ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

Gọi tên “Nam Kỳ lục tỉnh” dễ mến hết sức: Hoài vọng, hãnh diện về truyền thống nơi đây!

* Lối "giảng dạy" lệch lạc kiểu gì mà khiến cho không ít thế hệ sau này tưởng tên gọi "Nam Kỳ lục tỉnh" là do Tây đặt ra (?). Nên biết, Tây vào thì làm gì còn "lục" (6), mà lên tới con số 20 đó đa.

A) Như trên fb này tôi đã từng ghi chú, "NAM KỲ" là danh xưng do chính người Việt đặt ra (hồi năm 1832, trước cả nửa thế kỷ khi Tây xâm chiếm toàn cõi 1884), Tây vô thì Tây đặt tên bằng tiếng Tây, họ gọi là "Cochinchine".
Thêm điều này nữa, quí bạn chú ý, "NAM KỲ LỤC TỈNH" tức gồm 6 tỉnh. Đến lúc Tây vô thì đâu còn 6 tỉnh rộng rinh, mà Tây chia ra thành 20 tỉnh!

Đây, 6 tỉnh gốc của Nam Kỳ ("Nam Kỳ lục tỉnh" , tôi ghi bằng CHỮ IN HOA) => chia thành 20 tỉnh của "Cochinchine" (là tên Tây áp vô, gọi thay cho hai chữ "Nam Kỳ" đã có sẵn từ hơn nửa thế kỷ trước):

1/ GIA ĐỊNH: chia thành 5 tỉnh gọi là Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh, Gò Công.
2/ BIÊN HÒA: chia thành 3 tỉnh gọi là Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một.
3/ ĐỊNH TƯỜNG: đổi tên thành Mỹ Tho.
4/ VĨNH LONG: chia thành 3 tỉnh gọi là Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh.
5/ AN GIANG: chia thành 5 tỉnh gọi là Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Sóc Trăng, Cần Thơ.
6/ HÀ TIÊN: chia thành 3 tỉnh gọi là Hà Tiên, Rạch Giá, Bạc Liêu.

Đó là cách mà người Pháp phân chia tỉnh vào năm 1899. Trước đó, người Pháp phân chia Nam Kỳ thành "hạt" (arrondissement) lúc thì 27 hạt, lúc thu gọn còn 18 hạt, rồi lại nâng lên 19 hạt... Tới năm 1899, người Pháp đổi "hạt" thành "tỉnh" (province) - cách gọi "tỉnh" () được đặt ra từ đời Hoàng đế Minh Mạng (1832), tới năm 1899 này người Pháp mới dùng lại chữ "tỉnh" (viết tiếng Pháp là "province") nhưng thay vì 6 (lục tỉnh) thì trở thành 20 tỉnh lận.

Về sau, cũng dưới thời Pháp, còn thay đổi một vài lần nữa (đặt thêm tỉnh mới, rồi lại bớt đi).v.v...

B) Người Pháp khi đặt sự cai trị lên vùng đất phương Nam này, họ đâu muốn giữ "lục tỉnh" y như cái thuở vùng này còn độc lập. Mà họ đặt ra rất nhiều tỉnh mới, không còn "lục" gì ráo trọi.

Nhưng, người dân Nam Kỳ vẫn hoài vọng "lục tỉnh" miết - như một cách lưu luyến với truyền thống của cha ông.
Tỉ như hồi năm 1907, ở Sài Gòn xuất bản tờ báo mang tên "Lục tỉnh tân văn" (số báo đầu tiên ra ngày 15/1/1907), chủ bút là ông Trần Chánh Chiếu (Gilbert Chiếu). Ta nói, lúc này cái tên "Lục tỉnh" đâu còn trong thực địa nữa, nhưng vẫn lấy hai chữ "LỤC TỈNH" làm tên báo hẳn hòi vậy đó!

Nói nào ngay, trong việc này thì người Pháp họ lịch sự mà tôn trọng cái sự hoài vọng đó - chớ không bày trò cấm đoán, không "bức tử" những gì đã từng hiện hữu trong lịch sử vùng đất nơi đây và lưu lại trong tâm trí người dân bản xứ.

Cái tên gọi "Nam Kỳ lục tỉnh" nghe dễ mến hết sức, khơi gợi ngọn nguồn, làm sao quên cho nổi? Chỉ có những kẻ mang tâm địa hèn kém thì mới hả hê khi "bức tử" tên gọi ngày xưa mà thôi.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
---------------------------------------------------------------------
Hình ảnh (hàng dưới): Báo Lục tỉnh tân văn; tòa soạn báo Lục tỉnh tân văn tại Sài Gòn 1907.




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét