ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

Họ Lương Hòa

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

KỂ GỐC TÍCH HỌ LƯƠNG HOÀ

-----------------

Nguyên gốc khởi sự lập Họ Lương-hoà là buổi cha Điện chịu chức Thầy cả; rồi cha đi coi nhiều họ cùng lập họ nhiều nơi; cha có 1ập họ Rạch-cá, Rạch-thiên, Rạch-gốc và Đức-hoà. .

Lúc đó thuở đạo cấm kín nên cha không ở đâu là yên chỗ, khi ấy cũng có nhiều người ở Chợ-quán và Đồng-môn, trốn đi tản lạc mé miệt Tây-ninh và Tha-la..

Vậy lối năm (1862-1863) cha Điện đến tại làng Hựu-thạnh (Bây giờ thuộc hạt Chợ lớn tổng Cầu an hạ). Cha đến đây là chỗ người ta còn ngoại, và khi đã có một người tên là ông hai Xá già cả mà tánh tình lương thiện tử tế lắm, song hãy còn ngoại muốn theo đạo; nên cha đến ở ngụ trong nhà ông hai Xá, ước chừng đôi tháng, cha dạy lẽ đạo cho ông, cũng khuyên lơn lối xóm đó; như là ông hương Bích, ông xã Mò, ông Viễn, ông Gồng, ông Đời có ba người con là ông Thoàn ông Hùng và bà Lừa, (Bà nầy bây giờ còn) và vợ chồng ông tham Phú, con là Xuân và Thu, (Bà Thu bây giờ còn) cùng nhiều nhà muốn theo đạo, nhớ không hết; như là ông Lý cũng muốn trở lại đạo nữa..

Nên khi ấy cha vui mừng mới tính với ông xã Mò cho cha một khoản đất cất nhà cha ở, cũng trong lúc đó thì cha lại cất thêm cái nhà thờ tạm kế bên nhà cha, nên nhà thờ cha cất tại đất xã Mò, thân dưới vàm Rạch ông Quản khi xưa..

Cha ở đây ước chừng hai ba năm, cha rửa tội cũng đặng nhiều người; khi ấy cha Bình làm thầy tư hay là thầy năm, về ở một năm tại Hựu-thạnh mà dạy chầu nhưng, đặng cha đi lập họ Đức-hoà, và cũng, một ít lâu cha cất nhà thờ Đức-hoà bây giờ còn cái nền đó. Sau cha đi viếng mấy họ cha lập, như là Rạch-thiên, Rạch-cá, Tha-la, thì cha lại gặp bà thầy Bản cùng con cái bà: là Lễ, Nhạc, Ca, (Bà Ca là vợ ông câu Pho, bây giờ ở họ Tân-hoà, Rạch-gốc). Vậy cha mới biểu bà thầy Bản về Hựu-thạnh mà dạy mấy người chầu nhưng thế cho cha, khi đó thầy Nhạc còn nhỏ theo cha giúp lễ; cũng trong lúc ấy cha có gặp một người đi Latinh Pi-năng ra, tên là Nguyễn-văn-Nhờ nên cha chọn làm thầy mà dạy, trong lúc ấy cũng có thầy Danh ở Pinăng về dạy nữa. (Thầy Danh là cậu của Đại cả cựu Cường còn bây giờ)..

Cách ít lâu tại Hựu-thạnh thêm người có đạo; ấy là ơn Chúa kêu các kẻ lầm lạc trở về cùng một Hội thánh như có tích sau nầy:

Số là có hai vợ chồng ông thợ Suy còn ngoại: giữ việc thờ Phật chín chắn lắm, và người lương thiện, gốc ở Bình-ảnh về cất nhà tại làng Xương-thạnh thuộc hạt Tân-an, ngang sông Vàm cỏ (Vaico oriental) làng Hựu-thạnh; hai ông bà có chiếc ghe cui nhỏ hay đi sỉ trầu Bến-tranh lên miệt chợ Rạch-nhum, Rạch-thiên mà bán; thường khi hay ghé chỗ có nhà thờ mà xem coi; Nhứt là trúng kỳ các cha giảng dạy bổn đạo thì ông nầy ưa nghe lắm, lâu trễ nước hay là trễ mua bán chẳng cần.

Kế ít lâu hai ông bà về nhà bàn tính rằng: người đàng nội biết kính thờ ông Chúa nên có sự thương yêu nhau, như lời ông cha giảng hôm trước đó... mình thật thà ở đây kẻ ngoại hà hiếp quá... Vậy hai ông bà đem thê tử qua làng Hựu-thạnh lạy cha Điện mà theo đạo cách mạnh mẽ, nên từ đó về sau hai ông bà giữ đạo chín chắn cho đến cùng còn nhà cữa bỏ hết. (Con cháu ông nầy bây giờ cũng còn) ấy là ơn Chúa gọi thêm số kẻ theo Chúa, nên khi ấy bổn đạo cũng gần trăm người..

Trong lúc nầy thì cha ít khi ở nhà, cha đi lập họ thêm cùng đi viếng họ. Đến năm 1865 cha Điện trở lên Tha-la coi thế họ cho cha Y (P. Errard) tới tháng Novembre 1868, khi ấy cha Điện lo cất nhà thờ Rạch-thiên; kế một ít lâu về thăm họ Hựu-thạnh và ngồi tòa làm phước cho họ, ở đôi tuần rồi cũng đi. Đến năm 1869 cha trở lên Rạch-gốc mà lập họ tại đó; là chỗ làng Mỹ-thạnh-đông, tổng Cửu-cư-thượng, hạt Tân-an thì cũng có nhiều người theo cha lên Rạch-gốc, như là bà Bản, và ông thợ Suy cũng theo cha lên xuống.

Vậy họ Hựu-thạnh cha không ở thường như mấy năm trước, nên bổn đạo buồn ý, kẻ về Tha-la, người đi Rạch-gốc, Rạch-nhum, cùng làm ăn nơi khác, kẻ chết người còn sống thì nguội lạnh trễ nải, vì đạo mới đức tin chưa đủ, nên lần lần bớt số bổn đạo, còn nhà thờ hư trống.

Cách ba bốn năm cha trở xuống, cha nghe tin rằng: lúc cha đi thì để kẻ ngoại cột trâu nơi nhà thờ, vậy cha la quở thì có kẻ lại ghét cha... phần thì cha trở lại ở, thấy kẻ đi tứ tán nơi khác, nên lúc nầy cha buồn lắm !!

Khi ấy cha tính lập họ lại, cùng biểu một ít người ở Tha-la, Rạch-gốc, Rạch-nhum trở xuống, như là thê tử ông thợ Suy, thê tử bà Bản, hai vợ chồng ông Trị và bà năm Báu với ông Hiệu người làm tổng khâu cho cha trở xuống một lần nữa, mà bao chiếm ít mẫu đất rừng thân dưới làng Hựu-thạnh cách cũng ước chừng vài ba khúc sông là chỗ ngoi rạch thuở xưa hươu nai ở nhiều lắm. nên bây giờ tục kêu là Rạch-hóc-nai..

Cha lên ở đó, chỗ nầy buổi ấy kêu rằng: làng Lương-Điền chưa có ai ở, lại chỗ rừng hoang cọp hùm muỗi mòng nhiều lắm.

Cha lo yên xong và qui mộ bổn đạo Hựu-thạnh về, cùng nhiều người đến bao chiếm đất làm rẫy cấy hái lần lần cho đặng có thể làm ăn mà giữ đạo, khi đó cha lo dạy dỗ thêm người trở lại; lúc ấy cha cũng hay lên xuống Chợ-quán thăm cha Đoan mà bàn tính về việc lập làng Lương-Điền sửa hiệu lại là Lương-hoà, cùng chọn chỗ đất cất nhà thờ, có khi cha Đoan cũng lên thăm cha Điện ở một ít lâu mà coi địa thế đặng tính phụ với cha Điện cho an chuyện.

Vậy khi đã tính an chuyện về sự xin phép nhà nước lập làng Lương Hoà lối năm 1873 là năm Quí-Dậu đời vua Tự Đức trị 26 năm.

Lúc cha ở tại vàm Hóc-nai, có tích ông Lý ở Hựu-thạnh xuống làm rẫy nơi đất Thông-Thiệt là chỗ đất sáu Ngọc mua ở bây giờ: sớm mai ổng ra cày rồi; lúc thả cày ổng vô trong lùm choại hái rau; cọp rằn vắc khăn ra chụp, ổng cự và thùi lui rủi vấp nhằm gò mối nên té, cọp chụp tha chạy; khi ấy ông Đời la lên, cùng lối xóm chạy cho cha Điện hay; cha đi tiếp cứu mà chẳng đặng: ổng chết; cọp ăn hết một đùi, nên lối xóm người ta chôn ổng nơi mé trong rừng, sau cha gài bẫy bắt được cọp ấy..

Ngày lụn tháng qua chẳng bao lâu cha Điện thọ bịnh đau khá, nên cha trở về họ Chợ -quán ở tại nhà ông trùm Lưu là anh cha: Ông Trùm nuôi cha mười bữa thì cha qua đời. Nhằm năm cha Ngải (P. Derval) coi họ Chợ-quán, và lúc ấy có cha Hiệu (P. Humbert) ở học tiếng Annam và người đã giúp giữ linh hồn cho cha Điện. là năm 1875 (năm Ất-Hợi).

II - Cùng một năm ấy; khi cha Điện qua đời rồi, thì cha Đoan lên coi chánh sở họ Lương-hoà, nên cha lo cất nhà thờ tạm cột chôn, cất tại vàm Rạch trảng nơi gò xoài đất bà Trùm Hậu ở bây giờ; rồi cha lo bao chiếm cứ khẩn các sở đất thêm lối dưới gần giáp ranh làng An Thạnh, lại một sở trên vàm Rạch-nổ, lúc ấy cha lo khai phá làm rẫy lập vườn cho có huê lợi mà cất nhà thờ tử tế hơn.

Kế ít lâu người ta ở miệt Thủ, Búng, Lái-thiêu, Rạch-đào, Vạn-phước, Đồng-môn đến khẩn đất khai phá rừng mà lập vườn lần lần sung thạnh, bán có huê lợi khá, cha mới toan tính với quới chức như là ông Câu Tiếng, Biện Tấn, Biện Dương v. v. là những ông làm việc họ khi đó. Còn chức việc làng lúc ấy là xã Địch, cả Chấc, xã Gồng, xã Lễ, v. v..

Vậy cha bàn soạn định chỗ đất cất nhà thờ, và trường học, cùng ký một sở đất Thánh yên xong, cha mới ra tiền bạc phụ giúp, lớp cha quyên tiền bạc trong họ mà mua cây ván cất nhà thờ ngói theo kiểu Annam, chỗ miếng đất trên vàm Rạch-nổ và làm trường học luôn tiếp; lại chọn một ít người cùng trong buổi đó làm thầy dạy học, như là thầy Điều, thầy Hậu, v, v.

Đến năm 1876-1877, Đức Giáo Tông Piô IX mở kho toàn xá Jubilêô, lúc ấy cha thối thúc bổn đạo làm nhà thờ vừa yên, thì cha ân cần giảng dạy cấm phòng toàn xá, và kiệu ảnh xung quanh nhà thờ vô tới đất thánh, cùng làm phép dựng cây Thánh giá bề cao ước chừng bốn năm thước tây, sự sắp đặt cũng long trọng xinh đẹp theo đời ấy.

Sau nầy cha cũng có lập thêm nhiều họ như là Thủ-đoàn, Bình-thành, Bình-nghị, Đăng-mỷ, cùng nhiều họ cha đã lập trước khi cha chưa về đến Lương-hoà.

Có lần kia cha nghe tin rằng: Quân ngụy sẽ nổi dậy đốt phá nhà thờ các nơi, và bắt giết kẻ có đạo hết, vì nó nói rằng: quân gia tô đàng nội theo tây. Cha nghe tin như vậy, mới bày kế biểu bổn đạo đào ao đắp lủy, xung quanh nhà thờ, dưới ao thì vạt dáo cặm xiêng, làm như cái đồn phòng ngừa quân nghịch.

Số là năm 1884 trên Cao-mên dấy ngụy, nên nhà nước Langsa kéo binh lên viện tiếp; lúc ấy lính ngự trại tại Saigon còn ít quá: khi ấy tên Nguyễn-văn-Bường thấy sơ lậu làm vậy, kéo cờ ngụy, tối Chúa nhựt mùng 8 Février, 24 tháng chạp năm Giáp-thân; quân ngụy ấy đem nhau tới Hóc-môn mà giết quan Đốc phủ Ca và đốt nha môn, nó cũng quyết giết bổn đạo nữa; nó đốt nhà thờ Hóc-môn lúc cha Thạch coi họ. Khi ấy cha Đoan cho tin quan Tổng-đốc-Lộc hay, quan Đốc lên phát cho một khẩu súng đồng, và mười lăm cây súng một lòng, để trước cữa nhà thờ mà ngữ, cùng dạy sắp đặt chức việc làng và việc họ đều phải canh giữ nghiêm nhặt, còn quan Đốc đi tầm soát các nẻo, nên kẻ dữ đều kinh khủng tiêu tan đi hết..

Nhờ ơn Chúa che chở sự chộn rộn đi qua. Kế ít lâu bổn đạo trong họ có thế làm ăn, và nhiều người đến ở lần lần thêm số bổn đạo nên đông; xem lễ trong nhà thờ đều chật hết; khi ấy cha mới toan tính như sau nầy.

Số là năm tây vô lấy Nam-kỳ (Năm ấy là năm 1858 tháng Septembre đến 16 Février, 3 chiếc tàu binh Langsa lần vô lấy đồn ngoài vàm, bữa 18 kéo lên Saigon.), khi ấy người ta ở Chợ-quán, Chợ-đủi, đều chạy bỏ nhà cữa hư hoang, kẻ mất người đi tứ tán: vậy năm 1862 cha Đoan còn ở Chợ-quán, cha xin nhà nước cho cha bốn cái đình bỏ hoang khi ấy. Nhà nước bằng lòng cho, nên cha mướn thợ hạ triệt đem về lọc lại làm nhà thờ Chợ-quán, tại miếng đất ngay trước cữa nhà bà Huyện Sáu bây giờ.

Đến năm 1888 cha Y (P. Errard) ở Bàrịa đổi về coi họ Chợ-quán và cha cất nhà thờ mới rồi.

Vậy lối năm 1892 cha Đoan lên Chợ-quán mà mua cây nhà thờ cũ khi xưa; lúc ấy cha sở Chợ-quán tính với quới chức bằng lòng bán cho họ Lương-hoà; nhơn dịp ấy cha Đoan lo tấn tới... mà làm nhà thờ lại cho nghi tiết rộng rãi hơn; vậy cha ra tiền bạc phụ giúp, lớp cha khuyên bổn đạo ra công rán sức ân cần rộng rãi mà làm việc cả thể cho có nhà thờ lớn, lúc ấy cha mướn người ta lên dỡ nhà thờ cũ Chợ-quán chở về mà lọc lại, cùng lo mua cây thêm và gạch ngói, mà làm nhà thờ, cha Đậu vẽ kiểu, và lúc đó cha Đậu lên ở phụ giúp nhà thờ với cha Đoan.

Khi ấy làm nhà thờ nửa chừng vì tiền bạc thiếu khuyết, nên cha phải đi phổ quyến các họ cho thêm mà làm thành việc cho dễ coi.

Vậy khi đó đã dựng nhà thờ lớn lợp ngói móc, mặt tiền xây gạch phong tô chỉ niển coi cách kiểu tây, mé vách cung thánh thì cũng xây gạch phong tô và lót gạch tàu nơi trong cung thánh mà thôi, thì đã đuối tiền bạc nữa, nên cha phải đình lại, nhưng mà có chỗ làm lễ đặng.

Lúc thiếu tiền không đủ làm vách hai bên, nên cha mua trần mà che đỡ, tuy là nhà thờ chưa được trọn lành mặc dầu, song buổi đó họ quê mà được nhà thờ ngói kiểu tây thì rất quí là dường nào. Lúc năm 1890 cha già Tuyết ở Phước-lý xin hưu trí về nghỉ tại Lương-hoà.

Lúc cha Đoan làm nhà thờ vừa yên, một ít lâu thì lại gặp sự may. Số là có một lần kia ông lái Triều thả bè cây theo sông Vàm-cỏ (Vaico oriental) trên Tây-ninh xuống lỡ nước ghé tại nhà thờ Lương-hoà mà xem lễ, rồi ra thăm cha, vì là ông lái quen biết cha khi ở họ Chợ-quán.

Vậy cha tiếp chào hỏi cùng truyện vãn với ông lái: cha mới than rằng: bổn đạo trong họ nầy, nhiều nhà ở xa quá, đánh trống có khi không nghe, chớ chi được cái chuông nho nhỏ, tiếng nghe xa có lẽ giúp bổn đạo nhiều hơn; ông lái nghe mấy lời cha than ghi nhớ vào lòng để đó.

Nguyên ông lái Phaolồ Lê văn Triều là người gốc ở họ Chợ-quán, thuở sơ phát lập họ Tây-ninh, thì ông đã lên ở đó đầu hết, tánh tình ổng lương thiện lắm, và hay làm việc lành phước đức nhiều nơi, nghe nói rằng: khi ông lên ở họ Tây-ninh ông đã lo lắng trong họ cùng dưng tiền bạc làm nhà thờ Tây-ninh là buổi cha Sĩ (Père Simon) coi họ lối năm 1887-1888, lúc đó ông ra tiền bạc mà xin cha sở Tây-ninh đặt ba cái chuông trộng mà dưng cho nhà thờ Tây-ninh để tiếng chuông kêu động trời mà nhắc lòng con nhà giáo hữu.

Vậy khi ông lái ngồi bè xuống ghé Lương-hòa thăm cha Đoan, ổng nghe cha than ổng động lòng, nên khi ổng bán hết cây trở về thuật truyền lại cho cha sở Tây-ninh nghe mấy lời: tính bớt một cái chuông để cho họ Lương-hòa; cha sở suy nghĩ rồi bằng lòng, nên khi ấy Lương-hòa mới được một cái chuông ông lái Triều dâng, (còn để hiệu là Tây-ninh hội 1887,) Đó là khi ông thả bè chuyến sau, ông lái chở cái chuông mà cho, và lại cho thêm ba cây dầu tròn, và một khúc sao chuôn, nên nhờ vậy cha Đoan tính mướn thợ đóng một cái bàn thờ thánh chắc chắn và khéo.

Vậy họ Lượng-hòa đã có nhà thờ và trường học xong rồi; cha mới định dở nhà thờ cũ lọc lại với cây ông lái Triều cho mà làm nhà thờ Bình-nghị và Bình-Thành.

Kế ít lâu cha Đoan nghe tin cha Khánh là anh cha thọ bịnh !... nên cha Đoan mới đem về mà lo lắng cho đến khi cha Khánh qua đời là năm 1898 và đã táng cha Khánh nơi đất thánh Lương-hòa.

Cha già Đoan đã lo cho bổn đạo chẳng những phần rỗi linh hồn mà thôi đâu; song cha lại còn lo cho bổn đạo kẻ đơn cô có thế làm ăn, cùng bày biến việc trồng trỉa lập vườn: trồng mía, trồng dâu, khoai gà, ổi tây, bòn bon, trái vải, kẻ nghèo cha lại giúp vốn; nói tắt một lời: việc làng họ thuở đó cha hay chỉ bày phân đoán dạy lẽ công, ai ai đều phải vưng kính lịnh cha, chẳng dám sai ngoa những đều chi hết, cha lại ra công dạy chữ nhu, ai muốn học cha sẵn lòng chỉ vẽ mọi đều, trong họ nầy cũng có nhiều người: như là ông trùm nhì Viên, và thầy hai Phước hãy còn bây giờ, khi trước cha cũng dạy chữ nhu cùng rước thầy phân ra án mạch. Cha có ý sau nầy có người biết làm thuốc mà giúp nhau; lúc ấy cha cũng sắm kệ bổ thuốc mà làm, để chữa người bịnh hoạn trong họ, có khi kẻ ở phương xa nghe tiếng cha làm thuốc có danh, nên nhiều người uống thuốc cha đều mạnh giỏi; các cha có đau đớn uống thuốc tây không chịu, thì cũng đến họ nầy tìm cha mà uống thuốc.

Như khi đó cha già Thành cũng hay lên nhiều lần mà uống thuốc cha Đoan có khi ở luôn năm bảy tháng một năm cùng giúp họ nữa.

Tuy cha Đoan coi sở chánh họ Lương-hòa, song khi đó cha đã cai nhiều họ nhỏ, như là: Bình-Thành, Thủ-Đoàn, Bình-Nghị, Rạch-chanh v, v.

Vậy đến năm 1895 cha Đoan già yếu xin hưu trí, đi nghỉ tại họ Tân-Định, cũng giúp cha Génibrel mà làm cuốn Tự vị lớn Anna-mite-Français và dịch ra nhiều sách trọn ba năm, sau cha trở về Lương-hòa cũng làm thuốc cho đến năm 1904.

III. Khi cha Đoan xin hưu trí thì Đức cha Để (Mgr. Dépierre) chọn cho Bửu thế coi họ đặng sáu bảy tháng. Kế cha đổi.

IV. Cũng trong năm Ất-mùi cha Gia ở họ Chà-và đổi về coi chánh sở họ Lương-hòa.

Lúc cha Bửu và cha Gia mới lên coi họ Lương-hòa quới chức và bổn đạo đến mầng cha: khi đó có Bà Thầy Bản già cả lắm ra xướng đọc thuộc lòng một Bài mầng đời xưa như sau nầy ..

Bài Mừng

 “Cúi cầu con lạy mầng cha, tình thương giáo hữu nhọc nhằn quí thể tìm đến họ nầy, chúng con bấy chầy bấy lâu khao khát, mừng đà khoái lạc mừng thấy mặt cha, mừng thảy mừng thay mừng thay là mừng; Mầng cha mới đến con mừng vô số, nguyện xin ơn Chúa, giúp cha sống lâu, sống cho bạc đầu, bạc râu răng rụng, xác hồn khoẻ mạnh, giảng đạo Chúa Trời, ngày sau hết đời, về quê Thiên Chúa, chịu lời phán hứa ớ con trung thần, cha sắm thiên đàng, để cho con thảo, đời đời vạn thọ hưởng phước vô biên, ớ cha trung hiền cha đã về đây lạy cha một lạy ...”

Khi cha Gia coi họ một ít lâu, cha thấy nhà thờ còn trống trải treo trần hai bên, và cánh sau chái chưa có, nên bất tiện. Qua năm sau cha mới ra tiền bạc phụ giúp, và khuyên bổn đạo rán nông sức với cha cho có đủ tiền bạc, mà làm cữa sổ và xây vách hai bên với mé sau, lại lót gạch tàu thêm từ cung thánh sấp xuống cho tất hết cả trong nhà thờ, còn hai bên hàng ba giam đó.

Cũng trong lúc ấy cha xin cha Bề trên Cao (P. Delignon) coi họ Chợ quán cho nhà phước lên dạy học. Vậy Bà nhứt Chợ quán chọn dì Thâm, dì Cang lên Lương-hòa dạy học trò trước hết.

Mọi việc an bài, cha lại lập vườn mướn người cuốc phát trồng trỉa mì, thơm, cau, mít, lại mua trâu, bò, làm ruộng bộn bề, cha làm vườn coi sung thạnh lắm, nên cũng có ích lợi cho nhà chung, bỡi vậy mỗi lần nhà phước nghỉ dạy về, cha cho thơm chở ém khoan đà khẩm lứ.

Kế ít lâu sau, cha cất một cái nhà cha ở một căn hai chái lợp tranh và mướn chẻ trúc đương líp làm vách, bốn phía coi cũng xinh.

Lúc đó Thầy năm Hiệp có cho nhà thờ một cái đèn Harmonium nhỏ, xong xuôi mọi việc ít lâu, cha xin Bề trên cho thầy đến dạy phụ giúp cha, mà lo đồng nhi rước lễ và chịu phép Thêm sức; khi đó có cha Cơ còn làm Thầy năm hay thầy sáu có đến dạy, sau cũng có cha Khánh làm Thầy năm về dạy nữa.

Đến năm 1901 Đức Giáo Tông Lêô thứ XIII, mở kho Toàn xá Jubilêô, lúc ấy cha lo ân cần giảng dạy cho bổn đạo cấm phòng mà chịu ơn Toàn xá; kế ít lâu cũng trong năm ấy lại đặng một ơn Toàn xá về Đức Bà thì có bày cuộc kiệu ảnh rất long trọng lắm, trọn ba bốn ngày; lúc ấy cha sắm thêm một cặp chơn đèn ba ngọn, và một cặp năm ngọn mạ vàng kiểu bên tây.

Có lần kia nhằm chiều Chúa nhựt 16 tháng ba Annam năm Giáp-Thìn, bị một trận bão rất dữ dằn khắp xứ ai ai đều cũng biết rõ; lúc ấy nhà cha Gia sập xuống rạch kế một bên, cha phải chạy lại nhà cha già Đoan mà ngụ, còn nhà thờ mé sau chái gió mạnh bay tốc ngói rớt xuống hết, vách tường mé xông sau bàn thờ chánh nứt răng đồ đạc hư hao đi nhiều, còn nhà cha Đoan xiêu. và tốc sấp nóc, hai cha chịu gió mưa lạnh một đêm tối bữa ấy; cách ít tháng thì cha Gia cất nhà cha lại cũng chỗ nền đó cho đến bây giờ, và sửa lợp mé sau chái nhà thờ, và hạ triệt vách tường phía sau cùng dọn dẹp an bài; kế ít lâu cũng trong năm ấy cha Gia lo về lễ Ngũ tuần cha già Đoan, khi đó cha Dược và cha Chiểu cùng các cha lo và bày cuộc lễ ấy; trong họ Lương-hòa từ thuở nay mới dọn lễ nầy là lớn lắm, vì cũng nói đặng các cha Bổn quấc xứ Nam-kỳ có một cha già Thomas Đoan hưởng lễ Ngũ tuần trước hết mà thôi..

Vui buồn đắp đỗi đà liên tiếp, ôi! chẳng bao lâu cha Đoan thọ bịnh nặng và qua đời ngày 30 tháng Novembre 1904 xác cha táng nơi nhà thờ Lương-hòa.

Cách ít lâu cha Gia mới tính rằng: nhà trường ở tại nhà thờ, mà từ thân trên Rạch ông đối xuống cho tới nhà thờ thì đường đi trên hai giờ đồng hồ; vậy thời con nít phía trên đi học xa quá: lúc ấy sẵn dịp cha mới mua một sở đất của Lê văn Bằng bán lại cho cha lối tháng Octobre 1905. Cha mới tính làm một cái nhà trường tạm, cất trên sở đất ấy, và cha chọn hai người làm thầy giáo dạy, khi đó thầy Kỳ và thầy Hoa dạy.

Vậy ít lâu nhà trường đã hư, nên cha mới tính lại rằng: để cho con nít đi học, mà sự nghe dạy bất tiện; vậy cha bãi trường ấy, và cha tính để sau sẽ làm hai nhà trường tại nhà thờ mà thôi.

Lúc cha đi biên sổ họ cha thấy bổn đạo đã đông có trên ngàn rưởi, cha vui mừng, khuyên bổn đạo về sự kính thờ Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu, nên lúc ấy bổn đạo đua nhau sốt sắng rước 1ễ thứ sáu đầu tháng có trên đôi trăm người giáo hữu như vậy thường, nên cha phải ngồi tòa làm phước luôn và lại thêm việc cho phải mệt nhọc lắm.

Có lần kia cha đi cấm phòng rồi, ngồi ghe đi luôn xuống Giồng rùm; rủi bị đổi tàu cản ngang bụng cha mạnh lắm, trong khi cha ra đứng trước mũi ghe, lúc đó bị gió và nước chảy mạnh quá cha trở đường không kịp, tưởng khi ấy cha phải chết; song nhờ Ơn Chúa che chở đổi tàu liền đứt rả ra nên cha mới khỏi chết; song từ đó về sau cha mang bịnh..

Kế ít lâu cha xin Đức cha (Mgr. Mossard) cho cha phụ giúp, vậy lối năm 1907 cha Trình lên giúp họ, khi ấy cha Trình sắp đặt chọn người làm Câu đồng, và Biện đồng nhi nam nữ đều có thứ tự lớp lang; cha Trình giúp họ đặng một năm thì cha đổi.

Đến sau cha Gia nhóm quới chức tính rằng: Bấy lâu nay mỗi năm, phải góp tiền mỗi nhà có con đi học, cho đặng có số bạc ấy mà trả tiền Dì phước dạy; có năm thì góp đủ, có năm thiếu cha phải châm vô; nay sẵn dịp Biện Trung chịu bán một sở đất dưới Rạch-nổ, (tục kêu là đất cù lao).

Vậy cha định góp tiền bạc cả trong họ mà mua sở đất ấy, lấy huê lợi thay vì tiền góp mỗi năm mà trả cho Dì phước dạy học trò, thì tiện hơn; nên từ đó về sau không góp tiền thầy nữa.

Trong lúc năm Mậu-Thân (1908) lại xảy ra một sự rủi, lối tháng ba tháng tư năm ấy, Dì Thi sấy cau, than đã bọn rồi; lúc bốn giờ chiều, Dì biểu học trò xúc tro bọn ấy mà đỗ nơi chái nhà trường mé hướng tây. Đến lúc sáu bẩy giờ tối bữa ấy; có gió nam thổi lòn vào đống tro, phún than đốm bắt qua vách nhà trường phát cháy quá lẽ: khi ấy có ông năm Đá quê ở Rạch-chanh lên bán chiếu lở nước đậu ghe trước cầu nhà thờ, ông thấy lửa phát cháy, chạy lên leo nóc nhà và tốc sấp nóc, song dây kẽm cột chặt ông làm không nổi bị cháy râu nám mình; ông có lòng tốt mà chữa không lại; khi ấy trống chuông nổi lên bổn đạo chạy tới đông vầy, mà chữa hết sức không nổi, lửa bắt qua cháy luôn nhà phước nhà kho, đều tiêu ráo; bỡi vì lúc đó vựa lúa cha để đở tại nhà trường, nên khi đã bổn đạo lo chữa vựa lúa và cái chuông tại trường học, lại lo đem đồ ra.

Kế ít lâu cha tính làm nhà phước lại, và cất nhà trường một căn hai chái lợp lá đóng vách thượng song hạ bản; cất phía bên hữu, ngang nhà thờ.

Đến năm 1910 cha Gia tính với quới chức khuyên tiền bạc lo mua cây ván bời lời mà làm tấm vách xông mé sau nhà thờ cho tử tế, lại đóng thêm la-phông trước bàn thờ chánh coi cho đẹp, mà sửa sang dọn lễ Tam nhựt kính các Thánh Tử Đạo; khi đó cha Đạt còn làm Thầy sáu có về coi dọn lễ, cha có vẽ một bức Á thánh Quí rất khéo, và dọn lễ rất long trọng lắm; lúc đó cha Tòng lên dự lễ, cha thấy bổn đạo đua nhau làm việc lành kính mến Trái Tim Chúa sốt sắng; đến sau cha cho một tượng ảnh Trái Tim bề cao trên một thước tây rất khéo bây giờ còn.

Kế ít lâu cha Gia tính quới chức mà rằng: cha Tòng đã cho họ Lương-hòa một ảnh Trái Tim lớn có khi gần trăm rưởi hai trăm đồng, cha đã gởi bên tây mua rồi.

Vậy quới chức phải tính làm sao góp tiền cho đặng mua một cái đèn Harmonium lớn mà ngợi khen Trái Tim Chúa; khi ấy đua nhau đậu tiền bạc kẻ ít người nhiều tùy sức mà đưa cho cha gởi mua bên tây một cái đờn, đờn ấy bây giờ hãy còn; đờn ấy cũng trên ba trăm đồng; lại cha mua ba cặp chơn đèn lớn xi vàng, và một ảnh Chuộc tội lớn kiểu bên tây..

Cách năm sau cha thấy bổn đạo thêm đông, ngày lễ cả xem lễ chật nhà thờ không chỗ đủ, nên cha tính dở tấm vách tường cữa cái nhà thờ, mà đem cữa cái ra nơi cung nguyệt mặt tiền, lại xây thêm một cái tam quang trước cữa mặt tiền kẻo mưa tạc, và luôn dịp xây gạch viền nền cùng lót gạch tàu hai bên hàng ba nhà thờ. Kế ít lâu cha lại mướn thợ lọc mấy cây cột nhà trường bị cháy nám hư đó mà bào sửa lại làm một cái nhà khách trước cữa nhà cha bây giờ hãy còn.

Đến năm 1912 cha Luật đổi về phụ giúp họ Lương-hòa, lúc ấy cha Luật ân cần lo lắng ngồi tòa giảng dạy, nên bổn đạo thêm số kẻ đi đầu tháng hơn bội nhiều, cha Luật đã ở giúp họ một năm, thì cha đổi đi Thủ-thiêm; kế cha Phanxicô Vàng (gốc ở Cái Nhum) đổi coi thế lại lối tháng Juillet 1913. Cha Vàng giúp họ Lương-hòa đâu chừng hai ba tháng cha đổi đi, vì cha bịnh yếu lắm.

Vậy lại tháng Octobre 1913 cha Tâm đổi lên giúp họ Lương-hòa, lúc ấy cha Gia lo làm thêm một nhà trường ba căn hai chái lợp lá, đóng vách thượng song hạ bản dưới lót gạch tàu, chừa bốn cữa; cất tại vàm Rạch-cụt lối cây bàng lớn. Kế cuối năm sau cha Gia đau đi nằm nhà thương; khi ấy cha Tâm lo lắng dạy đồng nhi rước lễ và chịu phép Thêm sức.

Vậy lối tháng Février 1915 cha Quờn đau mới khá về dưỡng bịnh tại Lương-hòa cho tới tháng Mars thì Đức cha định cha Quờn giúp họ luôn; còn cha Tâm đổi đi Phú-Thuận..

Cha Quờn ở giúp họ một ít lâu lại xảy một việc: Số là mấy năm giặc cả thể Đại-Pháp chinh chiến với Alơmăn thì quân ngụy tùng dịp mà làm sự tác tệ nơi Sàigòn, Chợ lớn, lúc ấy nhà nước Langsa tầm bắt mà xử tử chết bắn cũng nhiều, còn các nẻo nó dán giấy hăm dọa, nên làng phúc bẩm quan chánh hay; truyền cho làng phải lo siêng năng tuần túc.

Khi ấy cha Gia lên tỏ bày cho Đức cha rõ; Đức cha cho mượn năm sáu cây súng đem về phòng ngừa quân nghịch; lúc ấy cha Gia lo thôi thúc bổn đạo thay phiên canh giữ nhà thờ, còn cha Quờn sắp đặt tập binh thơ đồ trận mà đi tuần túc trọn hai ba tháng; có lần kia lúc 12 giờ khuya, cả xung quanh chơn trời đều sáng đỏ ghê sợ, nên bổn đạo thấy vậy, mới leo lên cao ngóng coi thấy lửa đỏ bốn phía hòng tới, khi ấy tưởng kẻ nghịch gần đến; cha Gia lo sợ! kêu tên chầu nhưng là danh Chắc rửa tội hồi một giờ khuya, lúc ấy cha Quờn biểu bổn đạo cứ việc tấn tới coi thế nào đừng sợ, ai ngờ giống gì không rõ, tùng dịp mà làm sự tác tệ làm vậy, nên bổn đạo đều rõ chẳng sợ, cứ việc lo canh tuần y như cựu lệ..

Nhờ ơn Chúa che chở, chẳng bao lâu sự chộn rộn đã qua; cha Gia mới tính mở thêm một nhà trường nam, cất đối ngang với trường nữ, nên lúc ấy cha Quờn đứng coi làm nhà trường, cũng cất ba căn hai chái lợp lá, trên đóng mành mành, dưới đóng ván tấp và lót gạch tàu chừa bốn cữa, cất trường ấy kế mé sông, ngang nhà cha sở.

Vậy họ Lương-hòa thuở trước là rừng bụi và ít kẻ có đạo; rày đã đông người giáo hữu, và nhiều người dâng mình đi tu nhà trường Latinh, nhà dòng Cái-nhum, kẻ đi nhà phước Chợ-quán, người đi nhà phước Cái-nhum, nhà-trắng, nhà-kín; lại họ nầy đặng hai ông Thầy cả, là Phaolồ Đoàn thanh Xuân và cha Raphae Nguyễn minh Linh, một ít lâu đây sẽ đặng một thầy cả nữa.

Lối năm 1916 -1917 quan chánh tham biện L'helgoualc'h Chợ-lớn định đào kinh cũ bên Rạch-tra trổ vàm ra sông (Vaico oriental) cho xuôi nước; khi ấy quan Trường Tiền lên phóng cặm bông tiêu ra vàm Rạch-nổ, lúc đó cha Gia xin quan Trường Tiền 1ấy lòng thương xót dời nới lên, vì cha sợ đất nhà thờ chẻ ra, và lại đất thánh phải hư hại; khi ấy quan Trường Tiền lấy lòng rộng rãi thương xót chế nới lên trúng nhằm sở đất bà Cơ (Bà già Thầy Phước.)

Vậy trong năm ấy chiếc xáng đem lên đào phủng xong yên, thì tưởng rằng: khi đó cha Gia lên Đức cha mà bày tỏ việc cách trở bất tiện về sự con nít phía trên đi học cách giang đò qua kinh sáng, nhiều khi phải hiểm nghèo lúc sóng gió.

Cách ít lâu Đức cha Tôn (Mgr. Quinton) lên xem xét sổ Bổn đạo phía trên phần đông hơn mé dưới, nên phải cất một nhà thờ chánh trên nầy, vì nhà thờ cũ phía dưới đã lún gần hư.

Vậy cha Gia xin Đức cha định cất nhà thờ phía trên tại chỗ đất Lê văn Bằng bán lại cho cha lối năm 1905 đó.

Khi ấy Đức cha bắt từ đất nầy đi bộ xuống cho tới kinh Lanh-quách mà độ đường đất chia hai; phải cất nhà thờ nơi giữa bổn đạo mới tiện, rồi Đức cha xin nhóm quới chức mà hỏi riêng từ người, Đức cha định như vậy: quới chức bằng lòng hay là phải theo ý cha sở ?.

Khi Đức cha hỏi thì để trên bàn một hộp đạn chì, chờ cho mỗi người thưa trả lời riêng, thì Đức cha lấy ra từ viên đạn, khi ấy mỗi người đều thưa rằng: Việc bề trên nhứt định lẽ nào thì chúng con xin vưng theo ý, song chúng con tưởng rằng: cất nhà thờ phía trên giữa bổn đạo, chắc bổn đạo mỗi người đều vui lòng hơn; vậy Đức cha nắm mỗi viên đạn ấy và đưa cho cha sở coi mà nói rằng: Mỗi viên đạn bằng lòng hết, khi ấy cha sở không hiểu, Đức cha mới nói rằng: mỗi ông chức việc đều rập một tiếng muốn cất nhà thờ nơi giữa họ..

Yên việc mới nhứt định mua một sở đất ông chủ Long, song có đều bất tiện, mới dời xuống sở đất ông Tấn và một sở đất Biện Bường, hai chủ nầy chịu dâng và bán cho nhà thờ.

Mỗi việc xong, Đức cha định cha sở phải lên coi làm nhà thờ, khi ấy cha sở buồn vì sau này sẽ phân rẽ con cái mình ra, thì Đức cha định cha Quờn lên coi làm nhà thờ, và nhà trường nơi đất mới mua đó.

Lại Đức cha cắt nghĩa rằng: không phải là chia họ Lương-hòa đâu, nhơn vì đường đất đã dài, nên phải có hai nhà thờ và trường học, cho tiện bề bổn đạo xem lễ và con nít đi học cho khỏi cách giang đò; nhưng mà phải chọn số bổn đạo phần đông hơn từ kinh Lanh-quách sấp lên nơi giữa họ mà cất nhà thờ lớn, gọi rằng là nhà thờ chánh sở; đến sau Đức cha cắt nghĩa thêm mà rằng: Tuy là một Lương-hoà, song phải thêm hai tiếng thượng, hạ, cho hiểu.

Mọi việc yên xong, cha Gia định cho một trường học cất tại vàm Rạch-cụt, lại một trường học cất một căn hai chái lối bên hữu ngang nhà thờ.

Vậy cha Quờn biểu bổn đạo Lương-hoà (Thượng) xuống hạ triệt hai trường học chở về nơi đất mới mua, lúc ấy cha khuyên bổn đạo họ trên phải lấy lòng rộng rãi ra công và ra tiền bạc kẻ ít người nhiều mà trả bạc đất, và có dư thì phụ trợ nơi Tái tạo thánh đàng.

Trong khi ấy cha Quờn định cất nhà trường lớn dựng lên và đốn cau phụ thêm hai ba căn nữa, để làm nhà thờ tạm; còn nhà trường nhỏ cất kế đó để cho Dì phước ở, lại cha mua cây thêm làm một trường học ba căn hai chái nhỏ lợp lá, lại đóng ba bàn thờ và bàn dậm; sắp đặt vừa yên, đến ngày Chúa nhựt bổn đạo tới xem lễ thấy như vậy mỗi người đều động lòng ra nước mắt.

Khi đó có cha già Thơ lên ở đỡ sau chái nhà thờ với cha Quờn. Cách ít tuần lễ bổn đạo thấy vậy, mới đem đồ dâng cúng cho nhà thờ: như là ông câu Danh dưng một tượng ảnh Đức Bà môi khôi, bề cao ước chừng sáu bảy tất. Tám Kiều dâng ảnh chuộc tội đồng, và một cặp chọn đèn ba ngọn, một cặp năm ngọn. Bà năm Mừng cho đôi cây vải bông.

Sau thầy Lân đi lên Cầu-kho viếng thăm mấy người quen biết và than... cùng thuật chuyện nhà thờ mới tạo, và xin lấy lòng thương xót nhà thờ, nên mấy người quen biết ấy động lòng dâng cúng tiền bạc cho nhà thờ trên cũng bội nhiều. Thầy Lân liền biên vào sổ, và đem tiền bạc ấy về trình cùng cha Quờn rõ; khi ấy cha có viết thư trả lời và cám ơn mấy người dâng cúng.

Nhờ tiền dâng cúng ấy Thầy Lân làm số xuất mua vải may cờ cùng ren may màn. Ba cặp chơn đèn thạch cao mạ vàng kiểu tây, và bản cờ, lại một tượng ảnh Trái Tim, và một tượng ảnh ông thánh Giuse.

Vậy khi Thầy Lân đem về tới, thì ông Hương Duơn thối tiền mà dâng ảnh Trái Tim, còn Biện Lý dâng ảnh thánh Giuse cho nhà thờ cùng trả bạc lại cho cha Quờn, vậy số bạc ấy còn; nhờ đó nên cha cũng sắm thêm một ít món đồ cần kíp cho nhà thờ khi đó luôn.

Kế ít lâu cha cất nhà cha ở, làm ba căn hai chái, trên đóng mành mành, dưới đóng vách tấp, lót gạch tàu, nhà ấy bây giờ còn đó.

Vậy lúc sau cha ra bạc mua ba cặp chơn đèn lớn bằng đồng xi vàng, và một ảnh chuộc tội, kiểu tây, còn Biện An dâng một Hào-quang, Bà Biện Bường dâng khăn choàn làm phép lành, và áo nhà tạm.

Qua năm sau cha xin bổn đạo lấy lòng rộng rãi đến giúp công cuốc đất nhà thờ đặng trồng mía, sau bán lấy huê lợi đặng làm nhà thờ. Vậy khi cha nhứt định sửa sang chọn chỗ đất cất nhà thờ lớn thì cha có biểu thầy Lân vẽ một tấm (Plan) gởi cho Đức cha coi, ưng chịu.

Đến năm 1921 Đức cha Tôn (Mgr. Victor Carôlô Quinton) lập Hội Tái-tạo-thánh-đàng-bần-tiện, vậy Đức cha phán chỉ cất nhà thờ Lương-hoà (thượng) thì Đức cha định xuất bạc Hội ấy hai ngàn đồng (2000$) mà cho nhà thờ, và hễ làm nhà thờ yên rồi, thì mỗi năm phải làm lễ cho hội ấy theo luật chỉ.

Vậy khi cha Quờn đặng tin Đức cha thì lúc ấy cha lo mua tràm biểu bổn đạo đóng cừ vừa rồi, lại mua súc vên vên mướn thợ cưa để liệt địa trên đầu cây cừ xong, kế ít lâu xảy ra một việc đáng buồn!

Số là cha Gia thọ bịnh đau nặng, nên cha Quờn phải lên xuống mà lo giúp cha cho đến ngày 12 tháng Mars 1920 thì cha Gia qua đời! xác cha táng tại đất thánh Lương-hoà.

Vậy từ ngày cha Gia qua đời rồi, thì cha Quờn phải lên xuống làm lễ ngày Chúa nhựt trọn năm tuần, cho đến ngày Đức cha định cha Quờn trở xuống giúp coi Lương-hoà (hạ) là ngày 14 Avril 1920.

V. - Trọn một ngày cha Tròn ở Giồng-Rùm đổi lên coi họ chánh sở Lương-hoà.

Cách ít lâu thì cha Tròn lo mua tre đóng cừ nối tiếp nền nhà thờ, lại nới thêm rộng và cha mua vôi, cát, đá, mướn thợ xây nền, cùng đặt người chở đất đắp nền nhà thờ, vừa xong là lối năm 1921; vậy số làm ấy, lớp cha ra tiền bạc, lớp cha khuyên bổn đạo một ít, lớp cha xuất tiền nhà chung, lại khi đó cũng có cha Lộc (Guéguend) phụ giúp nữa. Cùng lúc ấy cha tính Quới chức đặt Lái Tây-ninh bè cây chò-chỉ; kế ít lâu cha Xuân sẵn lòng lo phụ giúp về việc cây cha chọn tốt hơn, nên cho biểu hồi lái Tây-ninh; Hay đâu mấy năm ấy cha phải sự rủi ro chẳng thành như ý cha sở nguyện.

Khi cha Quờn giúp họ Lương-hoà (hạ) kế ít lâu Đức cha định cha lo mướn thợ hạ triệt nhà thờ cũ lúc hư yên xong, cha biểu thợ lấy cây nhà thờ cũ lọc lại nối thêm hai ba căn liên tiếp nơi nhà trường cất kế mé sông bên nhà cha sở đó, và lấy ngói cũ lợp lại nhà trường, để làm nhà thờ tạm, và dọn dẹp sắp đặt an bài.

Đến năm 1922-1923 cha đổi đi coi họ Mỷ-hội, kế cha Diên về giúp họ Lương-hòa (hạ). Đến năm 1923-1924 cha Tròn ra tiền bạc mua cây mướn thợ làm một nhà trường năm căn hai chái, trên đóng mành mành, dưới đóng ván tấp; song năm ấy cha phải sự rủi ro lại thêm đều bất tiện; nên ít lâu cha tính rằng: Nhà thờ tạm mé bên nhà phước đã hư; vậy cha lo mua cây mướn thợ nối thêm nhà trường năm căn cho ra rộng rãi để làm nhà thờ tạm.

Còn nền nhà thờ lớn đã xây rồi giam đó; để nhượng cây làm nhà thờ Lương-hoà (hạ).

Khi cha làm nhà thờ tạm lại rồi, cha ra tiền bạc mua một tượng ảnh Trái Tim lớn, và một tượng Đức Bà, với một tượng ảnh thánh Giuse, và hai ông Thiên thần, bây giờ để chầu Chúa trên bàn thờ chánh, lại mười bốn chặng đàng, và mấy lá cờ treo có hình, lại 8 cái đèn treo. Còn tám Kiều dâng một bộ hài đồng lớn.

Kế ít lâu cha tính quới chức khuyên bổn đạo lấy lòng rộng rãi ra tiền bạc cha mua cây ván mướn thợ đóng ghế dài cho bổn đạo tiện bề xem lễ.

Số bổn đạo họ Lương-hoà rày đã thêm người giáo hữu sở trên đặng 1500 người; sở dưới đặng 1050 người.

Vậy họ Lương-hoà mới đây lại đặng gặp sự may: Số là năm 1927 cha Phan lấy lòng rộng rãi thương xót cho một cái chuông thuộc về nhà thờ trên; còn Bà năm Tuy là em cha, ở họ Cầu-kho, Bà lấy lòng rộng rãi thương giúp cho một cái chuông thuộc về nhà thờ dưới; hai cái chuông để tiếng kêu động trời mà nhắc lòng con nhà giáo hữu.

Khi cha Diên về giúp họ Lương-hoà (hạ) thì cha lo trồng mía mà bán; lớp cha làm lò đường cho có huê lợi làm nhà thờ, song mấy năm ấy sự mua bán chẳng đặng thạnh mấy nhưng mà cha cũng nông sức lo và thối thúc quới chức, bổn đạo, ân cần lo lắng với cha, từ hôm tháng Janvier 1926 khởi sự nhứt định lo làm nhà thờ.

Lúc ấy cha đã tính với quới chức sang cây nhà thờ trên đem về cùng lo đóng cừ xây nền xong, cha giam nghỉ ít lâu.

Vậy đã bước qua năm 1928 thì cha lo tấn tới dựng nhà thờ xây gạch phong tô, mặt tiền nhà thờ rất tốt; cha Đạt vẽ kiểu và coi phụ giúp với cha.

Đến năm 1929 Đức cha định cha Tròn đổi coi họ Lái-thiêu.

VI. - Vậy ngày 30 Juillet cha Luật ở Phước-khánh đổi về coi chánh sở họ Lương-hoà.

Khi cha ở yên rồi thì cha đi viếng họ, cũng khuyên lơn trong họ lo về việc làm nhà thờ lớn, vì cái nền làm đã lâu.

Đến ngày Chúa nhựt mùng 8 Septembre cha xin nhóm đại hội mà khuyến tiền bạc cùng đọc tờ cổ động thúc giục giáo hữu lo ân cần hiệp ý với cha cho đặng làm nên việc.

Vậy ngày mùng 3 Novembre 1929 thì cha lo mua cây cột chò, và các thứ cây, cùng gạch, cát, đá mua sẵn rồi...

Còn cha André Diên đã làm nhà thờ Lương-hoà (hạ) vừa yên kế cha đổi đi coi họ Tân-qui; ngày 25 Mars 1930 thì cha lìa họ.

Kế Đức cha định cha Giude Khánh ở nhà trường Latinh đổi về thế giúp họ Lương-hoà (hạ) là ngày 28 Mars 1930.

Chung.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1930

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét