ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

Xin có đôi lời góp ý về: Chuyện Đông chuyện Tây trên Kiến thức ngày nay, số 98, có giải đáp về câu “Dán bùa l. mèo”.


ĐỘC GIẢ: Chuyện Đông chuyện Tây trên Kiến thức ngày nay, số 98, có giải đáp về câu “Dán bùa l. mèo”. Xin có đôi lời góp ý như sau. Cái đầu hồi nhà, miền Bắc gọi là vỉ ruồi, miền Trung gọi là khu bị, miền Nam cơ nơi gọi là khu đĩ. Chưa nghe ai gọi đó là cái l. mèo. Câu “Dán bùa l. mèo” bắt nguồn từ một chuyện cổ kể rằng họ hàng nhà chuột họp đại hội bàn cách tiêu diệt giống mèo là kể thù truyền kiếp của chúng. Một con chuột già bày cách đi tìm một phù thủy cao tay xin một lá bùa triệt sản để dán vào bộ phận sinh dục của con mèo cái cho mèo tịt đẻ. Bùa đem về rồi nhưng chẳng có con chuột nào dám xung phong đi làm cái nhiệm vụ hết sức vinh quang mà nguy hiểm đó nên rốt cuộc họa diệt chủng vẫn lơ lửng trên đầu. vì thế câu “dán bùa l. mèo” mới chỉ việc làm không đến nơi đến chốn. Còn về việc dán bùa trong nhà thì người dán là chủ nhà và chỗ dán là cây đòn dông chứ không là cái đầu hồi.

AN CHI: Vẫn có người gọi đó là l. mèo! Chẳng hạn Lê Văn Đức trong Việt Nam tự điển đã ghi và giảng như sau:“l. mèo. Đầu hồi. Góc giụm hình tam giác nơi hai mái nhà giáp nhau”. Chính cái dáng “góc giụm hình tam giác” đã gợi ý cho người bình dân gọi nó là cái l. mèo đấy. Miền Bắc gọi đầu hồi là đầu hồi, còn vỉ ruồi (= đầu hồi) là một hiện tượng lâm thời thuộc về lời nói chứ không phải là một đơn vị từ vựng cố định. Vỉ ruồi theo nghĩa đen xuất hiện trong phong trào vệ sinh yêu nước tại chiến khu Việt Bắc và một số vùng tự do khác thời kháng chiến chống Pháp. Người ta đan những cái vỉ nhỏ bằng tre, cỡ bàn tay và thường là hình tam giác, để đập ruồi nên mới gọi là vỉ ruồi. Một ít người đã dùng lối ẩn dụ mà gọi cái đầu hồi nhà là vỉ ruồi nhưng đây tuyệt nhiên không hề là một cách gọi phổ biến. Đến như khu bịkhu đĩ thì đây lại là hai lối nói trại của thu kỉ (Xem, chẳng hạn, sđd, của Lê Văn Đức hoặc Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của) mà lối nói trại này suy đến cùng cũng là do ảnh hưởng gián tiếp của l. trong l. mèo (các từ khu, đít, trôn đều có thể dùng theo uyển ngữ để chỉ cái l.).
“Chuyện cổ” mà ông đã kể lại để giải thích sự ra đời của câu “dán bùa l. mèo” không phải là xuất xứ đích thực của thành ngữ này. Đó là lối giải thích mà ngữ học gọi là từ nguyên dân gian. Phàm khi người ta chưa hiểu được xuất xứ đích thực của một hiện tượng từ vựng thì người ta đặt ra một câu chuyện có liên quan đến nghĩa của từng yếu tố cấu thành nó để giải thích nguồn gốc của nó. Câu chuyện đó thường rất thú vị nhưng nó lại chẳng có liên quan gì đến nguồn gốc đích thực của đơn vị từ vựng đang xét cả.
 Về vấn đề người dán bùa và chỗ dán bùa mà ông đã nêu, để trả lời, chúng tôi xin trích dẫn Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cương như sau: “Cách thức và những phong tục về sự làm nhà thực là bách quang thập sắc; từ nhà nghèo đến nhà giàu, từ miền này sang miền khác, nhất là xứ Bắc với xứ Trung và xứ Nam, ta thấy khác nhau rất nhiều”(1). Vậy không thể lấy những điều do ông nêu lên mà làm tiêu chuẩn để đánh giá đúng sai được.

1. Nxb.Bốn phương, Sài Gòn, không ghi năm, tr.179.

Kiến thức ngày nay, số 106, ngày 15-4-1993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét