Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

Đây là cái bẫy để sau nầy phải học tiếng Tàu?

ĐÂU LÀ CÁI BẪY ĐỂ SAU NÀY PHẢI HỌC TIẾNG TÀU ?

Ở đây tôi nói ngay nếu ai đó học tiếng Tàu để giao dịch, cũng như học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, hết thảy là chuyện bình thường của mỗi cá nhân. Stt này được viết là nhằm khuyến cáo chúng ta hãy lưu ý về một vấn đề HỆ TRỌNG TRONG KHO TÀNG NGÔN NGỮ của NGƯỜI VIỆT - nếu sa vào cái "bẫy" công kích việc học/đọc/viết Hán-Việt (tôi ưng gọi là "Việt-Hán" hơn, để nhấn mạnh chúng ta đọc âm Việt khi mượn vỏ văn tự chữ Hán).

Cái bẫy đó như thế nào?

1/ Trong trường học thảy đều có giảng giải về âm Việt-Hán (là chỉ mượn vỏ chữ Hán mà đọc bằng tiếng Việt). Còn nhớ chăng, hay là quên béng, trả chữ lại cho thầy hết ráo?

Tôi ngỡ ngàng nhận ra hiện nay có nhiều người không hiểu gì hết - chẳng hạn, khi gọi tên các nước là "Phi Luật Tân", "Úc", "Ý", "Tây Ban Nha", "Thụy Điển", "Ba Tây", "Á Căn Đình", "Tân Gia Ba", "Bồ Đào Nha", "Thổ Nhĩ Kỳ"... thì tưởng là bắt chước Hán.

Lại phải nhắc tới nhắc lui, đó là phát âm bằng tiếng Việt (chớ làm gì có phát âm tiếng Tàu ở đây?).

Các danh nhân kiệt xuất của nước Việt như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi... đều dùng chữ Tàu (Hán tự) để viết "Nam quốc sơn hà", "Hịch tướng sĩ", "Bình Ngô đại cáo"; vậy Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt là bắt chước Tàu à?

Có ngớ ngẩn lắm mới nghĩ "bại não" cỡ đó!

2/ Mời quí bạn đọc tiếp (để từ đây sẽ hiểu vì sao tôi cảnh báo về "cái bẫy" mà tôi nêu ở tít bài này):

南國山河南帝居

截然分定在天書

如何逆虜來侵犯

汝等行看取敗虚

Trên đây là chữ Tàu (Hán tự) rõ mười mươi. Viết gì vậy?

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên phận định tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"

Đây là bài thơ "Nam quốc sơn hà" (南國山河), được gọi là "bài thơ Thần", xuất hiện vào thời Lý dùng để cổ võ ý chí chiến đấu chống giặc Tống từ phương Bắc xâm lấn bờ cõi nước Việt.

Chúng ta đang đọc bài thơ trên bằng tiếng Việt (do dựa vào mặt chữ Hán, nên gọi là "âm Việt-Hán"). Nếu dùng bình phong "trong sáng tiếng Việt" để qui chụp "nhái theo Hán tự" rồi tìm đủ mọi cách bức tử, chuyện gì sẽ xảy ra?

Không còn ai dám theo học để biết đọc bằng tiếng Việt trong Hán tự, tới lúc đó khi tìm hiểu kho tàng thư tịch về lịch sử, văn thơ của nước Việt ngàn năm - nhìn vô toàn chữ Hán, nhưng không còn biết đọc bằng tiếng Việt ra làm sao => Bắt buộc phải học/đọc bằng tiếng Tàu chớ còn gì nữa!

Chúng ta, tới lúc đó, sẽ phải đọc 4 câu trong bài thơ Thần chống giặc Tống bằng... tiếng Tàu:

"Nán guó shān hé nán dì jū

Jié rán fēn dìng zài tiān shū

Rú hé nì lǔ lái qīn fàn

Rǔ děng xíng kàn qǔ bài xū"

Quí bạn có muốn sau này rơi vào tình trạng là phải đọc bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà" bằng...tiếng Tàu "Nán Quó Shān Hé" hay không? (bởi vì âm Việt-Hán đã bị bức tử chết tươi)

3/

TIẾNG VIỆT của chúng ta hàng ngàn đời nay có tới 2 kho tàng: Kho tàng tiếng Việt nội Hán tự (Hán tự được đọc bằng tiếng Việt, nhắc lại để nhớ: không phải đọc tiếng Tàu) - tỉ như "mẫu tử", "thanh thiên", "thực phạn"... ; và kho tàng tiếng Việt ngoại Hán tự (tiếng Việt nằm bên ngoài Hán tự) - tỉ như "mẹ con", "trời xanh", "ăn cơm"...

Cùng nhau đọc lại bài thơ bằng tiếng Việt (thuộc kho tàng "tiếng Việt nội Hán tự"):

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên phận định tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"

Và đây là "tiếng Việt ngoại Hán tự":

"Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận ở sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời"

* THAY LỜI KẾT LUẬN

Những ai mượn vỏ bọc "làm trong sáng tiếng Việt" nhằm kích động bức tử âm Việt-Hán trong kho tàng TIẾNG VIỆT, thực chất là cái bẫy để tới một lúc nào đó... chúng ta bị buộc phải học đọc bằng tiếng Tàu (mà tôi đã phân tích trong bài).

Kho tàng tiếng Việt nội Hán tự (âm Việt-Hán), theo giới nghiên cứu ngôn ngữ khảo sát, chiếm ít nhứt từ 60% trở lên trong tiếng Việt mà chúng ta đang dùng hiện nay. Nếu... bức tử, tức là chúng ta đã tự cắt đi phân nửa cơ thể ngôn ngữ tiếng Việt.

Làm như vậy là khôn hay dại ?

------------------------------------------------------------------

Nguyễn - Chương MtNguồn:  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét