GỐC TÍCH HỌ HỰU THÀNH
---------------
Họ Hựu-Thành đã sáng lập
trên bốn chục năm nay, rày mới thạnh hành tấn phát.
Tiên khởi trào cha Phụng
(Fougerouse) thọ lãnh coi họ Mặc-Bắc 1ối năm 1887, thì có vài ba làng thuộc về
Tổng Thành-trị (Cần-thơ) mỗi làng độ chừng mười lăm hai chục nóc gia, đến Mặc-bắc
xin theo đạo Thiên Chúa.
Cha bèn lo tính cùng Đức
Cha Colombert và Cha Thiriet, là bề trên nhà trường Latinh cho thầy đến dạy. Bề
trên tính xong cho thầy tư Khánh, là Cha sở đương kim họ Cầu-Kho, đến dạy tại Rạch-tra,
thuộc về làng Tích-Khánh, sau có thầy tư Kinh đến thế, song chưa rửa tội đặng
người nào thì đà tan nát.
Còn làng Vĩnh-thuận thì bề
trên cho thầy Lê-hiền-Lắm đến giúp, và làng Long-thành, bây giờ kêu Hựu-thành
thì về phần thầy năm Trường dạy.
Sau khi thầy Lê-hiền-Lắm
thọ quờn Chánh tế, thì Đức Cha sai ngài giúp Cha Fougerouse tại Mặc-bắc cùng
lên xuống coi hai họ Hựu-thành và Vĩnh-thuận, Lúc ấy tôi mới ra nhà trường, nên
theo ở học trò giúp ngài.
Khi thầy Năm Trượng về
nhà trường, thì bề trên cho thầy Tư Chữ xuống thế. Cách ít lâu Cha Lê-hiền-Lắm
lo rửa tội Vĩnh-thuận hơn vài mươi và Hựu-thành được vài chục. Kế mãn kỳ thầy tư
Chữ về nhà trường, thì bề trên cho thầy hai Nghị đến thế. Lúc ấy tôi đặng 17 tuổi,
nên Cha kiếm một trò giúp lễ thế cho tôi là trò Antôn Luật, sau Cha cho đi nhà
trường, khi làm thầy cả xuống dạy tại Hựu-thành, Còn phần tôi bỏ ra lo việc cơm
nước cùng việc nhà.
Từ buổi thầy hai Nghị trở
về nhà trường, thì không có thầy nào đến thế. May gặp thầy bảy Nhan là thầy Giảng
hồi hưu, Cha Lê-hiền-Lắm rủ lên Hựu-thành dạy thế thầy hai Nghị và làm ruộng
chút ít sanh nhai.
Bỡi họa vô đơn chí, phước
bất tùng lai, Cha con lên xuống cũng không thấy tấn phát. Nhờ có một người kia ở
Chợ-Quán xuống Cần-thơ lập cơ chỉ tại Tham-tướng. người nầy là bản sở với Cha Lắm,
lại có vốn, nên Cha tạm mượn ít nhiều bạc và lúa, đem về giùm lúa cho chầu
nhưng ăn, lớp lo đắp nền nhà thờ. Ai ngờ nhơn nguyện như thử mà thiên ý vị
nhiên, Cha bèn trở về Mặc-Bắc.
Đây tôi xin kể lại những
đấng có công khó với họ Hựu-thành,
1.
Thầy năm Trượng lo cất nhà thờ cùng dạy dỗ
sau trở về nhà trường chịu chức sáu, chưa kịp chịu chức thầy cả thì đã ly trần.
2.
Thầy tư Chữ xuống thế thầy năm Trượng, đến
sau trở về nhà trường lâm bịnh, hồi quê tại Búng ở một mình trót đời cho đến
khi quá vãng.
3.
Thầy hai Nghị là anh ruột cha Khánh đến
giúp Hựu-thành, khi trở về nhà trường thọ chức ba, kế lâm bịnh trở về Mặc-bắc,
sau từ trần cùng an táng tại đó.
4.
Cha Lê-hiền-Lắm quê ở tại Búng, khi chịu
chức sáu dạy tại Vĩnh-thuận và khi thọ quờn chánh tế về Mặc-bắc, lên xuống coi
hai họ Vĩnh-thuận và Hựu-thành. Khi thấy sự bất thành, Cha xin Đức Cha
Dépierre đổi về Rạch-Lọp sau cũng qua đời,
5.
Thầy bảy Nhan, thầy dòng Cái-Nhum hồi hưu
quê ở Mặc-bắc, theo giúp Cha Lắm tại Hựu-thành, sau có đôi bạn về Rạch-giá lo bề
sanh nhai.
Qua năm 1890, lối tháng Avril,
Cha Desseaume (Nguơn) đến làm Cha sở họ Bông-bót, từ đó sấp về sau, hai họ Hựu-thành
và Vĩnh-thuận sát nhập về phần sở họ Bông-bót coi sóc. Ngày 1ụn tháng qua Vĩnh-thuận,
Hựu-thành vẫn còn hư nát cho đến khi cha đi.
Qua tháng Décembre 1895 bề
trên dạy cha Ignatiô Thích đến thế; khi ngài tới nghe lại công lao khó nhọc các
thầy và mấy Cha lo Hựu-thành, thì ngài thân hành đến đó dụ dỗ bổn đạo chầu
nhưng, ngài chẳng nệ tổn của lao công, lớp treo điền mua đất giúp bổn đạo, lớp
lo cất nhà thờ xin thầy đến dạy.
Lịnh trên sai thầy Antôn
Luật, là cha sở đương kim họ Lương-hòa-thượng, lúc làm thầy đến dạy tại Hựu-thành.
Cha Ignatiô những ước mong lập lại họ mới, song thấy bất thành, nên Cha đành trở
mắt, lo bán đất lại cho kẻ khác kế Cha đổi đi. Qua năm 1901, lối tháng Novembre,
Bề trên cho cha Boismery đến coi họ Bông-bót tới cha đổi đi, thì Hựu-thành vẫn
còn y nguy chưa ra sao.
Lối tháng Octobre 1904
Cha De Coopman đến coi họ Bông-bót, khi ấy bên Hựu-thành nghe nói có bè “Thiên-địa-hội”
gọi là hủi; trong dân ai không theo nó thì phải bỏ xứ, còn bổn đạo thì bị áp chế
khó bề sanh huợt, túng phải tìm phương tẩu thoát, chỉ còn sót gia thất ông
Võ-văn-Vàng, cũng người có đạo khôn ngoan mưu trí, song chịu không thấu, nên buộc
lòng cầm điền cố đất mà đi ẩn ánh cả đôi ba năm. Đến sau ông trở về chuộc đất,
thì trong làng bầu cử ông làm Hương Quản.
Thừa dịp khử trừ, nên ông
soát trong làng cùng hai bên kinh cho biết bè thiện-địa-hội; đoạn ông xuống Bông-bót
tỏ đầu đuôi bọn ấy cho Cha De Coopman; ngài mới rõ bỡi bè rối nầy làm cho con
chiên phải tan tác. Cha bèn chạy giấy lên quan chủ tĩnh Cần-thơ, xin cho cò bót
cùng lính tráng chực hờ từ Trà-côn, Trà-ngoa, Hựu-thành và Thạnh-phú, đoạn chỉ
đâu bắt đó, cũng như bắt cọng sản đời nay; bè hủi tan tác, trong làng mới an.
Nhờ Cha De Coopman phụ lực, nên trong làng bàu cử ông Võ-Văn-Vàng làm Xã-trưởng
cùng đặng sắm súng, song chẳng bao lâu Cha đổi về Rạch-lọp.
Qua tháng Septembre 1906,
bề trên cho Cha Thaddée Phi đến giúp họ Bông-Bót, trong vòng sáu bảy năm, nhưng
Hựu-thành vẫn còn biệt tin cho đến khi ngài đi.
Lối tháng Août năm 1913,
bề trên cho cha Boxberger đến coi họ Bông-bót, kế nhằm lúc đại chiến “Pháp-Đức”
năm 1914 tới 1918. ngài ra thân giúp nước về Tây, sau đã tử trận tại chiến trường.
Đến tháng Juillet 1914, lịnh
trên sai Cha Phêrô Cần đến nhậm họ Bông-bót, trong khoảng chín mười năm, cũng
không nghe nói tới Hựu-thành.
Khi Cha Phêrô đổi về
Cái-đôi thì bề trên dạy Cha Ignatiô Thích trở lại một lần nữa, lối tháng Août
1923, song cũng chẳng nghe nói tới Hựu-thành tới khi ngài đi,
Qua tháng Janvier 1924, Đức
cha cho cha Micae Giàu đến làm sở họ Bông-bót; khi ấy ông Võ Văn Vàng đến xin
cha lập lại họ Hựu-thành, vì có nhiều kẻ muốn giữ đạo. Cha sẵn lòng, luôn dịp
có cây nhà thờ cũ Bông-bót mới dở ra, ngài đem qua Hựu-thành dựng trong đất ông
Võ-văn-Vàng; đoạn cha xin thầy Latinh đến dạy. Bề trên cho thầy Phanxicô Nhơn
là cha phó, tại Mặc-bắc bây giờ, lúc còn làm thầy đến dạy. Cách ít lâu cha
Micae gỡ rối cùng rửa tội gần hai mươi người. Khi cha Micae đổi về Lagi rồi,
thì bề trên cho cha Giuse Thơ về nhậm họ Bông-bót, lối tháng Avril 1929. Trong
khoản ba năm, cha qua lại Hựu-thành, những thấy bất kham một ngày một lụn, nhà
thờ rách nát, đạo hạnh lôi thôi, nên cha ngã lòng sai người qua dỡ nhà thờ chở
về Bông-bót. Vậy Hựu-thành từ đó tới giờ trên 40 năm nhưng chưa thạnh hành tấn
phát.
Nào hay ngày nay là ngày
“Nước Cha trị đến”, là ngày lương tâm mỗi người chốn nầy thúc giục ai ai phải
lo khảo cứu phần rỗi mình. Vậy lúc tháng ba Annam 1931, có ít người chốn nầy đến
cùng cha Giuse mà xin vào sổ giữ đạo, cha bèn lo cây tạo lập nhà thờ, xin thầy
đến dạy, từ đó về sau sổ người vô đạo thêm tính gần hai trăm. Khi ấy dân sự
Trà-mẹt cũng đua nhau đến xin vào đạo; cha chẳng nệ hao công tốn của, mau mau
lo cây cất nhà thờ. Đoạn Bề trên cho thầy Thaddée Tích đến dạy tại Hựu-thành;
còn Trà-mẹt thì cha sở cậy thầy Jean Baptiste Thới dạy tạm ít lâu, đặng cha xin
Thầy Cái-nhum đến. Lối tháng Mars 1932, cha Bề trên gởi hai thầy xuống dạy hai
họ mới, là thầy Léon và thầy Philippe.... Nhưng bỡi cha yếu bịnh nên lịnh trên
cho cha Phanxicô Quờn đến thế coi họ Bông-bót cho ngài đi nghỉ, nay ngài coi
sóc họ Tây-ninh.
Lối tháng Janvier 1933
cha Phanxicô thọ lãnh quờn làm bổn sở họ Bông-bót, thì phần sở cha coi là họ
Kinh-long-hội và hai họ mới Hựu-thành và Trà-mẹt.
Từ ngày cha tra tay vào
gánh, thì lo nông trang các thầy dạy dỗ, cùng khuyên bổn đạo chầu nhưng ân cần
học đạo, đặng cha định ngày cho rửa tội. Bỡi nhờ lòng sốt sắng các thầy, và
lòng siêng năng bổn đạo mới; nên chẳng bao lâu thấy sự tấn phát, cha bèn định
ngày 20 và 21 Juin 1933 rửa tội cho chầu nhưng Trà-mẹt, Hựu-thành. Đáng nhớ
thay công khó cha Phanxicô, từ ngày lãnh coi hai họ mới, thì thường qua lại an ủi
con chiên lạc, lớp lo sắm vật kia vật nọ cho họ mới. Nhứt là từ buổi ngài định
ngày rửa tội cho hai họ, thì ngài càng lo hơn nữa, nào là lo chạy tiền bạc cho
đặng tán thành cuộc lễ, lớp lo mua vải bô để phân phát cho những chầu nhưng
nghèo, đến đỗi quên ăn quên nghỉ, nói tắt một đều là công lao khó nhọc của ngài
nên tích nhớ nghìn thu.
Đây
tôi tin nói qua cuộc rửa tội tại Hựu-thành. - Chiều ngày 19
Juin, bổn đạo các nơi, nào là Bông-bót, Kinh long-hội và Mặc-bắc, tề tựu đủ tại
Trà-mẹt đặng giúp cầm đầu. Qua ngày 20 Juin, nội buổi sớm mai, cuộc rửa tội
Trà-mẹt đã hoàn thành, và mọi người đã dùng bữa xong, thì lải rải kéo nhau xuống
Hựu-thành, vì còn giúp cầm đầu ngày 21 Juin tại đó. Phần các cha còn tạm nghỉ tại
Thánh đàng Trà-mẹt, lối ba bốn giờ chiều, có xe hơi đưa xuống.
Khi xe các cha vừa đến
nơi, thì trống phách pháo lói nổi lên vang lừng, có bọn tài tử Annam trổi giọng
chào mầng rước các cha. Nhà thờ thì thấy dọn rực rỡ nguy nga. Trước thánh đàng
dọn hai nhà tiệc đối diện hai bên, cả hai đều tô điểm trang hoàng, cờ xí bông
hoa, thảo long khuông biển, lớp chữ, lớp bông, lớp vẽ rồng phụng theo kiểu kim
thời.
Đáng khen cho người sắp đặt,
mỗi món đều đối nhau. Trước hai nhà tiệc có cửa tam quan, chính giữa để ảnh Đức
Bà, chung quanh kết giồi bông hoa khéo léo. Hai bên song môn: nào là khuông biển,
lớp dùng chữ Hán, lớp chữ quấc âm; bên mầng Thánh tẩy đại lễ, nọ chúc vạn tuế
cho hội Giáo công. Từ năm giờ chiều sấp về tối, các nẻo đàng, bên nầy sông và
bên kia sông, kẻ lương người giáo, lớn bé trẻ già, dắc nhau đến Thánh đàng dự lễ.
Ngó xuống mé sông, xuồng ghe ken nhau chật nứt như bến chợ. - Mặt trời vừa khuất,
thì thánh đàng và hai nhà tiệc đèn thắp lên sáng trưng. Trong nhà thờ nào là đờn
Harmonium và đờn Violon trổi giọng chào mầng quí khách.
Đúng bảy giờ sau khi nhựt
một, các cha dùng bữa tại nhà tiệc, cũng đãi luôn bổn đạo gần xa đến tán thành
cuộc lễ. Trong buổi tiệc có Orchestre Mặc-bắc giúp vui, hòa nhiều bài rất nên để
ý.
Đang khi các cha cùng quí
khách dùng bữa, tai nghe tiếng trống cùng đồng la thúc giục, tưởng cuộc múa
lân, mắt trực thấy đèn đuốc sáng trưng, nghe lại là họ mới Thới-hòa, chưng thủy
lục cùng lễ vật hiến cho họ mới Hựu-thành, tỏ lòng mầng nhau như long-vân ngư
thủy. Tức thì trống pháo nhà thờ nổi lên chào bạn đồng giáo, có lòng chiếu cố đến
nhau; đoạn mời luôn nhập tiệc. Tiệc rồi xin giải tán vì ngày mai còn mệt.
Qua bữa sau còn đông hơn
nữa, từ rạng đông cho tới sáng: ngó qua Trà-mẹt và Trà-côn, nào là trẻ già lớn
bé, y phục đoan trang, băng ngang đường đồng qua Hựu-thành xem lễ.
Từ bốn giờ sấp về sáng,
các cha toan làm phép rửa tội thay nhau làm lễ cùng lót lòng trước. Đến 5 giờ,
trống nhà thờ nổi lên, bổn đạo đâu đó lần lần tựu tới; đoạn lo sắp hàng thứ tự,
đồng nhi nam về phần Cha Giuse Hai rửa, đồng nhi nữ về phần cha Trà-ôn, Còn người
già và kẻ có đôi bạn về phần cha sở Mặc-bắc rửa. Chầu nhưng chịu phép rửa tội cả
thảy 116 người, Đang khi rửa tội tới kinh Tin kính, đồng nhi Bông-bót xướng
kinh J’engageai và khi rửa tội rồi
hát kinh Je suis Chrétien.
Khi đã huờn tất các cuộc,
thì đờn Violon và đờn Harmonium trổi giọng hân hoan, chúc mầng cho hội Giáo
công. Đoạn cha sở Bông-bót ra làm lễ nhạc theo Octava Mình Thánh Chúa. Trong
mùa lễ đồng nhi Bông-bót và mấy người Mặc-bắc cùng hai thầy dòng phân câu hát
cho tới mãn lễ.– Ngày đó có trên 100 người chịu ơn trọng, trong đó có ông và bà
phủ Yên. Đáng khen cho lòng nhiệt thành hai ông bà, chẳng nệ xa xuôi, hao công
tốn của, đến hiệp đồng cọng lạc cùng bổn đạo Hựu-thành, chúc cho hai ông bà đặng
trọn câu vinh-khánh và ghi công nghiệp vào sổ thường sinh. Khi Misa lễ tất, thì
cha Phanxicô xuống bàn thờ xướng kinh Te Deum cho đến Uratiô sau hết. Đoạn cha
Giuse Hai làm phép giao cho mười mấy đôi. Xong rồi cha Trà-ôn giảng một bài ý vị
nghĩa lý thâm trầm, gồm đủ ba phép Bí tích mới chịu ngày nay, khi cha dứt bài,
thì gần 10 giờ, đoạn bổn đạo lo tạ ơn Chúa, – Khi bổn đạo đã cám ơn Chúa xong
thì tựu nhau tại nhà tiệc đặng cám ơn các cha cùng chư quan quí khách đến tán
thành cuộc lễ. - Khi các cha hiệp nhau đủ mặt, thì đồng nhi nhỏ xướng nhiều bài
cám ơn cha sở Mặc-bắc, cùng tạ ơn công lao khó nhọc cha Phanxicô và hai cha,
cùng chư quí quan khách, có lòng hạ cố đến hỉ hạ cùng đoàn chiên thơ. Đoạn cha
sở Mặc-bắc mở lời khuyên bảo đạo mới siêng năng, bền bỉ ân cần việc đạo chớ nên
rủn chí sờn lòng, dầu lúc phong ba cũng như hồi yên ổn. Hoàn tất các cuộc thì gần
11 giờ, đoạn các cha dùng bữa, còn bổn đạo cũng lo cơm nước. Xong xui thì lo giải
tán kẻ đi ghe người đi bộ ai về nhà nấy; phần các cha thì có xe đưa về.
M.
Th. H.
.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm
1933
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét