ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

Vì sao được gọi & cần phải gọi là "CHỮ QUỐC NGỮ"

 VÌ SAO ĐƯỢC GỌI & CẦN PHẢI GỌI LÀ "CHỮ QUỐC NGỮ"?

* Những kẻ đả kích chữ Quốc ngữ, hoặc là thiếu lương thiện về tri thức, hoặc có mưu đồ lôi người VN trở lại dùng chữ Hán (muốn sáp nhập vào nước Tàu chăng, hệt như như các tỉnh / vùng bên Tàu tuy họ nói tiếng khác nhau nhưng đều phải dùng chữ Hán?)

Đây ghi chú mấy điểm chủ yếu, xin hầu chuyện cùng quí bạn:

1/ Khi nói "ngữ" là gồm cả mặt chữ ("tự") lẫn tiếng nói ("âm"). Trong suốt gần ngàn năm độc lập (kể từ năm 938 khởi lập Nhà Ngô), tiền nhân chúng ta dùng Hán tự (chữ Hán) chớ KHÔNG DÙNG Hán ngữ!

Tức, chúng ta chỉ mượn mặt chữ Tàu chớ không học nói tiếng Tàu.

Tiền nhân chúng ta chỉ gọi là "Hán tự" chớ không gọi đây là chữ của ngôn ngữ tiếng Việt.

Còn bộ chữ abc được gọi "CHỮ QUỐC NGỮ", nghĩa là bộ chữ của quốc gia Việt Nam, bộ chữ của tiếng Việt. Vì sao? -

2/ CHỮ (văn tự) được dùng trong một quốc gia - ở mức tốt nhứt, lý tưởng nhứt - là phải ghi lại được đầy đủ TIẾNG NÓI của dân tộc ("quốc âm"). CHỮ phải gắn với TIẾNG. Và, như vậy, chữ đó mới xứng đáng được gọi là: "CHỮ QUỐC NGỮ".

Hán tự, mà cha ông chúng ta mượn để xài trong ngàn năm, lại KHÔNG đạt được sự gắn bó nêu trên. Tỉ dụ, trong Hán tự (đọc thành âm Việt-Hán), bạn đọc thấy "mẫu", "tử", "thực phạn"; nhưng tiếng Việt (đồng nghĩa với âm Việt-Hán vừa nêu) như "mẹ", "con", "ăn cơm" thì hoàn toàn không có chữ Hán nào được đọc lên y như vậy hết.

Nghĩa là, ở đây, CHỮ (Hán tự) không dung chứa được TIẾNG (tiếng nói Việt). Còn nhiều, rất nhiều TIẾNG (tiếng nói) của người Việt đã phải lang thang bên ngoài Hán tự trong cả ngàn năm!

3/ Xưa kia chúng ta mượn chữ Hán NHƯNG chữ Hán không tài nào chứa hết tiếng Việt.

Trong khi đó, khi mượn hệ chữ Latin thì chữ Latin đã được sáng tạo để ghi lại đủ đầy tiếng Việt. Bất luận quí bạn phát âm là "mẫu" hoặc "mẹ", "tử" hoặc "con", "thực phạn" hoặc "ăn cơm"... , hết thảy đều được ghi lại, bằng văn tự abc!

Sáng tạo từ hệ chữ Latin, để rồi trở thành thứ CHỮ ghi lại được tất cả "quốc âm" của TIẾNG Việt. Thành thử giới trí thức tiền bối của chúng ta đã định danh trân trọng hệ chữ abc này là: CHỮ QUỐC NGỮ!

4/ Quí bạn chú ý:

Đối với chữ Hán, cho dù ngày xưa tiền nhân chúng ta đọc bằng âm Việt đi nữa, nhưng người Tàu nhìn vô mặt chữ Hán là họ hiểu được ngay (bởi vì chúng ta mượn nguyên xi chữ Hán mà!).

Còn hiện nay, ngay cả người Bồ, người Pháp nếu nhìn vô bản văn tiếng Việt viết bằng CHỮ QUỐC NGỮ, họ có đọc được không (cho dù bản văn tiếng Việt được ký âm bằng hệ chữ Latin)? KHÔNG.

Họ muốn hiểu thì phải học. Bất luận người nước ngoài nào, cho dù thuộc hệ thống văn tự Latin đi nữa, muốn hiểu tiếng Việt thì phải học.

Bởi vì hệ chữ Latin dùng tại VN đâu bê nguyên xi tiếng Bồ hay tiếng Pháp, mà là MỘT SỰ SÁNG TẠO khác hẳn rồi, thích hợp để diễn đạt quốc âm tiếng Việt.

Cái hệ chữ abc mà người Việt chúng ta đang xài, chỉ có chúng ta hiểu, vậy hiện nay nếu không gọi đây là CHỮ QUỐC NGỮ, CHỮ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM thì... gọi là chữ của cõi nào từ dưới đất chui lên?

Thành thử hiện nay bỗng dưng nảy nòi những kẻ nháo nhào chỉ trích chữ Quốc ngữ, nên nhìn họ ra sao? Hoặc họ thiếu sự lương thiện tối thiểu trong tri thức, "ăn cháo đái bát"; hoặc phải cảnh giác đây là những kẻ có âm mưu Hán hóa, sáp nhập vào Tàu bằng lối tiệm tiến qua con đường ngôn ngữ!

Trên đây là những điểm chủ yếu để chia sẻ cùng quí bạn thêm yêu chữ Quốc ngữ của tiếng Việt chúng ta ./.

--------------------------------------------------------------

Hình ảnh bản đồ đính kèm:

Trên thế giới có một số hệ thống văn tự nền tảng, gồm văn tự biểu âm (như văn tự Latin, văn tự Cyrill...), văn tự biểu ý (như Hán tự). Hệ thống văn tự Latin là phổ biến nhứt, có nhiều quốc gia sử dụng nhứt trên toàn cầu hiện nay!

Nói riêng trong khối ASEAN thôi, đã có 6 nước sử dụng văn tự Latin: Tân Gia Ba (Singapore), Phi Luật Tân (Philippines), Mã Lai (Malaysia), Nam Dương (Indonesia), Vấn Lai (Brunei), và Việt Nam (VN là quốc gia tiên phong trong việc dùng hệ chữ Latin để ghi lại tiếng nói của dân tộc).

Việc mượn văn tự từ nước khác rồi sáng tạo thành văn tự dùng để ghi tiếng nói của mỗi quốc gia, là QUI LUẬT PHỔ BIẾN trong các ngôn ngữ. Chẳng hạn người Anh, người Pháp đều mượn văn tự Latin mà chuyển thành chữ Anh, chữ Pháp riêng biệt. Người Nhựt thì mượn Hán tự để xài (gọi là Kanji) đồng thời dùng văn tự biểu âm là hiragana, katakana.v.v...

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét