ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

Họ Thị Nghè

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

----------------------------

ĐỊA SỞ HỌ THỊ NGHÈ

----------------------------

I. - Gốc lập họ.

Họ Thị Nghè lập ra đã lâu năm, hồi cựu trào, song không rõ là năm nào, đời nào; hỏi mấy người già cả trong họ, thì ai cũng nói họ Thị Nghè đã có lâu trước mà thôi; còn ai đã lập và khi nào, thì không người nào biết. Vậy phần nhiều mấy họ xung quanh Saigon đã lập ra là khi binh lính Langsa lấy đặng thành Saigon (1859); thì những bổn đạo ở mấy nơi khác phải bắt bớ, nên đã đề huề thê tử trốn lên ở xung quanh Saigon, nương đục theo bóng cờ tam sắc nhà nước Langsa, cho đặng ở an làm ăn giữ đạo, khỏi lo sợ phải các quan annam bắt bớ nữa. Lúc ấy thì họ Thị Nghè đã có trước rồi, vì khi cha Delpech (Định) đến nhậm sở trong năm 1873, thì nghe ông trùm tại họ, trước là học trò của Đức thầy Vêrô, đã kể lại như vầy: Khi ấy nhà Đức thầy Vêrô ở chỗ trại lính làm thuốc đạn trái phá bây giờ, và Đức thầy qua lại Thị Nghè mà ngồi tòa, làm phước.

Khi ấy cũng có một nhà thờ tại họ, vì trong sách cha Louvet (Ngôn) làm (La Cochinchine Religieuse) có nói hồi Đức thầy tạ thế tại Qui Nhơn, thì vua Gia Long đã dạy đem xác người về Saigon, để tại dinh Giám mục, cho bổn đạo xa gần khắp nơi trong Địa phận đến mà đọc kinh cầu hồn cho Đức thầy. Sớm mai thì có cha làm lễ hát trọng thể tại nơi để xác, lễ rồi thì có giảng nhắc tích và công việc lúc Đức thầy đã làm; chiều lại bổn đạo ai nấy kéo qua nhà thờ họ Thị Nghè, mà hát kinh, cầu hồn cho Đức thầy.

Vua Gia Long vì lòng cảm mến những công ơn Đức thầy và trò đã phò trợ giúp mình, cho nên hằng tỏ ra lòng thương yêu kẻ có đạo; vậy nhà thờ và bổn đạo tại Thị Nghè đều đặng bình an; song khi vua Gia Long qua đời, vua Minh Mạng kế vị, thì lại nổi cơn bắt đạo; kẻ ngoại ở Thị Nghè lên soán lấy nhà thờ mà làm chùa; như vậy lâu năm, cho tới khi binh Langsa hãm đặng thành Saigon, thì bổn đạo trong họ biết mình đặng vững thế, không còn sợ gì nữa, nên đã soán lại cái chùa ấy cùng sửa lại mà làm nhà thờ, lại có nhờ một người có đạo giàu có, quí danh là ông chánh Giáo, dưng cho nhà chung một cái nhà tốt lắm; khi ấy Đức cha Lefèbvre mới sai cha Triêm tới nhậm họ Thị Nghè, vậy cha đã cất một nhà thờ kiểu an-nam, theo đời ấy thì, nhà thờ nầy tốt lành xứng đáng lắm. Ông chánh Giáo lại có một người anh tên Mười, làm trùm họ, ông nầy dưng một khoảnh đất rộng lớn, nhà thờ đã cất trên miếng đất ấy; cách lâu sau, nhà thờ dời lại chỗ nhà cha sở bây giờ; trong năm 1873 khi cha Delpeel tới nhậm họ Thị Nghè, thì nhà thờ cũng còn chỗ đó, cho đến năm 1890, thì cha đã dời lại, cùng đã xây dựng nhà thờ mới đang còn tại họ bây giờ đó.

II. – Các cha coi họ.

Cha coi họ Thị Nghè đầu hết là cha Triêm, Đức cha Lefèbvre đã sai người nhậm họ nầy lối năm 1854: Khi cha Triêm ở đó thì cha đã lập họ Cầu Bông, vì đã có một ít nhà bổn đạo ở tại Cầu Bông, mà không có nhà thờ; vậy cha Triêm mua một miếng đất gần mả quan thượng công, trước tòa bố Gia Định, cùng cất một nhà thờ nhỏ cho bổn đạo tựu tới đọc kinh, và xem lễ khi cha đến họ. Sau nhà thờ nầy đã dời về chỗ khác, nơi đất dài theo đàng xe lửa Saigon - Hóc Môn. Khi Đức cha Gioang đổi cho Delpech (Định) về Thị Nghè trong năm 1873, thì nhà thờ họ Cầu Bông còn ở chỗ đó. Cách hai năm sau, nhờ lòng rộng rãi của một nhà giàu có dưng bạc (nhà Lái Sáng); nên đã làm nhà thờ khác tốt hơn trước bội phần, mà bỡi cột cây nên đã phải mối ăn mau hư; vậy đã làm nhà thờ lại; cho tới năm 1911, trong khi cha Phaolồ Qui coi họ Cầu Bông, thì cha đã lo xây dựng nhà thờ mới như thấy bây giờ.

Cha Triêm coi họ Thị Nghè và Cầu Bông trong 5 năm, rồi đổi xuống Mỹ tho, và đã qua đời tại đó.

Khi cha Triêm đi rồi thì không có cha nào đổi lại ở quyết tại Thị Nghè, song khi thì cha nầy, khi thì cha kia ở mấy nơi khác đến ở tạm coi họ mà thôi.

Vậy trước hết là cha Puginier (sau lên làm Đức cha tại Hà Nội), cha ở bên tây qua năm 1858, bề trên sai người đi giảng đạo Địa phận Tonkin phía tây, mà bỡi cơn bắt đạo cho nên cha đi tới chốn không được, phải ở tạm lâu bên Hồng Kông. Vậy khi nhà nước Langsa lấy thành Saigon rồi cùng lập các việc đã an; thì Đức cha Lefèbvre mới viết thư cho bà bề trên các bà phước dòng ông thánh Phaolồ, mới lập tại Hồng Kông, mà xin cho ba bà sang qua Nam Kỳ, Bà bề trên bằng lòng và vui lòng cho như ý Đức cha, song bà muốn cho có một cha đi tàu với mấy bà mà sang qua. Vậy bề trên đã sai cha Puginier đi với các bà, cùng sang tới Nam Kỳ là năm 1860. Cha Puginier sức lực mạnh mẽ cùng sốt sắng việc giảng đạo lắm, nên Đức cha tỏ ý muốn cho người coi mấy họ xung quanh Saigon, thì người vui lòng chịu liền; vậy Đức cha đã giao cho người họ Thị Nghè, Cầu Bông, Gò Vắp và An Nhơn; trong lúc cha Puginier lo lắng các việc trong mấy họ nầy, thì cha đã đặng sự hởi dạ vui lòng, là làm cho cả gia thất quan Phủ Ca trở lại đạo hết.

Cách sau đó, thì cha Puginier đã đi ra Địa phận mình ngoài Tonkin

Khi cha Puginier đi rồi, thì cha Colombert (Đức cha Mỹ) khi ấy làm cha coi việc và ký lục cho Đức cha Gioang (Mgr. Miche), cha ở tại dinh Đức cha, cùng qua lại họ Thị Nghè và Cầu Bông mà làm lễ, ngồi tòa, làm các phép cho bổn đạo, chớ không có ở tại Thị Nghè.

Cho tới năm 1867 Đức cha Gioang (Mgr. Miche) đặt cha Gentillon (Phi) làm cha sở họ Thị Nghè, nhưng mà cha ở đó không đặng bao lâu; vì lâm bệnh nặng, nên cha phải qua Hồng Kông mà dưỡng bịnh, cùng đã qua đời tại bên ấy.

Kế đó thì có mấy cha về Địa phận khác, giúp coi tạm họ Thị Nghè một ít lâu mà thôi, là cha Pineau, và cha Gauthier.

Sau thì có cha Martin (Mátthinho) làm cha sở họ Thị Nghè, và là một cha tây ở tại họ lâu hơn các cha tây trước, cha ở đó từ tăm 1869 tới năm 1873.

Vậy tới năm 1873 thì cha Martin phải về tây dưỡng bịnh, thì Đức cha Gioang đã đổi cha Delpech (Định) khi ấy đang coi họ Chợ Lớn về làm cha sở họ Thị Nghè,

Khi cha Delpech (Định) tới nhậm sở Thị Nghè, thì nhà cha sở vững chắc, xứng đáng, còn nhà thờ thì đã hư tệ lắm, gần sập, vì cất đã lâu, đời cha Triêm ở tại đó; vậy cha Delpech tính lo làm lại, cha bèn xin cùng Đức cha Colombert (Mỹ) khi ấy mới lên kế vì Đức cha Gioang (Mgr. Miche) cho bạc giúp đặng mà làm, vì lúc ấy Nhà nước còn cấp cho Nhà chung mỗi năm một số bạc để làm nhà thờ cùng là sửa lại mấy nhà thờ hư. Vậy theo tờ cha Delpech xin, thì Đức cha Colombert sai cha Montmayeur với cha De Kerlan, vô Thị Nghè đặng mà xem coi có phải nhà thờ hư lắm, cần kíp phải sửa lại chăng. Hai cha xem xét rồi về kể lại các đều, thì Đức cha hứa sẽ cho cha Delpech bạc đặng mà làm. Chẳng hay kế vài tháng Đức cha đổi cha Delpech lên họ Tha La, và cha Greset ở Tha La đổi lại Thị Nghè, vì cha nầy yếu hay đau.

Khi cha Greset về Thị Nghè là lối cuối tháng Decembre năm 1876. thì Đức cha cũng hứa cấp bạc cho mà làm nhà thờ lại, như đã hứa cùng cha Delpech trước. Vậy cha Greset làm một nhà thờ tạm riêng ra cái cũ, xây vách gạch hai bên chắc chắn, tưởng làm đỡ vậy mà đợi bạc Đức cha đặng làm nhà thờ tốt hơn, song sau Đức cha thấy nhà thờ ấy vững bền đặng lâu, nên đã lấy bạc hứa cho nhà thờ họ Thị Nghè, cho cha Errard làm nhà thờ họ Bà rịa, tưởng để sau nữa sẽ cho họ Thị Nghè.

Chẳng hay bước qua năm 1882 thi Nhà nước không còn giúp Nhà chung nữa, bỡi vậy cho nên hết còn trông bạc cấp cho, nhà thờ tạm của cha Gréset làm phải để vậy hơn 15 năm.

Cha Gréset ở họ Thị Nghè cho tới tháng Février năm 1879, rồi thì đổi vô họ Chợ Quán, và cha Fougerouse (Phụng) đổi về Thị Nghè, và ở đó cho tới năm 1885; trong khi ấy thì cha Delpech đang ở lại họ Mặc Bắc, đã bị rủi ro mà phải đau, nên cần phải về Saigon cho gần các quan thầy thuốc. Vậy Đức cha đã dạy cha Delpech về họ Thị Nghè cùng đổi cha Fougerouse xuống Mặc Bắc.

Cha Delpech trở về Thị Nghè phen nầy thì ở đó luôn cho tới chết, không còn đổi đi đâu nữa, tính lại thì chỉ ở tại họ Thị Nghè hơn 26 năm. Bây giờ thì cha Lioger (Lủy) đang làm cha sở coi họ Thị Nghè.

III. – Nhà Thương Thị Nghè

Trong năm 1875 thì Nhà nước đã bãi các bà, không cho giúp tại nhà thương Chợ Quán nữa, thì Bà Mẹ nhứt các bà dòng ông thánh Phaolồ, đã lấy tiền bạc trong nhà dòng mà cất một nhà thương tại Thị Nghè, Đã hơn 40 năm nay nhà thương nầy hằng sinh nhiều ích lợi thiêng liêng, cứu đặng nhiều ngàn bịnh hoạn ngoại giáo nhờ phần rỗi mình. Mỗi năm số ước tới 200 người ngoại đặng chịu phép rửa tội khi gần chết tại nhà thương, cho nên phần nhiều bịnh đến mà xin chữa thuốc phần xác, mà đặng gặp sự sống lại phần hồn, bỡi vậy chốn nương nhờ khi yếu liệt đau đớn, đã nên cữa lên trời cho những kẻ ấy.

Ban đầu thì Nhà nước còn phụ cấp tiền bạc cho Nhà mồ côi, nên các việc đặng sung thạnh lắm, và sau Nhà nước đã bãi không giúp nữa, bỡi vậy Bà Mẹ nhứt không còn giúp bạc cho nhà thương đặng nữa, cho nên nhà thường phải ăn ở tiết kiệm bớt sở phí cho có đủ mà cầm vững luôn.

Thường khi cha mẹ những con trẻ ngoại đem con mình đau tới nhà thương mà cho các bà, nên phần nhiều các trẻ nầy đều đặng chịu phép rửa tội trước khi chết mà bay thẳng lên trời. Mỗi năm những hài nhi đặng chịu phép rửa tội như vậy số hơn 200, mà cách mấy năm trước đây thì số ấy sụt xuống bớt lần; song trông cậy sự sốt sống và lòng đạo đức các bà giúp tại nhà thương, thì việc nầy sẽ đặng sung thạnh mà chớ.

III. – Cha Định (Delpech) về tây, rồi trở qua làm nhà thờ

Khi cha Định ở Mặc Bắc mà đi ngựa qua họ Rạch Lọp, và đã bị rủi ro nên phải mang bịnh, thì Đức cha Mỹ (Mgr. Colombert), đổi người về Thị Nghè cho gần quan thầy chữa thuốc cho, nhưng mà bịnh không dứt, nên cha phải xin về Tây đặng dưỡng. Cha Định đã kể lại, nói sự người phải trở về quê nhà, chắc là bỡi lời cầu nguyện của mẹ người kêu xin. Bà nầy đã ước ao hết lòng cho trong gia thất mình có một người đặng làm thầy cả, nên đã cho con học latinh khi còn ở nhà, sau gởi vô nhà trường Latinh Montauban; từ ấy mẹ hằng cứ kêu cầu luôn, cho con mình đặng ơn bền đỗ, cho đến khi thấy con đặng chịn chức thứ năm, thì mẹ mới đặng vui mừng hởi dạ, mà kế chắc con đã vững bề thuộc về Chúa. Mà bà nầy ước ao cho con đặng làm thầy cả, và ở tại quê nhà, chớ không phải là cho đặng đi giảng đạo phương xa. Dầu vậy khi con là cha Định xin phép mà vào trường Dòng Sai, thì mẹ cũng bằng lòng phú dưng theo thánh ý Chúa, tiếc một đều là không đặng chầu lễ của con làm, và rước lễ bỡi tay con mình.

Vậy khi cha Định sang qua tới Nam Kỳ, thì nghe quan thầy thuốc hay nói về cha rằng: “Người không được mạnh giỏi ở lâu đặng trong xứ nầy đâu” Nên cha đã gởi thơ về quê nhà mà hứa với mẹ, trong chừng mười năm thì người sẽ trở về mà ở gần gũi mẹ cho vui vẻ, cho hết cách biệt phân ly. Bỡi đó cho nên bà nầy hằng nhớ lời con mình hứa luôn, hằng trông đợi cho tới mười năm, qua mười năm lại không thấy con thi hành lời đã hứa, thì mẹ hằng thơ từ mà nhắc lại cho con, con hằng kiếm lẽ khuyên giải mẹ cho bớt trông chờ; song mẹ hằng quyết một cho thấy mặt con, cho nên dầu con nói lẽ nào mẹ cũng chẳng nghe, và lại có hơi phiền trách con nữa, Cho nên cha Định phải xưng thật với mẹ, không phải muốn xin về mà thăm như vậy được đâu; phải chi như có xảy ra việc có lẽ đặng, như đau, về đặng dưỡng bịnh, thì đi mới được. Bà Mẹ đặng thơ con nói thiệt các lệ thể ấy, thì mỗi kỳ tàu đều gởi thơ cho con hay, mà nói mình hằng nguyện xin Chúa cho con một bịnh gì nhẹ nhẹ, cho có cớ đặng mà trở về.

Vậy cha Định đã về Tây dưỡng bịnh. Khi cha về tới quê nhà, ở tại họ mình, thì nương dịp ấy mà xin của bố thí; vì khi cha đi thì lòng cũng hằng nhớ tính lo xây dựng nhà thờ Thị Nghè lại cho xứng đáng. Vậy cha tới nhà nầy nhà kia mà xin, cùng là khi có dịp giảng thì nói trên tòa, nên có nhiều kẻ đã giúp cho cha, lại mẹ người, mỗi khi biểu người viết thơ mà thăm mấy chị em làm bà phước, thì cho người một đồng vàng 20 quan. Cha góp nhóp lần lần như vậy, cho đến khi chừng trở lại Nam Kỳ thì đã đặng một số bạc khá to; mà chẳng hay lại có một sự rủi đã xảy ra, là khi cha đi xuống tàu mà trở qua, thì bị mất hết 1500 quan, số bạc ấy cha bỏ trong túi, mà mất hồi nào không hay.

Cha về tới họ Thị Nghè, thì bổn đạo đều tới mừng rỡ, và cha nói cho ai nấy hay, cha xin mỗi người rộng tay giúp tiền bạc, đặng hiệp với của đã xin bên Tây hầu khởi sự lo mà làm nhà thờ. Bổn đạo ai nấy đều thật đồng lòng lắm, cho nên cách một năm sau, thì nhà thờ xây dựng đã hoàn thành, như còn thấy tại Thị Nghè bây giờ.

IV. - Chuông nhà thờ Thị Nghè.

Có một người buôn bán Langsa lãnh mua một cái chuông giá 600$ cho một nhà thờ bên Maní, mà liệu bề chở qua bên ấy không được, và để trong kho bỏ trong đó lâu cũng khó lòng, nên kiếm phương mà bán đi cho rồi; vậy người ấy đến xin Đức cha Mỹ mua, cùng chịu để lại giá phân nửa mà thôi, Đức cha bèn cho cha Định hay, cùng biểu cha mua cho nhà thờ. Vậy nhờ lòng rộng rãi một người bổn đạo dưng 300$ cho đặng mua, cùng xin đứng đở đầu khi Đức cha làm phép chuông ấy. Nhờ đó nhà thờ Thị Nghè mới đặng có cái chuông thứ nhứt.

Tới cái chuông thứ hai, nhà thờ cũng không hao tổn bao nhiêu. Số là có một người tây coi việc cất nhà cữa tại dinh thành phố Saigon, quen lớn với cha Định; nói cho cha hay, người thấy trong một xó góc tại dinh thành phố, có một cái chuông bỏ đó, bất dụng và vô ích cho Hội đồng thành phố, nên người bày cho cha viết tờ xin Hội đồng để cái chuông ấy lại cho nhà thờ Thị Nghè; vậy Hội đồng thành phố đã ưng như lời cha xin, cùng xin cha phải chịu một số bạc 80$ bỏ vô kho thành phố.

Hai cái chuông ấy kêu lớn lung, mà bỡi đứng cân với nhau, nên kêu có một giọng gần giống nhau, một cái đánh kêu dấu sol một cái thì kêu nửa dấu fa; cho nên cha Định tính gởi hết hai chuông ấy qua tây cho thợ phá ra rồi đúc lại làm ba cái, cho giọng kêu hòa rập với nhau. Kế có cha Linh (Moulins) ở Mỹ Tho tới Thị Nghè, thấy hai cái chuông thì ưng bụng lắm, nên mua lại một cái cho nhà thờ Mỹ Tho. Vậy cha Định lấy bạc bán chuông ấy mà mua hai cái khác nhỏ hơn ở bên tây.

V. – Hai nhà trường họ.

Trường nam và trường nữ họ Thị Nghè đã có từ năm 1870; cha Máttinho (Martin) đã lập. Ban đầu thì để cho hai thầy giáo coi sóc dạy dỗ đồng nhi nam và nữ, song các việc xem ra đều chẳng đặng thạnh. Cho tới chừng giao cho hai bà phước annam ở tại nhà thương lãnh dạy, thì mọi sự đều đổi và trở nên mau mắn.

Năm 1910 thì có hơn 100 học trò học hai trường ấy, lại phải có ba bà đặng dạy mới đủ, đồng nhi nữ thì bà có dạy thêu thùa may vá nữa. Bây giờ thì có một thầy dạy trường nam, còn các bà thì lo trường nữ.

Sở phí và tiền lương cho thầy và các bà thì nhà thờ chịu lấy. Song cũng nên nói luôn ra đây, phần nhiều cha mẹ các trẻ đồng nhi, tổn hao xài phí sự vô ích thì không tiếc, mà ít ai tưởng tới sự trượng hệ là việc dạy dỗ, nên khi phải bố thí mà giúp hai trường họ thì chẳng mở tay ra rộng là bao nhiêu,

Cha Định (Delpech) trong năm 1911 đã ghi lại một sự đáng mừng cho họ Thị Nghè: Cha nói Bà Mẹ nhứt Nhà Kín nói với cha, trong các họ Địa phận, thì họ Thị Nghè có nhi nữ đi tu vào Nhà Kín đông hơn; khi ấy số đã được năm người rồi. Thật là một sự đáng khen đáng mừng cho trong họ. Còn đi tu tại Nhà Trắng cũng được năm người, và có vài ba người nữa đi nhà phước Chợ Quán và Thủ Thiêm.

VI. - Á thánh Lộc. Nhà trường Latinh tại Thị Nghè.

Trong sách cha Lộ (Launay) đã làm mà kể truyện 35 đứng Đáng kính trung thần Thiên Chúa, thì đã có kể tích cha Lộc đã phải đổ máu ra vì danh Chúa. Nên không cần kể lại đủ truyện của đấng Á thánh nầy. Trong nhiều năm cha Lộc đã cai quản xem sóc Nhà trường nhỏ Latinh lập tại họ Thị Nghè, và sau đã phải bị bắt tại nhà thầy Ngôn, cùng chịu trảm quyết đổ máu mình ra vì đạo Chúa.

Cha Phaolồ Lộc đã đặng Đức Giáo Tông Lêô XIII phong lên bực Đáng kính ngày 13 Février 1879, và Đức Giáo Tông Piô X đã tặng lên bực Á thánh trong ngày 2 Mai 1909.

Trong những cơn bắt đạo thì Nhà trường Latinh phải chia ra nhiều nơi trong địa phận, không thể mà hiệp các học trò lại một chỗ cho được như bây giờ. Đây kể sơ qua về Nhà trường đã lập tại Thị Nghè cho ai nấy rõ thì sự thế nào. Hai cái nhà lá nhỏ cất giữa đồng ruộng, đất thấp bùn lầy nước ròng thì đi dưới bùn, nước lớn thì phải xắn ống quần mà lội; lại cọp hùm cũng hay lai vãng, một phen bắt heo của Nhà trường mà ăn; lại hễ khi có động dụng, quan quân tới bắt, thì bỏ mà chạy trốn hết. Như khi Cha bề trên Vị (Wibaux) tiếp cai quản Nhà trường tại Thị Nghè, thì một lần nghe tin quân lính sẽ tới vây nhà trường giết cha giết học trò cùng cướp phá; thì cha liền dạy chở đồ đạc cần dùng xuống ghe, mà đi trốn qua Xóm Chiếu, song bỡi ghe nhỏ, chở cha và học trò cùng đồ đạc nên khẳm quá gần chìm; vậy có một học trò lớn mới tính để cõng cha mà lội bộ, vài người nữa thì khiêng vác mấy thùng đồ lễ, đặng cho ghe nhẹ chở mấy trò kia đi cho tới nơi. Vậy trò lớn ấy cõng cha bề trên Vị lội băng qua ruộng đầy nước minh mông, mà đi tới Xóm Chiếu bình an, với mấy trò vác đồ, ghe chở học trò cũng tới nơi. Trò lớn mà cõng cha bề trên Vị đó là cha Vêrô Triệu, bây giờ là cha sở họ Nha Ràm.

(Chung về họ Thị Nghè)

. Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét