ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

Họ Tây Ninh

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

--------------------------

ĐỊA SỞ HỌ TÂY NINH

-------------------------

(…)

II

Khi cha Báu đi rồi, thì có cha Du (P. Guillou) đổi lại nhậm sở là năm 1904. Người tận tâm tận lực, lên đèo xuống ải, trèo non lặn suối vì con chiên, lo thâu góp những người bổn đạo trôi nổi tứ tán đôi nơi, kẻ vô ở theo chơn núi, người ra ở theo mé sông Vàm Cỏ. Cha hủy thân cũng bằng thí của, để mua lửa mến Chúa, yêu người, mà đốt cho Tây Ninh đặng sốt lại; vì lúc ấy họ Tây Ninh và mấy họ nhánh xem ra nguội lạnh bê trễ quá. Thánh Phaolồ xưa gởi thơ cho bổn đạo Rôma mà rằng: Nào là người Grêcô, cùng dân man di mọi rợ, kẻ thông minh trí huệ cùng là dại khờ dốt nát, thảy đều mắc nợ cùng các thứ người ấy cả thảy. Cha cầm mấy lời ấy như gương soi, nên đôn đảo chạy ngược về xuôi, chầu nhưng, đạo mới, đạo cũ ở đầu non góc núi, chốn nào hiểm hóc cũng tìm cho ra. Bỡi cha những liều mình, chẳng kể tấm thân, gội sương chải gió, vì ham phần rỗi con chiên, nên lần hồi sức lực hao mòn phần xác, yếu bịnh; cha phải vưng ý Bề trên từ giã đoàn chiên mà đi dưỡng bịnh bên Hồng Kông. Ở đó ít lâu, thấy bịnh không khá, nên phải trở về Tây nhờ thanh khí quê nhà, đặng thuyên bịnh cùng bổ sức, hầu trở qua mà lo việc giúp linh hồn cho nong nả nữa.

Trong lúc cha Du coi họ Tây Ninh, thì cha cũng đã lo lắng cho họ Nàng Gình như mấy cha trước. Người quyết ý lập một họ nhánh tại Thanh Điền, mà công việc không thành. Thanh Điền là một làng lớn phía tây, liền đường bộ, cách Tây Ninh chừng 7 ngàn thước. Thấy có ít nhà có đạo Tha La tới đó ngụ làm ăn, cha muốn dùng dịp mà mở họ, nên lo cất nhà, xin thầy tới cầm cốt dạy dỗ con nít bất kỳ đạo ngoại, làm quen với người lớn, nói việc đạo lý, cha cũng năng ra vô thăm viếng. Song lâu lâu thấy rõ việc không kham, vì mấy người có đạo tới đó là dân đào tị, trốn nợ nần, gạt cha giúp hết sức rồi bỏ đi nơi khác, người nào còn ở lại thì noi thói vô đạo cho thong thả, gương tốt không bày, thấy những cả lòng phạm luật Chúa, cãi lời cha, nên lần hồi họ Thanh Điền tiêu hết, còn lại một nhà ông hương Để mà thôi, nhà nầy cứ một lòng giữ nghĩa Chúa và lãnh coi giùm miếng đất Nhà Chung cha đã mua ngày trước đặng lập họ.

Cha Du coi sở Tây Ninh đặng 3 năm, chừng đi dưỡng định thì cha Cơ thế là năm 1907.

Cha Cơ vừa lãnh họ, liền ra tay tính việc, lo sắp đặt sửa sang lại mọi sự đâu đó thứ tự lớp lang. Lo cử chức việc trong họ, vì từ ngày mà mới khỉ sự có họ Tây Ninh, chưa có người nào là chánh chức việc để giúp đỡ cha sở. Đời cha có ông phủ Lâm ngọc Đàng đổi về tòa bố Tây Ninh. Bỡi ông là người đạo đức, ở hết lòng với cha cùng ái mộ sự sáng danh Chúa; vì vậy cha đặt người lên làm ông câu, bàn tính mà bầu cử thêm ít ông biện, giáp, cho có người chuông trống cùng xướng kinh trong nhà thờ,

Việc bề ngoài với bổn đạo vừa có thứ tự. Cha ra tay lo nhà Chúa ngự, Với nhà thờ xưa lợp ngói âm dương, cây cột làm theo đồng tiền, nên lâu năm nhiều cây mối mọt ăn cả, nóc nhà thờ nhiều chỗ lủng lỗ dột nát. Cha cất tiếng lên kêu người trong họ và ít nhà bổn đạo họ khác, mở rộng tay giúp người tu bổ đền thánh. Bổn đạo tuy ít nhơn số và chẳng mấy ai rộng xây trong nhà; song bỡi việc làm cho Chúa, tốn chi chẳng nại, nên đã đậu góp với nhau đặng hơn 4 trăm đồng. Nhờ đó cha mới thay nóc nhà thờ và sửa lại trên dưới vển vang.

Cuối đời cha Báu thì nhà cha sở đã sập, nên cha Cơ phải lo làm nhà ấy lại. Người đã lo kham mà không về ở đó, để cho người tây mướn cho nhà thờ có lợi chút đỉnh, từ ấy cho tới bây giờ. Còn các cha thì ở nhờ nhà ông Lái Triều đã dâng để cho các dì ở dạy học trò.

Trong đời cha Cơ việc đạo Tây Ninh gặp nhiều cuộc rỡ ràng. Đức Cha tới Xức trán cùng viếng họ đôi phen. Cuộc Tam Nhựt Lễ Kính các vị Á thánh tử đạo annam đã đặng làm trọng thể hết sức. Ngày ấy đủ mặt các viên quan tây, nam, chung cùng hỉ lạc. Nói được cha chìu theo ý mọi người mà kéo ai nấy về với Chúa. Mỗi ngày Chúa Nhựt, Lễ cả, thì viên quan lính tráng tới xem lễ đờn ca xướng hát, hởi lòng bổn đạo.

Người lo việc Tây Ninh hơn 7 năm; đến tháng Novembre 1913 thì Đức Cha đổi người xuống coi họ lớn Cái Nhum, người phải phụng linh từ giả con cái cùng giao lại cho cha Phaolồ Đạt là ngày 28 tháng ấy. Trong vòng 7 năm cha Cơ coi họ Tây Ninh, thì có cách khoản trong chừng 8 tháng cha phải đi coi giúp họ Tha La thế cho cha Du, bịnh phải đi nghỉ. Đang khi đó thì có cha Binh coi tạm họ Tây Ninh.

III

Vậy ngày 28 tháng Novembre 1913, cha Đạt đổi lại Tây Ninh, cha đã ân cần lo cho họ chánh mà cũng không quên mấy họ nhỏ. Đấng chăn cùng đoàn chiên vừa nghe cũng hiểu biết nhau trong vòng chừng bảy tám tháng, kế phải vưng lịnh Bề trên trở lại Nhà trường, dạy dỗ xem sóc những trẻ lêvita mình đã từ giã năm trước.

Bấy giờ là tháng Juillet năm 1914, cha Báu (P. Brugidou) tới nhậm sở. Tưởng người ở đặng lâu dài mà mở mang nước Chúa. Hay đâu giặc nổi đất quê nhà, nên tới Février 1915, Bề trên dời người vô Nhà trường, có ý ở gần kinh thành cho người dễ trả nợ nước. Và thật bỡi người còn trẻ tuổi, nên qua năm sau đó người phải tùng binh như các anh em bổn xã Langsa, cùng đã về quê hương mà giúp nơi đàng trận.

Khi cha Báu đi là tháng Février 1915, có lịnh Đức cha dạy cha Đàng về thế, mà bỡi cha ấy mắc giao lãnh việc sở mình, lên gấp không đặng; thì Đức cha có cho cha Nhiệm coi họ đỡ đôi tuần. Qua nửa tháng Mars 1915, cha Đàng mới lên tới, lãnh việc cho đến ngày nay.

Việc đạo Tây Ninh mở mang đã 30 năm nay, mà so sánh cùng các họ khác thì chẳng lấy chi làm tấn phát. Hỏi vì ý làm sao vậy?. Có phải là tại thiếu người coi sóc, hay là những đấng chăn chiên không lo cho hảo tâm tận lực? - Ta phải tưởng là tại nhiều lẽ khác. Trước hết Tây Ninh phát ra thị thiềng mau quá. Dân sự ở theo chợ búa , ham chơi bời, trà rượu, bội bè; gương lành ít có, gương xấu tràn trề, kẻ ngoại đạo là hết 9 phần, người có đạo coi không đặng một. Cũng còn người bổn đạo họ khác lải rãi tới ở Tây Ninh, mà bỡi muốn ở thong dong, bỏ các dấu có đạo, ở theo xóm kẻ ngoại, cho nên không cha thầy nào biết mà lo tới được. Những người giữ đạo hẳn hòi mà có tới đất Tây Ninh, thì chẳng mấy nhà chí quyết lập nghiệp làm ăn, bỡi cuộc làm ăn chốn nầy cũng là thắt thẻo lắm. Đất nhà nước cho khẩn thì không thiếu gì, mà hễ có vở ra làm một đôi mùa, rồi nó ra khô hốc, công của phải tốn nhiều mà chẳng thấy lợi là bao nhiêu. Tại đó nhiều người thối chí mới trôi đi nơi khác.

Vậy như đã kể lại trước nầy, thì bổn đạo thuở đầu là chừng vài mươi. Tới nay là 30 năm rồi mà xem lại sổ năm 1917 đặng có 200 bổn đạo mà thôi, đó là kể hết và người rối rắm kẻ trễ nải. Còn như có kể hết những người có đạo nói mình thuộc về Tây Ninh mà trôi nỗi ở theo bờ sông Vàm Cỏ, cũng là người đi đi lại lại dưới ghe thì hết thảy chừng 250 người.

Xét lại các việc thì thấy Chúa rất thương xót họ Tây Ninh, vì buổi ban sơ Chúa đã khiến cho ông Lái Phaolồ Lê văn Triều tới ngụ đất nầy, đề nên rường cột trong Họ. Việc làm ăn phần xác thật là giỏi lo. Chẳng phải người có ý thâu tích của cải làm gì, một có ý cho đặng rộng tay mà lo việc Chúa cho mau thành. Đôi khi thấy ý con cháu như thấy ông sao không lo hậu. Người rõ biết nên hay nói với con cháu tiếng nầy; Con cháu đừng trông ông làm giàu, để của lại cho con cháu xài phá vô ích. Ông lo tích ân tích đức cho con cháu nhờ lâu dài!

Mười mẫu đất cha Sĩ khẩn, có một tay hai cha con khai phá, lập ra vườn thơm, xoài, mít, chuối, đủ món cần dùng. Khi cha Sĩ toan lo cất nhà thờ ông Lái càng ân cần lo lắng phụ trợ, chẳng nệ công, không tiếc của, miễn là cho rỡ ràng danh thánh Chúa, mới phỉ lòng.

Việc lành cần kíp ông lái lấy làm chưa đủ, người nghĩ họ Tây Ninh tuy là nhỏ lắm mặc dầu, song cũng là họ chánh tĩnh, ở giữa đất nước người bổn xứ rất dị đoan, tối sớm nghe những tiếng buồn bực mấy đại đồng chung rền tứ hướng. Người bèn ra tiền bạc xin cha sở đặt ba cái chuông trộng mà dưng cho nhà thờ, để tiếng chuông kêu động trời mà nhắc nhở con nhà giáo hữu và xua tà mị dị đoan.

Buổi ấy cha sở mới xin các dì Nhà phước Chợ Quán lên giúp; ông Lái thấy nhà các dì ở xịch xạt trống trước hở sau, nên dưng nhà mình để cho các dì ở, còn mình thì lo cất nhà khác. Từ đời cha Du nhà cha sở đã hư sập, các cha mới về ở tại nhà ông Lái đã dưng đó cho tới bây giờ.

Ông Lái chẳng lo giúp một họ mình mà thôi đâu; song mấy lần thả bè đi bán, mà có gặp dịp giúp đỡ họ nào, người chẳng bỏ qua. Lần kia ông Lái ngồi bè tới Lương Hòa, ghé lên bờ xem lễ và thăm cha sở. Người nghe cha sở than rằng: Bổn đạo trong họ nhiều nhà ở xa quá, đánh trống có khi không nghe; chớ phải chi được cái chuông nhỏ nhỏ, tiếng nghe xa có lẽ giúp bổn đạo nhiều hơn. Nghe vậy ghi lòng, chừng trở về tỏ bày cho cha sở mình mấy lời, tính bớt một cái chuông để dưng cho họ Lương Hòa. Cha suy nghĩ rồi bằng lòng, nên họ Lương Hòa mới đặng cái chuông. Người cũng còn giúp nhiều nhà thờ, nhà phước mấy họ khác nữa. hoặc cây cột, hoặc tiền bạc. Nhiều lần vợ con muốn biết người dưng cúng vật gì cho họ nào, thì người rằng: Tôi lo cho vợ con hằng ngày dùng đủ, còn việc làm cho Chúa nói đi nói lại làm chi.

Qua năm 1894, âu là Chúa xem người như trái đã muồi về việc phước đức, nên gởi cơn bịnh cho người chống về chầu Chúa.

Bề trên tỏ lòng cám mến ơn ông Lái, nên cho phép con cháu xây đặng riêng một bên nhà thờ mà táng xác người, và sau cũng sẽ chôn bà Lái tại đó nữa,

Bà nầy sống cho tới năm 1915, già cả lụm cụm, Nhà Chung có xuất ra ít nhiều giúp bà, lại gần mỗi năm Đức cha có gởi tiền riêng mà xin lễ cho ông Lái.

Khi bà Lái ngả bịnh, con cháu đem đi uống thuốc trong nhà quê, bà đã qua đời cùng nằm tại đất con cháu, không đặng phước chung phần mộ với ông Lái.

Ấy hai ông bà nên gương bia tạc cho người giáo hữu quyết tình thờ Chúa; phần đời có khi cũng thốn thiếu gian nan như kẻ khác, mà phần hồn đặng trúng lời Thánh Linh rằng: Linh hồn người lành ở chơn tay Chúa, giờ tử định không chi xao xiến, kẻ chẳng hiểu thấy vậy gọi rằng đã chết, song thật là kẻ ấy vào chốn nghĩ an!

------------------

ĐỊA SỞ HỌ TÂY NINH

-------------------

Họ Nàng Gình

------------------

Nàng Gình là một họ nhánh về sở Tây Ninh. Theo địa đồ nó ở ném về hướng tây, dọc theo mé hữu sông Vàm Cỏ, và cách thành Tây Ninh chừng 20 ngàn thước.

Nghe tên Nàng Gình thì đủ hiểu buổi trước nó là về đất Cao Mên, rày sáp nhập về Lục tĩnh, lấy tên làng Hòa Hội. Họ nầy ở chính giữa ranh chia hai Địa phận Saigon và Nam Vang.

Họ nầy lập ra cũng gần một lượt với họ Tây Ninh: vì khi cha Sĩ về lãnh họ Tây Ninh, sắp đặt việc họ trong năm bảy tháng vừa an; cha nghe nói tại Nàng Gình thường có bổn đạo họ khác, nhứt là người Tha La trôi tới làm ăn đổi chác với người đàng thổ. Nghe vậy cha băng ngàn tìm lên thăm viếng; người xem xét địa cảnh coi thế mở mang được, vì là chỗ đầu nước. Tại Tha La bổn đạo càng ngày càng thêm số, đất ra chật hẹp sẽ trôi lên đó. Bổn đạo địa phận trong có gặp sự gì khó với mên man sẽ bỏ đất thổ mà ra đó. Suy nghĩ các việc như vậy, nhắm có thể cậm cờ Thánh giá Chúa tại đó mà soán lấy đất bụt thần. Cha trở về Tây Ninh xin cùng quan cho khẩn 6 mẫu đất tại vàm Nàng Gình, để có chỗ cất nhà thờ và cho bổn đạo đỡ buổi đầu. Khi đó có ông trùm Sử đã lên ở lập nghiệp. Cha và ông trùm lo qui đặng mấy nhà có đạo số đặng chừng vài mươi; rồi cha con nhơn công ra của cất một nhà thờ nhỏ. Nhà thờ nầy chịu cũng đặng mươi năm, tới đời cha Báu (P. Leprince) thì ngã sập. Sau cha Du đã ra công dựng lại, mà bỡi cây cột dã hư chịu chẳng đặng bao lâu; nên qua tới đời cha Cơ thì có phổ khuyến ít nhiều mà cất lại một nhà thờ trên lợp tranh còn lại tới ngày nay. Từ đó tới giờ hễ cha nào lãnh sở thì cũng lên xuống lo cho họ Nàng Gình.

Đời Đức cha phó, lúc đang còn làm chánh sở Tha La, ngài có lên thăm họ Nàng Gình đôi khi, xem xét địa cuộc coi có lẽ sau nầy sẽ nên họ lớn đặng, nên đã lo mua thêm 45 mẫu đất cũng gần vàm, để sau nầy có chỗ cho bổn đạo hay là chầu nhưng ở lập nghiệp.

Họ nầy lập ra cũng lâu, mà nhơn số bổn đạo chẳng mấy thêm. Buổi ban sơ là chừng 20 người, rày xem sổ lại thì nhơn số đại tiểu chừng trong 100.

Sự đó cũng tại nhiều lẽ. Trước hết là vì chẳng có linh mục ở gần cho thường, nên nhiều người có đạo sợ lên ở đó mà phải chết hụt. Còn đồng nhi nam nữ thì một đôi năm mới có thầy Nhà trường Latinh hoặc Nhà dòng Cái Nhum lên giúp một kỳ năm ba tháng lo dọn bao đồng Xức trán rồi giao lại cho cha sở. Còn lẽ khác nữa là mình yếu thế hộ thân, vì ở giáp ranh đất mên man; tánh người đàng thổ rất đỗi khó dò; đang khi buôn bán đổi chác với nhau tử tế, vụt đổi ý, nổi dậy cả sốc, dao, mác, cung tên đem nhau ra xóm annam hò hét cáp duồng là đánh annam; như việc đã xảy đôi khi. Cho nên bổn đạo vì lo sợ chuyện như vậy mà ít dám làm ăn cho lớn, còn bổn đạo họ khác nghe nói thế ấy thì nhát gan không dám tới ở. Tại đó họ nầy chưa được mở mang theo ý bề trên sở nguyện.

-----------------

Họ Tà Lọt

-----------------

Họ Tà Lọt nầy mới lập chừng 8 năm nay, buổi cha Cơ coi họ Tây Ninh lên xuống giúp họ Nàng Gình, đàng sông đi xa thẩm thẩm. Thiên hạ ở theo mé sông Vàm Cỏ khá đông. Cha ước chớ phải chi mở được một họ ở cho cận đàng; trước là đem người có đạo trễ nải ở theo mé sông đặng trở lại, sau là mở việc dạy dỗ chầu nhưng đạo mới. Vậy cha đã bàn tính cùng cha Đavít lúc ấy làm chánh sở Tha La, mà mua ít mẫu đất theo mé sông. Lại cũng có quan Đốc phủ Nghiêm giúp sức, cha lo khẩn đất đặng để cho bổn đạo làm ăn.

Họ nầy mới gầy dựng, nên chưa rõ sẽ ra làm sao. Đang bây giờ có kẻ nhà quan Đốc phủ Nghiêm và mấy nhà bổn đạo khác, thì số hết thảy chừng 20 người. Trông cậy như phải là thánh ý Chúa định, thì Chúa sẽ liệu mọi sự cho sáng danh Người.

--------------------

Họ Thanh Điền

--------------------

Như ta đã kể lại trước nầy: Thanh Điền là một làng lớn phía tây, liền đường bộ, ở cách Tây Ninh chừng 7000 thước. Đời cha Sĩ có ít người bổn đạo Tha La tới ngụ đó, cha muốn dùng dịp ấy mà mở đạo tại Thanh Điền, nên đã mua ít mẫu đất để cất nhà dạy và có chỗ cho bổn đạo ở làm ăn, đặng lần hồi đem người ngoại giáo trở lại. Qua đời cha Du, bỡi người cần lo quá, nên cất nhà kinh, xin thầy tới dạy, coi tưởng đã thành việc được, chẳng dè lần lần thấy rõ những người có đạo tới đó là hoang đàng, hoặc trốn nợ nần, chẳng nên gương tốt, mà còn thêm cãi bỏ luật Chúa chán chường. Còn kẻ ngoại khi thấy cậy hỏi cha dễ, chừng hết thế giúp nó đặng thì không tưởng tới việc đạo nữa. Bây giờ số người có đạo ở tại đó còn được chừng mươi lăm người.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1918

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét