ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Thành phần cư dân nào khẩn hoang lập ấp đất phương Nam (tức "Nam Kỳ", theo cách gọi thời vua Minh Mạng sau này)?

 Kỳ 2: Những điều còn hiểu sai về đĩnh cõi đất phương Nam

Thành phần cư dân nào khẩn hoang lập ấp đất phương Nam (tức "Nam Kỳ", theo cách gọi thời vua Minh Mạng sau này)?


Trước hết, xin có mấy dòng chú thích. Về mặt địa lý, nước Việt có ba miền: miền Nam, miền Trung, miền Bắc; còn về mặt phân chia địa giới chánh trị thì có hai miền: miền NAM, miền BẮC (đây dùng chữ in hoa, cho dễ phân biệt so với miền theo địa lý ghi chữ in thường).
Tỉ như NAM - BẮC giai đoạn 1954-1975; và giai đoạn xưa kia là NAM (Nam hà, phía Nam sông Gianh trở vô, tức Đàng Trong) - BẮC (Bắc hà, phía Bắc sông Gianh trở ra, tức Đàng Ngoài) kéo dài hơn một thế kỷ rưỡi lận.

A) Nhắc lại việc phân tranh Đàng Trong với Đàng Ngoài: khi nổ ra cuộc chiến tranh đầu tiên giữa hai Đàng vào năm 1625 (cả thảy có bảy cuộc đại chiến), kể từ lúc đó hai Đàng đoạn giao, chấm dứt thông thương đi lại.

Tỉ như những ai sinh ra đời ở ngoài BẮC trong năm 1625 và được cha mẹ kịp đưa vô trong NAM (trước thời điểm hai Đàng "đóng cửa", chấm dứt qua lại). Vậy, tính cho tới năm 1658 (chính thức mở đất, với qui mô lớn, tiến vào Thủy Chân Lạp), thế hệ đó được ngoài 30 tuổi, đang sức trai tráng. Còn cha mẹ của họ thì cũng đã lớn tuổi.

Thành thử trong giai đoạn đầu tiến vào Thủy Chân Lạp, ngoài những người sinh ra tại Đàng Trong (miền NAM), còn có giới trai tráng ngoài 30 tuổi (và một phần thuộc thế hệ lớn tuổi hơn) sinh ra ngoài BẮC.

NHƯNG, quí bạn chú ý: trong suốt cả trăm năm sau đó định cõi ở vùng Thủy Chân Lạp (1658-1757), nghĩa là dài lắm, lâu lắm.
Thành thử các thế hệ kế tiếp (ra đời sau năm 1625) đi khai phá Thủy Chân Lạp là đều được SINH RA & LỚN LÊN tại Đàng Trong (miền NAM) hết thảy!

Việc mở cõi miền Nam (Thủy Chân Lạp) SUỐT MỘT TRĂM NĂM, do vậy, cần được phân tích một cách khoa học là:
* Chỉ trong giai đoạn khẩn hoang ban đầu thôi, mới có cư dân sinh ra tại miền BẮC (nhưng kịp đi vô miền NAM trước năm 1625);
* Tuyệt đại đa số các thế hệ định cõi nơi Thủy Chân Lạp sau đó, là những cư dân được SINH RA & LỚN LÊN trong miền NAM.
(bao gồm những thế hệ sinh ra tại một số tỉnh miền Trung thuộc Đàng Trong, cùng với những thế hệ cư dân sinh ra trên miền đất mới ở phương Nam).

B) Quí bạn thường nghe nói "mở cõi là do di dân từ BẮC vào", hãy ngẫm cho kỹ, là hết sức phiến diện, hời hợt.

Nhắc lại: đây đang nói về mở cõi Thủy Chân Lạp từ 1658 (chớ không nói mở cõi ở miền Trung trước đó).
Trong suốt trăm năm định cõi, kể từ năm 1658 đến năm 1757, đâu có ai sinh ra ở miền BẮC (Đàng Ngoài) mà "vượt biên" vô NAM (Đàng Trong) được nữa!

Công trạng khẩn hoang lập ấp ở miền Nam (vùng Thủy Chân Lạp) - công trạng chủ yếu, chiếm tuyệt đại đa số - là thuộc về các thế hệ cư dân sinh ra tại Đàng Trong (miền NAM)!

[Cư dân ngoài BẮC, mãi cho đến khi đất nước hợp nhứt vào năm 1802 thì mới có sự thông thương trở lại, để có thể di chuyển với qui mô lớn vào trong NAM]

C) Sẵn đây nói qua về "Ngũ Quảng":
Vào thế kỷ 17, "Ngũ Quảng" gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (vùng Thừa Thiên-Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi.
(đừng nhầm lẫn với "tỉnh Quảng Đức" nằm trên cao nguyên, dưới thời Việt Nam cộng hòa vào thế kỷ 20 về sau, tỉnh Quảng Đức chính là tỉnh Đắc Nông hiện nay)

Còn Quảng Bình? Về địa lý, Quảng Bình thuộc về miền Trung; nhưng về địa giới chánh trị thời phân tranh thì hầu hết tỉnh Quảng Bình là thuộc miền NAM (Đàng Trong) trong suốt hơn một thế kỷ rưỡi!

(Thời gian Quảng Bình thuộc miền NAM, như vậy, lâu gấp 7-8 lần so với giai đoạn ngắn 1954-1975 mãi về sau này khi Quảng Bình thuộc miền BẮC)

Cần nhấn mạnh dữ kiện trên, bởi vì hiện nay bị ... "lệch sử" khi phán rằng Nguyễn Hữu Cảnh - theo lệnh Chúa Nguyễn vào an định vùng Đồng Nai, Gia Định, lập Dinh Trấn Biên (năm 1698) - là người miền BẮC (?) vì ông sinh ra và lớn lên tại Quảng Bình.
Cái này kêu bằng là "râu ông cắm cằm bà", đi lấy cách gọi của thế kỷ 20 đem áp ngược lên thế kỷ 17 đó đa!

Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650, nghĩa là sau khi hai Đàng đã chấm dứt qua lại được một phần tư thế kỷ rồi.
Sinh quán Quảng Bình của ông, hẳn nhiên là miền Trung (về địa lý), nằm hoàn toàn về phía Nam sông Gianh. Tức đây thuộc về miền NAM (Đàng Trong).

Ông là tướng của triều đình Phú Xuân (không phải triều đình Thăng Long), ở trong NAM (không phải ngoài BẮC), thành thử ông được Chúa Nguyễn sai phái cất quân vào vùng Thủy Chân Lạp là vì vậy.

D) CÔNG SỨC CỦA NGƯỜI HOA TRONG VIỆC ĐỊNH CÕI

Lưu dân người Việt xuôi từ miền Trung bắt đầu vào vùng Thủy Chân Lạp để khai khẩn Đồng Nai, Gia Định... Trong khi đó, từ cực Nam (Hà Tiên, Cà Mau) lại có một cuộc định cõi đi trở ngược lên. Do Chúa Nguyễn thực hiện? Không. Mà do công trạng của Mạc Cửu, cùng với con ông là Mạc Thiên Tích.

Mạc Cửu là người Quảng Đông, đưa gia quyến và tùy tùng vào tận đến kinh đô Oudong, và được vua Chân Lạp giao cho vùng Hà Tiên (gọi theo tên hiện nay cho dễ hình dung) để lập nghiệp. Mạc Cửu giỏi giang trong việc kinh tế, ông đã biến Hà Tiên trở thành một thương cảng nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á đầu thế kỷ 18.
Đến lượt Mạc Thiên Tích mở mang thêm Cà Mau, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cần Thơ...

Bấy giờ quân Xiêm La (Thái Lan) thường xuyên từ vịnh Thái Lan đổ bộ vào cướp phá. Cha con Mạc Cửu cầu viện vua Chân Lạp nhưng Chân Lạp đã suy yếu. Họ bèn xin nội thuộc, dâng những vùng đất mà họ khai khẩn đem sáp nhập vào Đàng Trong của Chúa Nguyễn (đổi lại, chúa Nguyễn cam kết bảo vệ họ Mạc trước những đợt tấn công của Xiêm La).

Quí bạn thử hình dung: giả sử cha con họ Mạc hồi đó chấp nhận dâng những vùng đất (nêu trên) & xin nội thuộc triều đình Xiêm La? Mũi Cà Mau, rồi "thập cảnh Hà Tiên" biến thành đất Thái hết trơn. Và rồi... bây giờ chúng ta đi tới Cần Thơ, có nước phải làm chiếu khán (visa) nhập cảnh Thái Lan đó đa.

Vậy nên, mới thấy hết công trạng của Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích trong việc mở rộng lãnh thổ cho nước Việt.

Thiệt tình, người Tàu mà như họ Mạc thì đáng mến, đáng trọng gấp ngàn lần so với những kẻ mang xác Việt nhưng vong bản, phản quốc.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
-------------------------------------------------------------------------
Hình ảnh: Tượng Nguyễn Hữu Cảnh ở Đồng Nai.
Tượng Mạc Cửu ở Hà Tiên.





 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét