ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

Họ Tha la

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

------------------------

ĐỊA SỞ HỌ THA LA

-----------------------

I. – Gốc tích họ Tha La

Cuối đời Gia Long và đầu đời Minh Mạng, có nhiều người giáo hữu, cho đặng trốn tránh cơn bắt đạo và cho khỏi kẻ ngoại hà hiếp xéo xắc, thì đã đem nhau lánh ẩn phía nam tĩnh Tây Ninh; ở hiu quạnh trong rừng bụi theo mé bàu bưng sình nẩy ăn ra sông Vàm Cỏ Đông (sông Tây Ninh). Cách ít lâu, sau khi Ngụy Khôi nổi lên mà chiếm lấy Saigon, lối năm 1833 thì có một người đạo đức sốt sắng, tên là câu Trí, tính lo tom góp mấy người bổn đạo tan tác bên nầy bên kia như vậy, đặng hiệp lại làm một họ.

Vậy năm 1836 hay là 1837 câu Trí đã vầy hiệp đặng ít nhiều; ấy là gốc sinh ra họ Tha La bây giờ. Ban đầu số không đặng bao nhiêu, mà kẻ thì có vợ ngoại, lần hồi đem đặng mấy đờn bà ấy trở lại, nên thêm số bổn đạo. Từ đó cho đến măm 1862 thì nhờ như vậy; là vợ ngoại trở lại, lớp thì sinh sản con cái, chứ chẳng có mấy người ngoại mà vào đạo.

Lúc ấy thật là rừng hoang cỏ rậm, nên mỗi người lo dọn đặng chỗ nào thì trồng trặc chỗ nấy và chiếm cứ luôn mà làm chủ, cho đến khi nhà nước Langsa lấy đặng Nam Kỳ và sắp đặt yên bày rồi, thì những người chủ đất ấy mới xin đem tên vào địa bộ mà làm chủ bền vững lâu dài.

Hai chỗ tựu hiệp với nhau mà đọc kinh nguyện buổi ấy, thì chẳng phải là nơi có nhà thờ bây giờ. Khi thì nhóm tại Lò Mo, phía bên tả đàng đi Lộc Giang và Chợ Lớn, khi thì tựu tại Trường Đà ném về phía bắc, cách đường lộ đi Tây Ninh bây giờ đó chừng đôi ba ngàn thước.

Qua lối năm 1840 mới dời nhà thờ về chỗ bây giờ đây. Đến năm 1860 mới có cha sở ở tại họ Tha La, lúc trước khi thì cha Tây khi thì cha Ta ở các nơi tùng dịp đến thăm viếng, ngồi tòa làm phước, dạy dỗ một đôi khi.

Năm 1873 cha Fougerouse (cha Phụng) mới lập nhà trường dạy con nít, ban đầu mướn thầy giáo dạy, qua năm sau 1874 cha Dư đổi lại mới giao cho các dì nhà phước annam dạy chung nam nữ lâu năm, đến sau mới chia hai trường nam nữ ra, thầy giáo dạy trường nam, các dì cứ dạy trường nữ luôn cho đến bây giờ.

II. – Gốc lập họ Tha La

Ông câu Trí thật đáng gọi là người lập họ Tha La. Quê người ở Huế vô Nam Kỳ làm ăn; người đến ở tại Bà Trà gần họ Búng về hạt Thủ Dầu Một, làm ăn bằng tịnh đặng ít lâu, kế có hai đảng ăn cướp nghịch thù với nhau nên đánh lộn tợ như một đám giặc chòm, chém giết nhau, nhiều đứa phải vong mạng, nó bèn đem mấy xác chết ấy mà quăng vào đất ông Trí, rồi tri hô lên rằng ông ấy giết người; việc oan ức làm vậy, mà người bị tù hết 12 năm tại Bà Quẹo. Đến lúc Ngụy Khôi lấy đặng Saigon năm 1833, thừa dịp đó ông Trí thoát đặng mà trốn lên ở tại Suối Đá, gần chơn núi Bà Đen; ở đó ba bốn năm, đoạn mới xuống Tha La lo bề góp nhóp anh em bổn đạo lạc loài tứ tán mà qui về làm một họ, người rủ đặng biện Nguơn đang ở tại Bàu Nâu ở giữa kẻ ngoại, cho nên bề đạo hạnh đã bơ thờ nguội lạnh, mà khi về Tha La thì đã giữ đạo tử tế lại. Đến sau con trai người là ông Cao đã làm ông trùm họ, rủ đặng trùm Hiệp khi đó ở tại Rạch Thiên, cùng thêm một người nữa là ông huyện Viên và anh em là Trà, Tría, Rẫy, Ruộng và Tròn, hương Quả và em là phó Dành ở Lộc Giang; hai anh em nầy khi mới về Tha La thì hãy còn ngoại; lại có ông tổng Phương, ông Long, đến sau ông nầy đã làm ông trùm họ, gốc ở Bải Xan; hai ông nầy vầy hiệp về đây cho khỏi kẻ ngoại rình mò bắt buộc. Hai người ở hai xóm xa nhau chừng vài ba ngàn thước. Ông Phương đùm đậu tại Lò Mo, bên tả đường lộ đi Lộc Giang và Chợ Lớn, bên nầy rạch Trảng Bàng. Ông Long ở tại Trường Đà, gần lộ đi Tây Ninh.

Mấy năm đầu thì chẳng có cha nào tới Tha La, cho nên bổn đạo muốn xưng tội chịu lễ thì phải đi qua Lái Thiêu hay là xuống Chợ Quán; đến chừng lối năm 1840 thì các cha mới đến ngồi tòa làm phước tại họ. Các cha ấy hoặc ở Chợ Quán, Lái Thiêu, hay là ở họ khác tùy dịp tới lui mà giúp bổn đạo, kẻ già cả còn nhắc lại một ít cha, là cha Hiển, cha già Tam, cha Lợi, cha Thông và cha Niên; cha Dư có tới một lần với cha Pernot. Khi ấy chẳng có nhà cha sở, cũng không có nhà thờ cho thật, nên các cha quen ở nhà biện Viên (là huyện Viên) lối năm 1853. Cha Dư đã làm chứng rằng: Các cha ít khi đến viếng họ Tha La, cho nên nếu có điều chi thì bổn đạo phải xuống Chợ Quán, hay là qua Lái Thiêu cùng là Thủ Dầu Một, mà tính công việc.

Cha Tại và cha Duông có ở Tha La một ít lâu, song cũng không có nhà ở chắc chỗ nào, người ta cũng nói lúc đó có cha già Quờn ở tại Gò Xoài lên xuống coi họ Tha La.

Đến năm 1858 hay là 1859 không biết cớ di làm sao mà ông câu Trí và con ổng là câu Thế (đến sau đã làm ông trùm họ), và rễ ổng là ông trùm Long lại với biện Viên, hết thảy bị bắt bỏ tù rồi thả ra; sau bắt lại một lần nữa; phen nầy ông câu Trí già cả yếu đuối, phần thì chịu cực khổ thiếu thốn mọi đàng nên người đã qua đời trong khám. Người ta đã lãnh xác người đem về mai táng trong đất thánh bây giờ; đến sau trùm Thế là con người, cũng nằm một bên cha mình. Ông câu Trí qua đời rồi một ít lâu thì quan thả ba người kia ra, có kẻ nói là nhằm khi Langsa tới Saigon, kẻ thì nói thả trước.

Năm 1860 hay là 1861, cha Resombes (cha Hạnh) lãnh coi họ Tha La, người là cha sở thứ nhứt ở luôn tại Họ, cũng chưa có nhà cha sở, nên cha ở tại nhà hương Quả.

Cuối năm 1862, kẻ ngoại có lòng hềm thù cha Hạnh, nên kéo nhau đánh phá họ Tha La, đốt nhà thờ và lầu chuông, lại đốt phá gần hết các nhà bổn đạo, cha con lo chạy trốn chỗ nọ chỗ kia, may phước chẳng có ai bị giết, song đồ đạc gì thì kẻ ngoại cướp giật hay là đốt cháy tang hoang hết; lầu chuông cháy sập, chuông rớt xuống bể ra. Khi việc đã qua rồi thì nhà nước langsa phạt làng Lộc Giang, cùng dạy thường cho nhà thờ một cái đại đồng chung mà thế lại cái chuông: rày đại đồng chung ấy hãy còn tại nhà thờ họ, kêu bằng chuông tử, vì để dùng mà đánh rao cho trong họ hay, khi có người bổn đạo tại họ mới sinh thì.

III. – Các cha coi họ

Tháng Septembre năm 1863 cha Y (P. Errard) đến coi họ, đã cất nhà thờ lại và làm một nhà ở đơn sơ, cha coi họ cho đến năm 1865.

Cha Điện đổi lại thế cho cha Y, và ở đó cho đến tháng Novembre năm 1868.

Qua tháng Décembre 1868, thì cha Son (P. Vincent) đến Tha La với cha Thành làm cha phó, đã cất nhà thờ lại chỗ trước nhà cha sở bây giờ, một cái nhà tranh dài đậm đuộc, một đầu làm nhà thờ, đầu nọ cha sở ở. Năm 1863 số bốn đạo có 299 người mà thôi. Đời cha Điện và cha Son, LangSa qua Nam Kỳ rồi cho nên người ta xin vô đạo đông, hai cha ấy rửa tội cho chầu nhưng nhiều, lúc ấy số bổn đạo mới thêm.

Chừng cha Son đổi đi thì cha Phụng (P. Fougerouse) đổi lại thế, lối tháng Septembre năm 1870. Lúc nầy mới gầy dựng đặng một nhà trường cho con nít đi học, ban đầu có thầy giáo dạy.

Cha Dư thế cho cha Phụng tháng Mars năm 1874, cha đã lập xong hai trường nam nữ, và giao cho dì phước dạy; cha coi họ gần đặng hai năm; tới tháng Septembre 1875 thì cha đổi đi chỗ khác.

Cha Triệu đến thế, cũng có cha Hòa (P. Greset) và cha Thành (lần thứ hai); song hai cha nầy ở đó có một ít tháng rồi đổi đi.

Năm 1876 cha Định (P. Delpech) đổi lại Tha La; cha ăn nói khéo léo bặt thiệp và giỏi lo việc đời, lại thêm sốt sắng ái mộ phần rỗi người ta lắm, trông sẽ làm cho họ Tha La đặng sung thạnh mau. Song rủi, ở không bao lâu, cha đến đó tháng Décembre năm 1876, qua tháng Mars 1878 lại đổi đi chỗ khác. Cha Sĩ (P. Simon) thế cho cha Định. Bao lâu cha Định ở Tha La thì có cha Triệu phụ giúp mà lo nội sở, cho đến khi cha Nghiêm (P. Creusot) đổi lại, bấy giờ cha Sĩ lên lập họ Tây Ninh. Cha Nghiêm coi họ từ tháng Juin 1879 tới tháng Mars 1880, đoạn xuống Bàu Tre.

Cha Liễu (P. Lallement) lãnh coi họ có ít tháng mà thôi, là từ Mars tới Août 1880, rồi giao lại cho cha Tài (P. Hamm) chừng hơn một năm, là từ tháng Août 1880 tới Novembre 1881.

Cha Bính (P. Laurent) thế cho cha Tài 1881, khi cha đến đó thì số bổn đạo đã đông, song việc nhà cữa sơ lậu: nhà thờ, nhà cha sập hết; bổn đạo chẳng có đất điền bao nhiêu, đặng một ít nhà đủ ăn, còn bao nhiêu thì nghèo lắm. Cha toan tính gầy dựng nhà thờ, nhà ở, song cơ hội làm vậy biết lấy đâu mà làm. Cha một cậy trông Chúa, lại nhờ Đức Cha Mỹ (Mgr. Colombert) hứa cho 400$. Cha bèn khởi công lo cất nhà thờ. Cũng may, bổn đạo khi đó rộng rãi, không mấy nhà giàu, song ai nấy đua nhau mà dưng làm nhà Chúa, Ông huyện Viên dưng 2200$, bà Thọ 300$, hương Quả 250$, tổng Phương 120$, nội họ góp nhau đặng 340$. Cũng có ít người họ khác rộng lòng cúng thí, hiệp cọng hết thảy đặng 3950$. Cuối năm 1885 nhà thờ hoàn thành, thiếu có 250$ mà thôi. Bỡi ông huyện Viên rộng rãi dưng gần hết của mình mà làm nhà thờ, cho nên Đức cha Mỹ đã ban phép chôn xác người trong nhà thờ và bạn người (năm nay 1918 hãy còn sống), cũng sẽ đặng mai táng trong nhà thờ nữa, hầu trả ơn cho hai ông bà. Đã chọn Đ C Bà chẳng hề mắc tội tổ tông làm bổn mạng nhà thờ, có dựng một hình ảnh Đ C Bà Lourdes trên bàn thờ chánh.

Đến sau cha Ròng (P. Masseron) đã đặt ảnh R. T. Trái Tim Đ. C. G thế lại, và cha Du (P. Guillou), đã để hình Đ. C. Bà cho họ Tây Ninh.

Cha Bính mạnh mẽ sắn sướt lắm, làm nhà thờ rồi còn phải lo nhà cha sở nữa; vậy vừa trả dứt 250$ nợ làm nhà thờ, cha liền ra tay làm nhà ở. Bổn đạo thấy cha sở có công khó làm nhà thờ xứng đáng cho Chúa, nên mấy nhà giàu ra tay dưng cúng tiền bạc phụ cho cha làm nhà ở. Tháng Septembre 1887 nhà cha sở bây giờ đó đã hoàn thành.

Năm sau 1888 cha xin tiền mua chuông, ông huyện Viên dưng chuông nhứt 300$, bà Thọ dưng chuông nhì 200$, thầy Giêng là anh ông câu Dược dưng chuông ba 150$. Song cha Bính không đặng hưởng, vì chuông mua chưa đem về, cha đã đổi đi Cái Bè.

Cha Hoàng (P. Frison ) thế cha Bính, đã lãnh ba cái chuông song cũng rủi, tàu chở chuông về tới Aden bị chìm, chuông xuống biển uống nước mặn, trục lên cho đặng tốn hết 232 đồng nữa, đem về đến nơi cha Hoàng lo làm lầu, xin làm phép và treo lên ở đó cho đến bây giờ.

Nhờ cha giục giã thúc hối thì bổn đạo mới vỡ đất bên kia rạch Trảng Bàng, nay thành ruộng, bổn đạo và nhà thờ nhờ chút đỉnh đó làm huê lợi, song rày đất ấy một ngày một xấu, bốn năm năm nay thất mùa hoài.

Cha lại lo lập họ Tân Hoà người ta quen kêu là họ Rạch Gốc, có ý đem bổn đạo Rạch Thiên ra ở dọc theo hai bên mé sông cái, vừa toan tính kế cha đổi đi họ khác.

Tháng Septembre 1891, cha Quang (P. Clair) đổi lại, cha liều công liều của mà lo việc giảng đạo. Dầu đã lớn tuổi, lại yếu đuối bịnh hoạn, song chẳng quản chi, một rảo ruông cùng xứ, kiếm họa may đặng linh hồn nào mà đem về ràn chiên Chúa. Hẳn thật công lao khó nhọc cha chẳng ra vô ích đâu, vì trong sổ năm 1894 và 1896 đầy tên người ngoại trở lại đạo. Cha đem nhiều người đến ở tại họ Tân Hòa, và từ đây mới gầy nên họ ấy, mà càng ngày càng sum; đến năm 1917 thì họ Tân Hòa đặng 662 người.

Cha Quang chẳng những là lo cho có chầu nhưng đạo mới, mà lại ra công khẩn đất giúp tiền bạc cho nó làm ăn, vì nghĩ rằng: Tại nghèo cho nên nhiều kẻ thua buồn mà bỏ đạo. Người bị lường gạt không biết là bao nhiêu mà kể, song cũng còn đặng nhiều ích lợi vững bền, là có nhiều người đạo mới khi ấy, rày nên đạo hạnh sốt sắng tại họ Tha La và Tân Hòa. Có lớp thì trôi nổi bình bồng, nhưng vậy cũng không mất hết đâu; có kẻ đến Sôm Rôm, Tây Ninh, Nàng Gình, cái lớp mất biệt thì ít hơn.

Buổi ấy có cha Hay (P. Hay) cha Sáng (P. Soullard) và cha Ròng (P. Masseron) thay đổi nhau tới đó học tập, nhờ gương cha Quang và lời cha chỉ dẫn, nên các cha mới ấy lấy lòng sốt sắng liều công liều của mà lo việc linh hồn người ta.

Từ năm 1894 đến 1897 có cha Tròn phụ giúp với cha Quang và cha Tuyển (P. Thévenin) mà lo mở mang họ Rạch Thiên và Tân Hòa.

Đến năm 1895 thì cha Nhu tới ở tại họ Tân Hòa; khi đó bổn đạo đặng chừng vài trăm.

Cha Ròng đã quen biết họ Tha La, vì đã ở với cha Quang đặng 6 tháng, nay đổi lại thế cho cha Tuyển, nhằm tháng Juin 1899, và coi họ cho đến tháng Août 1907. Cha khôn khéo giỏi lo, cho nên họ tấn phát nhiều; có một đều rất khó mà cha lo đặng, là bắt con nít đi học được luôn. Mấy bợm cờ bạc đều ghê cha hết, những trai hoang đều khép nép. Cha quyết lòng lo cho con chiên mình có ruộng đất mà làm ăn cho khỏi nghèo nàn đói khát, nên cha đã xin khẩn một số đất lớn làm trên vàm Nàng Gình, song bỡi có đều trắc trở nên việc không thành. Hụt sở đất đó, cha hãy còn muốn lo thể khác, cho đặng lập họ dọc theo mé sông cái, nếu đặng việc thì sẽ sinh bề lợi cho sở Tha La lắm. Biết bao nhiêu người có đạo bỡi nghèo nàn thốn thiếu, trốn tránh dọc theo mé sông cái mà làm ăn, xa nhà thờ nhà thánh, lần hồi đạo hạnh bê trễ, sau hết bỏ luôn. Phải chi có thế nào lập đặng một hai họ dọc theo sông cái, ắt là đem đặng nhiều người trở lại, cùng thêm đặng chầu nhưng đạo mới nữa. Coi như họ Lương Hòa và Tân Hòa (Rạch Gốc) có bao lâu đâu, mà nay đã nên họ lớn,

Qua tháng Août 1907, Đức cha dời cha Ròng ra coi một sở lớn mới lãnh là Phan Thiết, và đem cha Du (P. Guillou ) đang ở Tây Ninh vô coi họ Tha La thế cho cha Ròng. Cha sốt sắng ái mộ phần rỗi người ta, nên lo đầu nầy đầu kia, kiếm tìm chầu nhưng đạo mới, bỡi lo quá thì hết sức, sinh bịnh, qua tháng Mai 1909 cha đi Hồng Kông dưỡng sức mà không lại, nên phải về Tây mà dưỡng.

Khi ấy cha Cơ ở Tây Ninh xuống coi họ Tha La thế, từ tháng Septembre cho đến cuối năm.

Đầu năm 1910, cha Tôn (P. Quinton) đang ở Nhà Trường đổi ra coi họ Tha La, Trong họ có nhiều người trễ nải, bỏ mùa Phục Sinh, cha sốt sắng ân cần đi an ủi từ người, khuyên bảo nó đi xưng tội. Cha đã lo cấm phòng chung trong họ, lại cấm phòng riêng cho đồng nhi nam nữ; đã làm Tam Nhựt kinh lễ kính các vì Á thánh Nam Kỳ, nhờ đó những kẻ ngủ mê mới thức dậy, người nguội lạnh nên sốt sắng; cha dìu dắc những kẻ sốt sắng nên trọn lành. Cha lo lập Hội con cái Đ. C. Bà mà gìn giữ đồng nhi nữ; lập Hội học trò giúp lễ, cùng toan lập Hội giúp đồng nhi nam, và Hội bà thánh Annà có ý lo cho kẻ làm mẹ biết dạy dỗ con cái. Song ý Chúa định cha phải làm việc cao trọng cả thể hơn, không phải cho một mình sở Tha La nhờ mà thôi, mà lại cho cả và Địa Phận nhờ nữa, cho nên Chúa soi sáng cho các cha bỏ thăm chọn cha lên chức Giám mục, và Đức Thánh Phapha Pio thứ X đã châu phê chọn cha làm Giám mục Laranda, làm Đức cha phó Địa phận Saigon, chịu chức Giám mục ngày 15 Avril 1913

Cha Đavít (P. David) thế cho Đức cha phó lãnh coi sở Tha La, từ năm 1913 tới tháng Juillet 1916, Đức cha đổi cha Đavít về trường Latinh mà dạy học trò, cùng coi Nhà Trắng thế cho cha Humbert (cha Hiệu) đã qua đời.

Đức cha đã dời cha Thắng đang ở họ Tân Hòa lên coi họ Tha La.

Họ nầy đã dưng cho địa phận một thầy cả, là cha Phanxicô Xavie Truyền đang coi họ Vũng Tàu bây giờ. Một thầy phó tế chết tại nhà Trường là thầy Đệ, một thầy chết đang làm thầy tư là thầy Vở. Có hai thầy ở Nhà Dòng Cái Nhum. Nhiều đồng nhi nữ đi nhà phước, tại Thủ Thiêm bà Hiếm làm bà nhứt một kỳ rồi, kẻ thì ở nhà phước Chợ Quán, Cái Nhum, và nhà phước Trắng nữa.

Họ Tha La khác thể tổ ong, đong đầy quá bay tràn ra chỗ khác, bổn đạo bỡi nghèo, càng ngày càng đông, số con nít sinh ra mỗi năm thêm nhiều, ít khi chết, kẻ lớn phần nhiều hơn thì chết già, ít chết bịnh, đất đai hẹp, cho nên cũng túa ra chỗ nọ chỗ kia làm ăn mà ở khắp cùng mấy họ, Tây Ninh, Sôm Rôm, Tà Ky, Nàng Gình, Trà Béc, Tân Hòa và Búng Trai, trôi cho tới Ô Môn, Rạch Giá. Bỡi vậy từ năm 1908 cho tới 1917, có hơn 200 người bỏ họ mà đi kiếm chỗ làm ăn. Phải chi có bề làm ăn và đất điền đủ, chắc họ Tha La mau tấn số lắm.

(Chung về họ Tha La)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1918

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét