ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

Sài Gòn mến yêu, Đàng Trong mến yêu

 SÀI GÒN MẾN YÊU, ĐÀNG TRONG MẾN YÊU

* Tỏ tường về địa danh “Sài Gòn”;
* Hiểu thêm về cá tánh phóng khoáng tại ĐÀNG TRONG - đó là: cởi mở, không "bức tử / trục xuất ngôn ngữ" mà có sự đón nhận, tôn trọng địa danh của những tộc người bản địa!
&&&
I/ Dẫn nhập lai rai chơi:
Có những vị đoán ngày xưa vùng đất Sài Gòn có nhiều "cây gòn", nhưng gòn chỉ là một trong những loại cây có mặt bình thường tại đây, chẳng nhiều tới mức để phải trở thành địa danh (vậy, “Sài" nghĩa là gì?, có người diễn giải là “củi” nhưng không thấy chứng tích ngôn ngữ nào ở miền Nam gọi "củi" là... "sài" hết trơn).

Lại có kiểu suy đoán ngược: dùng chữ Hán để giải thích địa danh. Lối suy đoán này khá phổ biến. Tại sao nói suy đoán ngược?
Bởi vì, nhiều người giải thích "ngữ nghĩa" đã quên mất một đặc trưng hết sức quan trọng ở Nam Kỳ.

II/ ĐẶC ĐIỂM "NGOẠI VĂN HÓA HÁN TỰ":
1) Nơi đây là vùng đất - trước khi người Việt (rồi người Hoa) - vào khai khẩn, trong rất nhiều thế kỷ là thuộc Chân Lạp (trước đó nữa, xửa xưa, là vương quốc Phù Nam). Thành thử địa danh trong nhiều đời trước kia là tiếng Khmer (Chân Lạp), có một số vùng theo dòng lịch sử còn có sự giao lưu với tiếng Xiêm La (Thái Lan), tiếng Mã Lai... (số này chiếm ít, tỉ lệ phần lớn vẫn là từ tiếng Khmer).

2) Nơi đây là vùng đất, trong nhiều đời (trước khi người Việt, lẫn Hoa, xuất hiện) - xin chú ý - không nằm trong văn hóa Hán tự! Đây là đặc điểm khác với vùng đất miền Trung (một phần) và miền Bắc (quen sống ngàn năm trong văn hóa Hán tự). Thành thử nguồn gốc của nhiều địa danh ở Nam Kỳ ngày xửa xưa không định danh bằng chữ Hán.

3) Qui luật trong việc gọi địa danh ở Nam Kỳ được gọi là "qui luật tiếp biến ngôn ngữ":
Phần lớn từ tiếng Khmer => sau đó lưu dân Việt tiếp nhận, đọc theo, rồi biến âm theo cách đọc bằng tiếng (nói) Việt => ghi lại trên văn bản bằng Hán tự (nên nhớ: trước khi có chữ Quốc ngữ, hết thảy đều ghi chép bằng chữ Hán).

III/ VỀ ĐỊA DANH "SÀI GÒN":
1) Trước đây khi còn là lãnh thổ của Chân Lạp (Chen La), tên gọi nơi vùng này ghi bằng tiếng Khmer (bên tiếng Anh phiên âm, ghi là “Prey Nokor”):
ព្រៃ នគរ - nghĩa là “vương quốc của rừng”, vì nơi đây ngày xưa còn rừng rậm, hoang dã.
Người Khmer đọc
ព្រៃ (Prey) gần gần với /rai/; đọc នគរ (Nokor): lướt nhẹ "no", còn "kor" thì /k/ đọc hao hao âm /g/ của tiếng Việt, nghe gần giống với /gòr/.

2) Tiếp biến qua cách đọc của người Việt:
Năm 1620, vua Chân Lạp là Chey Chettha II lấy công chúa Ngọc Vạn, ái nữ của chúa Nguyễn Phước Nguyên, mở ra cơ hội cho người Việt thâm nhập vào đồng bằng châu thổ sông Mekong bấy giờ thuộc Chân Lạp. Vào năm 1623, vua Chey Chettha II cho phép chúa Nguyễn mở một đồn thu thuế ở vùng Prey Nokor
ព្រៃ នគរ.

Theo qui luật tiếp biến ngôn ngữ, người Việt đọc trại thành /rài gòn/, rồi theo thời gian thành: /sài gòn/. Nghĩa gốc của âm “Sài Gòn”, xin nhắc lại, là “vương quốc của rừng”.

3) Qui phạm hóa bằng Hán tự:
Mãi hơn nửa thế kỷ sau - nhấn mạnh, hơn 50 năm sau - mới xuất hiện người Hoa tại vùng Prey Nokor "Sài Gòn".

Đó là vào năm 1679, chúa Nguyễn đã cho Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch gốc Quảng Đông kéo hơn 3.000 người vào định cư, lập nghiệp tại vùng lãnh thổ này. Với ưu thế về tổ chức, họ đã đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang của lưu dân người Việt (đã có mặt từ trước đó ít nhứt nửa thế kỷ) có hiệu quả hơn.

Họ (người Hoa gốc Quảng Đông) nghe người Việt đọc tên vùng này là “Sài Gòn" => Họ phiên âm qua tiếng Quảng Đông, đọc hao hao, là "Sài Côn" / “Sai Kung” (lưu ý: /k/ được người Quảng Đông phát âm gần với /g/, nếu phiên âm một cách nôm na thì người Hoa đọc là "Xây Gồng").
"Sai Kung" ("Xây Gồng") được người Hoa ghi bằng chữ Hán là
西
(ở đây dùng chữ Hán để ghi âm, hoàn toàn không mang nghĩa)

* Tóm lại:
Từ tiếng Khmer
ព្រៃ នគរ (Prey Nokor), diễn ra sự tiếp biến qua âm Việt là: “Sài Gòn”. Người Quảng Đông đọc mài mại “sài gòn” thành “sai kung”, ghi bằng chữ Hán là 西 .

(Hai chữ 西 , nếu đọc theo âm Việt-Hán, là “Tây Cống”. Nhiều người đời sau lại đi suy luận ngược, tưởng “Tây Cống” mang lấy ý nghĩa của địa danh. Kỳ thực, đây thuần túy là tiến trình ghi âm mà thôi.

Không ít người tưởng rằng có hai chữ 西 xuất hiện trước, người Quảng Đông đọc "Xây Gồng", rồi người Việt đọc theo thành "Sài Gòn". Tưởng vậy là tưởng bở, là trớt hướt!
Bởi vì không lẽ người Việt có mặt trước người Hoa cả nửa thế kỷ, nhưng lúc đó người Việt ù ù cạc cạc không biết gọi tên vùng đất này là gì hay sao, mà ú ớ như ngọng, dốt đặc tới mức phải đợi người Hoa tới thì mới biết đàng mà gọi tên "Sài Gòn"?)

IV/ CÁ TÁNH PHÓNG KHOÁNG TẠI ĐÀNG TRONG:
Ở Nam Kỳ, còn có hàng loạt địa danh như thành phố Châu Đốc, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Trà Vinh, thành phố Cần Thơ, thành phố Mỹ Tho ... - hết thảy đều lấy từ tên gốc trong tiếng Khmer (rồi biến âm theo cách nói của người Việt). Đó là chưa kể còn những địa danh cấp huyện, cấp xã, ấp này kia nữa cũng mang dấu tích tiếp biến ngôn ngữ từ tiếng Khmer.

Ở miền Trung, địa danh như thành phố Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rí, Phan Rang, Phan Thiết ... - hết thảy đều có gốc từ tiếng Cham của tộc người bản địa nơi đây.

Hãy cùng nhau ngược dòng lịch sử, thuở phân lập Đàng Trong của 9 đời Chúa Nguyễn (kể từ những thập niên đầu thế kỷ 17): một cõi mình ên, từ Quảng Bình (phía nam sông Gianh trở vô) rồi mở rộng dần về phương Nam cho tới Cà Mau.

Thấy gì? Khí chất táo bạo, phiêu lưu đi lập nghiệp, không chấp nhận sống trong những lề thói cứng nhắc nơi lũy tre làng và triều chính quan phương... đã trở thành động lực để xác lập - theo dòng thời gian - một không gian văn hóa mới, một sinh khí văn hóa mới!

Ở đó, không có chỗ cho sự khệnh khạng mà phải là, nên là, sự hòa đồng, phóng khoáng.
Ngay trong cách gọi địa danh.

Không "bức tử", "trục xuất" hàng loạt để áp đặt, mà vẫn có những nơi này nơi kia được giữ lại / theo đúng cách gọi địa danh của những chủ nhân gốc: là người Chăm dọc theo miền Trung, là người Khmer ở vùng Thủy Chân Lạp (đổi tên thành "Nam Kỳ", dưới đời vua Minh Mạng năm 1832).

ĐÀNG TRONG mến yêu, là như vậy đó. Chứng kiến sự giao thoa, tiếp biến ngôn ngữ lẫn nhau chớ không "bức tử", "tận diệt" ./.
------------------------------------------------------------------
(Sẵn đây, nhắc lại:
Hồi xửa xưa, lúc Ngô Quyền mở đầu thời kỳ tự chủ, rồi nhà Đinh, rồi đến Lý Thái Tổ khởi đầu nhà Lý đặt tên nước "Đại Việt" - vào thời điểm của vua Lý Thái Tổ, Đại Việt chỉ đến Hà Tĩnh là biên giới cực Nam. Lãnh thổ của tộc Việt chỉ đến Hà Tĩnh thì dứt.

Còn từ Quảng Bình trở vô, suốt chiều dài miền Trung, là lãnh thổ của một quốc gia hoàn toàn khác: quốc gia của tộc người Cham.
Còn vùng đất mà sau này là Nam Kỳ vốn là lãnh thổ của nước Phù Nam, rồi nước Chân Lạp của tộc người Khmer.

Lãnh thổ mở cõi, theo dòng thời gian, gồm cả giải pháp "hòa hiếu" (sáp nhập đất đai bằng "hôn nhân chánh trị", bằng sự cống nạp) lẫn giải pháp xâm chiếm quân sự khốc liệt, đầu rơi máu chảy.

Xét về dữ kiện khách quan, khi truy xuất về nguồn gốc lãnh thổ, ĐÀNG TRONG (từ Quảng Bình đến Cà Mau) là sáp nhập lãnh thổ của tộc người Cham và lãnh thổ của tộc người Khmer!

Tức, ĐÀNG TRONG thành hình trên một không gian tích hợp PHONG PHÚ của vùng văn hóa gọi là "văn hóa Đông Nam Á", không thuần văn hóa "Nho giáo / Hán tự" khô cứng.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
-----------------------------------------------------------------
Hình ảnh: Ngôi chùa Khmer xưa tại Sài Gòn (Prey Nokor
ព្រៃ នគរ )


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét