LINH MỤC BỔN QUỐC ĐỊA PHẬN NAM KỲ
-----------------
Sinh
ra ………….. năm 1862.
Chịu
chức ngày 12 Mars 1897.
Qua
đời ngày 25 Mars 1911.
------------------
Giude Phan văn Bổn sinh tại
Chợ Quán, năm Chúa giáng sanh 1862; nhằm năm nước Annam làm lời hòa ước cùng nước
Langsa, nên Hội thánh Nam Kỳ qua khỏi một trận dông tố dữ dằng, đến đỗi theo lẽ
đời, tưởng đã chạm tột đáy biển. Trong mấy cơn bắt đạo, nhứt là nội ba bốn mươi
năm sau hết, sự gian nan khốn khó đã làm cho nhiều nhà giáo hữu nên tinh ròng
như vàng vào lửa; hình khổ cùng máu các thánh tử đạo đã làm cho nhiều gia đạo
thêm lòng tin cậy vững vàng, cùng lòng sốt sắng kính mến. Nhà Giude kể đặng vào
số những nhà tốt lành thể ấy: là nhà con dòng cháu giống, đức tin cùng lòng
kính Chúa yêu người truyền tử lưu tôn.
Khi Giude nên chừng 14 tuổi,
độ năm 1876, thì cha mẹ cho đi học trường d’Adran,
là trường Thầy Dòng lập tại Saigon đã được 10 năm. Thuở ấy cha mẹ Giude đề huề
thê tử đi lập nghiệp tại Phú Quới, thường kêu là Sóc Sải, thuộc về sở Bến Tre.
Đang lúc Giude ăn học tại
d’Adran, thì đã làm một việc, xem ra
là việc con nít chơi, song việc ấy tỏ lòng người hay thương giúp kẻ khác là thể
nào. Số là bữa kia học trò đi dạo trong Hạnh Thông Tây, đàng đi chừng 8 dặm,
thuở ấy chưa có đàng sá xe cộ như bây giờ. Bận về lại bị mưa, nên có một trò nhỏ
đi không nổi, thì Giude ra công mà cõng và xin một trò khác giúp mình, mà cõng
trẻ ấy về cho tới nhà.
Song kẻ Chúa gọi, dầu đi
ngã nào, thì Chúa cũng dẫn cho tới nơi Chúa đã gọi, Chúa gọi Giude làm Thầy cả,
thì Chúa cũng đem Giude tới nơi, lo đặng làm Thầy cả. Vậy đầu năm 1878, thì
Giude vào trường latinh; khi ấy người lớn tuổi hơn các anh em bạn mới vào. Kêu trường latinh, vì trường ấy dạy tiếng
latinh. Song chính tên trường đã là Seminarium,
nghĩa là nơi để ương nhiều giống nhiều cây cho sởn sơ tươi tốt, hầu đem trồng
nơi khác. Vậy Giude vào đó, “chẳng khác
nào như cây mọc theo dòng nước” (Ps. 1, 3), đượm nhuần im mát, tốt phân tốt
nước: là tốt ơn thánh Chúa, tốt lời giảng dạy, tốt tay vun trồng săn sóc, làm
cho mình trổ sinh bông trái thiêng liêng cho Hội thánh đặng nhờ.
Giude ở nhà Chúa, đêm
ngày chuyên việc học hành, cùng trau giồi đức hạnh. Trí người không phải là
sáng láng cao sâu, mà cũng không phải là tối tăm thấp thỏi; song bỡi người
khiêm nhượng, ít dám tin mình, cho nên hay nhút nhát ngập ngừng, chậm thông chậm
hiểu. Mà việc học hành, thì người siêng năng ít ai dám ví; xét theo công lao
khó nhọc cùng sự chí thú ân cần, thì Giude trổi hơn nhiều người trong chúng bạn.
Giude ít trí, mà được tài
khác bù chí: là tài biết xét biết suy nhằm lý nhằm luật, mà độ lời nói việc làm
cùng cách ăn thói ở cho phải niềm phải cách. Lại người có chí khí mạnh mẽ vững
bền, khó nhọc bao nhiêu cũng sấn sướt cho được sự mình đã quyết. Cho nên học dở,
mà hóa hay là sự làm vậy: Labor improbus
omnia vincit: Chí công mài sắt, chầy ngày nên kim, Kim là kim may, mà nói
được Giude đã nên kim, là nên ngọc vàng châu
báu trong Hội thánh Đ C T.
*********
Bằng về đức hạnh, thì
Giude hằng ra sức tập tành từ nhỏ cho đến lớn; vì người hiểu nhơn đức là hữu ích trong hết mọi việc: “Pietas
ad ommia utilis est” (I Tim. 4, 8), nhứt là trong các việc thuộc về quờn chức
Linh mục.
Người có lòng nhịn nhục
hiền lành lắm, chẳng hề làm mất lòng ai bao giờ; đến đỗi có kẻ nói sự hiển lành xem ra là đều tự nhiên trong bổn
tánh người. Mấy năm người làm thầy, thì đi dạy nội sở Vĩnh Long: khi thì Sa
Co, khi thì Hiếu Nhơn, Hiếu Hòa, xây đi vần lại mấy họ ấy luôn; vì bổn đạo
thương người lắm, nên mỗi năm mỗi xin đích
danh thầy Bổn mà thôi. Có một lần cha Bề trên Lallement hỏi họ, sao xin thầy
Bổn hoài, thì họ thưa rằng: Thầy ấy thật
là nhơn đức, hiền lành, chúng con thương lắm. Chẳng những người có đạo, mà
lại kẻ ngoại cũng thương mến người. Tại Trà Luộc, gần họ Sa Co, có tên hương
giáo ngoại cao rao với thiên hạ rằng: Thiệt
ông thầy Sa Co hiền lành quá đi, tôi dám chắc ông chẳng hề giận ai bao giờ..
Khi người coi họ Rạch
Thiên, thì đã ở Tha La ba bốn tháng, thế cho cha sở đi dưỡng bịnh. Có một lần
người về Rạch Thiên, có ý ở đó ít ngày mà lo việc họ. Đi bộ hết ba giờ, vừa tới
Rạch Thiên, thì có người trên Tha La xuống rước đi kẻ liệt. Người lật đật nhảy
lên ngựa, đi được nửa đàng, bị một đám mưa lớn lắm, lại ngựa đổ chứng không chịu
đi, nên người phải xuống mà dắc nó về cho tới Tha La. Tới nơi, gặp người liệt
đang ngồi tỉnh queo, nói mình bị một cử rét mới hết, chớ không bịnh chi cho trượng.
Người dời gót trở ra, bằng an vui vẻ, không trách một lời, không tỏ chút gì phiền
muộn. Họ Tha La thương người lắm.
Bỡi cả đời Giude những nhịn
nhục hiền lành, cho nên tới đâu thì người ta mến đó. Chẳng qua là sự hiền lành
chiếm đặng lòng thiên hạ: “Benti mites, quoniam
ipsi possidebunt terram” (Matth. 5, 4 ). Terra là đất trên trời, mà nhiều đấng thông minh cùng cắt nghĩa là lòng con người dưới thế.
**********
Giude giữ luật nhà trường
nhặt nhiệm mọi đàng. Chẳng ai rủ người làm đều gì sái lề luật đặng. Khi nào người
sợ mất lòng thì rằng: Làm cái đó làm chi
nà! Ai rủ đi chơi chỗ nào luật cấm, thì người rằng: Đi chỗ đó làm chi nà! Trong lớp học, có một tên ngồi gần người, hay
chơi hay phá cùng rắn rỏi lắm, mà chẳng khi nào nó rủ người chơi hay là nói
chuyện với nó được, cho nên nó không ưa. Song hễ tới ngày phải chọn người nhơn
đức hơn trong lớp, thì nó cứ chọn Giude.
Một lần kia, khi ấy người
có việc giữ vườn, cùng hái trái trong vườn cho học trò ăn; nhằm mùa xoài chín,
hái giỏ nọ qua giỏ kia, lại nhằm bữa áp lễ lớn, người giúp dọn cả ngày mệt nhọc
hết sức, vì tánh người hay xốc vác, chẳng kể mệt mỏi nặng nề. Sẵn dịp hai ba
anh học trò giúp người, mà vựa trái vào kho; mấy anh ấy bảo người ăn ít trái
cho khỏe, đặng mình nhờ luôn thể. Thì người chẳng chịu mà rằng: Ăn sái giờ sợ chẳng lành, rủi trúng thực khó
lòng lắm, các anh. Các anh muốn ăn, thì tôi không cấm; song có luật cấm, mà luật
thì trọng hơn tôi. Mấy anh kia nghe vậy, thì chẳng dám động tới. Khen cho
Giude khéo pha sự hiền lành cùng lòng nghiêm thẳng; người giữ luật nhặt, mà chẳng
cang xẳng với ai: “omnia fortiter et
suaviter.”
Bỡi Giude “trung tín trong việc nhỏ, thì Đ C T đã đặt
người quản hay việc lớn” (Matth. 25. 21). Mà khi đã lãnh quờn cao chức trọng,
thì bất kì việc trọng việc hèn, người càng ân cần trung tín hơn nữa, Tích sau nầy
làm chứng người lo làm việc bổn phận mình kỹ cang là dường nào.
Số là có một lần người tới
họ kia, nghỉ trong phòng thánh, lối ba giờ rưởi khuya, thì thức dậy mà dọn mình
làm lễ. Bấy giờ người hay kẻ trộm đang bắt ngựa của người; song người làm
thinh, cứ lo việc nguyện gẫm, làm lễ, cùng cám ơn bằng an sốt sắng, rồi thì người
mới đọc lại chuyện ăn trộm bắt ngựa. Cha kia hỏi sao không hô lên tức thì, cho
khỏi mất, hay là có mất thì cũng dễ tìm. Người trá lời rằng: Sợ lộn xộn lo ra, làm lễ không đặng. Người
hiểu một con ngựa không đáng bao nhiêu, mà làm một lễ Misa cho sốt sắng thì là
vô giá! Song Chúa chẳng để cho kẻ tận trung cùng Chúa bị thiệt: ngựa đã mất thì
kiếm được nội ngày ấy.
****
Giude có lòng khiêm nhượng
khác thường. Cả đời người ra sức bắt chước thánh bổn mạng người, mà ăn ở nhỏ
nhoi thật thà, không khoe mẻ phô trương, không tiếng tăm rần rộ; một lui cui
làm việc bổn phận mình trước mặt Chúa, không cầu danh lợi, chẳng kể chê khen.
Người đã gặp nhiều sự gian nan sỉ nhục, mà người cam chịu bằng lòng, không tỏ hình
buồn giận ai. Dầu khi tới lớp lớn, thì ghe phen đức khiêm nhượng người đã phải
chịu thử nặng nề, mà người cùng toàn công thắng trận. Cho tới khi làm thầy, hễ
sự gì người hiểu không kịp, thì người không hổ mặt mà đi hỏi kẻ khác, có khi nhằm
kẻ nhỏ hơn mình xa lắm.
Có một cha khen người rằng:
“Người có lòng khiêm nhượng thật, vì
trong họ cũng có kẻ làm sỉ nhục cho người, mà người chịu bằng lòng và cứ vui cười
với kẻ ấy, chẳng hề phàn nàn với ai trong họ về sự lỗi kẻ ấy chút nào”
***
Giude có đức yêu người,
cùng sẵn lòng chịu cực chịu khó giúp đỡ mọi người. Năm 1890 nhà trường latinh bị
bịnh cúm nặng lắm. Cả và nhà trường đau hết, có một mình thầy Giude và hai ba
thầy khỏi mà thôi; thì thầy Giude làm đầu, mà giúp việc giặt quần giặt áo, bưng
cơm bưng cháo, cùng làm nhiều việc khó chịu hơn nữa, đến đỗi và làm và mửa, mệt
nhọc hết sức, nhiều bữa đi gần không nổi, song người cũng sốt sắng vui mừng mà
làm các việc ấy lâu ngày.
Tháng nghỉ, người hay ở lại
nhà trường. Nhằm lúc các cha cấm phòng, thì thầy Giude ưa việc giúp đỡ các cha;
lãnh đồ mà giặt, phơi xếp tử tế, rồi tối lại đem trả cho mỗi một cha. Bao lâu
còn ở nhà trường, thì người cứ việc lành ấy cho đến khi làm Thầy cả.
Còn khi làm thầy mà đi dạy,
thì người chịu cực hơn nữa. Thường khi về Vĩnh Long mà xem lễ Chúa nhựt, thì ban
đêm người ta cầm chèo, để cho bạn ngủ, kẻo sáng ngày nó xem lễ ngủ gục mà bị quở.
Người lội lặn làng nọ xứ kia, mà an ủi dạy dỗ người ta, cho kẻ ngoại đặng trở lại
đạo, cho kẻ có đạo biết đàng thờ phượng kính mến Đ C T. Mà nhứt là khi chịu chức
Thầy cả rồi, Giude có lòng yêu người là thể nào, thì sau nầy sẽ thấy.
***
Bằng về sự sốt sắng kính
mến Chúa, cùng việc tấn tới trong đàng trọn lành, thì có một mình Chúa biết
Giude ân cần lo lắng dường nào. Song thấy một hai việc người làm, cùng cách ăn
thói ở bề ngoài, thì cũng phỏng được ít nhiều. Khi đọc kinh xem lễ, cùng làm
các việc thiêng liêng, thì người làm một cách nết na sốt sắng lắm, con mắt ngó
xuống luôn luôn. Cho nên có kẻ rắn mắt, gọi người là lim dim. Lần kia có kẻ
dùng tiếng ấy mà nhạo người, thì người
cũng chẳng hổ ngươi, một cứ ăn ở một mực như trước.
Có một cha khác khen người
rằng: “Còn nói chi đến sự người sốt sắng
siêng lo việc linh hồn – vita interior -, thật người là gương sáng láng. Khi
còn làm thầy, mấy lần rước lễ rồi, tôi hay ngó người mà cám ơn. Thấy mặt mũi
người đầm thắm, hình cầm trí cầm lòng, cám ơn cách tin cậy kính mến khác thường,
dường như mê man trong việc nói khó cùng Chúa. Tôi thấy vậy thì động lòng hết sức.”
Phương chi khi đã làm Thầy
cả, thì người càng lo dùng mọi việc thiêng liêng, mà giữ lửa kính mến Chúa
trong lòng, cùng tấn tới trong đàng trọn lành là thể nào hơn nữa. Thấy bộ tịch
người cùng cách ăn nết ở, thì hiểu được người hằng ở trước mặt Chúa, và Chúa hằng
ở cùng người.
Việc bổn phận riêng, thì
người ân cần nhiệm nhặt lắm. Nói qua một việc, thì đủ hiếu người có lòng trung
tín mạnh mẽ, mà làm các việc thiêng liêng là thể nào. Người đã quyết định học Sách đoán mỗi ngày một giờ, thì người đã
giữ trọn niềm. Dầu đa đoan trăm việc nặng nề, như sẽ thấy sau nầy, thì người
cũng chẳng bỏ học; trừ ra khi đi họ nhỏ, hay là gấp rúc lắm, học không được một
giờ, thì người cũng rán mà đọc ít nhiều.
Vậy Giude dựa nơi cung
thánh, như Samuel xưa dựa cữa đền thờ, đêm ngày chuyên việc học hành, cùng lo
vun quén nền nhơn cội đức. Thỉnh thoảng một
ngày một tấn tới, một lâu một lớn lên và hồn và xác, trên đẹp lòng Chúa, dưới
thuận lòng trăm họ: “Puerautem proficiebat
atque crescebat, et placebat tam Domino quam honinibus” ( I REG.
2, 26 ). Lần hồi ngày lụn tháng qua, mỗi năm mỗi bước lên phẩm trật Hội thánh.
Bước lên bước nào, thì người càng lo bề tấn tới trong bực trọn lành, cho xứng
đáng chức phận mình mới chịu. Sau hết, ngày 12 Mars 1897, người thợ quờn Chánh
tế, quyết tế lễ mình mà làm cho sáng danh Chúa, cùng cứu linh hồn thiên hạ.
Cha Giude chịu chức đoạn,
thì Bề trên sai đi coi họ Rạch Thiên, thuộc về sở Tha La. Rạch Thiên là họ đạo
mới, nhơn số chưa mấy người. Nhà ở là một nhà vuôn nhỏ nhoi chật hẹp lắm; một
thầy ở mà dạy, thì còn gọi là hẹp hòi. Mà người cũng an phận khó khăn thiếu thốn
trăm đàng. Người hết lòng lo lắng đi tìm chiên lạc, cùng làm hết sức cho kẻ ngoại trở lại đạo Chúa. Lúc
ấy người cũng năng qua lại Bàu Công, mà lo việc lập họ ấy; đàng đi chừng 8, 9 dặm,
mà cực khổ khó đi hết sức. Mùa mưa thì Bàu Công nên như một cù lao, tư bề nước
ngập bốn năm tất, có chỗ năm bảy tất; muốn đi tới nơi, thì nhiều khi phải lội
2, 3 dặm đàng. Mà người chẳng quản chi nhọc nhằn thân thể, một liều mình mà lo
cho danh Cha cả sáng.
Cách vài năm, thì Bề trên
lại giao cho người coi họ Tân Hòa, thường kêu là Rạch Gốc, cũng là họ mới lập:
nhơn số bổn đạo chừng 180, gần hết thảy là đạo dòng, bỡi các nơi đến đó, mà kiếm
công việc làm ăn. Nhà thờ thì khó khăn lắm, cột kèo chi đều bằng tre hết, mà
cũng gần sập.
Khi ấy cha Giude còn ở Rạch
Thiên, mà người chịu khó ra vô Tân Hòa gần mỗi một ngày, cho đặng lo việc cất
nhà thờ mới. Rạch Thiên đi Tân Hòa chừng 5 dặm, mà chẳng có đàng sá như bây giờ;
song người cũng lặn lội đêm ngày, mà lo cho có nhà thờ cho xứng đáng việc thờ
phượng Chúa.
Sau hết người dời về ở
Tân Hòa, lo trăm phương ngàn cách mới xong việc nhà thờ. Rồi qua việc cất nhà
mà ở, cũng là cực khổ trần ai; vì trăm việc đều sơ khởi đầu tay, mà họ thì
nghèo cực thiếu thốn ghe đàng. Mà người cũng cất được một cái nhà sạch sẽ gói gắm,
Nay nhà thờ nhà cha còn đó, hằng tung hô công lao khó nhọc người chịu, và của
người nhín ăn nhín mặc mà đổ vào đó kể chẳng xiết
Việc đền thánh cùng nhà ở
xong rồi, thì người tìm phương cho bổn đạo lập nghiệp làm ăn. Người mượn bạc
nhà chung, mà giùm cho bổn đạo, thúc việc làm che đạp mía. Khi ấy bổn đạo ai ai
điều lắc đầu, ít ai tin cậy, ít kẻ lo làm; thì người làm gương, ra tay vỡ đất,
trồng mía, dựng che, cho người ta ham mà làm. Vạn sự khởi đầu nan người cực khổ với đoàn chiên chẳng lưỡi nào kể
đặng, bày nghề nọ nghiệp kia, cho giáo hữu có công ăn chuyện làm mà chi độ,
cùng lập họ cho sung. Sở hụi hao tốn cũng nhiều, việc người làm cũng là lớn việc;
mà bỡi người sấn sướt vững bền, cho nên xong xuôi công việc. Cách ít năm người
huờn đủ số cho nhà chung, đoạn trong họ nổi đặng ít lò che; bổn đạo phá rừng vỡ
đất, trồng mía trồng khoai, lập vườn làm rẫy, thì người thôi làm, để mối lợi
cho giáo hữu nhờ, người một làm chút đỉnh đủ nuôi gia tướng trong nhà, và kẻ mồ
côi của người bao bọc mà thôi.
Lần hồi họ Tân Hoà một
ngày một tăng số, bổn đạo phấn chấn việc hồn việc xác. Khi ấy cha Giude lại
toan một việc rất trọng rất cần cho con nhà giáo hữu, là lập trường cho đồng
nhi nam nữ. Song lấy đâu mà cất nhà trường, lấy đâu mà cấp dưỡng thầy dạy? Họ
thì mới lập, huê lợi chưa đủ mà xuất phát trong việc nhà thờ; còn bổn đạo cũng
mới tra tay lập nghiệp. Khi gầy việc lập trường, người đi xin từ nhà, trót một
năm, mà góp được có 15 đồng bạc. Song người không ngã lòng, một gắng công ra sức
mà làm cho được. Trường ấy hãy còn cho tới bây giờ, nên dấu tích lòng người keo
sơn bền vững, và chẳng nệ cực khổ lao phiền.
Còn việc linh hồn, thì
người hết lòng sốt sắng lo cho đoàn chiên no ấm mọi đàng: viếng đầu trên xóm dưới,
giục giã giáo nhơn ân cần việc đạo đức, thúc hối xưng tội chịu lễ, mỗi ngày mỗi
dạy Sách phần cho trẻ nhỏ, chẳng bỏ bữa nào. Người lo giúp bổn đạo làm ăn, là
khi rảnh rang việc linh hồn; mà có giúp phần xác, thì cũng vì một ý cho giáo hữu
dễ lo việc linh hồn, có một ý mở mang đạo thánh, cùng làm cho sáng danh Đ C T
mà chớ.
Người có lòng thương bổn
đạo hết tình; nhứt là kẻ liệt lào, thì người hằng sớm viếng tối thăm, lo thuốc
men phần hồn phần xác cho đến khi qua đời. Có một lần người than vãn cùng cha
kia rằng: Tôi thấy sách Rituale dạy về việc
bổn phận Thầy cả giúp đỡ kẻ liệt, thì tôi sợ; vì kẻ liệt phải nhờ ta hơn hết mọi
người!
Bề rộng rãi thương giúp kẻ
khó, thì nói sao cho cùng. Tuy người chẳng phải là giàu có gì, song cũng có thế
mà bố thí làm lành luôn luôn. Chẳng có ai tới cậy mượn, hay là xin giúp việc
gì, mà người chẳng giúp. Người cũng nói với một cha khác rằng: Ta làm Thầy cả, thì ta cũng phải coi cho tới
cái bếp của con chiên nữa, thì mới trọn đạo làm cha!
Bỡi người có tiếng nhơn từ
hiền hậu, cho nên kẻ mồ côi cô độc chạy đến nhà người mà nương tựa. Bao nhiêu,
người cũng nuôi hết: bịnh hoạn đói rách, thì người lo thuốc men cơm áo, đoạn dạy
cho biết công ăn chuyện làm, rồi lo đôi bạn cùng lo cho ai nấy có nhà cữa bề thế
mà làm ăn. Những người ấy rày hãy còn đó, hằng nhắc nhở ngợi khen cha lành chẳng
xiết.
Cha Giude ở Tân Hoà gần
được 8 năm, Nhà thờ, nhà cha, nhà trường, mọi việc xong xuôi. Bổn đạo đông đảo
vui mừng, ai ai đều an cư lạc nghiệp, trên thuận dưới hòa, hạp ưa dường cá nước;
cha thương con chí thiết, con mến cha tận tình, tưởng nhiều năm phụ tử sum vầy,
ai hay ý Chúa phân định cho cha làm sáng danh Người nơi khác. Lịnh trên đổi người
ra sở Phan Thiết, thì ai kể cho xiết lòng giáo hữu đau đớn xót xa là dường nào!
Già trẻ khóc lóc như mưa, sầu thảm thiết tha như gà mất mẹ. Về phần cha, tuy đau
lòng như dao cắt, mà người cúi đầu vưng lịnh, chẳng dám than thở một lời, cùng
làm hết sức mà an ủi bổn đạo an lòng vưng theo ý Chúa.
Ngày 18 Septembre 1907
đưa cha xuống thuyền, cùng bằng đưa ra đất thánh, than van kêu khóc ai kể cho
cùng! Cuộc phân li buổi trước vừa phai, bỗng đâu nghe tin cha đã biệt trần phân
rẽ. Một anh giáp đi rao cho bổn đạo hay tin buồn rầu thể ấy. Rao tới đâu thì
người ta khóc đó, rồi chạy tới nhà thờ nhà cha mà khóc. Bổn đạo chẳng biết lấy
chi ơn đền ngãi trả, bèn đậu nhau kẻ ít người nhiều, mà xin cho cha một lễ hát
trọng thể; lại mỗi nhà mỗi cầu hồn cho cha lâu ngày, và xin lễ riêng cho cha nữa.
Cha Giude coi họ Tân Hòa,
Rạch Thiên và Bàu Công đặng 10 năm rưởi, từ 1897 tới 1907. Từ khi người đến nhậm
sở cho đến khi đổi đi, theo sổ nạp cho Đức Cha hằng năm, thì số bổn đạo ba họ
gióng lại như sau nầy:
Tân
Hòa Rạch Thiên Bàu Công
Mars. . . . ..1897 = 180....... 35........
0
Septembre 1907 = 380....... 135 ........ 35 (1)
(1) Ai ai cũng biết việc lập họ đời nay
là việc rất khó. Kẻ ngoại chẳng còn đua nhau vào đạo như xưa.
Ngày 28 Septembre 1907
cha Giude xuống tàu đi Phan Thiết, ở đó ít ngày; đoạn đi Sông Lũy, là họ người
phải ở, mà coi họ Phan Rý, Ma Ó, Đồng Mới và Hòa Lương. Sở Phan Thiết bấy lâu
thuộc về Địa Phận Qui Nhơn, mới sáp về Địa Phận Nam Kỳ năm 1907. Xứ ấy tư bề những
rừng rú núi non; cọp voi chẳng thiếu, muông dữ chỉn ghê, lại đàng sá cheo leo
huyền viễn. Từ Phan Thiết ra Sông Lũy là 50 dặm đàng, từ Sông Lũy đi Phan Rý 30
dặm.
Lạ cảnh, lạ quê, lạ người,
lạ thói; mà cha Giude cũng vui vẻ như thường, cũng mạnh mẽ sốt sắng, cũng siêng
lo phần hồn phần xác bổn đạo như khi ở Tân Hòa. Song cực hơn khi ở Tân Hòa quá bội,
vì việc đi họ, đi kẻ liệt rất đỗi xa xuôi; lại của ăn chỗ ở cũng thất thường
cam khổ nhiều bề.
Người đi ngựa không phải
là giỏi, song bỡi gan dạ mạnh mẽ cùng hay chịu khó, cho nên cũng gọi được là giỏi.
Người cứ luân phiên viếng thăm các họ: đi thì đi ngựa, đàng thì đàng xa dặm thẳm,
mà phải đem đủ đồ mà làm lễ cùng làm các phép. Mấy tháng đầu, bỡi có một tấm đá
thánh, nên người kiếm thế mà mang trên mình, như đeo một ảnh vây rất lớn và rất nặng nề. Người giấu lắm, mà cha kia hay được,
nên hỏi sao không để cho học trò mang, thì người rằng: Nó mang không nổi; lại có một tấm, rủi bể, mình làm lễ không đặng.
Ghe phen ngựa ném người dọc
đàng, mà người cũng hăm hở nhảy lên đi mãi. Nhiều lần cũng gặp cọp giữa rừng,
mà người cũng chẳng sợ, chẳng âu, chẳng bỏ việc bổn phận mình. Có kẻ hỏi sao
người không sợ, thì người trả lời rằng: Mình
ở trong tay Chúa, Chúa định làm sao thì nên làm vậy.
Đang khi ở Sông Lũy, thì
cha Giude làm một việc yêu người rất nên bia tạc bằng vàng. Cha David, là cha sở
Phan Rý, thuật lại như sau nầy: “Năm
1908, khi tôi đổi ra Phan Rý, thì cha Giude còn coi họ Sông Lũy. Có một lần cha
dắc tôi đi thăm một trai kia chừng 16, 17 tuổi. Cả và mình nó đầy những vít
tích gớm ghê, nhứt là phía sau lưng lở
lói thúi tha khó chịu hết sức. Giòi rúc rỉa, làm cho thịt nó rớt ra từ khi từ
miếng, bay mùi tanh hôi sặc sụa quá chừng. Ai ai đều bỏ, chẳng ai thèm ngó,
cũng không dám lại gần. Cha Giude đem nó về, để trong một cái chòi bỏ hoang,
cũng gần nhà thờ. Mỗi buổi sớm mai, và mỗi buổi chiều cha đi thăm nó, đem đồ
cho nó ăn, dọn dẹp cái chòi nó ở, sửa soạn cái chỗ nó nằm, lo ngọn đèn bếp lửa.
Rồi người cúi xuống mà gạc giòi ra, đoạn rửa rái cùng rịt một nơi thương tích một
cách kĩ lưỡng mến yêu, cùng nhịn nhục hiền lành khôn xiết, ai ai trầm trồ cảm động,
cùng lấy làm giương rất tốt rất lành. Về phần tôi, tôi thấy vậy, thì tôi đem lòng tôn kính người hết sức, vì người biết hạ
mình, mà làm việc yêu người lạ lùng thể ấy. Con trẻ đã đặng ơn người thương yêu
giúp đỡ dường ấy, bây giờ còn sống, vít tích đã lành; song bỡi nó đã đau nhiều
quá, nên không trông nó sẽ được sức lực mạnh mẽ bao nhiêu.”
Ấy là công việc cha Giude
đã làm: đêm ngày những liều thân liều sức vì đoàn chiên Chúa, chẳng kể cam khổ
nhọc nhằn, không lo lao tâm tiêu tử. Song dây cung giương hoài, thì lâu lâu nó
phải giạc. Phần thì tuổi tác một ngày một thêm, thì sức lực một khi một bớt. Bề
trên thấy vậy thì chạnh lòng, cho nên đổi người về Kim Ngọc, cho bớt dãi dầu
sương nắng, cho bớt cực khổ xa xuôi.
Vậy ngày 12 Avril 1909
cha Giude về Kim Ngọc, coi họ Tầm Hưng và Phan Thành, ba họ, sổ bổn đạo được
932 linh hồn. Song một Thầy cả siêng năng sốt sắng, thì tới đâu cũng sốt sắng
siêng năng. Ở đời là nơi phải đi, là chỗ phải làm, phải tấn luôn luôn; có một
khi về nước thiên đàng, mới chịu nghỉ ngơi mà chớ. Cha Giude về Kim Ngọc là họ
đạo dòng, thì người bấu lo cho giáo hữu nên người đạo đức hẳn hòi. Người lập hội
con Đ C Bà, lập hội ông thánh Giude, cho đặng hội hiệp đồng nhi nam nữ, mà dạy
dỗ kềm thúc việc giữ mình thanh tịnh sốt sắng, cùng tấn tới trong đàng nhơn đức
trọn lành.
Nhà thờ Kim Ngọc hòng
xiêu ngã, người toan bề tái tạo; nhà thờ Tầm Hưng hư nhiều chỗ, người lo việc sửa
sang. Miệng nói, thì tay làm: người nổi lò hầm gạch. Năm nay khởi công xây nền
nhà thờ Kim Ngọc, gạch đặng ba muôn, kế giờ chết đến, ngưng mọi công việc người
làm. Thiệt là tử trận vinh hiển giữa chốn chiến trường, thiệt là chết vì danh
Chúa đang khi tay cầm con vác!
***
Cha Giude đau, mà không
ai biết là đau, vì cứ gắng gượng chịu khó, cứ công việc hằng ngày; chừng ngã
ra, làm không nổi thì mới chịu thôi. Người không than, không nói với ai; dầu
đau đớn lắm, cũng làm thinh mà chịu. Người sợ làm cực cho người ta lắm. Ai hỏi,
thì người cứ nói nhẹ, khá, không làm sao;
cho nên khó biết bịnh người nặng nhẹ thể nào.
Từ hôm đầu năm nay, thì
người đau cũng đã nhiều; song người không biết tới thuốc men, cũng không lo dưỡng
bịnh. Cho nên cha Masseron, là cha sở Phan Thiết, cho đi rước người, và dạy người
phải về Phan Thiết, mà lo thuốc thang cho người. Người về Phan Thiết nhằm ngày
Chúa nhựt 5 Mars, kế ngày 13 Mars Đức Cha cũng ra đó mà nghỉ; cho nên người được
phước ở với Đức Cha lâu ngày, và sinh thì trong tay Đức Cha nữa.
Cha Giude ở Phan Thiết trọn
20 ngày, cha sở hết lòng lo lắng cho người. Song không dè bịnh nặng, vì bề
ngoài không thấy người đau đớn chi cho lắm, một nghe người nói khá hoài. Cho đến khi biết được là bịnh
nặng, thì việc đã rồi. Bịnh người là hư lở trong ruột và sinh hạ huyết, kêu là trường phong hạ huyết (ulcération des intestins). Chạy đủ thầy
Tây, Annam, Chệc, mà vô phương điều trị. Đem về Saigon thì không đặng, vì người
đã hết sức rồi.
Cho tới ngày thứ sáu, 24
Mars, là áp ngày người qua đời, thì người còn nói nhẹ. Cha sở nhắc người dọn mình chịu lễ ngày thứ bảy, 25 Mars, thì
người vui mừng ưng chịu. Lối ba bốn giờ sáng Đức Cha và cha sở vào thăm, thì thấy
người mệt lắm, nói gần chẳng ra tiếng. Song tưởng cũng chưa làm sao, vì ngờ là
bịnh làm xung một hồi mà thôi; đoạn cha sở đem Mình Thánh Chúa cho người. Cả buổi
sớm mai cha sở ở một bên người luôn, thấy người đã khác sắc thì hết trông, nên
xin Đức Cha xức dầu thánh cho người. Đức Cha xức dầu, cùng ban phép đại xá.
Nội buổi sớm mai thứ bảy ấy,
thì người hạ huyết nhiều lần, và mỗi một lần là những máu bầm nhiều lắm. Người
đau đớn mệt nhọc hết sức, song tỉnh táo cùng cam chịu bằng lòng. Qua 12 giờ
trưa, linh hồn người ra khỏi xác, mà về cùng Chúa, cách êm ái dịu dàng, không
ngặt mình, không hấp hối chút nào, nhằm ngày thứ bảy, 25 Mars, lễ Truyền tin cho Rất Thánh Đ C Bà,
Đức Mẹ khấng đem tin lành cho tôi tớ đã hết lòng
thành kính Đức Mẹ trọn đời, cùng rước người về thiên đàng mà hưởng phước muôn đời
cùng Đức Mẹ. Ngày sau, nhằm Chúa nhựt 26 Mars, lễ rồi thì đem xác người vào nhà
thờ Phan Thiết, cho giáo hữu cầu hồn. Bốn giờ chiều bổn đạo Kim Ngọc khiên xác
người về họ mình, để trong nhà thờ một đêm; qua ngày thứ hai, 27 Mars, cha sở
Phan Thiết hát lễ, Đức Cha làm phép xác, đoạn mai táng tại đất thánh Kim Ngọc.
Người nằm nhờ giữa bổn đạo người đã tận tình yêu mến, nhịn nhục, mà chờ ngày sống
lại hiển vang đời đời.
Cha Giude hưởng thọ 49
năm, làm Thầy cả 14 năm và 13 ngày; tuổi
chưa già, mà công nghiệp phước đức đã già: “Consummatus in brevi, explevit
tempora multa” (Sap. 4, 13). Thật là một Thầy cả đích đáng Thầy cả, tiếng
quen dùng gọi là Thầy cả thánh!.
Cha sở Phan Thiết tóm lại
ít lời về việc người làm từ hồi ở Tân Hòa cho đến khi chết, đoạn thêm rằng: “Cả đời cha Giude nhịn nhục hiền lành thể
nào, thì khi chết cũng an lành nhịn nhục thể ấy. Người với tôi, ở cùng nhau 12
năm trời, không khi nào thì người làm đều chỉ đáng trách; những siêng năng sốt
sắng, vưng lời chịu lụy, giữ luật hẳn hòi, làm mọi việc bổn phận tận tình chín
chắn. Hàng đạc đức ai ai đều thương, trong giáo hữu mọi người đều mến. Cho nên
chắc Đ C T cũng thương mến người, và bây giờ người hưởng mặt Chúa thanh nhàn vui
vẻ vô cùng”
Thôi, giả từ cha yêu dấu,
dưng bấy lời nhắc tánh hạnh cha, cho phỉ tình thương nhớ. Nguyện cho cha tự tại
thanh nhàn trên đất phước! Thế gian nầy là chỗ qua đàng, kẻ trước người sau,
nay mai hai ta lại hiệp. Xin cha khẩn cầu cho tiểu đệ đồng liêu, đặng nối gót
theo cha mà đi đàng công chánh, cùng đặng sanh thuận tử an, hầu hưởng phước
cùng cha muôn đời tiêu sái!
“Moriatur
anima mea morte justorum,
et
fiant novissima mea horum similia!” (Num. 23, 10).
J.
B. TÒNG
.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm
1911
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét