ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2020

Một mai ai đứng bên kinh, Ai phò giá triệu, ai rinh quan tài? Bên kinh đã có con trai, Giá triệu con gái, quan tài nàng dâu. Bài này vẫn nghe hát ru em như vậy, có đúng nguyên văn của người xưa hay không? “Kinh” có nghĩa gì khác hơn con sông đào? Sao lại rinh quan tài? Cả bài có ý nghĩa gì?

 ĐỘC GIẢ: Một mai ai đứng bên kinh, Ai phò giá triệu, ai rinh quan tài? Bên kinh đã có con trai, Giá triệu con gái, quan tài nàng dâu. Bài này vẫn nghe hát ru em như vậy, có đúng nguyên văn của người xưa hay không? “Kinh” có nghĩa gì khác hơn con sông đào? Sao lại rinh quan tài? Cả bài có ý nghĩa gì?

AN CHI: Nguyên văn hai câu đầu là:

Một mai ai đứng minh tinh

Ai phò giá triệu, ai nghinh quan tài?

Minh tinh, trong Nam còn gọi là tấm triệu, là dải lụa dài ghi tên họ, tuổi tác, chức tước, ngày từ trần, vv.. của người chết, treo trên một cái giàn nhỏ có đòn khiêng, thường gọi là cái giá triệu, để khiêng đi trước quan tài khi đưa đám tang. Vậy đứng minh tinh là có tên trên tấm minh tinh, nghĩa là đã chết. Nghinh (nghênh) là đón rước. Nghinh quan tài là bưng cái bát hương đi thụt lùi phía trước quan tài để dẫn đường. Còn phò giá triệu là chống gậy tang đi bên cái giá triệu để hộ tống. Nghinh quan tàiphò giá triệu là bổn phận của con trai trưởng (hoặc con trai) và của cháu đích tôn (hoặc cháu nội trai). Vậy “đứng bên kinh” và “rinh quan tài” chỉ là do tam sao thất bản mà ra.

Theo chúng tôi, bài này vốn chỉ có hai câu đầu và đây là lời của người vợ không sanh nở nói với chồng: Thiếp đã không có con, nếu chàng không nghe lời khuyên của thiếp mà cưới cợ lẽ (để kiếm một vài mụn con) thì mai kia, khi chàng về với ông bà, ai sẽ là người nghinh quan tài, ai sẽ là người phò giá triệu cho chàng đây?

Tiếng ai trong câu thứ nhất là một đại từ phiếm chỉ, có nghĩa của đại từ nhân xưng ngôi thứ hai (vợ nói với chồng) còn hai tiếng ai trong câu thứ hai mới thực sự là đại từ nghi vấn. Câu thứ nhất nêu giả thuyết cho sự việc xảy ra ở câu thứ hai. Sau khi hai câu đầu bị tam sao thất bản rồi thì chúng mới được nối bằng hai câu sau, có thể do lối hò đối đáp mà ra. Vì hai câu đầu đã bị truyền miệng sai nên hai câu sau cũng không thể chặt chẽ và rành mạch về mặt ý nghĩa được, nhất là câu “bên kinh đã có con trai”.

 Kiến thức ngày nay, số 122, ngày 1-11-1993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét