KỂ
LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ
ĐỊA
PHẬN NAM KỲ
-----------------
HỌ
BÃI-XAN
Từ
lúc khởi lập tới sang kiêm thời
-----------------
I. - Gốc tích họ Bãi-xan
từ năm 1780 tới năm 1808.
Nghe tiếng: Bãi xan thì
ai ai cũng hiểu là chỗ mé sông có sóng gió ba đào chuyển động. Mà thật tới mùa
gió chướng, trên đầu Cùlao-bàng nước chảy qua cuộn cuộn và gió mạnh đánh bước
vào mé Bãi-xan, làm sanh sóng lớn. Mỗi năm, lúc gần Tết Annam, ghe buôn chở
hàng đi ngang đó, nhiều chiếc phải chìm, dưa hấu, dừa xiêm gì trôi lỉnh ghỉnh!.
Dầu tàu bè chạy mùa đó cũng thất kinh, vì nhớ chiếc Pluvier, năm 1903, chìm
ngang vàm Láng thé, bộ hành lớn bé bỏ mạng cũng nhiều, còn hàng hóa mất tiêu hết
thảy!
Bây giờ nói đến họ
Bãi-xan, bề dài từ vàm Láng thé, theo mé sông lớn Cổ-chiên, chạy thấu khỏi ranh
làng Mỷ-hiệp; còn bề ngang ăn riết vô một cái giồng nhỏ, kêu là: Giồng tượng. Đến
trước Thánh Đường thì tẻ ra làm ba nhánh, là: Giồng lớn, Giồng nhánh và Giồng
giữa, đó là địa đồ nội họ Bãi-xan.
Đây nói sang qua lúc lập
họ: Lối năm 1780, lúc giặc Tây-sơn phá rối thiên hạ, thì có nhiều người bổn đạo
các nơi tới lập họ nầy, mà nhứt là người Cái-bông tới ở. Mà Cái-bông là một chỗ
ở phía nam xứ Ba-tri, gần vàm sông Hàm luông, muốn kêu cho trúng thì chỗ ấy là:
Gành mù-u. Chốn nầy là chỗ dân Bình-thuận và Bình-định ưa vô trú ở mần ăn trong
Nam-kỳ.
Người đến Bãi-xan đầu hết
là ông Bốn, bỡi ông muốn lập nghiệp mần ăn thì chăm lo khai phá đất, mà bỡi thấy
đất nầy chật hẹp, chẳng đủ sức ông mần, nên ít lần ông bỏ Bãi-xan mà xuống Giồng-rùm
ở dưới. Kế tới phiên bà con cùng người quen của ông Bốn cũng tuôn đến Bãi-xan,
là ông Ký và ông Đẩu, song có một mình ông Đẩu biết chế độ việc lập họ, cho nên
ông đáng kể là kẻ tạo lập họ nầy.
Vốn người cha ông Đẩu là
ông Nguyễn-văn-Siêu thuở ấy có nhiều người yêu chuộng, vì ông làm Thầy lương y
giúp việc quan Thượng Bộ ngồi tại Ba giồng. Ông Siêu làu thông chữ tàu, nên dạy
con người nào cũng hay chữ, lại nữa ông đã dưng một con trai vào trường Latinh
giúp việc Chúa. Mà thuở ấy phải gởi con vô Xiêm, vì bỡi trong nước Annam chẳng
có đặng yên, nên phải lập trường chung Latinh ở tại đó.
Trò Latinh trẻ nầy đến
sau có tên là: Cha Phaolồ và có công giúp Đức Thầy Phêrô cùng Đức Nguyễn Ánh
trong nhiều việc cả thể lắm, theo lời trong sử nói rằng: "Ce fut un prêtre
puissant en oeuvres et en paroles.”. Người
là một thầy cả có tài làm mọi việc và tiếng nói ai ai cũng nghe lời.
Vì chăng bỡi ông Đẩu có
thân thế cùng quan Huyện Vũng-liêm, vì chưng em gái người kết bạn với quan Huyện,
cho nên nhờ đó mà ông Đẩu đến sau lo chuyện lập làng xong xuôi mọi nỗi.
Vốn ông Đẩu sanh ra hết
thảy là năm người con: Người trưởng nam tên ông Lượng, có con là bà Sử, bà Lài,
rồi bà Sử sanh ra Trùm Thân là ông già cha Các làm thầy Đạc đức;
Còn bà Lài sanh biện Qui
còn con cháu bây giờ ở Bãi-xan.
Người thứ ba tên bà Đài
là gái ở vậy không con, chừng bà mạng chung, anh em bà đồng dưng đất ruộng gia
tài bà, chỗ cất Thánh Đường Bãi-xan bây giờ.
Người thứ tư là ông Tường,
có con là bà Thị và Câu Tứ, là ông già cha Cường và Trùm Doan mới chết ít năm
nay.
Người thứ năm tên bà Mỹ
là bà ngoại cha Phêrô Quờn và Trùm Nghị mới chết đây.
Người con út là bà Nữ, là
bà Giáo Trực, biện Nguyên, năm Nhẩn bây giờ.
Đã nói xong về gia thất
ông Đẩu, còn phải nói đến chi ông Lại đồng Bường, cũng ở Cái-bông mà đến Bãi-xan,
Chi nầy đông đắn tới tám anh em: Người thứ hai tên Bường, thứ ba tên Tự, thứ tư
tên Mây, thứ năm tên Oai, thứ sáu tên Nhu, thứ bảy tên Minh, thứ tám tên Mẫn và
người út tên Năng.
Ông Đẩu tương phân cho
chi nầy phần đất cần mé sông cái, chổ vàm rạch Giồng tượng, chỗ nầy nhiều lần
phải nguy hiểm vì dễ cho quân cướp biển xông vào phá hại. Trong các chi mới lại
đây thì có ông Khả là người mạnh mẽ gan dạ hơn hết, một mình ông dùng trâu khai
phá đất, mà hết thảy bà con xúm lại mần không bằng. Khi đã làm nhiều việc, trưa
mệt mỏi, có người ta nói ông uống một lần hết một tĩn nước mới đã khát cho !..
Còn trong phần rẩy-trên
thì có ông Lê-ngọc-Lành là quan cựu ở Huế, bị giặc Tây-sơn, nên trốn và ở Cù-lao-tây
một ít lâu, rồi khi vua Gia-long đã toàn công thắng trận thì gia thất đông đắn
nầy đến ở Bãi-xan đây.
Ông Lê-ngọc-Lành sanh con
cái đông: Người trưởng nam tên ông Lịch, có con là bà Lành là bà ngoại cả Xến ở
họ Cần thơ.
Người thứ ba là bà Lãm,
bà nầy sanh đặng năm con: Một là bà Phượng; hai là bà Dưỡng; ba là bà Gương là
bà ngoại ông Trùm Ngoạn ở họ Chợ-đũi;
Bốn là bà Tàu, sanh bà
Loan, thầy phó Kiểng ở Vĩnh-long, bà Sánh là mẹ phủ Thiệt, phủ Thuận, sau hết
là ông phán Nam là Trùm cựu họ Bến-tre nữa;
Năm là ông Tây, sau cãi
tên lại là Cả Quế. Người thứ tư tên ông Xang, có con là ông Nguơn, ông nầy sanh
đặng 12 người con, người nào sống cũng trường thọ bỡi cách ăn ở hiền từ, như
ông sáu Tấn là ông Trùm họ Giồng-rùm đến chừng quá 80 tuổi mới chết; bây giờ
còn sót ba người ở Bãixan: Ông năm Quờn 86 tuổi; bà bảy Lực là vợ ông Trùm Tý
84 tuổi và bà út Lợi cũng quá 70 mà còn mạnh giỏi cả ba.
Người thứ năm là ông Xê
sanh con trai bảy người là: Ông Thứ, ông Thanh, ông Thơ về ở Rạch-dầu, là ông nội
cha Vạng, ông Hợi, ông Mùa là Ông già biện Út, ông nầy lúc cấm kín có công giấu
ẩn các cha và cố chính Hòa (R. P. Borelle) đã chết tại nhà ông Mùa, năm 1860;
Ông thứ bảy là biện Màng
sang về ở Cái-mơng, có con là bà hai Mẫn còn sống bây giờ,
Sau hết con út là ông Đặng
là cha tham Hài, ba Quí ở Bãi-xan.
Thật dòng họ Lê nầy còn đông
đắn lắm, nội họ Bãi-xan kể hết cũng có trót ngàn nam phụ lão ấu bỡi dòng ấy mà
ra.
Dưới rẫy dưới, gần vàm
Láng thé, có ông Phạm-văn Minh là cha bà Điều, khi đã điệu gia thất ông về
Bãi-xan rồi thì đã khai phá trót năm chục mẫu đất. Còn một ít gia thất nữa cũng
về Bãi-xan lúc khởi đầu nan lập họ, là gia thất ông cả Huyên, ông Của, ông
Xuyên, ông Tần, ông Long sau về làm ông Trùm họ Tha-la và ông Ẩn là ông nội Cha
Truyền. Bỡi đó cho nên, theo lời người ta nói, thì họ Bãi-xan lúc ban đầu số bổn
đạo chừng một trăm rưỡi người. Phô kẻ ấy tới ở Bãi-xan xong rồi thì chí thú tra
tay làm việc cực khổ biết bao nhiêu; nào muỗi mòng cọp heo gì cũng làm cho vỡ
chạy, cho tới tượng voi cùng kinh hãi nữa. Mà sự kẻ ấy ưa kiếm tìm hơn của ăn
là sự bằng an trong họ, lúc giặc giả ít có lắm!. Lúc ấy ở Bãi-xan đặng khỏi bắt
lính, khỏi sưu thuế, còn mấy làng ngoại cũng vì nể, chẳng ép bổn đạo giúp việc
dị đoan.
Bỡi ở Bãi-xan đặng bình
an vậy thì làm cho nhiều người có đạo ai nấy đua nhau tuôn đến, cho nên chưa tới
hai mươi năm, mà số bổn đạo họ nầy đặng chừng sáu trăm nam phụ lão ấu.
Lúc ấy, theo việc Nước
thì họ Bãi-xan thuộc về Làng Đức-mỷ, ăn dài theo sông cái, từ Rạch Láng thé cho
đến vàm Rạch Vũng-liêm.
Trong năm 1800, có một ít
người ngoại sẵn lòng tính với nhau mà chia Làng Đức-mỷ ra làm hai, đặng lập một
Làng mới, lấy hiệu là Làng Bình-hòa, song hoặc bỡi lập làng lật đật quá, hay là
vì lẽ nào khác chẳng rõ, nên lập Làng Bình-hòa, là nơi bổn đạo tựu ở, có sáu
năm thì tiêu mất hiệu làng.
Bấy giờ có ông cả Đẩu hiệp
đồng với ông Bốn mà lập làng cho xong, rồi đặt tên là Làng Phước-toàn, lối đầu
đời vua Thiệu trị, năm 1840. Đến sau đổi tiếng Phước-toàn mà đặt lại là Làng Phước-hãi
cho tới năm 1819, lúc Phước-hãi, Long-thới giáp ranh sáp lại một làng thì đặt
tên là làng Phước-thới cho tới bây giờ.
Vốn tiếng Phước-toàn là gồm
trọn phước lộc, thì vua chẳng chút ưng chịu cho Làng, nói có một Ngôi Thiên Tử
đặng toàn phước mà thôi, nên phải đổi hiệu làng, đặt lại Phước-hãi là vậy đó. Lại
nữa vua dạy làng phải thỉnh “Sắc thần” và lập một đình kính trọng thần ấy. Cái
đình nầy đã cất tại chỗ nhà bà câu Mỷ ở bây giờ, song bỡi bổn đạo bỏ phế chẳng
lo tu bổ, nên chẳng có bao lâu cái đình hư mất. Còn sắc thần cất tại nhà ông chủ
Tứ, rủi bị ngọn lửa cháy cũng đã hóa ra tro.
Vốn làng nầy khi đó có
người bổn đạo ở mà thôi và có ông cả Đẩu làm đầu thì đặng thạnh mậu và bền vững
trong 30 năm, lúc cấm đạo Thiên Chúa.
Mà họ Bãi-xan lúc đó có
nhà thờ, có thầy cả đến giúp họ hay chăng?. Dầu mấy người đang sống bây giờ chẳng
ai nhớ rõ, song quả thật là có các thầy Dòng ông thánh Phanxicô ở Cái-nhum biết
tỏ tại họ Bãi-san có 600 bổn đạo, vì nhiều họ có giao lân gả cưới với nhau cùng
lại dời sang chỗ ở nữa. Và lối năm 1815, có Cố Phan, người Dòng ông thánh
Phanxicô ở Cái-nhum có đến giúp họ Bãi-xan nầy.
Lại nữa, cha Phaolồ là em
cả Đẩu có năng về Bãi-san thăm bà con, thì luôn dịp cũng chỉ biểu cho anh mình
đem lòng yêu chuộng trắn triếu các cha hội Giảng đạo ngoại quốc.
Lối năm 1827 cũng có Cố
Chính (R. P. Gagelin) và Cố Phương (R. P. Odorico) có đến viếng họ Bãi-xan nầy
nữa.
---------------------
II.-
Truyện xảy ra trong Họ.
Sổ
các cha đã giúp họ Bãi xan.
Cha Điền.
Trong số các thầy cả bốn quấc cùng Hội Dòng Sai lại Bãi xan đây mà giúp họ, thì
có cha Điền là người thứ nhứt có cất nhà ở lâu. Có kẻ nói cha ấy thuộc về Dòng ông
thánh Phanxicô, song chẳng có chắc mấy, lại cũng chẳng ai rõ người đến Bãi xan
là khi nào, mà chắc một đều là cha Điền đến ở Bãi xan trước cơn bắt đạo dữ dằn
Minh mạng hoành hành năm 1832. Có lẽ lời nói đây là chắc, vì trước cơn bắt đạo,
tại Bãi xan đây có một nhà thờ cha nầy cất, rồi tới lúc bắt đạo phải phá tiêu
năm 1833. Nhà thờ nầy cất cao cẳng giống nhà người thổ, cất tại chỗ vựa lúa Bãi
xan bây giờ. Các bổn đạo lớn nhỏ đã chung lo cất nhà thờ ấy tùy phận sự mỗi người.
Còn muốn cho ghe dễ tới lui và nhứt là cho có nước uống thấu đến nhà cha, thì họ
đào thêm rạch Giồng tượng vô thấu con giồng chừng 400 thước nữa. Những người có
dư như ông Điểu, ông hương Nhu, ông Trùm Tường thì nuôi ăn cho bọn làm đất. .
Lúc cất nhà thờ vừa rồi,
liền đem sang đồ thờ bên ông Trùm Tường về nhà mới là: mấy cái bàn thờ, màn trướng,
áo lễ và ảnh chuộc tội cùng một ít món khác nữa. Mấy đồ thờ kể đó, có một phần
là của cha Phaolồ, lúc cha ở họ Cái đôi (thuộc về tĩnh Long-xuyên) đau liệt gần
chết, thì cha trối cho cháu mình là Trùm Tường đặng dùng tại nhà thờ họ Bãi
xan, Lúc đó ông đã qua đời, thì ông Lại-đồng-Tự kế tiếp. Ông nầy làm chức ông cả
lại làm Trùm họ, mà bỡi ông có công khó nhiều, nên Bề trên cho người làm trùm
Phủ. Bổn đạo lúc đó chẳng những lo cho có nhà thờ, mà lại cũng lo cho nhà thờ
có huê lợi..
Đây còn ba tờ dưng cúng đất.
Tờ thứ nhứt chép rằng: “Chúng tôi ký tên sau đây bằng lòng dưng cúng cho
Thánh Đường một miếng đất 72 tầm và một miếng nữa 40 tầm, là phần gia tài của
thị Đài là gái ở vậy và chết không có cháu con, miễn xin cầu nguyện cho 10 linh hồn thì đủ!
Ký tên}Trùm
Tường. Danh Luận. Thị Mỷ. Thị Nhi.
Chứng Làng} Xã đương niên: Huyên.
Xã
cựu : Tư.
Từ thứ hai thì rằng: “Chúng
tôi đồng ký tên dưng cho Thánh Đường: một miếng Giồng 50 tầm (chỗ nhà thờ bây
giờ) và một miếng Giồng nữa 4 công (chỗ đất thánh bây giờ) cùng của thị Đài nói
tên trong tờ trước. Xin cha coi sóc họ mỗi năm làm hai lễ Misa trong 10 năm thì
đủ số.”
Ký tên}Trùm
Tường. Danh Luận. Thị Mỷ. Thị Nhi.
Chứng Làng} Xã đương niên: Huyên.
Xã
cựu : Tư.
Đề ngày mồng 7 tháng 2
Annam, năm 1832. Minh mạng Thập tam niên.
Tờ thứ ba truyền lại rằng:
“Chúng tôi đồng ký tên dưng cho Thánh Đường 10 mẫu đất ruộng của thị Loan là
bà chúng tôi đã chết, đặng lấy huê lợi làm việc phước đức.”
Ký tên}Toán
.Thi. Nên. Hiệp. Danh. Cơ
Chứng Làng} Xã đương niên: Huyên.
Xã
cựu : Tư.
Đề ngày 13 tháng 10
Annam, Minh Mạng thập tam niên,
Lo việc thờ phượng Chúa vừa
yên trong họ, kế có chiếu chỉ đầu hết cơn bắt đạo cả thể, nhằm mồng 6 Janvier
1833, rồi có lính Huyện Vũng liêm sai đến triệt hạ Thánh đường Bãi xan. Đang
lúc phá nhà thờ, có một tên lính tình cờ bị vít thì nó cứ chưởi miết mà nói rằng:
“Datô có phép linh thật, nên việc nầy chẳng dễ gì đâu”. Đến khi lính phá xong
đi mất thì bổn đạo lật đật chôn cột nhà thờ dưới ao một bên đó, có ý để sau cất
nhà thờ lại, song khỏi 30 năm cơn bắt đạo, lúc cha Hiển vào đến Bãi xan, thì bỗn
đạo dở cột đem lên, mà cây mục hết trơn chẳng dùng được việc gì nữa.
Còn cố Du (R. P.
Marchand) có đi đến viếng họ Bãi xan trong năm 1830 và có ở ít ngày với cha Điền.
Đến năm 1834, cha nầy trốn cơn bắt đạo và ở Cái nhum chẳng yên mấy thì đến trốn
ẩn tại Bãi xan, rồi lần lần đi xuống Giồng rùm, Thâu râu, Rạch rập.
Một ngày nọ, đang lúc
lính tìm bắt cố Du thì chúng nó gặp cha Điền. Mà bỡi chẳng kiếm được miếng ngon
hơn thì miếng thường nó cũng ních. Nó liền trói quách cha lại mà hỏi cho biết cố
Du trốn đâu thì cha Điền đáp lại câu nầy: “Các người kiếm ông cha, mà cha đó là
tôi đây.” Người có ý nói vậy cho quan cai hết lo tìm cố Du thì cố có giờ mà trốn
cho kín. Quan thấy cha Điền nói trớ trinh vậy thì giận mà rằng: “Mà chẳng phải
là ta kiếm chú, ta một kiếm thầy đạo Tây mà thôi.” Cha Điền nghe vậy chẳng có rối
trí, tức thì cãi lại mà quả quyết mình cũng là thầy đạo người tây thật.
Bỡi vậy, phải mà bổn đạo
chẳng có lật đật chung nhau góp tiền khá mà lo cho quan thả cha Điền, thì cha
cũng chẳng yên đặng lúc ấy. Còn cha Phêrô Phanxicô Xavie Thán, trước đã bị đày
tại Long-xuyên, đến lúc xử trảm Á thánh Lái Gẫm ở hiện diện đó, cũng có tới ở
Bãi xan với cha Điền một ít lâu, vì có lãnh đến cầm đầu rửa tội cho ông Hương
sư Tám sanh năm 1834.
Vốn cha Điền trước khi đến
Bãi xan thì người làm việc trong họ Đất đỏ, ngày nọ người qua Lái thiêu viếng Đức
cha ở đó thì người gặp hai người học Latinh, mà thầy Hạp một mình ở tại Búng
giúp cha Giáo, Đức cha (Monseigneur Taberd) muốn thử hai người coi tánh ý thế
nào, thì giao cả hai cho cha Điền và khiến đem thẳng về Bãi xan. Lúc ấy thầy Hạp
đã đặng 30 tuổi và đã chịu bốn chức nhỏ rồi, còn người kia tên Châu, 20 tuổi,
quê ở Đất đỏ và chưa có chịu chức nào..
Khi cả hai vào đến Bãi
xan thì thầy Hạp làm thầy dạy con nít, còn chú Châu lo việc làm từ, kêu là Từ
Chua. Song le hai người Latinh nầy, hoặc bỡi chẳng ưa làm thầy cả, hoặc bỡi bị cơn
khốn khó mà phát sợ, nên chẳng có bền. Cả hai bèn cưới vợ ở Bãi xan và lập nên
gia thất đông đắn. Từ Chua có một con gái đi tu nhà phước Cái mơng. Mà hai người
Latinh nầy hằng ngày ở trung tín với cha Điền lắm và lo lắng mọi việc cho cha
cho đến khi người qua đời, năm 1840.
Vậy cha Điền đã ở Bãi xan
gần mười lăm năm trọn, đến cơn bắt đạo phá rối, cha ở trong nhà chẳng yên, cha
liền vào nhà các chức lớn mà trốn ẩn, là nhà Hương Nhu và ông Trùm Tường con
ông cả Đẩu.
Còn ông Trùm Tự, khi đã
già cả và yếu đuối mệt nhọc thì về ẩn dật tại Cái mơng với mấy con gái người gả
trển.
Đến lúc Ngụy Khôi thất trận
và ngoài trào nghi cho bổn đạo theo phe nó, thì số bổn đạo phải bỏ Bải xan cũng
nhiều mà lo liệu lánh ẩn: kẻ thì đến ở họ khác, người thì rải rát chung ở với kẻ
ngoại.
Lúc ấy cha thầy làm lễ
trong nhà riêng bổn đạo, ngoài đàng thì có kẻ canh gác ra vào các nẻo, mà hễ
trong nhà nghe ra dấu chi nghi hoặc, thì lật đật góp đồ thờ vô trong rương đem
chôn liền xuống đất. Khi cha Điền đã cao niên lớn tuổi và bị bịnh suyễn không
thuyên, thì đã qua đời tại Bãi xan, bổn đạo táng xác người nơi đất thánh họ.
Lối năm 1887, cha sở Báu
(R. P. Leprince) muốn lấy cốt cha Điền đem trong nhà thờ, thì đã hỏi mấy ông
già cả cho biết chổ mồ mả người ở đâu, thì có ông Tham Trị tuổi đã quá tám mươi
chỉ chỗ đã táng người. Song khi đào lên thì xác cha chẳng còn chút gì sót lại,
gặp được có một Ảnh chuộc tội người ta nói là của cha Điền, nên mới biết đào
thiệt trúng chỗ đã táng xác cha.
Vậy đã góp hết đất đồ chổ
mả ấy, rồi lấy một cái hòm nhỏ bỏ vô làm một cùng hài cốt cố chính Hòa (R P.
Borelle) và của cha Hiển mà đem chôn trong nhà thờ, thuở ấy ở gần mé sông cái.
2. Cha Gioang Thiềng.
Từ năm 1840 tới năm 1846.
Trước khi cha nầy lãnh coi sóc họ Bãi xan thì người ở Cái nhum lo coi một nhà
in nhỏ. Tại Bãi xan, cha thường ngày ở ẩn trong nhà ông Trùm Tường đương niên
làm Hương cả trong làng. Khi có ai đến rước cha đi làm phước kẻ liệt, thì người
hay mặc áo dân làm mướn mà đi, trên vai thì vác cái cần câu, rồi đến bàu vùng
nào cũng ghé, cho kẻ qua lại thấy tưởng là người đi câu. Lúc nào rảnh việc thì
cha làm lặt vặt ngoài vườn. Người ta còn nhớ cha Thiềng mỗi tuần làm lễ có ngày
Chúa nhựt mà thôi, vì người có ý phạt mình đã ở rộng rãi quá mà giải tội cho một
người cho vay ăn lời tỏ tường trong họ.
Đang lúc cha nầy lo giúp
Bãi xan, thì có tên Thiềng, Bích, Hào và Đương, là con cháu ông Khả, đã dưng
cho Thánh Đường một sở ruộng 12 mẫu, là phần gia tài Trần thị Hội chết không
con. Đến sau, lúc Langsa qua lấy Nam kỳ, thì các quan Annam bắt cha nầy và lên
án tử tại Mỹtho, song bỡi cha già cả, 88 tuổi, nên các quan đổi án tử mà xử đày
chung thân tại Bà rịa, ở đó cha phải mang gông cực khổ và đã chết năm 1861.
3. Cha Lôrensô Lân.
Cha nầy ở Mặc bắc mà đến
Bãi xan lúc ban đầu đời vua Tự Đức, thấy có chiếu chỉ Đức vua mới tha đạo, thì
người tưởng làm sao cũng đặng đem kẻ ngã lòng cùng người có đạo ở giữa kẻ ngoại
về cùng Hội thánh. Vậy khi đã giải tội lỗi kẻ ấy rồi, thì tập họ năng tới lui
chịu các phép Bí tích. Song rất nên vô phước; vì cách ít tháng sau khởi cơn bắt
đạo lại cách dữ dằn hơn ban đầu mới khởi sự.
Mà cho đặng giúp đỡ người
thì có thầy Hiển đã chịu chức thánh rồi và ông trùm Tường là ông nội cha Cường
cũng là cháu cha Phaolồ nữa. Ông Trùm Tường chẳng những nuôi chứa cha Lân mà lại
làm việc bổn phận ông Trùm sốt sắng lắm: Hễ tối lại thì người đi thăm mỗi nhà
coi có đọc kinh chung với nhau chăng, mà thường phải đọc kinh thầm nhỏ tiếng vì
sợ kẻ ngoại hay ắt là sanh chuyện! Sự ông nầy cần chuyên lo hơn, là ngăn trở kẻ
ngoại chẳng cho lại họ Bãi xan, kẻo sanh chia lòng trí bổn đạo mà chẳng còn đặng
bằng an trọn hảo.
Chính mình ông Trùm đã dưng
cúng đất ruộng cho nhà thờ và hễ có dịp thì người khuyên mời trong bổn đạo phải
có người ở cho đại độ mà giúp việc thờ phượng Chúa nữa. Bỡi đó trong năm 1847,
Thiệu Trị thất niên, ngày mồng 2 tháng năm Annam, có tên: Trường, Thắng, Hiếu,
Quí và Bổn là con ông Của đã làm tờ dưng 3 mẫu ruộng cho Thánh đường làm của.
Sau hết, đến giờ Chúa định
thì ông Trùm Tường đã chết trong năm 1854.
4. Cha Á thánh Philipphê
Minh năm 1850.
Vốn Đức cha Đôminicô
(Monseigneur Lefèbvre) phải ép mình trốn ẩn trong mấy tĩnh trên, thì để cho cố
chính Hòa (R.P. Borelle) coi sóc các cha trong mấy tính dưới. Người ở tại Cái
nhum mà lo tập tành con trẻ đặng gởi về trường Latinh ở Pinăng. Còn cha Minh
thì lãnh lịnh đi ban phép Thêm sức các nơi. Người tới Bãi xan thì trốn ẩn trong
nhà ông câu Tị và nhà ông thầy Thanh ở Rẫy trên, Cha nầy ở Bãi xan giúp họ 1ối
chừng đặng 3 năm mà thôi. Hồi đó có ông cả Huyên coi sóc thì bổn đạo cất một
nhà thờ nhỏ lợp lá, ở gần nhà bà Xuyên: bỡi bà nầy muốn cho thiên hạ đừng biết
nhà đó là nhà thờ thì bà để tằm ở đó, song chỗ nhà nầy là nơi cha Minh thường
làm lễ Misa. Có cha Bình là học trò cha Minh còn nhớ thường có giúp lễ cho cha
tại đó. Họ thuật lại, nói cha Minh hễ lúc nào có giờ rảnh thì người hay đi đánh
chim cu đặng nghỉ chơi cho khuây lãng. Khi Bề trên sai cha Minh xuống Mặc bắc
mà thế cho cha Lựu và bị quan bắt tại nhà ông Trùm, thì 12 người nhà phước
Annam nhờ trời tối mà trốn đặng, thì hết thảy chạy về Bãi xan. Ban đầu họ ẩn
mình trong nhà ông Nhu, rồi sau qua nhà ông Huê, ở một ít năm. Trong các người
nhà phước ấy thì có người con gái của cả Huyên tên là Bà Hạt.
5. Cha Phêrô Tuyết. Năm 1854.
Đang lúc nầy là thì khốn
khó tới một ngày một thêm. Bỡi cha Minh bị bắt, tại nhà ông Trùm Lựu thì làm
cho quới chức các họ phải run sợ cho mình.
Ai ai cũng biết rằng: Hễ
mình lo giấu ẩn các cha thì là liều mình chết, nhứt thiết là các chức lớn thì họ
xem xét hơn mấy người khác. Bỡi đó các cha phải đổi nhà luôn luôn. Ban đầu cha
Tuyết trốn tại nhà ông chủ Cư, sau qua ở nhà ông Lại-đồng-Văn. Ở đó cha lo dọn
con nít rước lễ Bao đồng và cho bổn dạo chịu các phép Bí tích. Trong năm 1854,
có bà Tô-thị-Thọ làm từ dưng cho Thánh Đường một số ruộng hơn 20 mẫu, là phần của
em bà là ông Cai thôn Lý chết chẳng có cháu con, còn bà vợ là Nguyễn thị Sữ có
chồng khác. Qua năm 1855, các bà con bà Mỷ là bà ngoại cha Quờn còn dưng cho
Thánh Đường 5 mẫu ruộng nữa và một chỗ đất Giồng làm đất thánh họ Bãi xan nên lớn
rộng..
Qua tháng Juillet năm
1860, nhằm hồi bắt đạo đáng sợ hãi hơn hết, đang lúc cố chính Hòa cấm phòng cho
các cha Annam là: cha Tuyết, cha Nhơn và cha Hiển trong nhà ông Mùa, bà Keo,
thình lình cố chính xán bịnh nặng, thầy thuốc Annam kêu rằng: Bịnh trái. Xán bịnh
cách ít ngày, cố Hòa đã chịu các phép Bí tích sau hết và đã chết tại nhà nầy. Vậy
cho đặng khỏi kẻ ngoại thấy thì ban đêm lén sai họ đi mua hòm, song bỡi chẳng
toan tính trước, nên mua cái hòm vắn quá chẳng vừa. Bỡi vậy thầy Thoại phải lựa
trong nhà một bộ ván tốt bằng gõ đặng đóng hòm mà táng xác cố Borelle. Chôn xác
cũng chôn ban đêm trong vườn hai ông bà ấy, lại muốn cho khỏi tay dân tọc mạch,
thì hai ông bà trồng trên mả một đám rau răm và một lảnh gừng cho khuất.
Cách hai mươi lăm năm
sau, cha sở Báu (R. P. Leprince) lấy hài cốt cố chính Hòa mà đem về trong nhà
thờ gần mé sông cái. Bằng về cây gậy vàng trong mấy món đồ của cố Borelle, thì
chắc ban đêm ăn trộm đã lén lấy mất chẳng còn.
(…)
1. Họ Long hòa.
Làng Long hòa nầy ở gần
mé rạch Láng thé có một ít nhà có đạo về rải rác ở đây. Thấy vậy, cha mua một
miếng đất, rồi cất một nhà thờ lá, song bị chúng oán mà đốt đi, đoạn cha nầy lập
lại. Sau nhờ có biện Thinh chí tình giúp đỡ, thì cha đã gom đặng một ít nhà có
đạo và có ít nhà ngoại trở lại ở họ nhỏ nầy, trong mấy nhà ấy có nhà Văn công
Nhưng cũng xin trở lại, cho nên chẳng khỏi hai năm thì cha Lại rửa tội đặng hai
chục chầu nhưng trong họ.
2. Họ Long thuận
Làng nầy cũng là một làng
nằm trong ngọn nhánh rạch Láng thé. Trong các gia thất mới trở lại đạo ở đó,
thì có gia thất ông Tham Sung là đáng hơn hết. Ông nầy đã bán một miếng đất ruộng
hơn 30 mẫu đặng lập họ, Cha Nghi (R. P. Martin) ra tiền mua chỗ đất đó, rồi dưng
lại làm của nuôi học trò trường Latinh.
3. Họ Đức mỷ
Ở phía tây làng nầy có miếng
đất rộng chưa khai phá, thiên hạ giành nhau mà khẩn cho đặng nhờ ngày sau. Cha
Lân thấy bổn đạo thiếu đất mần, nên đốc Biện Tây xin khấn đất ấy. Mà rủi thay!
Biện Tây bị kẻ ngoại ganh gỗ kiện thưa, lại thêm thất nữa không có huê lợi. Mấy
người chầu nhưng mới, nó vay lúa ăn mần rồi chẳng trả đặng cho Biện Tây một hột,
nên ông Biện phải buông đất nầy đi. Dẫu vậy cái nhà thờ đã cất cho bổn đạo mới
cũng còn lại tại chỗ, và dầu họ đã đi bớt, song cũng còn một ít chầu nhưng đủ
mà làm cho họ Đức mỷ còn bền lại.
4. Họ Đức Hòa.
Làng nầy là làng ngoại ở
trong rạch Cái hóp cũng ở miệt phía Nam chợ Vũng liêm.
Nguyên có một người ngoại
tên Thiết nghe tiếng cha sở Lân và bỡi quyết xin cha giúp mình đặng chống kình cùng
một người ngoại khác, nên đến xin cha binh vực nó, cha nghe ngó thì biểu nó phải
tính cùng một ít gia quyến mà theo đạo thì cha bảo bọc binh vực cho, mà thật quả
đã có y như vậy. Ngày nay họ Đức hòa thật là sung lắm, phần xác bổn đạo làm đủ
ăn, phần hồn cũng lo sốt sắng hơn mấy họ nhỏ khác trong sở Bãi xan.
5. Họ Càng-long.
Chỗ nầy là một miếng giồng
rộng minh mông cùng đông nhơn số lắm.
Lúc ấy cha Lân cũng làm hết
sức và có xin Thầy Quận đến giúp người, song dẫu có lòng tốt bao nhiêu, cũng chẳng
làm cho đạo thánh châm gốc rễ nơi Càng long đặng. Dầu vậy, cha Lân bỡi muốn làm
cho Càng long được ít chủ theo đạo, thì cũng lấy bạc của cha Nghi (R. P. Martin)
mà mua đặng 62 mẫu ruộng, sau cũng để cho trường Latinh.
Thật cha Lân tính phương
thế rất trúng là biểu người ta mua ruộng hoặc chính mình cha cũng mua mà cho bổn
đạo mới ở, vì chúng nó đã nghèo, lại bị kẻ ngoại gièm chê ganh gỗ, bỡi vậy, nếu
cha chẳng giúp đỡ, thì nó biết nhờ ai mà làm ăn cùng giữ đạo cho đặng..
Trong mấy thầy trường
Latinh cha Lân xin đến dạy các họ nhỏ Bãi xan lúc mới lập thì kể tên được: Thầy
Đặng, thầy Ngọc, thầy My, thầy Đa, thầy Hào, thầy Xứ, thầy Cơ và thầy Qui.
Mà việc thứ nhứt cha Lân
quyết lo, là việc cai trị họ Bãi xan. Khi cha về họ một ít năm, thì dân rượu
chè, cờ bạc; dân kiện thưa, trộm cướp cũng đều phải sửa mình bằng không thì phải
cất gánh đi chỗ khác.
Làm cho được việc thật là
sự khó nhọc lắm, song bỡi cha Lân biết khôn ngoan chế độ thì đã sửa Bãi xan
bình an vẹn toàn.
Bằng về việc sửa sang nhà
cữa thì có nhiều điều đáng cha lo: Trước hết, nhà thờ đã nhỏ quá và cũng là gần
hư. Nhà cha sở thì ở không đặng nữa, vì cận mé sông cái, một mai phải lở xuống
sông. .
Bỡi vậy cha tính phải dời
sang nơi khác mà kẻ tính được, người tính không. Sau hết cha lấy trí khôn ngoan
mà nhứt định bỏ mé sông lớn mà dời nhà thờ về trong giồng, nơi đất chi ông Cả
Tường dưng là chỗ: trước cơn bắt đạo, đã cất cái nhà thờ đầu hết, năm 1830.
Vậy người lấy trí biện luận
mà kiếm số tiền cần dùng, đặng cất một nhà thờ lớn chừng 10 ngàn đồng. Cha tiện
tặn thâu góp cùng tìm mọi cách thế cho có số tiền, đến đỗi chưa đầy ba năm mà lập
nhà thờ đã xong xuôi hết. Đến năm 1896, có Đức cha Để (Mgr. Dépierre) đến làm
phép nhà thờ mới nầy, chọn lấy Bổn Mạng là: “ Thánh Thất Hội”,— Cha Lân dùng
cây thau lau mà làm gần hết cái nhà thờ, lúc ấy chẳng ai ngờ là thứ cây tốt, mà
thật là cây quí, vì mối chẳng ăn thau lau, nên nhà thờ bền lâu đặng.
Đến năm 1899, cha mua ba
cái chuông treo lên trên tháp nhà thờ, làm cho rỡ ràng trong họ thêm nữa.
Làm nhà thờ xong xả, cha
liền lo cất nhà cha. Người lấy cây đồ nhà thờ cũ bỏ ra, mà đã làm đặng một cái
nhà lớn khoản khoát, tốn hết 3 ngàn đồng.
Cha cũng dùng cây vựa lúa
cũ mà làm một cái nhà cho các dì phước Cái mơng ở, đặng cứ dạy nhi nữ trong họ
như đã làm nhiều năm trước.
Còn việc Hài đồng lúc ấy
cũng phấn chấn, vì có một năm họ bị trái giống dữ dằn. Nhiều đứa con nít kẻ ngoại
nên trái giống thì họ bỏ, cha liền cho người ta lo đem về thuốc men cứu nó, rồi
phú cho các nhà có đạo nuôi. Về việc bờ cõi trong họ thì có Nhà nước cho cha
công xâu, nên cha đắp bờ bao từ phía ruộng, trước là cho thuận tiện mùa màng,
sau cho bổn đạo dễ di đọc kinh xem lễ cùng cho con trẻ đi học, lại cho các cha
đi kẻ liệt khỏi lội bùn trơn trợt lấm láp như bấy lâu nay.
Đây nhắc riêng về ông trùm
Phạm cử Não, dẫu ông chưa lớn tuổi, mà làm chức Hương cả trong làng và làm Trùm
nhứt trong họ.
Vã, nếu cha Lân đã đặng sửa
sang cách ăn thói ở và nhà cữa, bờ cõi trong họ Bãi xan đàng hoàn như vậy, thì
nói đặng: Ông Trùm Não đã có thông phần phân nửa việc của cha. Hẳn thật cha thì
biểu bày, sắp đặt, chỉ về, còn sự tẻ mẽ thi hành cho thành công việc thì thiệt
là phần ông Trùm lo. Cha Lân có để một lời rất quí về ông trùm Não mà rằng: “Ông
trùm là người bằng an”. Mà thật rõ ràng ông trùm có vậy: hễ khi nào ông thấy có
hai người bất thuận nhau, thì ban đêm ông lén đến riêng với hai người mà khuyên
giải hòa yêu nhau lại. Hoặc cha sở có quở trách ai thì ông trùm lại riêng với
người ấy mà cắt nghĩa cho nó hiểu, đặng nó bằng lòng vưng phục đấng bề trên.
Trong 10 năm cha Lân coi
họ Bãi xan, thì cha có cho con trẻ đi trường Latinh nhiều, còn nhi nữ cha cho
đi nhà phước cùng chẳng thiếu chi, nhứt là đi tu nhà phước trắng.
Cha Lân đang lo lắng làm
việc trong họ, tình cờ người xán bịnh làm cho người cực chẳng đã phải trở về
Tây mà cầu thầy uống thuốc, nhằm tháng Novembre, năm 1901.
13. Cha Ba (R. P. Bar)
năm 1901.
Cha Lân thọ bịnh thì cha
Ba đến ở Bãi xan. Cha nầy thấy cha Lân đang lo mần mấy cái nhà cần dùng mà chưa
xong chưa đủ thì người làm cho rồi. Vậy cha Ba lo cất hai nhà trường tốt, một
cái dạy trò nam, cái kia đã làm trường nữ. Người lo cho con nít giữ phận năng tới
trường và sửa đương cách thầy giáo dạy học, nhứt là trong hai năm, lúc cha
Trang (R. P. Tranier) làm cha phó Bãi xan, thì trong Địa phận có hai trường Bãi
xan đây trổi hơn mấy trường khác. Bằng việc sắp đặt về phần thiêng liêng thì
cha cần chuyên cho bổn đạo nên sốt sắng, nhứt là việc rước lễ ngày thứ sáu đầu
tháng thì họ Bãi xan giữ hẳn hòi.
Cha sốt sắng xem coi cùng
mở mang các họ nhỏ trong sở, nhứt là họ Đức hòa và Đức mỷ có bổn đạo sung, đến
đỗi cha xin đặng Đức cha cho cha Thông ở luôn tại Đức mỷ.
Lúc ấy cha quyết chí lập
một họ mới tại Phú phong, trong đất Thị Hoén dưng cho nhà thờ, song tình cờ cha
phát bịnh nặng, làm cha phải bằng lòng ép mình về Tây, theo lý đoán quan thầy
buộc cha như vậy. Thật ai hiểu cho thấu cha chịu khó thế nào mà ngăn ngừa việc
cờ bạc trong họ: Hễ cha nghe chỗ nào có đám cờ bạc thì cha âu lo áy náy, ngày
đêm chẳng nghỉ, một làm thế nào cho tan đám ấy mới thôi.
Việc bổn đạo mần ăn, cha
tận tình lo lắng lắm: Kẻ nào chẳng có ruộng mần thì cha cho mần đất nhà chung
mà cũng còn nhiều người thiếu đất. Bỡi vậy, cha đã lo giúp nhiều gia thất mua
ruộng của kẻ ngoại mấy làng lân cận bán.
Mà dầu cha lo lắng thế
nào cũng còn thiếu đất, vì bổn đạo ở chật cả họ,
Bỡi đó, có nhiều gia thất
phải dời sang nơi khác, trong các họ địa phận Nam vang là: Bãi giá, Trà lồng,
Trà cú, Rừng cấm mà kiếm thế mần ăn.
Đến năm 1907, khi ông
Trùm Não qua đời rồi, thì cha Ba đặt ông Trùm Gioang là em ruột cho Cường lên
làm Trùm nhứt trong họ.
(Chung)
.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm
1927
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét