ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

Thực hư chuyện Vua Gia Long cầu viện thực dân Pháp

 THỰC HƯ CHUYỆN VUA GIA LONG CẦU VIỆN THỰC DÂN PHÁP

1) Trong cuộc chiến để thu hồi bờ cõi về một mối, giữa Nguyễn vương (Nguyễn Phước Ánh , thường gọi Nguyễn Ánh) với nhà Tây Sơn ( 西 , còn viết là 西 ), quí bạn vẫn thường được nghe nói là Nguyễn vương cầu viện quân sự nơi Pháp.

Vậy, quí bạn có biết rằng, tham gia trong quân đội của Nguyễn vương thực ra chỉ vỏn vẹn 4 sĩ quan & 80 binh sĩ người Pháp "trợ chiến" THEO SỰ CHỈ HUY của các tướng lãnh người Việt (theo cuốn "Đại Nam thực lục", "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim)!

Một nhúm Tây ít ỏi mấy chục người, thử hỏi, làm nên trò trống gì trong một cuộc chiến có tới hàng chục ngàn quân (của cả hai bên)? Đã vậy, nhúm người Tây đó không nắm binh quyền mà đứng dưới trướng tướng lãnh người Việt!

2) Sự thực này là KHÁC XA một trời một vực so với triều đình Thăng Long của Lê Chiêu Thống cầu viện Tàu đem tới 20.000 quân tràn vô nước Việt - có nguồn phân tích cho rằng có khoảng 5.000 quân, vâng, ngay cả là con số 5.000 quân Tàu thì cũng quá đông, đông khủng khiếp so với nhúm... 80 người Tây tham gia trong quân đội triều đình Gia Định của Nguyễn Ánh.

Hơn nữa, quân Tàu của Tôn Sĩ Nghị trở thành lực lượng chánh, cầm trịch (trong khi quân của triều đình Thăng Long chỉ hụ hợ) là rất KHÁC, KHÁC HẲN với bản chất của nhúm Tây trợ chiến trong quân đội của triều đình Gia Định - nhúm Tây đó đóng vai trò hụ hợ, trong khi quân đội người Việt của Nguyễn Ánh mới là lực lượng chánh!

3) "Rước voi về dày mả tổ", hình ảnh này là quá đúng với triều đình Thăng Long bấy giờ, vì rước tới hàng ngàn quân Tàu, quả là voi dày chớ còn gì nữa!

Còn vỏn vẹn mấy chục người Tây mà "dày mả" gì nổi, đạp được mấy ngọn cỏ lơ thơ là hết mức rồi đa.

4) Vậy, hãy nhìn cho tỏ tường, về việc gọi là "Nguyễn Ánh cầu viện Pháp", cầu viện cái giống gì mà chỉ loe ngoe một nhúm người Pháp?

Nguyễn vương (Nguyễn Ánh) ban đầu có biên thơ, nhờ Pigneau de Béhaine (giám mục Bá Đa Lộc) chuyển giao, đưa ra yêu cầu nước Pháp hỗ trợ hay không? CÓ.

Nhưng, rất nhanh, chỉ mấy năm sau - là vào năm 1790 Nguyễn vương với tầm viễn kiến chánh trị về thời thế bên nước Pháp, ông đã biên thơ gửi đến chánh quyền bên Pháp với lời lẽ cảm ơn theo phép ngoại giao nhưng trong đó TUYỆT NHIÊN KHÔNG CÒN NHỜ GIÚP, không cầu viện gì nữa.

Lá thơ năm 1790 (lúc này Nguyễn vương vẫn đang trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn) thì nhiều người ưng "lệch sử" không nhắc gì đến, chỉ chăm bẳm vào lá thơ "cầu viện" trước đó để ném đá / kết án Nguyễn vương.

"Cầu viện" thì phải căn cứ vào thực tế đã diễn ra như thế nào. Thăng Long của Lê Chiêu Thống cầu viện và sau đó cả ngàn quân Tàu tràn vào, quá rõ đây là "rước voi về dày mả tổ"!

Trong khi đó, Gia Định của Nguyễn Ánh cầu viện, nhưng sau đó không có quân Tây chánh qui nào đổ bộ hết ráo.

Đâu phải Thăng Long cho "voi dày", nên Gia Định cũng phải mang tiếng ô nhục như Thăng Long, để ... huề cả làng?

5) Trong THỰC TẾ LỊCH SỬ, từ 1790 cho đến khi Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn vào năm 1802, suốt hơn mười năm dài này là dựa vào nội lực quân đội người Việt của triều đình Gia Định.

Theo cuốn "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim và cuốn "Đại Nam thực lục", Nguyễn Ánh vào năm 1793 đã mua hẳn một chiến hạm cũ của Châu Âu rồi sai người tìm hiểu công nghệ mà thiết kế, chế tạo. Cho đến khi kết thúc chiến tranh, Nguyễn Ánh có một số thuyền hùng hậu lên tới 100 chiến hạm, 800 pháo hạm và 500 bán pháo hạm.

Sự giỏi giang đó, nói nào ngay, là kế thừa tinh hoa của tiền nhân thuộc dòng dõi Nguyễn Phước tộc! Các chúa Nguyễn trước kia đã từng học hỏi công nghệ quân sự của Bồ Đào Nha để chế tạo đại pháo, chiến hạm - từng rỡ ràng với việc Nguyễn Phước Tần đánh thắng hải quân Hòa Lan năm 1643 khi mon men muốn đánh chiếm Quảng Nam.

6) Hãy trả lại sự thật lịch sử, đó là Nguyễn Ánh thực ra KHÔNG còn cần đến việc cầu viện Pháp, mà dựa hoàn toàn vào nội lực để đánh thắng nhà Tây Sơn - từ 1790 cho đến 1802.

Còn một nhúm chỉ mấy mươi người Pháp có mặt trong quân đội triều đình Gia Định của Nguyễn Ánh, từ đâu ra?

Giám mục Bá Đa Lộc rốt cuộc đã "xôi hỏng bỏng không" vì chánh quyền bên Pháp lúc bấy giờ không mặn mà gì với việc trợ giúp Nguyễn Ánh, thành thử vị giám mục này xoay qua "vận động" chỉ một nhúm lính tráng (84 người). Vậy đó. Đồng thời "vận động" một số nhà buôn góp bạc cho Nguyễn Ánh đặng có cơ hội làm ăn lâu dài về sau (nếu như Nguyễn Ánh thành công).

Giới doanh nghiệp "đặt bạc" để mần ăn nơi xứ này nước nọ là chuyện thường tình ở bất cứ thời nào, hồi đó và bây giờ đều như rứa.

7) Nói thêm, cho "thông não"...

Lúc thực dân Pháp nổ đại bác mở đầu xâm lược vào năm 1858, rồi nuốt dần lãnh thổ nước Việt là vào thời vua Tự Đức. Nhà vua này gọi Hoàng đế Gia Long là ông cố (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức). Vậy mà, thời nay có nhiều kẻ cho rằng Gia Long rước tây làm mất nước, tức ... ông cố của vua Tự Đức dầu đã qua đời bạc cỏ nơi nấm mộ từ lâu rồi thì cũng phải "hiện hồn" về mà gánh lấy cái "tội" xảy ra dưới thời cháu cố!

Khó vậy mà họ cũng giỏi tưởng tượng cho bằng được!

Họ có biên chép lịch sử đâu, mà họ đang làm "lệch sử" ./.

--------------------------------------------------------

Hình ảnh: Lăng hoàng đế Gia Long / Hình vẽ Hoàng đế Gia Long, người sáng lập Nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1802 cho đến khi qua đời năm 1820.

* Mời đọc thêm bài này, cũng liên quan đến Nguyễn Ánh (Gia Long): https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1148438502256795

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét