ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2021

Bà Triệu thuộc dòng dõi của Triệu Đà (Triệu Võ Đế)

 BÀ TRIỆU THUỘC DÒNG DÕI CỦA TRIỆU ĐÀ (TRIỆU VÕ ĐẾ)

* Luận về chữ nghĩa: Anh Thư / Anh Hùng.

&1&

"Đầu voi phất ngọn cờ vàng...", câu thơ trong Đại Nam quốc sử diễn ca, tôn vinh BÀ TRIỆU - tên thật là Triệu Thị Trinh, sống vào thế kỷ thứ 3 (225–248). Theo sử liệu, xin quí bạn chú ý: Bà Triệu thuộc dòng dõi của Triệu Võ Đế (TRIỆU ĐÀ) (*), đây là vị hoàng đế lập ra nước Nam Việt mà lãnh thổ bao trùm đồng bằng sông Hồng lẫn Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây).

Nguyễn Trãi, trong "Bình Ngô đại cáo", đã trân trọng nhắc đến: "Từ TRIỆU, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng ĐẾ một phương" (Triệu mà xưng Đế, chính là Triệu Võ Đế). Trước đó, vào thời Trần, vị Anh hùng dận tộc Trần Hưng Đạo cũng đã ngưỡng vọng gọi Triệu Võ Đế (Triệu Đà) là "vị Đế đầu tiên của nước Việt"!

&2&

Chỉ mới khoảng 60 năm trở lại đây thôi, từ thập niên 60 ở miền Bắc chuyển sang kết án Triệu Đà là "giặc" (!), và sau tháng 4/1975 thì ở miền Nam cũng phải rập theo quan điểm ném đá.

Quí bạn cần lưu ý giùm rằng: chỉ trong vòng 60 năm rất ngắn ngủn so với lịch sử dân tộc mới có sự "đổi chiều" như vậy mà thôi.

Còn trong suốt chiều dài hàng mấy trăm năm, hàng bao thế kỷ từ đời Trần (Trần Hưng Đạo), rồi Nguyễn Trãi (đời Hậu Lê) đều truy nhận Triệu Đà là vị Đế trong dòng sử Việt.

Nếu "quán triệt" quan điểm của những người chép sử đời nay (kết án Triệu Đà) thì Trần Hưng Đạo lẫn Nguyễn Trãi hóa ra là "mê muội" đã nhận "giặc" (Triệu Đà) làm tiền bối hay sao?

Bạn chọn sự "mê muội" của anh hùng Trần Hưng Đạo kiệt xuất, của Nguyễn Trãi lỗi lạc, hay bạn đi theo cách giải thích của “đỉnh cao trí tuệ”? Tùy bạn, ở đây tôi miễn tranh luận.

Còn tôi, nguyện đi theo sự "mê muội" của cụ Nguyễn Trãi.

Để được tôn vinh Bà Triệu bất chấp... hồ sơ lý lịch của bà thuộc dòng dõi "giặc" Triệu Đà!

&3&

Khi nước Nam Việt sụp đổ, con cháu của Triệu Đà đã chạy xuôi về phương Nam, đến Thanh Hóa trú ngụ. Họ kết giao với người Mường, và sau nhiều đời đã trở thành một dòng họ thanh thế tại Na Sơn xứ Mường.

Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) đã tiếp nối truyền thống tổ tiên mà dấy binh khởi nghĩa chống lại giặc Đông Ngô. Bà được gọi là một ANH THƯ lẫm liệt của nước Việt!

*&*

Sẵn đây, giải thích chữ nghĩa chút đỉnh.

ANH THƯ" dùng để chỉ người tài giỏi thuộc nữ giới. Còn "ANH HÙNG" dùng để chỉ người tài giỏi thuộc nam giới.

("anh" là tài giỏi; "thư" là chim mái; "hùng" là chim trống)

Vậy, kêu "nữ anh hùng" - mà "hùng" thuộc giống đực, đi ghi chú thêm chữ "nữ" - tức là ... lưỡng tính hay sao?

Tuy nhiên, quí bạn vẫn thấy người ta dùng danh xưng "nữ anh hùng". Lý do? Theo giới khảo cứu, đây thuộc về tiềm thức "trọng nam khinh nữ" chi phối trong ngôn ngữ cả Đông lẫn Tây.

Nói chút qua tiếng Anh để dễ hình dung:

"MAN" nghĩa là đờn ông, đồng thời còn mang nghĩa khái quát là "người/con người" - đây là dấu vết của "trọng nam khinh nữ", thành thử "MAN" được coi là đại biểu chung cho con người luôn.

Sau này, trong tiếng Anh thiên về việc dùng chữ "PERSON" với ý nghĩa là "người/con người". Người nam thì "male person", người nữ là "female person" (không dùng "man" với ý nghĩa bao quát nữa, mà chỉ còn cái nghĩa "đờn ông" đối trọng với "đờn bà" là "woman").

Để bình đẳng giới đâu ra đó, không gì hay cho bằng là dùng danh xưng "ANH THƯ" để chỉ người nữ kiệt xuất, hay ơi là hay! Như Bà Triệu, Bà Trưng - ngày trước trong cách gọi của người Việt chúng ta - đây là những vị ANH THƯ ./.

-------------------------------------------------

(*): Tôi ghi chú vắn tắt, để mọi người yêu sử Việt thì hãy chịu khó tìm hiểu. Cơ bản nhứt, hãy vào Google tìm "Triệu Thị Trinh", "Bà Triệu" là có nêu những nguồn tài liệu dẫn chứng điều tôi ghi chú.


Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét