên họ hiểu hết ráo.
Ngày nay chúng ta viết bằng chữ Quốc ngữ, bất luận người Tây nào (Bồ Đào Nha, Pháp...) nhìn vào mặt chữ thì sao? Không tài nào hiểu được nếu họ không học.
Chữ Quốc ngữ và chữ Hán, vậy đó, văn tự nào độc lập? Rõ rành, đó là và chỉ là: CHỮ QUỐC NGỮ.

QUỐC ÂM (tiếng nói Việt) từ đây có ngôi nhà văn tự để trú ngụ, được ghi đầy đủ trong chữ QUỐC NGỮ.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
----------------------------------------------------------

Nguyễn Du

Nguyễn Tường Tộ (tên Thánh là Paul, "Phao-lô")


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét