ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

“Đàng Trong/ Đàng Ngoài”, vì sao gọi vậy?

* Xu thế phát triển của nước Việt để lại dấu ấn sâu đậm trong ngôn ngữ!

DẪN NHẬP: Ta nói: "lên", "xuống" là dựa vào tương quan độ cao với nhau, như "lên cao nguyên", "xuống đồng bằng"; rồi tỉ như từ Long An mà đi Sài Gòn thì gọi "lên Sài Gòn" (SG ở thế đất cao hơn), ngược lại thì gọi "xuống Long An". Đây là dữ kiện địa lý khách quan, rõ rành, dễ giải thích hết sức.
Cũng vậy, phương hướng Nam - Bắc - Đông - Tây là danh từ khách quan, thuần túy chỉ phương hướng; hoàn toàn không có tính chất "trong / ngoài" đem gắn với phương hướng địa lý gì ráo.

NHƯNG, từ lúc nào lại xuất hiện cách gọi "TRONG NAM" (đi vào/vô trong Nam), "NGOÀI BẮC" (đi ra ngoài Bắc)? Vì sao lại mặc định miền Nam là "trong" / còn miền Bắc là "ngoài"?
Kỳ thực, cách gọi này mang tính lịch sử thú vị hết sức, xuất hiện theo dòng lịch sử nước Việt.

1/ "ĐÀNG", NGHĨA LÀ GÌ?
"Trong / Ngoài" bao giờ cũng là "trong/ngoài" so với cái gì, "trong/ngoài" của cái gì. Ở đây, "trong/ngoài" của "ĐÀNG" (Đàng Trong, Đàng Ngoài). Ồ, "Đàng" nghĩa mần răng?

1a) Tôi thấy nhiều người tranh cãi như mổ bò, mỗi người mỗi phách giải nghĩa chữ "Đàng" khác nhau. Ủa, mắc giống gì lại "cãi" nhau? Làm như họ quên béng rằng, trong tiếng Việt có những chữ (word) mang cùng lúc nhiều nghĩa, chớ đâu phải chỉ mỗi một nghĩa, chớ đâu thể bị ép phải có một nghĩa mà thôi!

Tỉ dụ, "nhà" nghĩa là... căn nhà; nhưng "nhà Nguyễn" thì đâu phải là căn nhà nữa mà "nhà" ở đây mang nghĩa là "triều đại". Rồi, ông bạn giới thiệu bà xã của ổng: "đây là nhà tôi", tức "nhà" lại mang nghĩa là người phối ngẫu đó đa.
Vậy, để hiểu đúng nghĩa của "nhà" thì phải đặt trong ngữ cảnh, đặng hiểu "nhà" mang nghĩa nào mới đúng, mới thích hợp nhứt.

1b) "ĐÀNG", cũng vậy. Cũng lai rai nghĩa chớ không chỉ một.

* "Đàng" nghĩa là đường, con đường. Người dân miền Trung, miền Nam quen gọi "đường" là "đàng", tỉ như "lên đàng" tức "lên đường".

Trên Wikipedia, ghi "Đàng Trong" , "Đàng Ngoài" , cái chữ "Đàng" (đường) ở đây nghĩa là "lối đi trong đình viện". Vậy, Đàng Trong là... lối đi ở trong, Đàng Ngoài là lối đi ở ngoài. Ủa, đó là lối đi nào, là con đường nào mà khiến cho một vùng lãnh thổ nằm mé trong lối đi (Đàng Trong) còn lãnh thổ kia thì nằm mé ngoài lối đi (Đàng Ngoài)? Lối đi lên trời hay lối đi xuống biển?
Sách sử không thấy ghi.
Ta nói wikipedia chỉ là "tự điển mở", tham khảo sơ khởi thôi thì được, chớ tin vô thì có nước bán lúa giống.

* "Đàng" (đường) mà viết như ri , nghĩa là nơi chốn trang trọng để làm lễ, tế lễ; là chốn uy nghi, rực rỡ. Tỉ như "thiên đàng" ("thiên đường") 天堂.

Nhưng "Đàng Trong" / "Đàng Ngoài" chắc là không phải bên trong / bên ngoài của cái chốn tế lễ nào đó rồi đa! Chỗ nào mà tế lễ dữ vậy?

* "Đàng" là phía, chỉ phương hướng, tỉ như "đàng này", "đàng kia".
Vậy, Đàng Trong / Đàng Ngoài là... phía trong / phía ngoài. Ủa, phía trong / phía ngoài của cái gì?

* "Đàng" là vùng, khu vực. Tỉ như "Đàng Thổ". Quí bạn biết Đàng Thổ ở đâu không? Hồi chúa Nguyễn gả ái nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp, có yêu cầu vua Chân Lạp cho phép chúa Nguyễn được thu thuế ở vùng Sài Gòn (gọi theo tên bây giờ cho dễ hình dung), bấy giờ còn đang khai khẩn. "Đàng Thổ" là khu vực để thu thuế điền thổ.

Nếu áp dụng cách giải nghĩa "Đàng" là vùng/khu vực, vậy "Đàng Trong" / "Đàng Ngoài" là vùng trong, vùng ngoài. Ồ, trong và ngoài của ... vùng nào, chỗ mô? vùng trong, vùng ngoài của cái gì rứa?

* Như đã nói, một chữ trong tiếng Việt có thể có rất nhiều nghĩa. Dẫn giải ở trên cho thấy "Đàng" mang khá nhiều nghĩa, thành thử đừng lấy cái nghĩa này đem "bức tử" cái nghĩa kia, tội cho tiếng Việt lắm đa. Mà tùy ngữ cảnh để hiểu.

Vậy, "Đàng" - trong ĐÀNG TRONG / ĐÀNG NGOÀI - còn cái nghĩa gì nữa không?
Đáp rằng: Có.

1c) "Đàng" (đường) được viết như ri: , nghĩa là con đê, bờ đê, tỉ như đê sông 河塘, đê biển 海塘.
Đàng Trong
, Đàng Ngoài tức là phía bên trong con đê, phía bên ngoài con đê. Được gắn với lịch sử phân tranh giữa chúa Nguyễn với vua Lê chúa Trịnh!

Sau cuộc chiến đầu tiên (vào năm 1625), Chúa Nguyễn nhận được một kế sách phòng thủ do Đào Duy Từ dâng lên, theo đó đắp đê kiên cố tạo thành hệ thống lũy. Năm 1630 Đào Duy Từ khởi công xây đắp các lũy - lũy Trường Dục, lũy Nhật Lệ, lũy Trường Sa (đều thuộc tỉnh Quảng Bình), gọi chung là "Lũy Thầy".
Nhờ hệ thống Lũy Thầy này mà các đời Chúa Nguyễn chống lại cuộc xâm lấn từ phía Bắc một cách hữu hiệu, và an tâm định cõi / mở mang lãnh thổ xuôi về phương Nam cho tới Cà Mau trong suốt hơn một thế kỷ rưỡi!

Lãnh thổ nằm về phía trong Lũy Thầy, mạn Nam, từ đây được gọi là ĐÀNG TRONG; lãnh thổ nằm bên ngoài Lũy Thầy, ở mạn Bắc, gọi là ĐÀNG NGOÀI.

(Vậy nên, nhắc lại, trong wikipedia ghi "Đàng" "lối đi" thì không hợp lý cho bằng "Đàng" nghĩa là "bờ đê", gắn với dữ kiện lịch sử là xây đắp Lũy Thầy. Giữa hai ký tự này khác nghĩa nhưng viết gần giống nhau, thành thử dễ bị ... râu ông cắm cằm bà đó đa!)
----------------------------------------------------------------------------
Một số hình ảnh của Lũy Thầy còn sót lại tới hiện nay.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét