ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

Họ Gia Định

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ.

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-------------------------

HỌ CẦU BÔNG

Tĩnh Gia Định

-------------------------

I. – Gốc lập Họ 

Họ nầy đã có cũng giống như nhiều họ khác xung quanh Saigon, là lối năm 1860 khi binh Langsa đã nhập thành Saigon rồi, thì con nhà giáo hữu ở các nơi phải quan cựu trào hành và bắt bớ, cho nên mới bỏ xứ sở mà chạy trốn lên Saigon, hầu cho gần gũi binh tân trào thì chẳng còn sợ phải ai bắt bớ vì đạo, khi ấy là trong đời Đức cha Đôminicô.

Vậy ban đầu thì có một ít gia thất bổn đạo tới ngụ gần rạch Cầu Bông bên kia của thành Saigon, sau thì có nhiều nhà khác tới ở nữa, cho nên chẳng bao lâu số bổn đạo ngụ đó hơn ngàn người, cất nhà cữa ở theo mấy khoảnh đất trống kế rạch. Khi ấy có cất một nhà thờ, gần chỗ mả quan Thượng Công, và có kẻ nói, nhà thờ ấy đã cất tại chỗ tòa bố bây giờ.

Cách ít lâu sau đó thì số bổn đạo bớt lần, vì phần nhiều, khi nhà nước Langsa thống trị an rồi, thì ai nấy trở về xứ sở mình đã bỏ nhà trốn đi; phần thì cái rạch Cầu Bông nước hay ngập tràn hoài, nên có nhiều kẻ bỏ chỗ đó mà đi qua ở Tân Định; cho nên số bổn đạo còn đâu chừng vài trăm mà thôi. Trong lúc ấy hương chức làng Bình Hòa xin dời nhà thờ đi chỗ khác, thì cha Triêm là cha sở họ Cầu Bông đầu hết, cùng coi luôn họ Thị Nghè (1860-1867), cha đã mua một miếng đất gần rạch Cầu Bông giá là 30 quan tiền, và có một người bổn đạo ở Búng dưng một cái nhà ngói, thì cha đã lấy nhà ấy cùng làm thêm rộng mà làm nhà thờ, là trong năm 1867.

II. - Các cha coi họ.

Vậy cha Triêm coi họ Cầu Bông đầu hết như đã kể trên, cho tới chừng cha đổi đi thì cha Mỷ (sau lên làm Đức cha, Mgr. Colombert) khi ấy đang làm ký lục cho Đức cha Gioang, cha ở tại dinh Đức cha cùng coi họ nầy, qua lại làm phước làm lễ là trong năm 1867. Kế đó thì cha Phi (P. Gentillon) và cha Pineau ở Thị Nghè và coi luôn họ Cầu Bông. Qua năm 1869 thì cha Máttinho (P. Martin) đổi lại Thị Nghề cùng coi họ Cầu Bông cho tới năm 1873. Trong tháng Octobre năm 1873, thì cha Định (P. Delpech) đổi lại Thị Nghè thế cho cha Máttinho, và coi họ Cầu Bông, cho tới 10 Décembre 1876.

Trong năm 1875 thì cất nhà thờ Cầu Bông lại, vì nhà thờ trước đời cha Triêm làm, đã hư sập, một gia thất giàu có đã dưng bạc mà làm nhà thờ nầy, công cuộc hết thảy không quá một ngàn đồng bạc. Nhà thờ nầy sau đã sửa đi sửa lại và vững bền đó lâu lắm, cho tới năm 1911 thì cha Phaolồ Qui làm cha sở Cầu Bông mới xây dựng nhà thờ tốt lành như thấy bây giờ.

Khi cha Định đổi đi Tha La thì Cầu Bông nhập về họ Tân Định cho tới năm 1878, kế cha Hòa (P. Greset) về Thị Nghè cùng kiêm họ Cầu Bông như các cha trước. Cha Hòa muốn làm một cái đàng tắt ở Thị Nghè đi qua Cầu Bông cho gần, mà làm không thành. Trong đời cha nầy thì đã lập trường cho đồng nhi nam nữ tại Cầu Bông; lại cũng trong lúc ấy có nhiều trẻ nam nữ đã xin đi tu trong nhà trường nhà phước; mấy kẻ đi nhà trường thì còn lại một người tới chức thầy cả mà thôi, là cha Thao, con ông trùm tại họ. Cha Hoà ở Thị Nghè tới năm 1879 thì đổi đi, và cha Phụng (P. Fougerouse) đổi lại. Cách ít năm sau cha Định đang ở họ Mặc Băc, đi ngựa xuống Rạch Lọp mà phải rủi ro sanh bịnh hoạn, xa quan thầy, khó bề chạy thuốc men, nên Đức cha Mỷ đổi cha Phụng xuống Mặc Bắc, đặng cho cha Định về Thị Nghè cho gần quan thầy, là trong năm 1884. Cha về Thị Nghè mà bịnh không dứt, trở đi trở lại, cho nên cha phải về Tây là ngày 22 Avril 1887. Trong lúc cha Định dưỡng bịnh bên Tây một năm, thì cha Bổn (P. Abonnel) khi ấy đang dạy tại trường Latinh, mỗi Chúa nhựt lễ cả thì qua làm lễ tại họ Cầu Bông, còn cha Đường ở Thị Nghè thì lo về kẻ liệt họ Cầu Bông. Cũng trong lúc đó thì mới có mấy dì nhà phước Chợ Quán lãnh dạy trường nam nữ tại họ, trước thì giao cho thầy. Chừng cha Định trở qua là trong năm 1888, thì cha với cha phó sở ở Thị Nghè coi luôn họ Cầu Bông như trước.

Huê lợi đất nhà thờ mỗi năm không bao nhiêu, và từ khi sở xe lửa Saigon-Gòvắp làm đàng chạy qua mấy chỗ đất của nhà thờ thì thuê lợi bớt hết nhiều. Dầu vậy, huê lợi kém, mà số bổn đạo đặng thêm, vì là nơi ở gần Saigon, dễ kiếm công việc làm ăn, cho nên có bổn đạo ở mấy chỗ khác trong Lục tĩnh, cùng là ở ngoài Annam (Trung Kỳ), đến ở tại Gia Định Cầu Bông, mà làm công việc tại Saigon.

Vậy họ Cầu Bông hay là Gia Định từ trước cho tới năm 1897 thì là họ nhánh sở Thị Nghè, cha ở Thị Nghè qua lại làm phước, làm lễ cùng là xem sóc các việc trong họ mà thôi, chớ không có ở luôn tại họ. Đến đời Đức cha Đễ (Mgr. Dépierre) thì Đức cha mới đặt cha Lương (P. Lambert) làm cha sở và ở tại Cầu Bông.

Trong năm 1897 Đức cha Đễ đặt cho Lương khi ấy đang tùng sở Thị Nghè; qua làm cha sở Cầu Bông và ở luôn tại đó. Cho nên cha Lương là cha sở thứ nhứt họ nầy. Vậy cha về đó lo lắng sửa nhà thờ lại, cất nhà cha sở còn tới bây giờ, cùng sắp đặt các việc trong họ.

Qua năm 1899 thì Đức cha Mão (Mgr. Mossard) đổi cha Nguơn (P. Desseaume) về Cầu Bông, cha coi họ nầy trong chín năm, cất trường học, và đào cái rạch nhỏ ăn hiệp với rạch Cầu Bông tới chợ Gia Định. Cha Nguơn cũng đã tính lo làm nhà thờ mới, vì nhà thờ cũ chật hẹp quá, không đủ chỗ cho bổn đạo, nên cha có mua đá đặng dựng nền, mà rồi tính lại tiền bạc không đủ mà làm, vậy cha phải bằng lòng sửa nhà thờ cũ cho rộng hơn mà thôi, thâu phòng áo lễ vô, làm thêm mái hiên trước mặt tiền nới ra, làm đặng bấy nhiêu, chớ không thể mà làm sự gì cả thể hơn nữa, rồi thì kế cha phải đổi đi. Khi cha ở đó thì có cho nhiều trinh nữ đi nhà phước Chợ Quán, bây giờ thảy đều làm dì cùng đi dạy trong mấy họ.

Cha Nguơn đổi đi rồi thì cha Phaolồ Qui tới coi họ Cầu Bông là năm 1908; cha Qui đã ở dạy tại trường Latinh lâu lắm, chừng trong mình có bịnh hay đau, thì cha lãnh coi họ nầy, cha đã lo lắng hết mực cho trong họ nên tốt, chẳng nài công khó giảng khuyên dạy dỗ, nhiều giáo hữu lỗi luật điều Hội thánh, thì cha ra sức ủi an, nên cha về đó trong ít tháng thì làm cho phần hồn phần xác bổn đạo đều đặng sung thạnh, chẳng còn ai rối rắm, bớt kẻ trễ nải. Cha đang còn nong nả lo lắng các việc kế đau hơn, nên Đức cha đổi cha lên Chí Hoà là trong tháng Avril năm 1910, và cha Bộ (P. Bosvieux) coi họ Cầu Bông, cho tới tháng Juin năm 1911 thì cha Qui trở lại Cầu Bông như trước, và khởi sự làm nhà thờ mới, xay nền, xay vách lên được nữa chừng, kế tiền bạc hết, nên phải ngưng công việc, cho đến năm 1913 mới làm hoàn thành. Đức cha Mão đã làm là khánh tán trọng thể nhà thờ nầy ngày 28 tháng Mai năm ấy. Cha Phaolồ Qui làm cha sở họ Cầu Bông cho đến ngày cha sinh thì là 1 Août 1914.

Khi cha Qui qua đời rồi thì cha Binh coi họ Cầu Bông 2 năm, chừng cha Binh đổi qua Chợ Đủi, thì Cầu Bông lại nhập về sở Thị Nghè là trong năm 1915. Cho đến năm 1916 ngày 23 Juillet thì cha Tôma Thi đổi lại làm cha sở Cầu Bông-Gia Định cho tới bây giờ.

Họ Gò Vắp trước thì thuộc về sở An Nhơn, mà kể từ tháng Août 1917 thì Đức cha giao lại cho sở Gia Định như khi xưa, nên cha sở Cầu Bông phải coi luôn họ Gò Vắp nữa.

Tại họ Cầu Bông-Gia Định có hai dì phước Chợ Quán dạy trường nam và trường nữ, bổn đạo trong họ phần nhiều nghèo, song cũng rán theo sức mình mà phụ giúp cho hai trường và tiền cấp cho mấy dì ở dạy.

Số bổn đạo tại họ trong năm 1909 thì được 450 người, qua năm 1910 thì lại thêm tới 512. Bây giờ thì số đặng 600.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

 

 


 [A1]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét