ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

Họ Tân Hưng

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

--------------------------

HỌ TÂN HƯNG

Hai làng : Tân Hưng và Trung Hưng, Hạt Gia Định.

-------------------------

1 - Gốc lập Họ

Trong năm 1861 cha Puginier sau làm Đức cha Hà Nội khi ấy giúp tạm Địa phận Saigon, coi họ Thị Nghè cùng lo mở mang việc giảng đạo tới Hóc Môn, Cha đã làm cho ông Trần tử Ca trở lại đạo chịu phép rửa tội, ông nầy khi ấy là hương chức tại làng Hanh Thông Tây, kế đó Nhà nước Langsa đặt người lên làm cai tổng.

Từ ấy thì ông Trần tử Ca thăng chức mau lắm, sau đã làm Đốc phủ sứ, và người hằng dùng dịp tốt mà khuyên bảo dân sự vô đạo, cho nên đã có nhiều kẻ nghe theo mà xin thọ giáo. Bỡi vậy khi cha Lý (Galy) tới thế cho cha Puginier, thì đã lập chỗ ở đặng tại Bà Điểm, cùng lo dạy những chầu nhưng đạo mới ở lãi rải mấy nơi từ Gò Vắp tới Hóc Môn.

Cha Lý rửa tội cho người chầu nhưng đầu hết ở tại Tân Hưng là một ký lục của ông Đốc phủ Ca, tên là thầy Nguơn, đã lên làm phó cai tổng Bình Thạnh Hạ, là trong năm 1869. Khi ấy có bà Lành là cựu bà nhứt Nhà phước Cái Mơn, cha Lý xin bà tới ở Tân Hưng đặng dạy vợ con thầy Nguơn học đạo, và sau khi cha Lý qua đời rồi, thì cha Vĩnh (Le Vincent) đã rửa tội cho vợ con thầy ấy. Nhờ bà Lành lo lắng dạy dỗ nên có bảy tám nhà khác bà con với vợ chồng thầy Nguơn đã trở lại đạo, cha Thành rửa tội cho những kẻ ấy trong năm 1871 và năm 1874.

Cho nên gốc họ Tân Hưng đã lập ra là từ đó.

II. – Các cha coi Họ

Vậy trong đời Đức cha Gioang cai trị Địa phận, thì cha Lý trong năm 1869 đã rửa tội cho người bổn đạo đầu hết, cùng mở việc giảng dạy tại làng Tân Hưng.

Kế đó cha Thành và cha Vĩnh từ năm 1869 tới năm 1874 ở tại Bà Điểm cùng là tại Hóc Môn qua lại Tân Hưng mà dạy dỗ mấy người mới vào đạo, số khi ấy đã tới trăm; có cất một cái nhà thờ lợp bằng tranh năm 1872, bổn đạo tựu lại đó mà nghe cha giảng dạy, cùng là hiệp nhau tại nhà trường của bà Lành và chị bà đã lập; bà thì lo dạy đồng nhi và chầu nhưng lớn học kinh phần lẽ đạo. Gần nhà thờ và nhà trường thì có cất một nhà lá để khi cha tới họ thì ở đó, chỗ miếng đất cất nhà thờ, nhà trường và nhà cha sở là đất của một người ngoại đã dưng, là cha của xã Thiện, người nầy sau đã vô đạo, một người bổn đạo khác là ông câu Đủ đã dưng miếng đất đặng mươi sào, để làm đất thánh.

Qua năm 1874, đời Đức cha Mỹ (Mgr. Colomber), thì cha Báu (Leprince) đổi lại thế cho cha Vĩnh; cha Báu ở tại Hóc Môn cùng cứ lệ như mấy cha trước, mỗi tháng thì tới viếng họ Tân Hưng một lần. Khi ấy sổ bổn đạo dầu không đặng chóng thêm nhiều, mà thật thảy đều sốt sắng, mỗi Chúa nhựt thì hiệp nhau đi bộ với bà Lành đặng tới hoặc tại Bà Điểm, hoặc tại Tân Đông mà xem lễ, đàng đi cách xa năm sáu ngàn thước.

Tới năm 1877 cha Điều đổi lại thế cho cha Báu. Khi ấy ông Đốc phủ Ca lập một chợ tại làng Trung Hưng kêu là chợ Cầu hay là chợ Mới ngang làng Tân Hưng, và cất nhà cữa cho con là Trần tử Dực ở tại chợ ấy, cùng năng lui tới ở tại đó. Ông Đốc thấy nhà thờ ở xa quá, mới tính với cha Điều đặng dời nhà thờ lại cho gần hơn; cho nên đã mua một miếng đất chừng một mẫu, giá 150 quan tiền, chỗ cách xa chợ cũng bằng cách xóm có đạo Tân Hưng, cho nên là ở giữa hai nơi, cùng dưng miếng đất ấy cho cha đặng cất nhà thờ. Vậy cha Điều lấy đá gạch đồn Thuận Kiều đã phá ra, của quan Đốc phủ cho, mà làm một nhà thờ trên lợp ngói tại chỗ đó, lại cũng cất một nhà lá cho cha ở khi tới viếng, và một nhà cho bà Lành và chị người ở cùng làm nhà trường luôn. Còn chính họ cha Điều ở thường là Hóc Môn. Khi ấy số bổn đạo tại Tân Hưng đặng 140 người.

Trong lúc ấy có một đứa gái ngoại đau một bệnh lạ, không thuốc nào trị được, ai nấy đều nói là nó bị quỉ phá, mà nhờ bà Lành đi đọc kinh cầu nguyện cho, nên nó đã đặng mạnh lại; xã Thiện là cha đứa gái nầy, và nội gia thất nhờ đó mà tin kính Chúa cùng trở lại đạo hết.

Qua năm 1881 cha Thạch đổi lại thế cho cha Điều, và cũng ở tại Hóc Môn như mấy cha trước, cùng đi qua lại viếng mấy họ là Bà Điểm, Mỹ Huề, Tân Đông và Tân Hưng; cha Thạch đã đặt lên tại Tân Hưng mười người chức việc, hai ông câu, bốn người biện và bốn người giáp; (Trần tử Dực là con ông Đốc phủ Ca và Nguyễn hữu Giêng là hai ông câu ) đứng đầu trong họ.

Còn bà Lành thì cứ lo việc dạy dỗ tại trường họ cho tới chết là năm 1883, bổn đạo đều trọng kính bà lắm, vì gần hết thảy đều nhờ bà dạy dỗ học đạo. Đức cha Mỹ, đã xuất của riêng ngài mà dạy xây mồ mả của bà tại họ Tân Hưng, bà nầy hồi bắt đạo đã phải tù ngục và đòn bọng vì danh Chúa tại khám Vĩnh Long, trước khi Nhà nước Langsa chưa thu nhập tĩnh ấy.

Khi cha Thạch ở tại Hóc Môn, ngày Chúa nhựt 8 Février 1885 cha làm lễ tại Tân Hưng, có ông Đốc phủ Ca tới xem lễ tại đó. Sau lễ rồi thì ông nầy nói chuyện với con là Trần tử Dực và chỉ một khoảng đất trống giữa hai cây xoài trồng phía sau nhà thờ mà rằng: Cha muốn con chôn xác cha tại chỗ nầy, nên bây giờ con hãy lo đào huyệt cho sẵn đi. Trần tử Dực nghe cha mình nói vậy thì bộ buồn mà trả lời rằng: Chuyện gì mà cha lo chết, cha còn sức khỏe mạnh giỏi, nói chi tới việc mả mồ, để sau đã. Ông Đốc phủ rằng: “Mà cha nói cho con rõ, cha muốn con chôn xác cha tại đó, vì cha biết chắc ngày giờ cha chết không còn bao lâu, lại con cũng phải đào luôn hai cái huyệt, một cái cho cha, một cái cho mẹ con nữa.”

Mà thật sự quan Đốc nầy thấy trước thì ứng nghiệm, vì chiều ngày ấy thì người trở về Hóc Môn, và lối 8 giờ tối thì đã phải quân ngụy giết cùng đốt phá nhà cữa tan hoang, còn bà Đốc thì bị lửa cháy mà chết thiêu trong nhà.

Qua ngày sau, có quan Nguyên Soái và các quan tại tĩnh tới đưa xác ông Đốc và bạn người cách trọng thể qua nhà thờ Tân Hưng, lại có một cơ lính bộ và lính thủy theo hầu xác, vì quan Đốc phủ đã đặng thưởng thọ Ngũ đẳng bửu tinh (Chevalier de la Légion d’honneur). Làm các lễ phép tại nhà thờ rồi, thì đem chôn xác hai ông bà tại nơi chính mình quan Đốc phủ đã chỉ hôm qua đó.

Một việc nầy đáng ghi lại nữa, là xác bà Đốc phủ đã phải lửa cháy, mà trong mấy ngón tay còn vấn chuỗi lần hột, và áo Đ C Bà người mang trên cổ cũng còn y nguyên, không có bị cháy hay là nám chút nào hết. Mồ mả hai ông bà thì con cháu người đã xây lắp tốt lành, bây giờ còn đó, nên dấu nhắc lại cho hậu lai, kẻ Chúa đã dùng mà gieo trồng đạo thánh Chúa trong miền ấy.

Quân ngụy cũng đã đốt nhà thờ và nhà cha sở, chúng nó tưởng là có cha Thạch ở nhà; thời may bữa đó làm lễ tại Tân Hưng rồi thì cha ra Saigon, phải mà trở về Hốc Môn thì cũng đã phải chúng nó giết chẳng sai. Nhiều nhà bổn đạo tại họ cũng phải quân ngụy đốt phá, cho nên ai nấy đều chạy trốn; và sau đó thì cha Thạch bỏ Hóc Môn mà qua ở tại họ Tân Hưng, thì có mươi gia thất theo cha, mà về cất nhà cữa tại Tân Hưng, là lối giữa tháng Février năm 1885.

Vậy trước thì bà Lành chết, sau Ông Đốc phủ Ca bị giết, cho nên có nhiều chầu nhưng đạo mới non gan nhát sợ, đã bỏ đạo mà trở về ngoại. Dầu vậy trong kỳ lấy sổ năm 1887-1888 cha Thạch ghi cho sở Tân Hưng số 248 người có đạo.

Nhà thờ nhỏ bằng gạch của cha Điều làm, đã hư gần sập, cho nên trong năm 1888 và 1889 cha Thạch đã cất một nhà khác, nửa bằng gạch nửa bằng cây ván, trên lợp ngói, tạm đỡ làm nhà thờ cho tới năm 1908, bổn đạo kẻ giúp của người giúp công mà làm nhà thờ tạm ấy.

Cha Thạch tính lo làm nhà thờ mới lớn tốt, nên trong năm 1894 đã khởi sự đào hầm xây nền, chẳng hay qua cuối năm 1895 thì cha đổi đi và cha Thông (Gerber ) đổi lại; số bổn đạo khi ấy được 256 người.

Đức cha Để (Mgr. Dépierre) đổi cha Thông lại Tân Hưng, có ý lập họ nầy làm chánh địa sở. Vậy trong năm 1896 cha đã cất trường học và nhà phước bằng ngói gạch, lại qua năm 1897 cha cất một nhà để nuôi trẻ mồ côi cũng bằng ngói, cùng cất nhà cha sở cột cây trên lợp tranh.

Cha tính làm nhà thờ cho lớn tốt hơn cái họa đồ của cha Thạch đã làm, mà tiền bạc không đủ, cho nên từ năm 1895 tới năm 1907 cha lo thâu góp đặng mà làm, bổn đạo nội họ Tân Hưng góp được một số 1633$; cha xin các cha trong địa phận giúp đặng 8000$; còn bao nhiêu nửa cọng chung hết thảy tới 21.000$ thì là của nhà ông Denis Lê-phát-An dưng, vì trong năm 1907 ông nầy đã đặng ơn lạ Đức Mẹ thành Lourdes chữa cho thuyên bịnh; nên người đã hứa giúp bạc mà làm nhà thờ họ Tân Hưng cho rồi, đặng dưng kính cho Đ. C. Bà chẳng hề mắc tội tổ tông, mà tạ ơn Đức Mẹ.

Nhờ đó cho nên công việc làm nhà thờ đã đặng mau hoàn thành, ngày 20 Février năm 1908 thì rồi. Nhà thờ vừa rồi thì cha Thông mệt đau, nên đã về tây nghỉ, và cha Sắc (Cransac) đổi lại Tân Hưng cùng lo sắp đặt các công cuộc phía trong nhà thờ; qua ngày 10 Mars 1908, Đức cha Mão (Mgr. Mossard) đã làm phép nhà thờ mới ấy, bổn đạo ai nấy đều vui mầng hớn hở, vì rày trong họ có nhà thờ lớn rực rỡ tốt lành.

Nhà thờ nầy làm theo kiểu Rôma, bề dài được 32 thước, bề ngang rộng đặng 16 thước, ở trong có ba lòng căn, trên nóc đều tô da trời, cho nên sánh lại thì không thua mấy nhà thờ nhiều họ lớn trong Địa phận.

Cha Sắc coi họ Tân Hưng cho tới năm 1912, rồi thì cha Matthêu Chiểu đổi lại, và ở đó cho tới năm 1916 (Juillet). Bây giờ thì cha Marôcô  Châu ở tại họ Tân Hưng.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét