ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

"Lục tuần", vì sao trở nên đặc biệt?

Bữa hổm tôi đưa lên fb giải nghĩa chữ "tuần" , trong âm lịch, là "10 ngày", và nghĩa bóng là "10 năm" (dựa theo một điển tích xưa), thành thử chúc thọ "lục tuần" là chúc thọ "60 năm".

Âm lịch dựa theo thập can 十干 và thập nhị chi 十二支, để đặt tên gọi cho năm. Tỉ như năm 2020 này là năm Canh Tý (Canh thuộc "thập can", Tý thuộc "thập nhị chi"). Và, quí bạn ắt đã biết, phải 60 năm sau thì mới lặp lại đúng Can Chi y hệt, tỉ như 2020 là năm Canh Tý thì phải tới năm 2080 mới trở lại năm Canh Tý.

Một đời người giỏi lắm chỉ được 1 lần lặp lại đúng Can Chi y hệt năm ra đời, tức bạn được 60 tuổi: đi tròn một vòng chu kỳ "hoa giáp" 花甲. Có người chưa tới 60 tuổi thì đã chuyển hộ khẩu qua cõi âm rồi, tức chưa được một "hoa giáp". Và cũng chẳng có ai sống đến 120 tuổi để được... lặp 2 lần "hoa giáp" hết trơn.

Thành thử hồi xưa, khi một người thọ 60 tuổi, "lục tuần" thì tổ chức một nghi lễ ăn mừng đặc biệt gọi là "lễ ĐÁO TUẾ" , tức "trở lại Can Chi của năm sinh ra đời".
Đời người giỏi lắm chỉ được 1 lần ĐÁO TUẾ mà thôi, chớ hiếm có ai sống thọ tới 120 tuổi để được hai lần "đáo tuế". Và... nhiều người chưa được 1 lần "đáo tuế" thì đã thác về thế giới bên kia rồi.

Sống thọ 70 tuổi gọi là "thất tuần", 80 tuổi là "bát tuần", 90 tuổi là "cửu tuần"...; nhưng không còn gọi là "đáo tuế", chỉ ĐÁO TUẾ vào năm 60 tuổi (lục tuần) mà thôi.
Thời xưa, sống 50 tuổi cũng đã gọi là già, được mừng thọ "ngũ tuần".

Nhưng, nhắc lại, bởi thọ 60 tuổi thì có lễ ĐÁO TUẾ nên "lục tuần" trở thành một ấn tượng khó phai là vậy đó đa!

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét