Tiểu
Sử
Cha
Gioan Baotixita Dưỡng
(1902
– 1940)
-------------------------
Ngày thứ ba, 21 Mai 1940, độ 8 giờ mơi, có tin ở Dưỡng
đường Latinh Saigon đưa ra rằng: Cha Gioan Baotixita Dưỡng mới qua đời. Ai là cật
ruột quen biết và con chiên của cha đều rụng rời; nhớ lại người đau chẳng bao
lâu, tuổi còn trẻ trung, tưởng còn dài ngày giúp việc Chúa, nào hay đường đi của
người đã vắn või, Chúa đòi về. Tuổi mới 38, làm việc tông đồ đặng 11 năm, thiếu
4 ngày.
Tẩn liệm xong, thì quan tài để tại phòng khách trường Latinh
cho thân bằng quyến thức và con chiên đến cầu lễ nguyện kinh. Chiều thứ tư, 4
giờ rưỡi thì cha Bề trên Delagnes rước xác, khi ấy trời phát đám mưa to, như đổ
nước mắt chan hòa chia thảm! Vô nhà thờ cha Bề trên địa phận Soullard khởi kinh
Vêpres. Xong các cuộc, trời vừa tạnh mưa, thì đưa người đi phần mộ, nghỉ chung
một nơi cùng các cha Bổn quốc tại Chí-hòa. Nằm kế mả cha Thomas Thi, là đấng
xưa kia đã lo cho Gioan Baotixita rước lễ
vở lòng và dọ tính ý mà muốn tuyển lựa đi tu latinh.
Đưa đi sau xe xác là một đoàn xe hơi dài đăng đẳng.
Các cha trên 40 đấng, bổn đạo, bà con quen biết, thân nhơn, các nhà dòng; một
ít con chiên cựu ở họ Búng và Cầu-ngang
theo đưa. Qưới chức và bổn đạo Tân-qui để tang cha sở mình. Hạ rộng rồi, ông
trùm họ Tân-qui có nói cám ơn cha Bề trên địa phận, các cha và anh em quyến thức
có lòng thương tưởng chia sầu cùng họ Tân-qui, mà đến đưa đám cha sở của họ đến
nơi yên nghỉ đời đời.
Khi ấy trời vừa tối, mối sầu của gia quyến và kẻ tình
nghĩa cùng Gioan Baotixita cũng lai láng mù mịt như đêm sắp đến. Ôi! Thương
thay! Từ đây ly biệt cha Gioan Baotixita nơi cõi trần, xin gởi gấm lại nơi ba tấc
đất, đợi có ngày anh em chung nghỉ một nơi, chờ ngày sống lại vang hiển!
Lược
kể, từ thơ sinh đến khi qua đời.
Trẻ Gioan Baotixita Dưỡng sanh ra tại họ Tha-la, ngày
11 Octobre 1902, qua ngày sau chịu phép rửa tội. Cha mẹ là ông Phêrô Nguyễn văn
Dương và bà Maria Lê thị Phượng cả hai rày còn song toàn khỏe mạnh, ông làm Biện
họ Tha-la. Phần đời thì gia thất đủ dùng, cũng dư giả chút ít. Con cái đông, hết
thảy 5 trai, 6 gái, còn khỏe mạnh; có kẻ đôi bạn làm ăn, người đi tu nhà phước.
Gioan Baotixita là anh cả.
Lúc thơ bé trẻ Gioan đã có thiên tư về ơn kêu gọi. Hồi
còn nhỏ, một lần cha và tôi viếng một người cùi quá ghê, tôi nhờm, cha bảo nè
mình vô thăm, sau có làm cha, phải chịu mấy cái vậy chớ. Ở trường họ thì tự
nhiên có tánh hiền lành nhu mì, nên cha sở (Mgr Quinton) chọn giúp lễ; siêng
năng không trễ bỏ phiên thứ, khi rước lễ vỡ lòng rồi thì tỏ ý ham đi nhà trường,
hay nói việc đó với anh em bạn học.
Ngày 23 Novembre 1913 thì Bao đồng, Thêm sức. Khi ấy
cha sở David đã dọ được lòng con trẻ, nên lo dọn cách riêng, cho học latinh
cùng dạy dỗ làm một cùng hai trẻ khác, và cho vào nhà trường latinh năm 1914. Cả
ba trẻ nầy sau được hai người làm thầy cả.
Lúc ở trường latinh nhỏ, thì bề học hành trẻ Gioan rất
khá. Lớp mới vô là 63 trò, các món bài vở thì thường được trung bình. Số ăn ở tốt,
vóc vạc mạnh mẻ. Được anh em chúng bạn ưa. Ít khi đau mà phải nằm nhà thương.
Lúc tháng nghỉ về nhà, ưa giúp việc cho cha mẹ, không hay đi chơi đâu. Có đi
thì là đến các cha thăm lom vậy thôi. Cứ vậy là 8 năm trường nhỏ. Lựa lọc còn lại
cả lớp được 12 người sau lên quờn thầy cả. Bước qua trường lớn 1922 thì học
cách vật, vừa được một năm lại đặng mặc áo dòng sớm, sự ấy càng làm cho lòng
Gioan thêm phấn khởi vui mừng, vì đã thấy sự gần gũi với quờn thầy cả lần lần.
Chịu phép cát tóc là 17 Septembre 1924; đi dạy 2 kỳ, họ Bà-trà (Búng) và Bà-rịa;
cả hai phen đều tròn phận sự. Các chức khác cũng từ đó thăng lần, cho đến ngày
thọ quờn Linh mục, 25 Mai 1929.
Đến ngày về Vinh-qui trong họ Tha-la (29 Mai 1925) thì
lại được 2 thầy cả cùng một lượt, kẻ lễ nhứt người lễ nhì, chung một tiệc rất
vui vậy, trong họ ai nấy hân hoan!
Kỳ nghỉ đã mãn, Bề trên kêu đi làm phó họ Búng, phụ lo
2 họ nhỏ Bình-sơn và Bà-trà. Được một năm thì cha phát bịnh, yếu mệt không kham
tiếp việc, nên Bề trên cho nghỉ 6 tháng, Vừa hưởn sức, thì lại được lịnh đi ở Cầu-ngang
(Mars 1931). Về đây lại gặp cha David ở họ chánh Chà-và, cha Gioan vui mừng
không kể, vì cha con gặp lại, việc hồn xác có người dìu dắc thêm. Về ở Cầu-ngang
8 năm, rất ân cần phận sự hẳn hòi, như có lời cha kia trong phần sở khen người
khi chết.
Về đây nhờ khí biển tốt, nên lần lần khá thêm. Cha bắt
đầu lo chầu nhưng họ nhỏ, như họ: Ông-ốc, Phó-long, La-ban, Ba-động, Long-hậu.
Những họ ngánh thường là nơi khó đi tới, đường sá cực nhọc. Như một lần cha có
dịp đi thăm họ nhỏ chầu nhưng mời tôi theo; đường sìn quá ớn, thăm lom dạy dỗ rồi,
khi về đã trưa, bụng đói, đường lầy, ngựa chứng, cha sợ phiền lòng tôi và lâu lắc,
nên lo tận lực, xuống xăn áo dòng, đẩy cả xe cả ngựa khỏi khoảng lầy xa lắc, mà
coi bộ cũng vui mặt, khi đó sức còn mạnh khá.
Khi cha về nhậm sở Cầu-ngang, thì được lòng nhiều kẻ văn
vật ưa chuộng, nên trở lại đạo, như hạng Cai tổng, thầy giáo… và một ít kẻ quyền
chức, rày còn giữ đạo sốt sắng.
Lo mở cuộc cấm phòng kiệu ảnh, mời cha dòng Cứu thế đến
giúp giảng cho lạ tai bổn đạo khỏi nhàm, cho trọng danh đạo, có dịp giảng đạo.
Cha Gioan Baotixita có lẽ giống Đức cha Dumortier trong sự nầy, là ham giảng đạo
mọi nơi mọi dịp. Một lần cha và tôi đi Ba-động về Cầu-ngang, tới cầu Láng-sắt,
thấy ghe lưới về có cá ngon, ngừng lại mua, đang khi lo trả giá mua được một
con, thì đã giảng đạo được một chặp cho bọn ghe lưới.
Chủ chăn và đoàn chiên đang vui vầy, bỗng có lịnh đổi
về Tân-qui (Juin 1938). Về đây là họ đông, việc lo nhiều hơn, năng hơn. Lúc đầu
lại gặp cảnh gian truân đau lòng, mà cha cũng vững lòng cam chịu nhịn nhục. Nhiều
khi thấy cha phải lắm điều buồn bực thái quá, thì tôi hỏi, cha làm sao chịu được,
Cha rằng: “Tôi lấy sách ra đọc những khoản dạy chịu khó, thì tôi đặng an ủi,
khuây lảng, hết buồn”.
Cha Gioan thì ốm yếu, bịnh chi không thấy rõ, mà hay yếu
mệt, song việc làm không bỏ. Lo sửa sang trong họ, lo kiếm tiền sơn vẽ bàn thờ
cung thánh, tòa giảng mới, xây cửa ngõ nhà thờ cho tốt. Lập bàn thờ tôn kính Đức
Bà cứu giúp cho tốt đẹp. Trong họ huê lợi không mấy, cho đặng có tiền làm các
công vụ nầy, phải khéo nói là mấy.
Chưa an lòng, thấy họ ngánh Tân-đông, thánh đàng mối mọt,
gần xiêu, nên phải giở xếp đóng lại, bổn đạo không nơi hội hiệp thờ phượng
Chúa, mà bạc tiền thì một đồng một chữ cũng không. Cha bèn trù nghĩ đi xin, may
nhờ Chúa giúp và lòng rộng bá tánh xa gần. Tài xin tiền thì cha rất hay, giỏi
chìu chuộng, chịu khó, ai cũng thương tình nhờ đó mà có chút tiền xây dựng cho
họ Tân-đông một ngôi thánh đàng gạch ngói, mặt tiền cao ráo vên vang, chắc chắn.
Số bạc trước sau cũng trên 4 ngàn. Ngày ngày cha đạp xe máy vô ra chỉ vẽ cho thợ
thầy, đường xa cũng ngót 5 cây số.
Cha Gioan có tánh ưa hội hiệp anh em, mà bàn tính việc
làm mỗi đều chi hơi khó thì mau mau đi bàn hỏi, chẳng dám tự xứng; thật có lòng
lo lắng lắm. Các cha lân cận có mở hội cấm phòng, kiệu ảnh, mà mời thì cha chẳng
từ nan, giúp giảng dạy làm phước.
Đối với đồng liêu, cha niềm nở rước đãi anh em tận
tình, nên các cha tới viếng thăm thường. Ai gặp buồn bực rủi ro cha hay an ủi,
nói lời hơn thiệt. Khi nghe ai bị chê bác, thì cha thường hay nói mà chữa lỗi,
cắt nghĩa lành, tôi thấy được sự tốt đó.
Đối với quê hương xứ sở, cha hằng biết ơn; hằng năm
hay mời các cha một xứ về cho vui trong họ, làm lễ cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ
chết trong họ.
Lúc tháng Mars coi bộ cha mệt nhiều hơn; ít ăn, ăn lại
chậm tiêu, xanh xao. Tưởng lây lất vậy thôi. Cha không chịu đi nhà thương cứ rằng:
chẳng thấy bịnh gì rõ? Các cha nói: nội cái hình vóc xanh xao của cha đó là một
bịnh rõ rồi còn đòi gì. Vào Clinique Saint Paul, quan thầy coi thì chê, nói bịnh
đủ hết: phổi yếu, có mụt bao tử, paludisme, bảo cha lo dọn mình là hơn.
Tưởng quan thầy nói vậy rồi qua khỏi, nào ngờ đương
khá như thường, bỗng nghe chịu phép xức dầu thánh ngày 1 Mai. Tôi xuống thăm
thì coi mồi khá lại tỉnh mĩnh chút. Đau chơn hả miệng. Đã tận phương chạy kế
khác, người nhà bàn soạn thử thuốc khác. Nói tới đây thì đội ơn cha sở Chợ-lớn
(J.B Hướng), ngài tràn dư đức bác ái, mời mọc rước cha Gioan vô nhà nghỉ ngơi uống
thuốc thử coi. Bề trên cho, thì sáng thứ bảy 4 Mai đem vô Chợ-lớn.
Thuốc các chú khi đầu thấy có dấu khá, nhưng ít ngày
thấy cũng vô hiệu quả. Ngày 16 Mai tôi được tin bịnh trở ngặt. Mau mau xuống
thăm, tới nơi thấy cha còn mê mẫn, ngày sau lại tỉnh mĩnh, trối trăng mọi điều.
Tôi thấy bịnh tình đã nan y, nên xin cha lo dọn mình. Cha sẵn lòng phú dưng mọi
sự trong tay Chúa, theo ý Chúa. Cám ơn, xin lỗi cha sở, cha mẹ bà con thân nhơn
cùng kẻ có công giúp đỡ.
Đoạn lo đem vô Dưỡng-đường latinh tiện việc đọc kinh dọn
mình. Vô đó cha còn bước lên cầu thang được. Cứ khi mê khi tỉnh cho tới 8 giờ
sáng thứ ba 21 Mai, thì trút kinh hồn êm ái trong tay Chúa, giữa cha Bề trên và
các cha nhà trường cùng cha mẹ anh em bà con.
Ôi, ớ cha Gioan Baotixita, nơi nhà trường nầy cha đã
chọn mà vô theo Chúa năm 1914, nay nơi nầy năm 1940, Chúa lại rước cha về. Phước
thật cho kẻ tìm Chúa!
Xin than thở ít lời từ giả cha muôn kiếp. Từ đây lẽ bạn,
kẻ thoát người còn. Khi vui buồn còn có ai chia, lời hơn lẽ thiệt còn ai bàn
tính. Đường ta đi ta biết, rừng hoang truông hiểm có nhau. Từ đây dặm trường
thâm thẳm một mình, cha nhẹ gót thung thăng kiếp khác! Nguyện ơn Chúa giữ gìn,
có ngày hai ta gặp lại.
Nguyện xin lượng Chúa nhơn từ, rước cha mau về nơi
siêu sái! Hỡi ôi! Thương thay!
Fr. X. Lê Vĩnh Khương,
Linh mục
.Báo Nam Kỳ địa phận, năm 1940
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét