Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2022

Hạnh tích Cha Carôlô Thạnh

 HẠNH TÍCH CHA CARÔLÔ THẠNH

---------------------

Cha Carôlô Thạnh sanh ra tại Cái mơng ngày 17 Août 1900, Đến ngày 21 thì người chịu phép rửa tội, chính mình cha Bề trên Quí (Gernot) đã cầm đầu cùng trối lại cho người cái tên thánh xinh tốt của mình là Carôlô, (Charles.) Hằng năm đến ngày 24 Août thì cha Carôlô quen làm một ít việc lành riêng mà kính nhớ ngày sinh nhựt mình (anniversaire de Naissance). Tôi hỏi sao lại không mầng trúng ngày sanh ra là 17 Août thì người nói ngày ấy không vui vì còn mắc tội tổ tông. Người cùng năng khoe mình vì đặng một bõ đỡ đầu và một thánh bổn mạng họa hiếm. Trong khi chuyện vãn cùng thơ từ thì người năng xưng mình là Carôlô, như mấy lời vui về người mới viết trong một cái thơ kia rằng: “... Trên nầy (Saigon) mọi sự y nguyên, nhà cữa, phố phường, xe cộ cũng còn không chi lạ, chỉ có một đều lạ là cha Carôlô bây giờ tu lắm, ít khi ra ngoài mà coi xem thiên hạ...”

Cha Carôlô Thạnh sanh ra bỡi nhà danh giá, đạo đức, cùng giàu có. Ông thân người quí danh là Hương sư Tinh. Lòng đạo đức cùng tính khoan từ rộng rãi của ông ai ai đều dư biết, đây không cần tô điểm nhiều lời làm chi. Hai ông bà rất đông con cái, mà trước kia chỉ còn có năm người, mà trong số năm ấy rày lại phải mất một người đáng tiếc hơn hết. Tánh hạnh Carôlô buổi nhỏ thì ta thấy đặng nơi mấy lời đơn sơ của chị sáu người viết rằng: “Lúc em con còn nhỏ thì bổn tánh vui, dễ dạy, ham học. Hễ con đi học thì mẹ con ở nhà dạy em con học chữ in, khi học về thì mẹ con biểu con viết chữ bằng viết chì, cho hai em con đồ theo. Khi mẹ con qua đời rồi thì cha con lo cho em con đi học,... sáng trí, sớm thuộc kinh giúp lễ, và mỗi ngày đi xem lễ, rồi về mới đi học...”

II

Học trò lớp thứ tám mới vào trường Latinh ngày 20 Février 1910 đặng cả thảy là 85 trò. Trong đó có một trò nhỏ tuổi hơn hết, gương mặt rất thiệt thà có hai đồng tiền, cặp mắt hí hí, đó là trò Carôlô Thạnh, mới nên chín tuổi rưởi. Ấy cũng như một đám cây tơ, chúa vườn mới bứng đem trồng trong đất Seminarium. Cách mười lăm năm sau, trong số 85 nầy chỉ còn có 7, mà trong bảy ấy thì còn gặp lại cái cây tơ hơn hết năm xưa, mà nay lại coi bộ dìm dà mạnh mẽ sởn sơ hơn hết.

Âu là có nhiều kẻ muốn biết coi trong 15 năm ấy cây tơ nầy đã lớn lên cách nào, dưới bóng ai, những tay nào đã tái bồi vung quén, mấy lần phải nắng táp mưa sa, mấy phen gặp khí nhuần sương hậu? Tắt rằng: Nhiều kẻ muốn rõ biết từ thuở tuổi xuân; và phần tôi là lãnh việc tỏ vẽ hạnh người cho ai nấy biết. Song viết tới khoản nầy thì tôi lấy làm ái ngại cùng toan dừng bút lại mà suy nghĩ, tấn thối lưỡng nan, vì chưng xét một bề thì cả tiểu hạnh của học sĩ đơn sơ nầy gần chẳng có sự gì mà nói, mà có nói thì người ta nói là chuyện con nít; song cho chúng tôi, ớ Carôlô rất dấu yêu, cho chúng tôi thì 15 năm ấy có giá dường nào! 15 năm ấy chứa biết bao nhiêu dấu tích dịu dàng quí trọng bút nào mà tả cho cùng. Ai là thầy cả khi đọc đến câu: Ad Deum qui loetificat juventutem meam mà chẳng mủi lòng cám cảnh, Người ta hỏi 15 năm ấy có cái gì? Ôi! Có biết bao nhiêu cái vui! Biết bao nhiêu cái buồn!... biết bao nhiêu cái sợ!... biết bao nhiêu cái mến!... biết bao nhiêu cái vọng ước sở cầu. Bao nhiêu ơn Chúa, bao nhiêu sức ta, ớ Carôlô!

Tới đây thì tôi lại xét tôi viết đây chẳng phải là viết cho kẻ tộc mạch muốn coi muốn đọc tích lạ. Kẻ muốn đọc tích lạ thì hãy kiếm nơi tiểu thuyết, nhựt trình, song tôi viết đây là viết cho những người thân thuộc quen biết cùng kẻ ái yêu tri kỉ của cha Carolô. Là kẻ bỡi thương nên muốn biết từng đều nhỏ mọn, muốn biết tới tâm tình ý kiến của cha hầu tạc dạ mến thương người. Phần tôi xưng mình là kẻ  “Tri âm” nghĩa là rõ biết người, thì tôi phải tô vẽ một đôi đều về tánh hạnh người trong vòng 15 năm ấy; và đó là hạnh thật của người; vì trong ba năm làm thầy cả người ra làm sao thì là ở tại 15 năm đó. Tel séminariste, tel Prêtre.

Cha Carôlô càng thêm tuổi thì mọi sự cũng đều thêm một cách êm ái tự nhiên không chi lạ: xác thêm sức lực, trí thêm mở mang, lòng thêm đạo đức, tánh tình thêm vui vẻ ôn hòa. Đang khi xác thêm lớn thì trí khôn người cũng lớn đua theo. Trong một hai năm đầu thì sự học hành của trò nhỏ nầy vốn tầm thường, song càng ngày trí người càng mở ra minh mẫn sáng láng cũng tấn phát một cách dễ dàng tự nhiên, xem hình không ra sức bao nhiêu. Khi tới lớp nhì thì người cũng chiếm phần thưởng excellence thứ nhì.

Trong mấy năm ở trường lớn ai ai cũng đều khen thầy Carôlô rất có trí thông minh sắc sảo, xét trúng đoán mau; làm cho những đấng dạy dỗ người đầy lòng trông cậy người sẽ nên một thầy cả thông thái về sau. Thương ôi! nào hay rày một phút mà gió đánh mây tang, huê trôi nước chảy!

Cho kẻ muốn làm thầy cả thì sự mạnh khỏe cần, sự thông thái cần hơn và nhơn đức cần hơn hết. Mọi sự khác thảy qua mà nhơn đức còn, và nó còn theo cha Carôlô cho đến đời đời. Sức lực cùng trí sáng là ơn riêng Chúa, có hồi ta muốn mà không đặng; song sự nhơn đức có phần ở tại nơi ta. Đã nói Carôlô càng thêm tuổi càng thêm đức hạnh, mà đức hạnh người cũng đã lớn lên, một cách êm ái tự nhiên như phần xác cùng phần trí người; đến đỗi ngó sơ qua thì tưởng bổn tánh người vốn hướng chìu về đàng phước đức tự nhiên. Song kẻ lâu năm đã đi một đàng cùng người và rõ biết người thì phải xưng rằng: đó là ơn riêng Chúa và Carôlô có phần nhiều trong việc khó nhọc nầy. Vì bổn tánh tự nhiên người thì chìu về sự thong thả ham vui và nhẹ tính hơn là ép mình chịu khó.

Muốn rõ nhơn đức thì phải xét cái nguồn. Mà nguồn đức hạnh của cha Carôlô ở tại sự người có lòng kính mến Phép Thánh Thể cùng Đức Mẹ cách riêng. Thuở ở nhà trường người đã nên gương về sự siêng năng viếng Mình Thánh Chúa. Mấy ngày nghỉ ai kiếm người mà không thấy, nếu vào nhà thờ ắt gặp người. Trong những thơ từ gởi cho anh em bạn học lúc tháng nghỉ càng thấy tâm tình sốt sắng người tỏ rõ. Người năng gọi phép Thánh Thể là nơi kẻ thiết tình hội hiệp cùng gặp gỡ nhau trong những ngày phân cách; là thiết tỏa buộc kẻ tri âm... và dặn phải tìm nhau trong Trái Tim Chúa.

Song cái đức xinh tốt hơn hết của cha Carôlô là sự người có lòng kính mến Đức Mẹ, kính mến Đức Mẹ hết tình. Từ thuở còn ở trường nhỏ thì Carôlô đã theo kiểu thức của đấng chơn phước Grignion de Montfort mà làm lời khấn dưng trót thân mình cùng mọi công nghiệp của cái hồn xác trót đời cho Nữ vương thiên đàng, muốn định liệu thể nào, phân phát cho ai mặt thửa. Trọn đời người chẳng bỏ qua ngày nào mà chẳng làm một hai việc riêng dưng kính Mẹ mình. Cuốn lịch của người có âm đầy những ngày phải khỉ sự kinh Neuvaines chín ngày trước các lễ trọng về Chúa cùng Đức mẹ, và biết bao nhiêu lần người có công nhắc nhở chúng tôi cho khỏi quên những Neuvaines tốt lành nầy. Những bài giảng người tập làm đầu hết thì cũng đều về Đức Mẹ và cái bài sau hết người giảng tại Chợ-đũi một ít ngày trước khi chết thì cũng dường trối Mẹ yêu dấu người lại cho thế gian. Người nói với đồng nhi rằng: “Cha trối lại cho chúng con nam nữ một dấu tích nầy: là mỗi ngày ban tối và ban sáng chúng con hãy dưng ba kinh kính mừng cho Đức Mẹ mà xin ơn giữ mình vẹn sạch mọi đàng tội lỗi cho đến trọn đời. – Chắt là cha Carôlô đã xin ơn ấy cho mình trước hết!

Ấy bỡi cha Carôlô thật lòng kính mến Chúa và Đức Mẹ thì người đã đặng ơn giữ các nhơn đức theo bực người, một cách rất dễ, chớ tôi không nói một cách trọn lành. Mà thật sự cha Carôlô hằng lo luyện tập các nhơn đức một cách đơn sơ kín nhiệm, cùng lấy sự vui vẻ như màn che đậy bề ngoài, khó mà thấy đặng. Người nói đặng như văn sĩ Louis Veuillot rằng: “Muốn rõ biết tôi thì phải đọc những thơ từ của tôi.” Những bức thơ từ của cha Carôlô thật như tấm gương sáng chiếu giọi linh hồn tốt lành người.

Đã nói về đức hạnh thì cần xin nói thêm một tiếng về tánh nết. Lời tục ngữ langsa nói: “Un saint triste est un triste saint.” Phần cha Carôlô thì khỏi sợ vào hàng thánh mới nói đó; vì tánh tình người vui vẻ tề nhường, mau mắn bặt thiệp, mà cũng hằng đơn sơ thiệt tình, hay lẹ làng giúp đỡ, cách chuyện vãn phở lở vui tai. Lại thêm có tâm tình thiết ái, hay thương hay mến, mau cảm mau động. Song trong một bức chơn dung cần phải có chỗ trắng chỗ đen, thì mới ra hình. Muốn vẽ hạnh cha Carôlô cho giống thật thì cần phải giữ mấy chỗ bóng đen cũng bằng chỗ trắng; phải bắt chước văn sĩ De Montalembert mà “Ne dissimule aucune tache, afin d'avoir le droit de ne voiler aucune gloire,” là chẳng giấu một đém lỗi nào, hầu đặng phép tỏ bày mọi đều vang hiển hành người chẳng đậy cái nào. Trong tánh hạnh cha Carôlô thì tôi chỉ nghe người ta trách hai đều (deux taches) hai đém: Một là nói người hay nói quá. Tại sao hay nói mà trách, là vì lời ngạn ngữ văn: đa ngôn đa quá, nhiều lời nhiều lỗi. Song cho cha Carôlô thì ai ai cũng chịu là một exceptio, nghĩa là nhiều lời mà ít lỗi. Vì cha hay chuyện vãn là bỡi tánh tình vui vẻ, muốn vui lòng ai nấy mà quên mình, song bình sanh người chẳng chịu đàm tiếu phàn nàn chê bai trách móc ai, không ưa nói việc kẻ khác, bằng có nói thì nói đến mà khen ngợi thôi. Nói nhiều mà dè dặt; cho xe hơi chạy mau mà không ủi gốc sao. Đáng khen, song khuyên đừng bắt chước. - Cái đém thứ hai là họ nói tánh cha sao dễ dàng quá lẽ, cùng mau tin lòng người ta, và không muốn thấy những sự lỗi kẻ khác mà người phải thấy. Ở đây chính mình cha Carôlô cũng chịu người có lỗi trong sự đó, song người chỉ trả lời rằng: “Biết sao bây giờ! vì tánh tôi hay thương!”

Đó là hạnh tích, hay là nói cho trúng, đó là một hai nét đại cái trong tích hạnh cha Carôlô trót mười lăm năm ăn nơi cữa thánh. Đó là bức chơn dung của người đẹp đẽ mà bỡi thợ vẽ bất tài làm cho ra thô kệt lem luốc không đặng rõ. Xin quí đấng trong thân tộc cha Carôlô cùng những hàng quyến thức tri âm cố hữu của cha rộng tình miễn chấp.

Số sau sẽ tiếp thêm cho toàn bức tượng người từ khi thọ quyền chánh tế cho đến ngày cha an giấc ngàn thu, để lại giữa đám cỏ xanh một vùng đất trắng! Để lại cho những kẻ thiết tình yêu mến một khối tang phiền!

Mười lăm năm khắc kỷ tu thân, xôi kinh nấu sử, chẳng qua là cho đặng dọn mình mà đến một ngày kia, là ngày Carôlô hội chín tuổi đà nhón gót trông mong, mà sau hết nhờ ơn Chúa thì ngày sở nguyện ấy đã đến cho người, nhằm là 14 Mars 1925; Thầy Carôlô thăng quờn Chánh tế khỉ mới đặng 24 tuổi rưởi. Âu là tấc lòng đạc đức thanh niên nầy khi ấy ví dường một hồ nước xuân lúc tan sương, các cái cảm tình trong cái đêm dài 15 năm: yêu, ghét, vui, buồn, mừng, lo, thương, giận... gặp cái rạng đông 14 Mars nầy mà tan hết, để lại mặt nước trong xanh không chút gợn. Rồi đây tuy ngày đại phước nầy sẽ qua như các ngày khác, mà cái sự xúc tình cảm mến dịu ngọt của thầy cả mới nầy lâu ngày còn phưởng phất chẳng phai. .

Lúc ở trường lớn, khi đã đặng chịu chức cắt tóc rồi thì mỗi ngày sau khi rước lễ, thầy Carôlô hằng đọc lại cái kinh: “Domine... qui ostendisti nobis viam novam...” là kinh riêng của phẩm cắt tóc, để mà nói lại cùng Chúa sự vui mừng khoái lạc lòng mình trong ngày đặng chọn Chúa làm phần gia nghiệp. Rồi mỗi khi tới ngày giáp năm của bước đầu hết ấy thì người làm Neuvaine trước để tỏ lòng thảo lão biết ơn trên, Vậy nếu khi mới đặng bước lên cấp đầu mà lòng hứng vui đỗi ấy, thì ngày đặng lên cấp thang sau hết thì sẽ nói làm sao? Người chỉ nói một lời: “Quid retribuam Domino.”

Một ít lâu sau, khi cha Carôlô suy lại những ơn đại cái Chúa ban trong đời người thì mủi lòng bèn lấy viết chép ghi cho nhớ, bắt từ ơn phép Rửa tội tới ngày chánh tế thọ phong. Người chép kỉ từng năm tháng ngày mình đã chịu phép rửa tội, rước lễ vỡ lòng, chịu phép Thêm sức, vào trường Latinh, xuống trường lớn, chịu chức cắt tóc cùng sáu chức dưới cho tới chức thầy cả. Khi viết tới câu sau hết: “Ordonné Prêtre le 14 Mars 1925”, thì âu là người động tình bỡ ngỡ mà hỏi mình rằng: Còn ngày nào gọi là ngày đáng ghi nhớ nữa?- Hết rồi... mà không!... Còn một ngày nữa, là ngày chết!. Mà chừng nào? Tới đây cha Carôlô lại hạ bút mà viết rõ ràng bấy lời rằng: “Et mort??? (quel jour)!!! Priez beaucoup!” nghĩa là: “còn chết? chừng nào ?!! phải cầu nguyện cho lắm!”

Ớ Carôlô cái ngày cha muốn biết để chép ghi luôn thể mà không biết đặng thì rày đã qua rồi, là ngày 9 Avril 1928, mà là kẻ khác ghi giùm cho cha, vì tay cha không còn chép ghi đặng nữa! Là ngày kết cuộc tông đồ của cha lại chẵn ba năm.

Tuy là một khoản vắn või ba năm, mà bỡi cha Carôlô đã dùng nên, thì đã bia lại đặng một gương thầy cả thanh niên tốt lành đáng mến.

Tới khoản nầy tôi khỏi nói nữa, vì chưng ngọn đèn kia bấy giờ đi ra khỏi thúng mà đặt nơi cao: để tại Mặc-bắc một năm và nơi trường Latinh hai năm, Bỡi đặt nơi cao thì lắm kẻ thấy; mà tánh con người hễ thấy thì hay nói không nín lặng; mà họ nói làm sao? Kẻ thì rằng: “Cha thông minh, nhơn đức. Tánh tình cha vui vẻ đãi bui mà cũng đơn sơ thật dạ.” Người thì nói: “cha rất yêu người, mau tay giúp đỡ lẹ làng, có lòng rộng rãi, hòa nhã, tế nhường...” Kẻ khác rằng: “Cha khôn ngoan bặt thiệp, biết ở đời, biết đối đãi với người thiên hạ... Lời cha giảng dạy ủi an thâm trầm lý sự...” Đó là lời thiên hạ, mà xét lại thì họ không có nói cái gì lạ, chẳng qua đó là tiếng dội (écho) của 15 năm nói trước đây mà chớ.

Còn với bạn đồng liêu thầy cả thì dễ hiểu cha Carôlô bằng thật dạ thật tình là thể nào, Người viết rằng: “Tous les jours j’offreau bon Dieu une heure de l'Office pour demander aux prêtres, surtout les jeunes, la prudence dans les actions et le bon jugement dans ses entreprises,... Mỗi ngày tôi đang cùng Chúa một giờ kinh nguyện hầu xin cho phô hàng Đạc đức, nhứt là những đấng thanh niên, xin cho phô đấng ấy đặng sự khôn ngoan trong mọi việc làm cùng đoán phân chính đính trong mọi đều toan liệu.”

Ai ngó sơ qua thì tưởng cái đời vắn või cha Carôlô đầy sự vui vẻ, kính yêu, phước lộc, không thường biết sự chua cay; song tưởng vậy là sai. Con người sinh ra hầu chịu khó. Ai chưa từng chịu khó thì chưa gọi thành nhơn, huống lựa là thầy cả. Lúc làm giáo sư ở trường Latinh người có viết bấy lời rằng: “Phần tôi ở đây coi hình vui vẻ khoái lạc, song hỡi ôi! ở xa coi tợ như tiên, lại gần mới thấy trần phiền đắng cay, đã gặp đủ đều làm cho tôi đau đớn cực lòng chẳng còn muốn ở trần gian nầy nữa. Thánh giá Chúa rất đáng yêu mến dường nào.

Cha Carôlô càng đi gần đến cùng đàng dương thế thì xem ra tâm tình càng thêm thiết yếu cùng để lại nhiều tiếng lạ lùng làm cho những kẻ nghe biết đều ngậm ngùi thương tiếc. Cách một đôi tháng trước khi chết người có dịp đi thăm mồ một thầy bạn học xưa, tới nơi thấy mồ thì người mủi lòng mà nói rằng: “Nay tao, mai mầy, nay thầy mai tôi.” - Trong bức thơ kia gởi cho bạn hữu thì người để bấy lời như trối mà rằng: “Thôi, bon courage, bien cher père, rán làm việc mình cho phấn chấn hết lòng, chừng nào hết đời nầy chúng tôi mới vui vẻ thật. Đức Mẹ xưa một tay bồng Chúa một tay quét nhà, chúng tôi cũng vậy. Amen.”

Rồi lại thêm mấy lời vui vẻ mà cũng kỳ lạ rằng: “Đã làm thơ nầy tại trường Latinh ngày mồng tám tháng... nhằm năm thứ ba về quờn Thầy cả ta.”

Lúc sửa soạn đi Phan thiết, dầu chưa tới kỳ xưng tội thường mà người cũng đi, hỏi tại sao người nói đi xa phải lo dọn mình. Cha phó Phan-thiết là cha François Nhơn thuật lại rằng: Nội buổi chiều khi cha Carôlô ở tại Phan-thiết thì người tỏ bộ vui vẻ lạ thường, vốn người có dịp tắm biển cũng thường và không ham cho mấy, mà bữa đó lại cứ nói chuyện tắm biển luôn. Đi xe lửa thì người cũng mua giấy tấm biển Billet Bains de Mer, cùng năng nói đi nói lại rằng: mình quyết ra đây ngày nay mà tắm biển hầu giải hết mọi đều lao lực. Buổi chiều ấy trước khi đi tắm thì người vào nhà thờ viếng Mình Thánh Chúa trót giờ. Lúc sửa soạn đi xuống biển thì người nói cùng cha F. Nhơn rằng: Chẳng biết tại sao từ khi ra tới đây tôi lấy làm vui vẻ khoái lạc quá. Tôi đi đây ai nghe cũng can, có cha rầy tôi không đặng thì rằng: Cha không nghe lời, để phen nầy cha ra bỏ xác ngoài Phan-thiết mà coi! Lúc xuống tắm người cũng rủ cha sở Ma-ó, mà cha không chịu đi thì cha Carôlô nói chơi rằng: Không tắm thì ít nữa xuống ngồi đây có bị gì giải tội cho người ta!” Hỡi ôi! nào hay nội trong mươi phút thì mọi lời trước nầy đều ứng nghiệm cả!

Cha Carôlô đã chết vì một việc can đảm anh hào! chết cho đặng cứu anh em. Buổi sanh tiền cái cây nầy đã nghiên chìu vì sự yêu người, nay cũng ngã trên một việc yêu người.

Thôi, bấy lời đơn sơ thô kệch mà cũng tận tình dưng kính cha Carôlô rất dấu yêu, hầu trọn lời giao cùng nhau thuở trước. Xưa cha đã nói rằng: Bao giờ hết đời nầy mới vui vẻ thật. Ớ Carôlô, sự vui thật nầy ngày nào cha đã đến rồi xin cha chớ nỡ quên những kẻ thiết tình rất đông, còn đang khóc thương cha nơi đất khách, mà chờ ngày tái hiệp long vân.

Mười tám năm trời nghĩa triển trang,

Nhơn sao cho vội trẩy lên đàng!

tâm hoài cảm người xông trận!

Chánh điện tiêu dao kẻ khởi hoàn;

Thạnh thới vinh ba, đây chóng hết,

Quyền hào vĩnh thọ, đó cữu tràng;

Huởn công bút tả tình thương bạn,

Năng ước hiệp phù cõi hỉ hoan.

J. B. Huởn, prêtre.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1928

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét