ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Con lợn của Epicure nghĩa là gì? Và chữ Epicure là tên của ai?

 ĐỘC GIẢ: Con lợn của Epicure nghĩa là gì? Và chữ Epicure là tên của ai?

AN CHI: Epicure là một triết gia người Hy Lạp, sinh tại Samos (có thuyết nói là Athènes) năm 341 tr.CN. Cha ông, Néaclès, là một nhà giáo. Nối nghiệp cha, năm 311 tr. CN ông mở trường dạy học ở Mytilène, trên đảo Lesbos. Năm 310 tr. CN, ông dời đến Lampsaque. Năm 306 tr. CN, ông đến Athènes. Tại đây ông đã tậu một khu vườn để mở trường. Do đó mà trường phái của Epicure đã được gọi là trường phái Vườn tược (tiếng Pháp: école du jardin). Ông mất năm 270 tr. CN, thọ 71 tuổi. Epicure đã từng viết đến 300 chuyện luận nhưng tất cả đều thất truyền, ngoại trừ một vài bức thư và một số câu trích dẫn.

Con lợn của Epicure – dịch tự tiếng Pháp pourceau d’Epicure – là một danh ngữ dùng để chỉ đồ đệ của chủ nghĩa khoái lạc, nói nôm na là kẻ đam mê tửu sắc. Sở dĩ có lối nói này là vì người đời, khởi đầu là người đồng thời với Epicure, đã cho rằng ông rao giảng sự tận hưởng niềm vui xác thịt và những khoái cảm do giác quan đem lại. Có kẻ như Timocrate còn nói vu rằng Epicure đã mửa một ngày hai lần vì ăn uống quá no say, lại còn kể rằng ông đã tiêu xài cả một kho báu cho mỗi bữa ăn. Thực tế thì lại khác hẳn.

Ngày nay các nhà nghiên cứu đã đánh giá đúng con người và tư tưởng của Epicure. Jean Brun chẳng hạn, nhấn mạnh rằng một người đã biết hài lòng với chỉ bánh mì và nước lã, đã viết thư bảo môn đệ gửi đến cho mình một hủ nhỏ phó-mát để “chè chén”, đã sống đạm bạc đến mức gần như khổ hạnh thì làm sao có thể rao giảng chủ nghĩa khoái lạc được(1).

Còn chính Epicure thì đã nói về học thuyết của mình như sau: “Khi chúng tôi nói rằng niềm khoái lạc là điều thiện tối thượng, chúng tôi không nghĩ đến những sự thỏa thuê liên quan đến sự hưởng thụ vật chất như một vài người đã nói vì họ không đồng ý với học thuyết của chúng tôi hoặc vì họ hiểu sai nó. Niềm khoái lạc mà chúng tôi nói đây liên quan đến sự bất tồn tại của nạn đau đớn thể xác và nỗi xáo động tâm hồn(2). Nói về vai trò của Epicure, J.Brun viết: “Đó là một con người đã từng chiêm nghiệm sâu sắc về sự suy đồi và về các dạng khác nhau của chứng cuồng loạn tập thể (…) Ông muốn chỉ rõ cho con người rằng vì họ là những kẻ tác tạo ra sự sụp đổ của bản thân cho nên họ phải có khả năng trở thành những người làm chủ vân mệnh của chính mình”(3).

 Cá nhân chúng tôi thì lại rất tâm dắc với câu sau đây của Epicure: “Tôi hởi lòng hởi dạ vì khoái cảm xác thịt khi tôi tự nuôi sống mình bằng bánh mì và nước lã”(4)

 


1. Xem L’epicurisme, Paris, 1974, p.27.

2. Dẫn theo J.Brun, sđd, , tr.94.

3. Sđd, tr.112.

4. Dẫn theo J.Brun, sđd, tr.95.

 Kiến thức ngày nay, số 112, ngày 1-7-1993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét