ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

Lai rai chữ nghĩa: Vương - Đế

Lai rai chữ nghĩa...

VƯƠNG là vua / nhưng nhiều khi không phải vua

ĐẾ luôn luôn là vua / nhưng không phải là "Vương"

("Vương", "Đế" là cách gọi theo âm Việt- Hán, còn "Vua" là lối nói thuần Việt)

1/ Nhiều người Việt mình quen nghĩ hễ "Vương" tức là vua.

Khi Ngô Quyền xây nền độc lập tự chủ vào năm 938, ông xưng là "Ngô Vương" , được hiểu là vua Ngô Quyền (ở đây, gọi "vua" là đúng).

NHƯNG, danh tướng Hưng Đạo vương lẫy lừng với những chiến thắng trước quân Nguyên, "vương" ở đây đâu phải là "vua" (không ai gọi là "vua... Hưng Đạo" hết)!

2/ Trong hệ thống tước hiệu thời quân chủ, thứ bậc từ cao xuống thấp: Đế , Vương , Công , Hầu , Bá , Tử , Nam .

Tỉ dụ thời Trần, ở vị trí cao nhứt là "Đế", như Nhân Tôn hoàng đế . Hoàng Đế Trần Nhân Tôn phong tước cho Trần Hưng Đạo là "vương" ("Hưng Đạo đại vương" ).

Ngoài Trần Quốc Tuấn được ban tặng danh hiệu "Hưng Đạo vương", còn có thể kể đến Trần Quang Khải được phong "Chiêu Minh vương", Trần Nhật Duật là "Chiêu Văn vương"...

Thời nhà Nguyễn, cao nhứt cũng là "Đế" như Gia Long hoàng đế , Minh Mạng hoàng đế ... Dưới "đế" có các "vương", như Nguyễn Phước Miên Trinh được phong "Tuy Lý vương", Nguyễn Phước Miên Thẩm được phong "Tùng Thiện vương"...

Trong NỘI BỘ một quốc gia, danh xưng ĐẾ là vua một nước, còn VƯƠNG không phải vua mà chỉ là một tước hiệu cao quý nhưng xếp dưới "Đế".

Nếu trong giai đoạn nào đó không có xưng "Đế", chỉ gọi "Vương" - như Ngô Vương, thì "Vương" mới có nghĩa là vua.

3/ Xét trong mối BANG GIAO giữa các nước thời quân chủ:

Quốc gia nào có được vài nước khác triều cống, quốc gia đó mới xưng ĐẾ; những nước ở bậc thấp hơn thì xưng VƯƠNG.

Nước Tàu họ xưng "ĐẾ" đối với các nước chung quanh, trong khi đó nước Việt thuở xưa vì chấp nhận lệ triều cống cho nước Tàu nên chấp nhận Tàu ban tước "VƯƠNG" - như "An Nam quốc vương" , đến thời vua Gia Long thì đổi là "Việt Nam quốc vương"

Đến lượt nước Việt, vì có được vài nước triều cống nên vua nước Việt xưng "ĐẾ" và ban tước VƯƠNG cho vài quốc gia đến triều cống. Như nhà Lê xưng "Đế", và ban tước "Vương" cho Chiêm Thành gọi là "Chiêm Thành quốc vương" , ban tước "Vương" cho Lão Qua (Lào) gọi là "Lão Qua quốc vương" ...

Hoặc như hoàng đế nhà Nguyễn ban tước "Vương" cho Chân Lạp (Cambodia sau này) gọi là "Chân Lạp quốc vương" ...

4/ "Đế", nhìn chung, là cao nhứt, cao hơn "Vương" một bậc. Xưng "Đế" là khi quốc gia đó có được một vài nước làm phiên thuộc hoặc triều cống.

Tuy nhiên, vào tháng 3/1945 khi Bảo Đại ra Tuyên cáo độc lập, thành lập chánh phủ Trần Trọng Kim, đã đặt tên nước là: "Việt Nam đế quốc" . Ủa, vào lúc bấy giờ nước VN làm gì còn một quốc gia nào triều cống hoặc phiên thuộc mà gọi "Đế" ("đế quốc")?

Cách gọi "Đế", vậy là không còn bị đóng khung trong lối hiểu xửa xưa nữa. Mà "Đế" được hiểu ở đây là bậc cao nhứt (cao hơn "Vương") trong khẳng định tư thế của đất nước!

(Nhiều em học sinh, sinh viên đời nay không được tìm hiểu về "Đế", "Vương" trong cách xưng hô theo dòng lịch sử, thành thử ngơ ngác trước tên gọi "Việt Nam đế quốc". "Đế" , như vừa nói trên, mang tính chất tich cực, tự hào, chớ không dính gì đến imperialism, "chủ nghĩa đế quốc" mang màu tiêu cực)

5/ Khi xài chữ Hán (đọc theo âm Việt-Hán), giữa ĐẾ và VƯƠNG có sự khác nhau và khá .... rắc rối. Nguyên thủ một quốc gia tự gọi mình là "Vương" khi bang giao với nước ở bậc cao hơn, nhưng lại xưng "Đế" trong bang giao với nước ở bậc thấp hơn.

* Trong khi đó, tiếng thuần Việt (không phải Việt-Hán) có cách gọi hết sức gọn gàng mà bình đẳng trong bang giao các nước.

Gọi là "VUA", để chỉ người đứng đầu (nguyên thủ) của một triều đại quân chủ - bất luận đó là "Đế" bên Tàu cũng gọi "vua" (vua Tống, vua Minh, vua Thanh), hoặc "Vương" của nước nhỏ hơn cũng gọi "vua" luôn (vua Chân Lạp, vua Chiêm Thành)!

"Vua" được ghi bằng chữ Nôm: 𤤰, mượn chữ Hán mà lắp ghép theo kiểu người Việt, thành thử người Tàu nhìn vô mặt chữ này... bù trất, không hiểu.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét